Chuỗi ngành hàng trái cây phải được chuẩn hóa từ khâu tổ chức sản xuất đến thương mại

Một trong những vấn đề cốt tử không chỉ bưởi da xanh mà nhiều loại cây trồng khác đang gặp phải là chất lượng chưa cao, không đồng đều.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chuỗi ngành hàng trái cây phải được chuẩn hóa từ khâu tổ chức sản xuất đến thương mại. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chuỗi ngành hàng trái cây phải được chuẩn hóa từ khâu tổ chức sản xuất đến thương mại. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chuẩn hóa từ khâu tổ chức sản xuất

“Vấn đề lớn nhất cần giải quyết để tăng cường liên kết chuỗi giá trị ngành hàng trái cây của Việt Nam hiện nay là thay đổi nhận thức xã hội, nhận thức từ cán bộ nông nghiệp cơ sở. Chuỗi ngành hàng phải được chuẩn hóa từ khâu tổ chức sản xuất đến thương mại.

Các viện và một số cơ quan liên quan của Bộ cần ngồi lại để chuẩn hóa các quy trình canh tác phù hợp với thị trường trong tình hình mới”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gợi mở vấn đề tại cuộc họp hợp nhất quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác ngày 9/5.

Theo Bộ trưởng, tư duy sản xuất trước, chạy theo thị trường sau là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và tự phát.

“Chúng ta chưa có sự rạch ròi giữa khái niệm sản phẩm và thương phẩm. Sản phẩm là những gì ta có, ta làm được, ít cần thay đổi mà vẫn có thể duy trì cuộc sống ở mức độ nào đó nếu ta làm và bán nó. Còn thương phẩm là những sản phẩm tiếp cận được thị trường, là thứ mặc định mà người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền ra để mua”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.

Tư duy 'sản xuất trước, chạy theo thị trường sau' là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và tự phát. Ảnh: Chương Đài.

Tư duy "sản xuất trước, chạy theo thị trường sau" là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và tự phát. Ảnh: Chương Đài.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, để có thể thay đổi tư duy sản xuất trước tư duy tiêu thụ, cần phải có những điều tra, đánh giá chuyên sâu cho những chuỗi ngành hàng để tìm ra bản chất vấn đề, từ đó đặt ra những quy trình sản xuất theo từng thị trường.

“Nếu chúng ta muốn sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, phải có quy trình sản xuất phục vụ cho sản phẩm đi Hoa Kỳ. Nếu chỉ muốn sản phẩm bày bán ở chợ truyền thống, lại phải xây dựng một quy trình khác. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cam kết sẽ tổ chức nhiều hơn những diễn đàn nhằm giới thiệu, quảng bá quy trình, công nghệ, kết nối thị trường để phục vụ chuỗi ngành hàng trái cây”, ông Lê Quốc Thanh bày tỏ.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, yếu tố tiên quyết để chuẩn hóa quy trình sản xuất là phải chuẩn hóa sản phẩm đầu ra.

Đơn cử như sản phẩm bưởi da xanh Bến Tre, đầu tiên, cần rà soát lại một cách chi tiết từng tiêu chuẩn của ngành hàng như kích thước quả, hương vị, mùi vị…, từ đó xây dựng quy trình sản xuất theo những tiêu chuẩn đó.

Cần xây dựng những quy trình sản xuất theo tín hiệu và yêu cầu của từng thị trường. Ảnh: TL.

Cần xây dựng những quy trình sản xuất theo tín hiệu và yêu cầu của từng thị trường. Ảnh: TL.

“Để làm được điều này, các đơn vị của Bộ NN-PTNT cần chung tay xây dựng một hệ thống cẩm nang, kiến thức một cách sinh động để người dân cũng như những cán bộ khuyến nông địa phương có thể ứng dụng vào sản xuất thực tế. Nhìn rộng ra, mỗi một loại trái cây cần có một quy trình, chiến lược phát triển, từ đó công tác phân tích, tiếp cận thị trường mới thuận lợi hơn”, bà Hương kiến nghị.

