Chủ nhân của 'làng sen' rộng hơn 50 ha giữa Thủ đô

Ai có dịp qua trung tâm hành chính của huyện Mê Linh, TP Hà Nội đều không khỏi sửng sốt vì một đầm sen mênh mông trước mặt, ngan ngát hương đưa.

Bán không khí trong lành cho người trốn khói bụi

Chủ nhân của “làng sen” lớn nhất nước, hơn 50 ha ấy là anh nông dân Lã Quang Khanh, người thôn Liễu Trì, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Nhà anh đông tới 12 anh em, trước đây mỗi năm cấy 2 vụ lúa, lam lũ thật nhiều nhưng mà vẫn thiếu đói triền miên.

Từ năm 1994 dân trong làng bắt đầu chuyển dịch sang trồng hoa hồng, dần dần có tiền nhưng bị đầu độc ngấm ngầm bởi vô số loại thuốc hóa học thấm xuống đất đai, nguồn nước, thấm xuống vai áo người đẫm hồ hôi trong quá trình canh tác.

Anh Khanh (bên phải) đang thu hoạch sen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Khanh (bên phải) đang thu hoạch sen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng vì mải mê đuổi theo giấc mơ làm giàu từ hoa hồng mà những ruộng lúa một vụ quanh cái đầm làng bị bỏ hoang mỗi lúc một nhiều. Một lần nhìn cánh đồng hoang ấy anh Khanh bỗng nảy ra ý nghĩ thuê đất để trồng sen và nhờ trưởng thôn thông báo cho toàn thể dân làng ra hội trường họp để đàm phán với mức 25 kg thóc/sào/năm. Đó là năm 2017.

Lúc đầu anh chỉ thuê được một diện tích cỡ 15 ha, sau đó dần mở rộng ra, đến nay đã lên đến 52 ha thuộc địa bàn 2 thôn Liễu Trì và Hạ Lôi. Từ trồng sen chuyên để bán hoa, ướp trà, 3 năm nay anh còn mày mò học cách trồng sen để bán phông nền cho khách chụp ảnh, bán không khí trong lành cho khách chạy trốn khói bụi ô nhiễm chốn thị thành. Phí để giữ hoa lại cho mỗi khách vào chụp ảnh, trải nghiệm như thế người lớn là 30.000đ, còn trẻ con đi kèm thì miễn, không giới hạn thời gian, có thể ở chơi cả buổi hay cả ngày cũng được.

Thời điểm đông đầm sen của anh có ngày thu hút tới vài trăm người đến tham quan: “Mùa sen bắt đầu rộ từ ngày 19/5, khách đến trải nghiệm, buổi sáng từ 4h30-7h có thể đi thuyền cùng công nhân hái sen hồng Bách Diệp Tây Hồ vì loại này phải thu trước lúc mặt trời mọc, bông vừa hé mở mới giữ được nguyên hương.

Hái xong thì khách về làm trà sen cùng các nghệ nhân bằng cách thả trà vào từng bông sen rồi gói lại bằng lạt. Từ 7h-9h phải buộc xong hoa, cắm vào trong nước, nuôi chúng qua đêm, sớm hôm sau mới cắt rời cuống ra, hút chân không, cho vào cấp đông bảo quản. Trà Tân Cương của Thái Nguyên là hợp nhất để ướp sen, mỗi kg cần chừng 60 bông sen. Loại trà này chúng tôi đang bán 1,2 triệu/kg.

Cầu kỳ hơn là dòng trà ướp khô đúng kiểu cổ truyền, phải hái bông sen, tách riêng phần gạo trong đó, rải cứ mỗi lớp trà là mỗi lớp gạo rồi đem hấp cách thủy. Phải mất 1.500 bông sen mới được 1kg trà, lại mất hơn 20 ngày mới làm xong 1 mẻ, với nhiều công đoạn cầu kỳ như vậy nên giá bán cỡ 8-10 triệu/kg. Loại trà đặc biệt này hướng đến khách hàng cao cấp hay gửi đi nước ngoài làm quà tặng.

Buổi chiều từ 4h khách có thể trải nghiệm hái sen trắng Tây Hồ và sen trắng Quan Âm, bó lại thành từng bó 10 bông, loại này thường bán cho chợ hoa Quảng Bá trong nội thành Hà Nội để cắm trưng bày chứ không ướp trà được vì hương thơm kém hơn. Vào mùa rộ, mỗi ngày tôi thu hái cỡ 10.000 bông hoa sen các loại, vừa bán đi chợ, vừa bán cho khách hàng ngay tại chỗ cùng với các sản phẩm trà”…

Niềm vui của chủ đầm sen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Niềm vui của chủ đầm sen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bên cạnh đó không thể thiếu được là hoạt động chụp ảnh check in cùng đầm sen, thích hợp nhất từ 7h sáng và cỡ 4h chiều trở đi, lúc ánh sáng trong ngày còn dịu để đảm bảo cho những khung hình đẹp nhất. Có những đoàn khách mải mê chụp đến mức rãi nắng 37-38 độ C cả buổi ngoài trời, mặt mũi đỏ gay, chủ đầm chỉ lo sợ ốm mà họ vẫn cứ nói cười hớn hở như không.

Chụp ảnh chán ngoài đầm rồi, khách về còn được thưởng thức hương thơm của tách trà sen ngay tại những căn chòi lộng gió.

