Chuyện tình thời chiến tranh chống Mỹ tại nông thôn

Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc và cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đằng đẵng gần hai mươi năm trời. Một cuộc chiến hao người tốn của, mất mát đau thương cho cả hai phía, không chỉ đối với người dân Việt Nam, mà cả với nước Mỹ, các nước chư hầu của Mỹ và các nước là bè bạn của Việt Nam.

Rất nhiều khẩu hiệu quyết tâm của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đề ra nhằm khích lệ, động viên thanh niên, dân chúng tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Không chỉ trai tráng mà cả phụ nữ cũng tham gia quân đội, dân công hỏa tuyến, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, không quản gian khổ, hy sinh, tất cả vì miền Nam ruột thịt, quyết tâm giải phóng miền Nam, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết dành cho được tự do, độc lập.

dt1f-1729736770.jpg

Ảnh mang tính minh hoạ do tác giả cung cấp.

 

Thời đó, tại hậu phương lớn miền Bắc, Mỹ cho máy bay đánh phá khắp các nơi từ nông thôn đến thành thị, cầu cống, đường sá. Nhiều nơi hố bom chi chít, nguy hiểm, vất vả, chết chóc, tang thương không kém tiền tuyến miền Nam.

Do chiến tranh phải chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, nên tại nông thôn miền Bắc lực lượng lao động chủ yếu là phụ nữ, người cao tuổi và người tàn tật. Năng suất lao động thấp, quản lý yếu kém, nên cuộc sống vất vả, nghèo đói, nhà tranh, vách đất là chủ yếu, không có điện, thắp sáng phải dùng đèn dầu, xay thóc, giã gạo toàn làm thủ công, nên nhà nào cũng cần một chiếc cối xay, vài ba gia đình chung một cối giã gạo. Cối xay thường làm bằng tre ải mục, có thể thêm đất nên gọi là cối đất. Người biết đóng cối xay cũng hiếm, bởi vì phải có tay nghề, thợ giỏi mới làm được. Thợ đóng cối thường đi đóng dạo hết làng này đến làng khác vào thời điểm nông nhàn, tháng ba ngày tám để đóng thuê lấy công, còn nguyên vật liệu gia chủ tự lo. Mỗi lần có thợ đóng cối đến thường thì mấy gia đình cùng có nhu cầu, nên thợ có thể ăn dầm ở dề, có bận hơn chục ngày. Cơm nước gia chủ phục vụ, chỗ nghỉ ngơi gia chủ lo.

Tôi nhớ câu chuyện khoảng gần cuối thập niên sáu mươi, thế kỷ trước có chú thợ đóng cối dạo là người không được lành lặn, nhưng khéo tay, thạo việc, thời đó đi đóng cối dạo qua làng tôi. Chú ấy tính tình hiền lành, ít nói.

Hôm đó, nhà cô Liên xóm dưới (gần nhà tôi) vang tiếng cưa đục chan chát.

Buổi tối ăn cơm, bố tôi bảo:

- “Cô Liên và mấy người mượn được ông thợ đóng cối dạo đến sửa, đóng mới cối xay… chắc phải vài ngày nữa mới xong”.

Nhà cô Liên chỉ có một mẹ, một con. Mẹ cô già yếu mới mất hai năm một tháng, hiện cô ở một mình. Mặc dù đã ngoài ba mươi tuổi, nhưng cô vẫn chưa lấy chồng.

Cũng có vài đám trai làng, trai thiên hạ đến chơi thăm nhà, nhưng đám nào cũng chê nhà cô nghèo, họ bỏ đi chọn nơi khác. Ở thôn quê những năm của thập niên bẩy mươi của thế kỷ trước, đang thời kỳ chiến tranh ác liệt, trai làng cùng lứa tuổi với cô Liên đa số đều lên đường tòng quân đánh giặc cả. Những người con gái lớn tuổi như cô Liên, các cụ ở quê tôi gọi là “gái ế”.

