PV: Xin ông có thể chia sẻ một số nội dung về chuyển đổi số trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025?
Ông Nguyễn Văn Chí: Như chúng ta đã biết, ngày 02/8/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có hai nội dung rất mới và Chuyển đổi số và Phát triển Du lịch Nông thôn.
Theo đó, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, phải phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột: Phát triển chính quyền số ở nông thôn, phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn, phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, trên cơ sở kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện kết quả các chương trình, dự án về công nghệ thông tin, chuyển đổi số do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan đã và đang triển khai, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.
Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân nông thôn.
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn với thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
PV: Vâng xin ông có thể chia sẻ rõ hơn về một số chỉ tiêu phấn đấu được nêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025?
Ông Nguyễn Văn Chí: Chương trình phấn đấu đến năm 2025, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Ít nhất 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của Tiêu chí số 15 về hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao.
Có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về an ninh trật tự - hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; 25% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về kinh tế, 25% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về an ninh trật tự - hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.
Đặc biệt, Chương trình cũng hướng đến tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, Chương trình đề ra mục tiêu có ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
PV: Chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới có tiến hành thí điểm ở một số lĩnh vực không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Chí: Chương trình phấn đấu có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.
Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 01 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…) làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026-2030.
PV: Đến nay đã có hướng dẫn cụ thể nào về vấn đề Chuyển đổi số trong phát triển nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 chưa thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Chí: Ngày 30/6/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Nghị định số 05/2022/TT - BTTTT về thông tin và truyền thông của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Thông tư nêu rõ thực hiện phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu về hiện đại hóa công nghệ thông tin - truyền thông, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số khu vực nông thôn, đưa hoạt động của người dân lên môi trường mạng, bảo đảm an toàn, đồng bộ, kết nối liên ngành và liên vùng; phát triển các nền tảng số để phục vụ người dân khu vực nông thôn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nội dung thực hiện phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn gồm: (1) Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, bao gồm phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng (hạ tầng cáp quang, hạ tầng mạng di động thế hệ mới), hạ tầng kết nối Internet vạn vật (IoT). Phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng: Phát triển hạ tầng cáp quang để kết nối tới tất cả các hộ nông dân; phủ sóng điện thoại di động thế hệ mới (4G, 5G) tới tất cả khu vực nông thôn. Phát triển hạ tầng kết nối Internet vạn vật (IoT) Phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông thôn thông minh; ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp, bảo đảm triển khai hiệu quả, tránh chồng chéo, tận dụng tối đa hạ tầng của các tổ chức, cá nhân đã đầu tư; (2) Phát triển các nền tảng số để phục vụ người dân khu vực nông thôn. Phát triển các nền tảng số phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân (thuộc các lĩnh vực liên lạc, mua sắm, giải trí, sức khỏe, học tập, du lịch, đi lại, ăn uống) và các nền tảng số phục vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (thuộc các lĩnh vực thương mại điện tử, vận tải, thanh toán điện tử, hợp đồng điện tử...); (3) Các nội dung chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
PV: Vậy Hà Nội có phương hướng gì trong Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh?
Ông Nguyễn Văn Chí: Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu: “Đến năm 2025, thành phố Hà Nội có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 40% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20% xã NTM kiểu mẫu, hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM cấp thành phố”. Đây là quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị và nông dân Thủ đô để hướng đến mục tiêu mới trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển Nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân chí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường, vững mạnh. Hà Nội cũng sẽ tập trung xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, năng suất, chất lượng cao, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực cả trước mắt và lâu dài.
Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (kèm theo Quyết định 4098/QĐ-UBND ngày 6-9-2021 của UBND thành phố Hà Nội) xác định đối với lĩnh vực nông nghiệp, thành phố sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của ngành Nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Thành phố cũng tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm.Thành phố cũng đặt mục tiêu: Mỗi nông dân được định hướng đào tạo, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo về giá, thời vụ... nông sản; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp...
Hà Nội xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý mà còn giúp các nhà sản xuất, kinh doanh nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của thị trường và đây là xu hướng tất yếu để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại. Chuyển đổi số đóng vai trò kết nối hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, thương mại gắn với người tiêu dùng trong cả nước và trên thế giới. Qua đó chuyển đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang nền sản xuất nông nghiệp hiện đại; đồng thời, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Hà Nội sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu số nông nghiệp cho phép lưu trữ, quản lý kết hợp với ứng dụng hiển thị thông tin dữ liệu là rất cần thiết để phục vụ cho ngành nông nghiệp. Hệ thống bản đồ nông nghiệp số Việt Nam sẽ đáp ứng được mục tiêu quản lý, chỉ đạo điều hành; cập nhật liên tục dữ liệu về thổ nhưỡng, thủy văn, nông sản, lâm sản, thủy sản trên tất cả các tỉnh, thành của cả nước. Qua đó, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước có đủ cơ sở dữ liệu, số liệu để hoạch định chiến lượcvĩ mô như hoạch định thị trường, hoạch định vùng cây trồng, nuôi trồng,...Hệ thống dữ liệu số trong nông nghiệp sẽ giúp kết nối giữa mua và bán, mở rộng thị trường đầu ra, bỏ qua các khâu trung gian không cần thiết, nâng cao giá trị sản phẩm. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có thông tin khách quan, cập nhật, đầy đủ để hoạch định chiến lược, kế hoạch kinh doanh.
Đặc biệt, Hà Nội quan tâm hỗ trợ các chủ thể sản xuất kinh doanh đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao giá trị gia tăng, tiếp cận thị trường; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!