Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở phát kinh tế nông nghiệp vùng Nam Trung bộ

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý cho khu vực các tỉnh Nam Trung bộ cần có cái nhìn khác để tạo ra trị mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp.

Sáng 4/2, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa),Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Tham gia hội nghị có các cơ quan trực thuộc Bộ NN-PTNT, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa; các Giám đốc Sở NN-PTNT từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận và một số doanh nghiệp tiêu biểu.

Empty

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Ảnh: KS.

Cần có cái nhìn khác

Trước khi các địa phương phát biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt câu hỏi cho lãnh đạo Sở NN-PTNT khu vực các tỉnh Nam Trung bộ ngoài các vấn đề lợi thế đã nhìn thấy, chúng ta còn giá trị gì khác mà chưa nhìn thấy. Bởi theo Bộ trưởng, khi chúng ta nhìn cái gì khác sẽ tạo ra giá trị mới để phát kinh tế nông nghiệp.

Mở đầu cho câu trả lời này, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết, khu vực Nam Trung bộ có lợi thế vừa có rừng, vừa có biển, cùng với đó có nền nhiệt độ cao. Do đó, việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng cũng như phát triển cây gia vị rất thích hợp.

Đối với tỉnh Phú Yên, ngoài lợi thế phát triển lĩnh vực thủy sản như khai thác cá ngừ và nuôi tôm hùm, theo ông Tùng, địa phương đang đi theo hướng phát triển cây dược liệu, kết hợp chế biến sâu để tăng nguồn thu nhập cho nông dân.

dảo bình ba (7)

Nam Trung bộ có thế mạnh về kinh tế biển, nhất là nuôi trồng thủy sản. Ảnh: KS.

"Chúng tôi đang tham mưu cho tỉnh để xây dựng phát triển cây cao lương sinh khối để liên kết với một tập đoàn của Nhật Bản; áp dụng khoa học công nghệ để tạo năng suất khoảng 100 tấn/ha. Hiện bước đầu chúng tôi đang triển khai mô hình 35 ha, nếu sinh trưởng và phát triển tốt sẽ mở rộng vùng nguyên liệu và chế biến”, ông Tùng chia sẻ và cho biết thêm, địa phương cũng đã chuẩn bị các khu ứng dụng cho tập đoàn này. Cũng như tìm giải pháp giảm chi phí đầu vào trong sản xuất lúa, liên kết với doanh nghiệp để xây dựng vùng lúa chất lúa chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu.

Còn ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết, tỉnh đang định hướng phát triển cây dược liệu trồng nấm linh chi dưới tán rừng. Thời gian qua, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm triển khai mô hình này; đồng thời lấy sản phẩm gửi sang Nhật Bản để đánh giá chất lượng. Nếu phát triển được cây dược liệu này sẽ tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nhất là vùng đồng bào dân tộc.

thanh long Bình Thuận (13)

Bình Thuận là thủ phủ sản xuất thanh long của cả nước. Ảnh: KS.

Ông Từ Văn Tám, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, cho biết, đặc điểm của Quảng Ngãi có lợi thế về đồi núi và nhiều hồ đập. Hiện nay tỉnh có hướng phát triển mới đó là phát triển nuôi trồng thủy sản trong các hồ.

“Năm vừa qua chúng tôi đã triển khai nuôi thủy sản một số hồ và trong năm nay sẽ tiếp tục đẩy mạnh vấn đề đó”, ông Tám nói.

Về rừng hiện Quảng Ngãi chủ yếu trồng cây keo, tuy nhiên lâu nay chủ yếu xuất khẩu dăm gỗ. Do đó, để tăng giá trị từ rừng hiện tỉnh đã chỉ đạo định hướng giảm xuất khẩu thô, đẩy mạnh sản xuất khẩu tinh. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi còn có lợi thế đối với cây quế Trà Bồng, hiện địa phương cũng phát triển đa dạng sản phẩm, tăng giá trị chẳng hạn như tinh dầu quế…

Phải đổi mới tư duy

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), cho biết, để phát triển kinh tế nông nghiệp tại vùng Nam Trung bộ, trước mắt chúng ta cần nhìn rõ những thách thức.