Nhà không có đàn ông, cửa nhà, phên nứa, cối xay… hư hỏng, cô không tự sửa chữa được. May có ông thợ đóng cối dạo đến chợ làng rao tìm việc, vậy là cô Liên thuê ông đến nhà sửa chữa giúp.

Thợ đóng cối dạo đến nhà sửa chữa, tuỳ theo công việc gia chủ yêu cầu. Có gia đình làm một ngày, có gia đình làm hai ba ngày mới xong công việc. Gia chủ nuôi cơm, xong việc thì trả công một ngày bằng tiền tương đương với hai ống bơ sữa, mỗ bơ tán lạng gạo (trả thẳng bằng gạo cũng được).

Chú Hùng (tên người thợ mộc dạo) bị dị tật bẩm sinh, chân đi khập khiễng. Quê chú ở bên kia sông, cách hơn ba chục cây số, chú đi xe khách, qua đò về làng tôi làm thợ mộc dạo kiếm sống. Công việc nhà cô Liên bình thường chỉ cần làm ba ngày thì xong, nhưng cảm thông với hoàn cảnh của cô Liên chú làm cẩn thận thêm một ngày nữa. Mọi hôm buổi tối, chú Hùng ngủ nhờ ở nhà bác tôi, vì nhà cô Liên không có đàn ông, nên chú Hùng ngại ngủ lại.

Sáng hôm đó chú Hùng đưa tiền nhờ cô Liên đi chợ Hồ mua giúp mấy lạng thịt lợn, chai rượu, trầu cau, hương đen, vàng mã.

Cô Liên nghe thấy thế ngạc nhiên hỏi:

- “Bác mua những thứ ấy để làm gì!?”.

Chú Hùng vẻ mặt buồn rầu:

- “Hôm nay là ngày giỗ của vợ tôi, tôi đi làm ăn xa không về được thật là có lỗi với cô ấy. Tối tôi nhờ cô cho tôi úp cái thúng ngoài sân… có chút hương hoa cúng vái vọng cho vong linh cô ấy siêu thoát, bình an”.

Khoảng 6h45, chạng vạng tối, chú Hùng mượn chiếc thúng đựng đồ nghề úp giữa sân nhà cô Liên. Bê chiếc mâm gỗ cũ mượn của cô Liên, trên mâm có thịt lợn luộc, rượu, trầu cau, hương, vàng mã. Đặt mâm lên chiếc thúng úp, đốt ba nén hương, chắp tay vái lạy tứ phương, tám hương, chú quỳ xuống rì rầm khấn vái…

Ở trong nhà cô Liên quan sát không bỏ sót một cử chỉ nào. Cô thầm nghĩ:

- “Đúng là một người nặng tình, nặng nghĩa”,

Bất chợt cô thấy mình cay cay nơi khoé mắt.

Đợi cho hương tàn, vừa hoá vàng chú Hùng vừa bảo với cô Liên:

- “Tôi mời cô uống với tôi chén rượu nhạt tán lộc, cô thông cảm cho, rất mong cô đừng từ chối”!

Cô Liên khi ấy cũng chưa kịp ăn, uống gì, trước lời mời chân tình của chú Hùng, mặc dù ngại ngận, vậy mà vẫn miễn cưỡng gật đầu. Cô Liên nhanh tay giúp chú Hùng dọn mâm, sắp bát đũa, hai người ngồi ăn uống rất dè dặt, vừa ăn vừa ngập ngừng tâm sự.

Chú Hùng kể lại chuyện, vợ chú mất sớm do hậu sản (thời ấy quê tôi người ta hay nói những người phụ nữ sau đẻ mắc bệnh gầy ốm, xanh xao là bị hậu sản), để lại cho chú hai đứa con thơ, cảnh gà trống nuôi con vất vả đủ đường.

Cô Liên nghe được thế tỏ ra đồng cảm :

- “Sao bác không đi bước nữa, để cho các cháu còn có người chăm sóc, có chỗ nương tựa”?

Chú Hùng dốc cạn ly rượu, nhìn lên trời đêm, thủng thẳng:

- “Nhiều người khuyên tôi đi bước nữa, nhưng cứ nghĩ đến cảnh dì ghẻ con chồng. Tôi lại sợ con mình không may lại khổ hơn đấy cô ạ”!.