“Các viện nghiên cứu cần mở rộng những lĩnh vực nghiên cứu, không chỉ gói gọn trong vấn đề kỹ thuật mà cần nghiên cứu cả thị trường ứng dụng những sản phẩm khoa học đó”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Xây dựng uy tín, thương hiệu trái cây từ tiêu chuẩn cơ sở

Vừa qua, dư luận thông tin nhiều chiều về chất lượng cùng sự chênh lệch lớn giá cả sản phẩm bưởi da xanh. Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, đến năm 2022, tổng diện tích trồng bưởi da xanh toàn tỉnh Bến Tre là hơn 9.200ha, sản lượng đạt hơn 96.600 tấn. Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng vùng liên kết bưởi da xanh với diện tích 374ha, gồm 7 tổ hợp tác và 13 hợp tác xã.

Sản xuất bưởi da xanh tại Bến Tre đang gặp nhiều khó khăn như quy mô sản xuất của các hộ gia đình nhỏ, diện tích liên kết sản xuất còn thấp (bằng 4% tổng diện tích bưởi da xanh), các liên kết sản xuất - tiêu thụ chưa chặt chẽ, sản phẩm chủ yếu bán thông qua thương lái, các yêu cầu quả đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chưa được doanh nghiệp, thương lái công bố rõ ràng, rộng rãi.

Đến năm 2022, tổng diện tích trồng bưởi da xanh toàn tỉnh Bến Tre là hơn 9.200ha, sản lượng đạt hơn 96.600 tấn. Ảnh: Chương Đài.

Đến năm 2022, tổng diện tích trồng bưởi da xanh toàn tỉnh Bến Tre là hơn 9.200ha, sản lượng đạt hơn 96.600 tấn. Ảnh: Chương Đài.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của tình hình hạn, mặn trong thời gian qua kết hợp với một phần diện tích bưởi già cỗi nên năng suất, chất lượng giảm. Nông dân đa phần sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống nên việc áp quy trình canh tác hiệu quả, bền vững bưởi da xanh còn chưa đầy đủ.

Đặc biệt, nông dân đầu tư thấp dẫn đến tỷ lệ bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ ở tỷ lệ 10 - 20% tổng sản lượng toàn vườn nên giá mua tại một số thời điểm chỉ từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, trong khi nếu mua chọn với những quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giá thấp nhất sẽ từ 35.000 đồng/kg.

Ngoài ra, Cục trưởng Nguyễn Như Cường cũng cho biết việc cấp mã số vùng trồng còn gặp khó khăn khi người dân chưa hiểu rõ hết ý nghĩa và quyền lợi của việc cần xây dựng mã số vùng trồng. Từ đó dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp khi tiến hành xây dựng, xin cấp mã số vùng trồng.

Phân tích những vấn đề khó khăn trong sản xuất của ngành hàng bưởi da xanh, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần phải nhìn nhận lại vấn đề cung - cầu của mặt hàng này.

Hiện nay, diện tích trồng bưởi da xanh được bà con mở rộng trong khi giá trị thực sự của sản phẩm đang bị thu hẹp do gặp phải sự cạnh tranh từ nhiều loại bưởi khác.

Vừa qua, dư luận thông tin nhiều chiều về chất lượng cùng sự chênh lệch lớn giá cả sản phẩm bưởi da xanh. Ảnh: TL.

Vừa qua, dư luận thông tin nhiều chiều về chất lượng cùng sự chênh lệch lớn giá cả sản phẩm bưởi da xanh. Ảnh: TL.

“Bên cạnh đó, một trong những vấn đề cốt tử không chỉ bưởi da xanh mà nhiều loại cây trồng khác của chúng ta cũng đang gặp phải là chất lượng chưa cao, không đồng đều. Lí do đến từ việc vườn bưởi ngày càng già cỗi, cây trồng ngày càng kiệt quệ do nông dân vẫn giữ thói quen khai thác quả quá mức, chưa đảm bảo chất lượng, sức khỏe cây trồng”, ông Nguyễn Hồng Sơn nêu vấn đề.

