Theo phó chủ tịch cao cấp Stella Li, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD đang đặt mục tiêu trở thành thương hiệu công nghệ hàng đầu trong ngành ô tô và được xem là ngang hàng với các thương hiệu lớn trong vòng nửa thập kỷ.
“Trong năm năm tới, chúng tôi mong muốn người tiêu dùng nhìn nhận BYD như một trong những thương hiệu châu Âu, và khi họ nghĩ về BYD, họ sẽ nghĩ về nó như là Apple của ngành công nghiệp ô tô,” bà chia sẻ với tờ Auto Express. “BYD muốn mọi người cảm thấy rằng chúng tôi là một công ty châu Âu và là một nhà sản xuất đã tạo dựng được chỗ đứng tại đây.”
Một phần của quá trình xây dựng thương hiệu sẽ là sự nối tiếp các hoạt động như gian hàng tại sự kiện Goodwood Festival of Speed và tài trợ cho giải bóng đá Euro 2024.
“Chúng tôi sẽ tham gia ngày càng nhiều vào các sự kiện văn hóa,” Li tiếp tục. “Khi ngày càng có nhiều người tham gia và nhiều người lái xe của chúng tôi, có lẽ trong chưa đầy năm năm, BYD có thể đạt được mục tiêu.”
BYD mới đây cho biết hãng sắp mở trụ sở mới tại Anh, với một tầng dành riêng cho đội ngũ kỹ sư đảm nhiệm các vấn đề kỹ thuật, đảm bảo xe vận hành tốt trên đường phố, một động thái cũng đang được nhân rộng ở Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha.
“Chúng tôi tập trung vào những điều mà người tiêu dùng đang muốn tìm kiếm, trải nghiệm” Li tiếp tục. “Người tiêu dùng Trung Quốc có những yêu cầu nhất định và chúng tôi phát triển xe dành cho họ, nhưng người tiêu dùng Anh có nhu cầu khác, và họ cũng sẽ không giống với người tiêu dùng Pháp và người tiêu dùng Ý.”
Việc phát triển xe BYD tại châu Âu sẽ được thực hiện tại cơ sở sản xuất và R&D ở Budapest, Hungary, để qua đó bắt đầu sản xuất hàng loạt các phương tiện vào cuối năm 2025.
“Chúng tôi sẽ sản xuất tất cả các xe mà chúng tôi đang bán ở châu Âu, vì vậy đến thời điểm đó BYD sẽ thực sự trở thành một thương hiệu châu Âu,” Li nói.
Bà phủ nhận việc mối đe dọa về thuế quan của EU đối với ô tô sản xuất tại Trung Quốc là một phần dẫn tới quyết định sản xuất tại Hungary.
“BYD là một công ty toàn cầu và chiến lược của chúng tôi là tăng cường nội địa hóa ở các khu vực khác nhau, vì vậy ngay cả khi không có thuế quan, BYD vẫn quyết định xây dựng nhà máy và cơ sở nghiên cứu ở châu Âu.”
Nếu thực sự hoàn thành mục tiêu chiếm lĩnh thị phần tại châu Âu, BYD sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm của VinFast ở thị trường này. Gần đây, hãng xe Việt Nam cũng có nhiều động thái tăng tốc để mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng lục địa già.
Theo Motor1, VinFast hiện đã công bố một mẫu SUV điện cỡ nhỏ mới, đó là VF 6. Mẫu xe điện này là mẫu xe thứ hai của VinFast tại châu Âu sau VF 8.Phương tiện dự kiến bắt đầu được phân phối trong năm nay.
Tương tự như Kia, VinFast cung cấp chính sách bảo hành bảy năm hoặc 160.000 km (100.000 dặm). Chuỗi cửa hàng dịch vụ và phụ kiện Mobivia của Pháp, với 1.200 xưởng dịch vụ tại Pháp và Đức, sẽ chịu trách nhiệm bảo dưỡng và sửa chữa. Ngoài ra, một quan hệ đối tác đã công bố với Bosch sẽ cung cấp cho khách hàng quyền truy cập vào 700.000 điểm sạc tại 30 quốc gia châu Âu.