Chủ vườn xuôi Nam ngược Bắc để trồng hoa

Lúc tôi gọi điện thì anh Hoàng Văn Trào, chủ vườn hoa Trào Yến rộng 8.000m2 ở xã Tích Giang (Phúc Thọ, Hà Nội) đang đầu tư thêm 1 vườn hoa 6.000m2 ở Đà Lạt…

Không chạy đua theo phong trào

Anh kể với tôi rằng mình cứ xuôi Nam, ngược Bắc như thế để theo đuổi nghề

Các cán bộ khoa học, quản lý nông nghiệp đến thăm vườn cơ sở trồng hoa của anh Trào. Ảnh: NVCC.

Tôi lợi dụng thời tiết mát mẻ quanh năm của Đà Lạt sẽ làm được vụ hoa sớm, lại chủ động giống nên giảm nhiều chi phí. Chuyên sâu về hoa ngắn ngày, năm nay tôi sẽ cho ra thị trường khoảng 100.000 cây hoa gồm cách loại như đồng tiền, dạ yến thảo, phong lữ, đèn lồng, họa mi thân gỗ… với mục tiêu doanh số đạt 3,5 tỉ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 1,1 - 1,2 tỉ đồng”, anh Hoàng Văn Trào cho biết.

Tích Giang là vùng bán sơn địa phân chia rõ ra thành hai khu vực, đồi gò thường xuyên thiếu nước, còn vùng trũng thường xuyên ngập úng nên trước đây trồng lúa vụ được vụ mất. Không chấp nhận cảnh lam lũ của người trồng lúa mà vẫn nghèo khổ, anh Trào tìm đến những vùng hoa nổi tiếng nhất của cả nước để tìm hiểu bí quyết rồi về quyết tâm áp dụng.

Lúc đó, quê anh mới thực hiện xong dồn điền đổi thửa nhưng chính quyền vẫn còn “gò” nông dân vào cây lúa, cấm không cho chuyển đổi sang đối tượng cây trồng khác dù là hiệu quả hơn. Anh đánh liều làm một cái nhà màng rộng 400m2 kiểu tạm bợ để trồng hoa nhưng không thể qua mắt được chính quyền, liền bị lập biên bản, buộc phải tháo dỡ.  

Mấy năm về sau, khi nhận thấy một số hộ trồng hoa cho thu nhập khá, xu thế chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa là không thể cưỡng lại được, chính quyền từ ngăn cấm đã chuyển sang khuyến khích để hình thành nên một vùng chuyên canh các loại hoa, cây cảnh rộng hàng trăm ha. Anh Trào lại càng yên tâm vào sản xuất.

Những chậu hoa sặc sỡ của anh Trào. Ảnh: NNVC.

Những chậu hoa sặc sỡ của anh Trào. Ảnh: NNVC.

Khác với nhiều người cứ nhìn cái gì được tiền trên thị trường là lao vào, không đầu tư chuyên sâu về kỹ thuật, anh luôn hướng đến sản xuất mang tính dài hơi, bền vững.

Anh Trào kể: “Như năm nay hoa trà mọi người trong làng, ngoài xã đang kiếm ăn tốt, chỉ cần chuyển sang tay cho nhau là chênh giá lớn kiểu lan đột biến nhưng tôi thì lại nghĩ khác, hướng đến những loại hoa thiết yếu hàng ngày. Tôi đang đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, bón bằng vi sinh, vi lượng chứ không phải là phân hóa học để tốt cho bộ rễ của cây cũng như đảm bảo màu sắc của hoa. Năm ngoái lắp hết 100 triệu đồng, năm nay lại tiếp tục, tổng cộng chi phí chắc cũng khoảng 200 - 300 triệu đồng.

Khoảng 60% số lượng cây sắp tới trong vườn sẽ được cho ăn theo chế độ riêng mà trước đó tôi đã phải mua một công thức phân bón cho hoa ngắn ngày trồng trong chậu, đảm bảo cho chúng vừa lớn nhanh vừa không bị yếu, bị bệnh.

Vừa rồi, chương trình xây dựng nông thôn mới đã cứng hóa được một số đường đi lối lại ngoài đồng, năm nay sẽ phấn đấu hoàn thành nốt. Trong quá trình phát triển ngành nghề hoa cây cảnh, địa phương vẫn đang ủng hộ chúng tôi bằng những chính sách khá thông thoáng như cho phép cải tạo mặt bằng ở những nơi úng trũng, giờ chỉ cần được đầu tư mấy trạm điện ra đồng nữa thì rất tiện. Điện đang là vấn đề cần thiết bởi gia đình nào muốn kéo ra đồng đều phải tự bỏ hơn 10 triệu đồng, mà hộ nào cũng kéo như thế thì tuyến đường giao thông sẽ chằng chịt những dây điện như một cái mạng nhện, gây mất an toàn.   