Cầm chai rượu rót thêm vào ly cho chú Hùng, cô Liên thật thà:

- “Còn tôi thì lại nghĩ khác, cha sinh không tày mẹ dưỡng bác ạ!”

Chỉ chờ nghe được câu nói này, chú Hùng cầm tay cô Liên, giọng thỏ thẻ:

- “Nếu cô Liên không chê bố con tôi, thì tôi xin phép được đón cô về với bố con tôi”!

Mặc dù bị nghe lời nói ra của chú Hùng quá bất ngờ, nhưng cô Liêb vẫn để nguyên cho chú Hùng cầm tay… giữa sân hẹp, trời sao đêm lấp lánh. Họ trao gửi yêu thương cho nhau, cứ như thể đôi lứa đã yêu nhau tự thủa nào.

Đêm ấy chú Hùng không về nhà bác⁷ tôi ngủ nhờ, sáng sớm chú sang chào bố mẹ tôi :

-“Em lại phải quay về quê thu xếp một số công việc, xong xuôi em lại sang hai bác ạ!

- Em chào tạm biệt anh chị và các cháu nhé!”.

Bố mẹ tôi như người đã biết chuyện, vừa rót nước mời chú Hùng, vừa thủng thẳng, nửa đùa, nửa thật;

- “Thế là gạo nấu thành cơm rồi hử!?

- Chúc mừng cô chú!”.

Tầm gần tháng sau chú Hùng quay lại, nhờ hai bác và bố mẹ tôi làm mấy mâm cơm mời họ hàng, bà con hàng xóm đến dự mừng cho chú và cô Liên chính thức nên vợ, thành chồng. Người làng tôi từ ấy vui chuyện cứ gọi mối tình của chú Hùng với cô Liên là “Tình yêu anh thợ cối”.

Vì nhà đất của cô Liên không quá hẹp nên cả ba bố con chú Hùng chuyển đến ở cùng, còn nhà ở bên kia sông hẹp hơn thì thi thoảng chú cô qua dọn dẹp, chăm tưới cây cối trong vườn. Sau này chú giao hẳn cho thằng con trai lớn khi nó xây dựng gia đình, còn cô con gái với bà vợ cũ thì cũng lấy chồng ở làng bên.

Chú Hùng và cô Liên cũng cố đẻ thêm được một em gái trông giống cô, bé Lan nhanh nhẹn, mau miệng hoạt bát lắm. Ngày ấy bận đi đóng cối dạo, cứ tháng chú Hùng lại về với mẹ con cô Liên mấy bữa, xóm dưới cũng vui hơn. Vì chú Hùng là người mau miệng gặp ai cũng chào hỏi thân tình, chân chú đi tập tễnh, nhưng chú lại khéo tay, hay làm, tính xởi lởi. Trong xóm ai hư hỏng cái gì, chỏ cần ới một câu là chú đến sửa giúp ngay, không đòi hỏi phải trả công.

Sang năm 1978 chú Hùng đón mẹ con cô Liên về hẳn quê nội. Nhà cửa nhờ bố mẹ tôi trông nom giúp, thi thoảng cô chú đưa ba đứa con (môt con trai, một con gái riêng, một con gái chung) về chơi, thắp hương cho mẹ cô ấy. Mấy năm sau cô chú bán nhà, lấy tiền đem về quê mua đất, ruộng đầu tư vườn cây ăn trái, xây nhà mới, đưa cả bố mẹ vợ về thờ cúng chung.

Chiếc xe tắc xi biển số vàng bon bon trên cung đường đồng bằng phẳng lỳ, hai bên ngút ngàn màu xanh của vườn cây ăn trái, cánh đồng lúa xanh rì đang thời con gái.

Anh cán bộ xã đi cùng mau miệng:

- “Sắp đến nơi rồi đấy sếp ạ!”.

