Nhà Sử học Dương Trung Quốc: Cà phê chỉ là cái cớ để nói chuyện "Xưa và Nay"

Nhà sử học Dương Trung Quốc vừa ghé thăm Cà phê Lục Bát (6/40 Võ Thị Sáu, TP. Hà Nội). Ông không có thói quen uống cà phê sáng, mà chỉ dùng vào buổi tối, nên chúng tôi đã gọi một ly ca cao nóng cho ông. Thôi thế cũng được, gọi là có cớ để chuyện trò. Chả là, chúng tôi mời ông đến để tranh thủ tư vấn việc chuẩn bị Tổ chức Tọa đàm Khoa học về Danh nhân lịch sử Đặng Công Đại Vương – Đặng Thi Sách.

Cùng tiếp khách với Nhà văn Đặng Vương Hưng còn có ông Đặng Duy Khanh - Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Đặng TP. Hà Nội và ông Đặng Thế Anh - Chủ nhiệm Website Họ Đặng Việt Nam.

dt1dvh1-1729742905.jpg
 

Nhà sử học Dương Trung Quốc (ảnh thứ hai từ trái sang do tác giả cung cấp) sinh năm Đinh Hợi - 1947, quê gốc tại xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Có ông nội là cụ Dương Trung Giao, từng là chủ hãng nước mắm Liên Thành nổi tiếng, là người duy tân, làm kinh tế để nuôi chí lớn. Chính hãng Liên Thành đã bảo trợ cho Trường Dục Thanh ở Phan Thiết, nơi Nguyễn Tất Thành dạy học, trước khi lên tàu ra thế giới tìm đường cứu nước.

Năm 1917, sau khi quyết định ra Hà Nội lập nghiệp, cụ Dương Trung Giao đã mua ngôi nhà 27 Hàng Đường, lấy vợ là Nguyễn Thị Hợi, người Ngọc Thụy (Gia Lâm, nay thuộc quân Long Biên, Hà Nội). Họ chỉ có một con duy nhất tên là Dương Trung Hậu. Cụ Dương Trung Hậu lấy bà Nguyễn Thị Bảy, một người Hà Nội gốc, con gái chủ hãng rượu Vĩnh Phương. Họ sinh được ba người con trai là Dương Trung Hiệp (1943), Dương Trung Mạnh (1945). Dương Trung Quốc là con út. Khi còn trong bụng mẹ, thì cha của ông đã hy sinh, khi tham gia Toàn quốc kháng chiến chống Pháp.

Xuất thân trong một gia đình dòng dõi, là Nhà nghiên cứu lịch sử, dù không phải là Đảng viên Cộng sản, nhưng Dương Trung Quốc vẫn là đại biểu Quốc hội có “thâm niên” của Việt Nam qua bốn khóa XI, XII, XIII, XIV. Hơn thế, ông rất nổi tiếng vì những phát biểu thẳng thắn của mình trong các kỳ họp và các phiên chất vấn. Hiện, Dương Trung Quốc là Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Xưa & Nay và chủ tịch Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội.

Tôi quen biết Nhà sử học Dương Trung Quốc từ hơn 20 năm trước. Hồi đó, khi làm ở báo An ninh Thế giới, tôi có viết một bài phóng sự có nhan đề “Giáo sư Trần Quốc Vượng và cuộc tình 10 năm mới thành chồng vợ”, cho đăng trên ấn phẩm ANTG cuối tháng 9/2003, với mục đích công khai mối tình lãng mạn Thầy – Trò, đúng dịp 2 người tổ chức lễ cưới. Nhưng vì nhân vật quá nổi tiếng, nên bài báo đã bất ngờ nhận được cả phán ứng trái chiều mong đợi. Để làm dịu dư luận bạn đọc, GS. Trần Quốc Vượng đã tự tay dự thảo lời “Đính chính/ Cáo lỗi” của Tòa soạn, rồi thông qua Nhà sử học Dương Trung Quốc và Nhà thơ Hồng Thanh Quang, mời tôi đến để cùng bàn việc xử lý khủng hoảng truyền thông xung quanh bài báo đã đăng. Đó là một bữa ăn trưa ở phố Lê Văn Hưu, chỉ có vài món đơn giản, nhưng 3 người đã uống hết 2 chai vang và tôi nhớ mãi…

Nhà sử học Dương Trung Quốc rất thích việc tôi thường xuyên nêu ra những ý tưởng mới, nhân văn và có tính khả thi cao. Trước đó, với tư cách là Đại biểu Quốc hội, ông đã rất ủng hộ ý tưởng dự án thành lập hệ thống Thư viện - Tủ sách cho các phạm nhân đang thi hành án trong các trại giam trên toàn quốc, do Đặng Vương Hưng đề nghị, xuất phát từ thành công của cuộc thi viết tự truyện “Sư hối hận và niềm tin hướng thiện” cho các phạm nhân đang thi hành án. Mỗi lần gặp tôi, ông đều hỏi: “Cậu còn giữ ý tưởng Tủ sách cho phạm nhân ấy không và làm đến đâu rồi?”.

Ngồi tại Thư phòng “Trái tim người lính”, chúng tôi cùng ôn lại nhiều chuyện cũ. Nhà sử học Dương Trung Quốc kể lại một số kỷ niệm đáng nhớ với Đại tướng Trần Đại Quang, thời còn đảm nhiệm trọng trách Bộ trưởng Bộ Công an. Tôi giới thiệu cho ông xem một số bút tích của các nhân vật nổi tiếng đã sưu tầm được trong những năm qua. Chúng tôi đã điện thoại và nói chuyện trực tiếp với PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, liên quan tới cuộc Tọa đàm về Đặng Công Đại Vương – Đặng Thi Sách. Chúng tôi cũng thống nhất sẽ mời đại diện của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và một số Nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành cùng tham dự sự kiện nêu trên…

Hà Nội, 24/10/2024

TTNL