“Vào mùa sen tôi không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật nên có thể tận dụng nhiều bộ phận như ngó sen, củ sen, lá sen, hoa sen để chế biến thành các loại trà sạch như trà ướp sen, tâm trà sen, hạt trà sen, trà lá sen… Ngoài ra sen còn là gia vị, thành phần của những món ẩm thực rất độc đáo như kẹo sen, nộm ngó sen, củ sen hầm thuốc Bắc… mà tôi rất muốn phục vụ khách nhưng do đây là đất nông nghiệp nên không làm được nhà hàng. Tuy nhiên khách có thể mang đồ đến rồi dựng ô, dựng lều, trải bạt ngồi ăn ngay trên bờ đầm hay có thể đặt chúng tôi chế biến rồi vừa thưởng thức tại các căn chòi lá vừa hóng gió, ngắm sen.

Cá dưới đầm sen tôi không nuôi bằng thức ăn công nghiệp, rất thơm ngon, tuy nhiên không phải ai cũng biết đến vì chưa có thương hiệu. Do đó mấy chục tấn cá thu hoạch cuối năm tôi vẫn phải bán ở chợ, giá chỉ ngang với cá bình thường, cỡ 50-55.000đ/kg, rất thiệt thòi! Ngoài cá ra còn có thể thả được 2 lứa vịt khi hết mùa sen, bơi lội nơi đầm rộng, thịt của chúng chất lượng cũng hoàn toàn khác biệt”, anh Khanh bày tỏ…

Những đóa sen trắng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những đóa sen trắng. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Khách đến ngoài trải nghiệm ngay tại đầm sen của anh Khanh còn có thể kết nối với nhiều điểm du lịch khác như du lịch tâm linh thì về đền Hai Bà Trưng, du lịch nông nghiệp thì qua Tráng Việt nhổ rau củ quả, du lịch hoa hồng thì về Mê Linh, du lịch sinh thái thì lên đồi Bác Hồ ở xã Thanh Lâm”.

Mơ về những làng sen suốt dọc dài đất nước

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, mới đây anh Khanh đã lập ra HTX chuyên về sen với hơn 10 thành viên nhưng cốt cán vẫn là bản thân mình bởi đang có hơn 50 ha sen, có máy sấy thăng hoa, máy hút chân không cùng kho lạnh 100m3 để bảo quản trà. Còn các thành viên khác chỉ góp đất nhưng do có công vận động bà con tích tụ ruộng, ủy quyền tất cả cho anh thực hiện mọi hoạt động của HTX, rồi phân chia lợi nhuận dưới dạng các cổ đông.

Hiện trên địa bàn huyện Mê Linh đang quy hoạch nhiều dự án phát triển giao thông, đô thị, điều này có thể ảnh hưởng nhất định đến nghề trồng sen ở đây trong thời gian tới. Để thiết lập vùng nguyên liệu ổn định hơn, anh Khanh đang tìm thêm diện tích thích hợp ở các huyện khác như Phúc Thọ, Mỹ Đức của TP Hà Nội. Với thương hiệu Bạch thiên sen Hải Linh, HTX của anh phấn đấu đa dạng hóa trên dưới 10 sản phẩm từ sen mà đầu tiên trong năm nay sẽ là đầu tư máy sấy thăng hoa để làm khô bông sen có trà bên trong, giúp không cần bảo quản đông lạnh như trước nữa…

Bón phân cho sen vào đầu mùa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bón phân cho sen vào đầu mùa. Ảnh: Dương Đình Tường.

 Trong nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu xây dựng làng nghề sen phát triển bền vững gắn với du lịch tại Việt Nam” do TS Trần Thị Quốc Khánh, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đề ra có ý tưởng về các làng sen khắp dọc dài của Tổ quốc.

Cụ thể sẽ xây dựng được ít nhất 3 mô hình làng nghề sen gắn với du lịch tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Đồng Tháp, đồng thời nghiên cứu để bổ sung thêm huyện Lý Nhân của tỉnh Hà Nam. Mục tiêu là phải lựa chọn ra bộ giống sen, quy trình trồng phù hợp cho các vùng; Công nghệ chế biến và bảo quản các sản phẩm từ sen; Hoàn thiện cấu trúc làng nghề sen gắn với du lịch; Xúc tiến thương mại các sản phẩm từ sen…

Mô hình này được anh Khanh tâm đắc ở chỗ nó có thể giúp gia tăng giá trị cho cây sen và phát triển một cách bền vững nghề sen: “Tôi đang tính phải liên kết với các vùng sen khác trong ở nước để có thể mở một siêu thị về sen. Ở đây, đặc thù trồng sen hương, hợp với chơi hoa và ướp trà, còn sen lấy hạt (sen quỳ) thì phải ở Hưng Yên, hay ở Đồng Tháp có rất nhiều sản phẩm từ sen như kẹo sen, mứt sen, tranh lá sen... Làm sao mà khách vào Đồng Tháp vẫn được uống trà sen Tây Hồ, ở đây vẫn được thưởng thức các sản phẩm sen Đồng Tháp, hay tơ sen từ Mỹ Đức (Hà Nội), hạt sen từ Hưng Yên…”

Anh Khanh bên những gói trà sen vừa gói. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Khanh bên những gói trà sen vừa gói. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vừa nói anh Khanh vừa thong thả đun nước, bóc tách trà ra từ một bông sen, lấy nhúm bỏ vào ấm, đợi ngấm rồi chúng tôi cùng ngồi khề khà chuyện trên giời, dưới biển. Nhịp sống ở đầm sen chậm mà bình yên, đến bữa thì ăn, đến giấc thì ngủ. Chẳng cần phải bật điều hòa bởi đã có gió đồng, chẳng kèn cựa tranh đua vì người với người là bạn và và làm bạn cả với sen, mặc cho cuộc đời bên ngoài kia lắm thị phi, nhiều tất bật.   

Năm 2017, TS Trần Thị Quốc Khánh đã phối hợp với nghệ nhân Phan Thị Thuận ở xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) triển khai thành công việc lấy sợi từ tơ sen để dệt thành vải, trở thành người đầu tiên ở Việt Nam làm được việc này.