Đến nơi ngay ngoài đường cái, theo chỉ dẫn của anh cán bộ xã, xe vừa dừng bánh, anh ta đã oang oang:

- “Ông Hùng, bà Liên ơi!

- Nhà có khách này!”

Từ trong nhà hai tầng mái ngói đỏ tươi bước ra mở cổng đón tôi là một bà lão tóc bạc trắng chống gậy, nhưng ánh mắt vẫn còn tinh tường lắm:

- “Ông ơi! Thằng Hoành này, cháu tôi bây giờ đĩnh đạc quá!

- Mày làm cán bộ, sao không đi xe nhà nước mà vẫn đi bằng tắc xi đến thăm cô chú…!

- Quý hoá quá!”.

Tôi thật thà nói vội:

- "Cháu là thằng cửu vạn, đi làm thuê, cán bộ, cán cuốc gì đâu!"

Chú Hùng từ trong nhà chạy ra vỗ vai cô Liên:

- “Bà để mời cháu nó vào nhà nghỉ ngơi, trà nước đã chứ!”.

Chú Hùng pha trà, gọi với sang ngôi nhà bên cạnh. Lúc sau em Tuấn, con trai riêng của chú Hùng đến. Cô, chú còn gọi cả vợ chồng em Hồng sang nữa. Hai em nhận ra tôi ngay, chào hỏi niềm nở. Em Tuấn nhỏ hơn tôi vài tuổi, bây giờ là chủ trang trại cây ăn trái, kết hợp thả gà, nuôi cá, thu nhập ổn định, kinh tế rất khá giả.

Tôi hỏi thăm em Lan con gái chung của chú Hùng với cô Liên, chú Hùng phấn khởi báo tin:

- “Em mày vừa bảo vệ luận văn Cao học Kinh tế ở Hà Nội đấy!”.

Nhìn lên bàn thờ, thấy có di ảnh vợ trước của chú Hùng. Tôi xin phép chú được thắp nén hương cho những người quá cố. Nhìn vào di ảnh, thấy có tờ lịch đã nhuốm màu thời gian. Trên tờ lịch ghi ngày 10 tháng12 dương lịch, còn tháng 11 âm lịch. Ngồi lại bàn uống nước, tôi hỏi chú Hùng:

- “Ngày tháng ghi trên tờ lịch là ngày mất của cô trước, mẹ đẻ của Tuấn, Hồng hả chú!?”.

Chú Hùng nhìn lên bàn thờ trả lời: - “Đấy là ngày mất, cũng là ngày giỗ của bà ấy đấy. Ngày xưa chú đi làm thợ đóng cối dạo đến nhà cô Liên gần nhà bố mẹ cháu. Hôm đó vào ngày tháng Tám, tuy không phải là ngày giỗ bà ấy. Nhưng chú đã dùng chiêu (cúng giỗ vợ) để bày tỏ tình cảm với cô Liên đấy cháu ạ. May mắn thay hương hồn người đã khuất cũng thấu hiểu lòng người, tác hợp để cô chú có được tổ ấm, cơ ngơi như ngày hôm nay”.

- Sau đó cô Liên biết chuyện "bị lừa nhân duyên", nhưng ván đã được đóng thuyền, có muốn hay không cũng không thể làm khác. Mà cũng vì chuyện ấy cô Liên cứ "trách yêu" chú mãi!

Cô Liên ngồi nghe chuyện mặt cứ đỏ rựng lên, chẳng nói, chẳng rằng.

Trên đường về anh cán bộ xã thổ lộ, gia đình ông bà Hùng, Liên nhiều năm liên tục đạt danh hiệu “Ông bà mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”, là hộ gia đình điển hình phát triển kinh tế trang trại. Là tấm gương sáng trong các phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Trở lại nhà, tôi thầm chúc cho chú Hùng, cô Liên khỏe mạnh, hạnh phúc, vui vẻ, vạn thọ vô cương. “Tình yêu thợ cối dạo” của hai người sẽ đẹp và sống mãi với thời gian.

Tranh thủ ghi lại câu chuyện để mọi người giải trí!

21/10/2024 
P.T.G

Trái tim người lính