Empty

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham quan các sản phẩm nông nghiệp chế biến của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Theo ông Việt, những thách thức lớn tại vùng này đó là biến đổi khí hậu, bão lũ gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, quy mô nền kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp sản xuất quy mô nhỏ nhẻ, manh mún và khắc phục tương đối chậm. Ngoài ra, nguồn lực cho nông nghiệp còn hạn chế…

Do đó, để nâng cao thu nhập cho người dân, nếu chỉ phát triển nông nghiệp thì rất khó khăn. Do đó, chúng ta phải phát triển theo kinh tế nông nghiệp.

Ông Việt gợi ý hướng phát triển đối với vùng Nam Trung bộ vừa khai thác thủy sản, vừa nuôi trồng và phát triển rừng. Rừng thì phát triển cây dược liệu dưới tán rừng; còn đồng bằng vừa chăn nuôi, vừa trồng trọt.

Cùng với đó, các địa phương cần xác định các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc hữu phục vụ cho du lịch. Ngoài ra, cần đẩy mạnh chuỗi liên kết vùng, cũng như phát triển nông nghiệp gắn với kinh tế nông nghiệp, gắn với du lịch, chế biến để nâng cao thu nhập cho người dân…

cá ngừ dọc dưa (4)

Nam Trung bộ cũng có thế mạnh về khai thác thủy sản. Ảnh: KS.

Còn ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, cho rằng, lâu nay, chúng ta cứ chạy phong trào theo sản lượng, điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng nguồn lợi và môi trường. Do đó, các địa phương cần phải thay đổi, vừa khai thác vừa tăng cường bảo tồn, cũng như thực hiện chuyển đổi nghề cho người dân khai thác gần bờ.

Bên cạnh đó, đối  với dải ven biển miền Trung từ Quảng Ngãi đến Phú Yên có tiềm năng rong biển rất lớn và hiện nay đầu ra tiêu thụ tương đối dồi dào. Do đó, các địa phương cũng cần chú trọng phát triển nuôi trồng, nhất là các khu đồng quản lý để người dân vừa tăng sinh kế, vừa bảo vệ môi trường ven biển.

Đối với cảng cá hiện nằm trong các thành phố, ông Luân gợi ý các địa phương cần tích hợp đa giá trị gắn với du lịch. Nếu làm được điều này các sản phẩm của chúng ta cũng sẽ được tiêu thụ tốt tại chỗ, không cần xuất đi đâu xa…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở: Nếu chúng ta không tìm không gian phát triển mới mà chỉ bó hẹp về sản xuất, về sản lượng, về diện tích rừng, diện tích trồng trọt, diện tích mặt biển… thì chúng ta không thể đột phá được.

Theo Bộ trưởng, nền nông nghiệp của chúng ta là nền nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, tự phát và ngành ngư nghiệp cũng gần như vậy. Đây là cái bẫy mà chúng ta phải vượt qua và tổ chức lại hệ sinh thái ngành hàng, không gian ngành hàng, từ sản xuất, đầu nậu, doanh nghiệp… Cùng với phải phát huy ngành hàng vì hiệp hội ngành hàng là nơi dẫn dắt.

Empty

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham quan nhà máy chế biến yến sào của Công ty Yến sào Khánh Hòa. Ảnh: KS.

“Khi chúng ta không có hệ sinh thái bền vững thì ngành hàng đó không thể phát triển bền vững được”, Bộ trưởng nói và đề nghị các địa phương trước tiên phải đổi mới tư duy, vì khi tư duy mở thì không gian phát triển sẽ mở ra và tạo ra không gian giá trị mới. 

Đối với thách thức chúng ta đang gánh chịu bởi biến đổi khí hậu, Bộ trưởng mượn cuốn sách nói về vấn đề này, đó là khí hậu đang biến đổi, tại sao chúng ta không thay đổi?

Vì nếu không thay đổi chúng ta còn khó khăn hơn nữa, còn chậm thay đổi càng bế tắc hơn nữa. Chúng ta cân nhắc quá nhiều về cái giá phải trả phải thay đổi, nhưng chúng ta không cân nhắc cái giá nếu chúng ta không thay đổi. Ví dụ về vấn đề này, Bộ trưởng nhắc đến vấn đề IUU là chúng ta phải thay đổi để gỡ "thẻ vàng" của EC và quản lý nghề cá được tốt hơn.