Chân dung một vị tướng trận mạc - nghĩa tình (Hiện đang được đề nghị Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu AHLL VTND trong sự nghiệp Chống Mỹ cứu nước)

Đó là Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu 2, nguyên Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2, nguyên Tham mưu phó Quân khu Thủ đô, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325 Quân đoàn 2, nguyên Tham mưu trưởng Mặt trận Vị Xuyên- Hà Tuyên, nguyên Trưởng BLL toàn quốc CCB Mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên.
dt1qt1-1746158715.jpg
 

Ông sinh ngày 02/02/1931, tại xã Ông Đình, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Hiện trú tại 510, chung cư Vườn Đào, phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội.

Ông nhập ngũ ngày 18/6/1948, vào Đảng Cộng sản năm 1949, ông đã lần lượt trải qua 3 cuộc chiến tranh: Chống Pháp, chống Mỹ, làm nghĩa vụ quốc tế chiến trường Lào và bảo vệ biên giới phía Bắc.

Ông đã từng trưởng thành từ chiến sĩ trong chiến đấu lên đến Thiếu tướng, kinh qua các chức vụ từ cán bộ phân đội đến Trung đoàn, Sư đoàn, Quân khu.

Từ vùng đất Bãi Sậy:

Mùa xuân năm Canh Ngọ, tức ngày 2 tháng 2 năm 1931, vợ chồng nông dân nghèo nọ đã sinh hạ một bé trai đặt tên là Nguyễn Đăng Nhược. Nhược lớn lên cùng với sự nghèo khó, chân chất và đầy nghị lực bươn chải của gia đình và cả miền quê. Chàng trai đó đã bền gan dấn bước suốt mấy cuộc trường chinh. Để mọi chặng đường trên đất nước này và nước bạn Lào mãi còn lưu dấu chân ông- dấu chân của anh Bộ đội Cụ Hồ.

Năm 12 tuổi, cậu bé Nguyễn Đăng Nhược đã phải mồ côi cha, mẹ goá bụa lúc mới 37 tuổi, một nách 3 con nhỏ dại, ruộng đất không có phải làm thuê, làm mướn tần tảo nuôi con trong cảnh túng bấn nghèo khó bữa no bữa đói.

Đầu năm 1945, phong trào Việt Minh dấy lên mọi nơi, Nhược được các chú giao cho việc đi dán truyền đơn có lời kêu gọi dân chúng nổi dậy chống Pháp- Nhật của Mặt trận Việt Minh và nhiều cờ đỏ sao vàng in rất đẹp.

Thế rồi cách mạng tháng Tám thành công trong cả nước, chính quyền về tay nhân dân. Từ đó, cuộc sống của dân làng nói chung và gia đình Nguyễn Đăng Nhược nói riêng mới thực sự đổi đời. Chính quyền đã chia cho gia đình Nhược một mẫu ruộng để có đất canh tác. Nhờ sự cần cù bươn chải của người mẹ, cùng với bản thân đã lớn và sớm có ý thức, nên Nhược luôn dốc hết sức mình giúp mẹ nuôi các em. Nhờ thế mà cuộc sống của cả gia đình có phần đỡ khó khăn hơn. Các em Nhược lần lượt được ăn học đến cấp hai, cấp ba. Còn Nhược cũng theo đuổi hết chương trình sơ học bổ túc.

Cuối năm 1946, Pháp núp bóng “đồng minh” trở lại quyết chiếm nước ta một lần nữa. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Giữa năm 1947, giặc Pháp tràn về làng đốt nhà cướp của và bắn giết rất nhiều người. Mãi về sau, tâm trí Nhược vẫn chưa nguôi ngoai hình ảnh giặc Pháp tàn sát giết dân làng mình. Từ đó càng hun đúc lòng căm thù giặc sâu sắc, khơi dậy tâm niệm phải trả thù, đã tiếp thêm sức mạnh cho quyết tâm lên đường đánh giặc, cứu dân, cứu nước.

Thế rồi, có đợt tuyển bộ đội lên Việt Bắc, Nguyễn Đăng Nhược đã hăng hái đăng ký được sung quân với cái tên mới là Nguyễn Đức Huy, do anh tự chọn để thay cho tên Nhược nghe có vẻ yếu đuối.

Khoảng 8 giờ sáng, ngày 28 tháng 8 năm 1948, Huy mới đến được làng Đan Tràng, huyện Ân Thi. Khi vào khám tuyển, chiều cao thì đủ, nhưng cân nặng chỉ 37 kg, không đủ tiêu chuẩn nên bị loại ngày từ vòng đầu. Anh buồn rầu rối ruột rữa gan. Chẳng lẽ đã quyết đi lại phải quay về? Không! Bằng mọi cách phải được đi. Nguyễn Đức Huy tìm đến một ông già- hình như ông ấy là người phụ trách đợt tuyển quân này và vừa khóc vừa biểu lộ chí hướng đang sôi sục của mình. Một lần, hai lần, rồi ba lần…cuối cùng ông già ấy cũng xiêu lòng; chính ông ấy đã phải quay sang nói với mọi người: “Đi bộ đội đánh Pháp, quan trọng nhất là tinh thần, tinh thần của cậu bé này khiến cho người lớn chúng ta phải học tập. Tôi đồng ý!”. Nhờ thế, Nguyễn Đức Huy lập tức được tiếp nhận ngoài kế hoạch.