Anh trào đang cắt tỉa cho hoa. Ảnh: NNVN.

Anh trào đang cắt tỉa cho hoa. Ảnh: NNVN.

Về kỹ thuật, tôi chưa thấy được sự quan tâm của trên là mấy. Nông dân chúng tôi rất cần những buổi tọa đàm, hỏi đáp với các nhà khoa học nhưng cũng không thấy tổ chức gì. Về chính sách đầu tư hỗ trợ tôi thấy vẫn còn khá “non”. Như vừa rồi tôi có đại diện nhóm trồng hoa, cây cảnh của xã, được Hội Nông dân Thành phố cấp 600 triệu đồng để cho 12 hộ vay ưu đãi, số lượng rất ít mà nhiều người có nhu cầu quá. Còn các nguồn vốn ưu đãi khác thủ tục cho vay khá phức tạp, lãi suất lại không chênh nhau là mấy so với ngân hàng”.

Chuyên nghiệp hóa nghề trồng hoa

Ngày 12/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, trong đó chính thức xác định hoạt động sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh trở thành một trong những ngành nghề phát triển nông thôn. Tính đến nay, cả nước có khoảng 45.000 ha hoa cây cảnh, đạt doanh thu 6.500 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu hơn 60 triệu USD. Cả nước đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất hoa cây cảnh đạt từ 800 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm.

Hà Nội là một trong những ví dụ về việc phát triển nông nghiệp đô thị bằng hoa, cây cảnh, vừa để tạo sinh kế cho nông dân, vừa đáp ứng cho nhu cầu mỗi lúc một cao của người tiêu dùng thành phố…

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết: Thủ đô đã hình thành được 47 vùng sản xuất hoa, tổng diện tích hơn 1.800 ha với quy mô trung bình từ 10 ha đến 20 ha/vùng tại các quận, huyện như Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Gia Lâm…

Điều đáng nói là trong đó, diện tích trồng hoa chất lượng cao đã chiếm hơn 30% và đang được nhân rộng mỗi lúc một nhanh với nhiều chủng loại như cúc, ly, lan… Bước đầu sản phẩm đã xuất khẩu sang được những thị trường khó tính.

Xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm là làng hoa mới nổi của Hà Nội. Mọi việc chỉ mới bắt đầu từ cách đây hơn 20 năm, khi một số nông dân tiên phong trong vùng đã mạnh dạn chuyển từ trồng ngô ngoài bãi sang trồng hoa giấy và cây cảnh, để đến nay phát triển thành hơn 300 hộ với tổng diện tích gần 100 ha, cho thu nhập bình quân từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha.

Thu nhập từ hoa gấp hàng chục lần so với lúa. Ảnh: NVCC.

Thu nhập từ hoa gấp hàng chục lần so với lúa. Ảnh: NVCC.

Để chuyên nghiệp hóa nghề này, năm 2020, Hà Nội đã công nhận Phù Đổng là làng nghề hoa giấy, hỗ trợ cho xã xây dựng thương hiệu tập thể để khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường hoa nội địa, hướng tới vươn ra thị trường hoa quốc tế…

Trang trại rộng hơn 4 ha của ông Nguyễn Đông Thắng ở Phù Đổng quanh năm rực rỡ các loại hoa giấy đủ kích cỡ, đủ sắc màu. Một chậu hoa giấy ở đây có giá từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu, chục triệu đồng. Không chỉ có loại hoa giấy truyền thống của người Việt mà còn rất nhiều loại hoa giấy của Thái Lan, Trung Quốc được ghép vào đã tạo doanh thu cho chủ nhân trung bình 2 - 3 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, Thủ đô sẽ mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh lên 8.000ha, trong đó diện tích chuyên canh khoảng 5.000 ha. Những vùng này trồng chủ yếu là hoa lan, ly, hồng, cúc... có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường Thủ Đô và hướng tới xuất khẩu nên ứng dụng nhiều công nghệ cao vào trong các khâu như chọn tạo giống, điều khiển ánh sáng, nhiệt độ, tưới, quản lý dinh dưỡng...

Hà Nội sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX tại các vùng như vậy từ cơ sở hạ tầng điện, đường, kho tàng, bến bãi đến các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ; đồng thời gia tăng tỷ lệ đồng bộ trong quá trình áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu sản xuất, sơ chế, bảo quản kho lạnh, đến vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ...

Hà Nội còn chú trọng vào khâu xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hoa, đồng thời tăng cường việc nghiên cứu khoa học liên kết với các vụ, viện để hình thành nên các vùng sản xuất hàng hóa hoa đủ mạnh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.