Chuyện làng - Chuyện phố: Lễ Pay Tái

Lễ Pay tái còn gọi là tết bố mẹ vợ nhân Rằm tháng Bảy là nét đẹp truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” có từ xa xưa của đồng bào các dân tộc Tày- Nùng ở miền núi phía Bắc.

dt1th1c-1723103989.jpg

Lễ hội Pay tái năm 2024

Đối với bà con xã Lâm Thượng huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái thì Lễ Pay tái đã trở thành ngày Hội. Tết Rằm tháng Bảy ở Lâm Thượng được kéo dài từ ngoài mùng mười âm lịch đến chính rằm. Con gái và con rể chuẩn bị một đôi vịt (cổ xanh, chân vàng), bánh nếp (bánh chuối, bánh dợm) nhân đỗ xanh, hoặc nhân lạc, hoa quả… mang đến tết bố mẹ vợ. Thể hiện sự biết ơn của chàng rể đối với cha mẹ nhà vợ đã nuôi dạy con gái trưởng thành. Cả năm con gái quán xuyến công việc, thờ phụng ông bà, tổ tiên nhà chồng nay mới có dịp về báo hiếu cha mẹ trong dịp lễ tết.

Những ngày này, cha mẹ vợ dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, xuống chân cầu thang đón các con. Mâm cơm cúng lễ Pay tái gồm có thịt vịt, thịt gà, bánh trái, hoa quả. Con gái và chàng rể trang phục chỉnh tể, thắp hương, lạy tạ tổ tiên.

dt2th2b-1723104065.jpg

Bà con dân tộc Tày - Nùng đón du khách.

 

dt3th3h-1723104134.jpg

Gia đình con rể mang lễ vật về tết bố mẹ vợ ( lễ Pai tái). Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Năm nay, Lễ hội Pay tái xã Lâm Thượng được tổ chức vào ngày 10, 11/8 ( tức là ngày 7, 8 âm lịch) tại nhà văn hoá của xã. Đến với ngày Hội Pay tái tại xã Lâm Thượng, du khách sẽ được hòa mình trong các hoạt động văn hóa đặc sắc: múa tập thể, hát Cọi, đánh quay, thi vấn khăn (trang phục dân tộc tày), đan lát… thưởng thức các món đặc sản: rêu nướng, thịt vịt, canh thuốc, măng mai, cá bỗng, cá suối nướng… Mọi người sẽ được chiêm ngưỡng trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Tày – Nùng: áo dài, áo cỏm, xà tích, vòng bạc, mặt chăn, mặt địu dây dao, dây nón, nón lá...

Có thể nói Lễ Pay tái nét văn hoá rất riêng của đồng bào dân tộc Tày - Nùng tô đẹp truyền thống biết ơn của người Việt, nhất là trong dịp tết Rằm tháng Bảy ( lễ Vu Lan) của dân tộc ta.