Chế tài xử lý người phát tán clip vụ chủ shop thoát khỏi tay kẻ hiếp dâm

Chuyên gia luật cho rằng, clip vụ chủ shop ở Vĩnh Phúc thoát khỏi kẻ hiếp dâm bị phát tán trên mạng xã hội, sẽ gây ảnh hưởng tâm lí với nạn nhân.
Chế tài xử lý người phát tán clip vụ chủ shop thoát khỏi tay kẻ hiếp dâm
Luật sư Nguyễn Văn Đồng nói về chế tài xử lý với người phát tán clip nữ chủ shop quần áo thoát khỏi kẻ hiếp dâm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, vụ hiếp dâm xảy ra tại Vĩnh Phúc gây rúng động dư luận khi đối tượng ngang nhiên mang dao vào cửa hàng quần áo để khống chế chủ cửa hàng nhằm thực hiện hành vi hiếp dâm.

Điều khiến dư luận quan tâm đó là ứng xử khôn khéo của nạn nhân khi trì hoãn, tìm sơ hở của hung thủ để đối phó. Cuối cùng, nữ chủ cửa hàng đoạt lấy dao khiến hung thủ bỏ chạy và bị người dân hỗ trợ vây bắt.

Trước sự việc này, dư luận vừa bức xúc với nghi phạm nhưng cũng vừa tán đồng kỹ năng đối phó tình huống nguy hiểm của chủ cửa hàng.

Tuy nhiên, trong sự việc này không rõ nguồn gốc video do cá nhân nào phát tán trên mạng xã hội. Luật sư cho rằng, hành vi phát tán video có thể vô tình khiến cho nạn nhân bị ảnh hưởng nhiều về mặt tinh thần, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

Vì vậy, hành vi này tùy tính chất mức độ sẽ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi phát tán video này gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của nạn nhân, gây hoang mang trong dư luận. Bởi vậy, ngoài việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xử lý hành vi hiếp dâm của hung thủ, cơ quan chức năng cũng sẽ xác minh nguồn gốc đoạn video trên do ai phát tán lên mạng; mối quan hệ giữa người phát tán và nạn nhân, mục đích phát tán là gì, để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.

Hiện nay, pháp luật quy định tín, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ bằng các chế tài dân sự, hình sự và hành chính.

Nếu cá nhân bị lộ video, hình ảnh, thông tin cá nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm hoặc thiệt hại khác thì có thể yêu cầu người thực hiện hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị xâm phạm phải gánh chịu.

Trường hợp sử dụng hình ảnh nhằm cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên nền tảng mạng xã hội thì hành vi vi phạm này được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Trường hợp người có hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” theo quy định tại điểm e, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người thực hiện hành vi sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Nếu hành vi đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người vi phạm có thể sẽ bị xử lý về Tội đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Người thực hành vi sẽ bị xử phạt phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm;

Hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm đối với các vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015.