Theo đó, để gỡ khó cho ngành hàng bưởi da xanh Bến Tre, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, phải xác định, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cơ sở cho ngành hàng này. Tiêu chuẩn cơ sở đó phải là tham chiếu của từng sản phẩm, dịch vụ để áp dụng trong các hoạt động của ngành hàng tại địa phương.

“Tiêu chuẩn cơ sở ngành hàng bưởi da xanh Bến Tre phải cao hơn tiêu chuẩn quốc gia do đó là thương hiệu, là uy tín của địa phương. Điều quan trọng là địa phương cần mạnh dạn đứng ra xây dựng, ban hành và ứng dụng tiêu chuẩn đó một cách nghiêm ngặt”, ông Nguyễn Hồng Sơn lưu ý.

Đồng tình với những ý kiến về việc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho ngành hàng bưởi da xanh Bến Tre, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, địa phương cần xác định tiêu chuẩn cơ sở phải là tiêu chuẩn đặc thù, là một công cụ để chỉ dẫn địa lý, cần có sự khắt khe và nghiêm ngặt ở mức độ cao nhất đối với quy trình để sản xuất ra sản phẩm.

Và ngược lại, theo tư lệnh ngành nông nghiệp, để cho ra được tiêu chuẩn cơ sở, cần phải chuẩn hóa quy trình sản xuất cho nông dân với tinh thần “muốn thay đổi nền nông nghiệp, trước tiên cần thay đổi tư duy cho nông dân, cần tri thức hóa nông dân”.

Tiêu chuẩn cơ sở ngành hàng bưởi da xanh Bến Tre phải cao hơn tiêu chuẩn quốc gia do đó là thương hiệu, là uy tín của địa phương. Ảnh: TL.

Tiêu chuẩn cơ sở ngành hàng bưởi da xanh Bến Tre phải cao hơn tiêu chuẩn quốc gia do đó là thương hiệu, là uy tín của địa phương. Ảnh: TL.

Cho rằng vai trò quản lý quy trình sản xuất của bà con bấy lâu nay vẫn còn mờ nhạt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nêu ví dụ thực tế và chỉ ra hiệu quả thiết thực của môn học Quản lý quy trình sản xuất hiện đang được giảng dạy tại Trường cấp 3 nông nghiệp Nam Định theo mô hình của Nhật Bản.

“Ở đó, học sinh sẽ được hướng dẫn lập kế hoạch trồng trọt, quản lý quy trình sản xuất, đánh giá mức độ phát triển của cây trồng. Đó đều là những kiến thức bổ ích mà chúng ta cần hướng dẫn cho người dân ứng dụng vào sản xuất thực tế, từ đó nâng cao tiêu chuẩn cơ sở, nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

“Hiện nay, nhóm mặt hàng bưởi tại phía Bắc mới chỉ dừng lại ở mức độ sản phẩm đặc sản. Sản phẩm bưởi Đoan Hùng không đủ khả năng thương mại hóa và chỉ bán được cho thị trường trong nước. Trong khi sản phẩm bưởi Diễn cũng chỉ bán chạy trong dịp Tết”, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho hay.

Nhấn mạnh sản phẩm bưởi da xanh Bến Tre có nhiều lợi thế tại khu vực ĐBSCL, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, để phát huy hết tiềm năng của ngành hàng giá trị này, cần phải rà soát lại vấn đề giống, kích hoạt được hệ thống HTX cho chuỗi ngành hàng, giải quyết được khâu sơ chế bảo quản sản phẩm…

“Đặc biệt, tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn cơ sở cho chuỗi ngành hàng phải đạt mức cao nhất. Địa phương phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo vấn đề truy xuất nguồn gốc cũng như truyền thông sản phẩm một cách hiệu quả”, ông Nguyễn Quốc Toản chia sẻ.