Sau hơn nửa tháng trời, đoàn tân binh hơn 60 người, trong đó có Nguyễn Đức Huy hành quân bộ qua Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phố Nỷ, Tân Cương… ngày đi đêm nghỉ, chân không dầy dép, chỉ một quần lót và một bộ quần áo dài, bị rách mướp; luồn lách tránh địch, rồi cũng đến được thôn Bình Định, thuộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên- nơi đặt bản doanh trường Lục quân trung học Trần Quốc Tuấn tại đó.

Giữa Chiến khu

Bước vào huấn luyện, Nguyễn Đức Huy được chọn đi học lớp đặc biệt đào tạo các trinh sát viên. Phụ trách lớp này là Lưu Vân, vốn là Việt kiều từ Vân Nam, Trung Quốc về, còn một số giáo viên người Nhật, mang tên Việt như: Thanh Sơn, Ái Việt, Minh Ngọc, v.v… Nội dung đào tạo gồm nhiều môn như: Xem đọc bản đồ, bắn súng, cưỡi ngựa, cắt góc phương vị…

Sau ba tháng huấn luyện ráo riết, trinh sát trẻ Nguyễn Đức Huy được biên chế về đơn vị trinh sát của trường Lục quân trung học Trần Quốc Tuấn.

Mùa thu năm 1948, trường Lục quân trung học nhận được nhiệm vụ phải sang Me thuộc Vĩnh Yên, để tham gia duyệt binh nhằm gây thanh thế cho quân đội cách mạng. Nguyễn Đức Huy được cử đi tiền trạm, do đó được cử trong tổ trinh sát dẫn đường. Để bảo đảm bí mật, tổ trinh sát tiền trạm chọn lối đi tắt từ Bình Định, thuộc Đồng Hỷ, Thái Nguyên sang Bá Vân, rồi Quân Chu, Lán Than, vượt đỉnh Tam Đảo để xuống được Me, Vĩnh Yên. Khi qua Quân Chu, lán Than, được nghe đồng bào kể lại: Khu vực này có rất nhiều hổ. Đêm đến, hổ thường vào làng bắt trâu bò, lợn của dân. Thậm chí còn xuất hiện cả ban ngày. Đêm ở đây, nhà nào cũng cài then, chốt cửa, không ai dám ra ngoài. Mọi người đều căn dặn các anh phải cẩn thận đề phòng lũ thú dữ này suốt dọc đường đi.

Xuống chân núi Tam Đảo là đến thị trấn Me, thuộc Vĩnh Yên. Sau khi đã đến và nhận nhiệm vụ tại điểm duyệt binh, đội trinh sát lại quay trở về để đón học viên nhà trường sang Me. Khi trở về, các anh không theo đường cũ mà chuyển sang đường mới qua đèo Nứa, băng sang Bá Vân để về trường.

Lên đến ngã ba Quân Chu, bộ đội được nghỉ chân, Nguyễn Đức Huy được lệnh lên gặp thượng cấp, Khi được đưa đến một nhà dân gần ngã ba Quân Chu, anh được một ông cán bộ khoảng trên dưới 40 tuổi, nói tiếng miền Trung bắt chuyện và nhận nhiệm vụ trực tiếp dẫn đường cho ông ấy. Ông cởi mở hỏi đủ chuyện, nào là tuổi tác, quê ở đâu, có biết cưỡi ngựa không… Rồi cuối cùng, ông ấy giao cho anh giám mã một con ngựa để thay nhau đi làm nhiệm vụ. Lần đầu tiên tiếp xúc với một thượng cấp, nên Huy rất lúng túng trong việc xưng hô và cứ thế gọi ông xưng cháu. Do hay cười lại nói chuyện thân mật nên trông ông ấy cũng rất hiền hậu và dễ gần. Mãi về sau, Nguyễn Đức Huy mới biết “ông cán bộ: đó chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau gần 50 năm, nhân dịp Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn Đại biểu Cựu Chiến binh Trung ương tổ chức đến chúc mừng Đại tướng, thế là Tướng Huy đã có dịp gặp lại “Ông cán bộ” năm xưa. Nguyễn Đức Huy thuật lại câu chuyện được gặp Đại tướng lần đầu năm 1948 ở Quân Chu, Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Đại tưỡng Võ Nguyên Giáp cười vui và trò chuyện rất thân mật. Đại tướng còn hứa tặng cho ông một cuốn Hồi ký.

Đến ngày 27 tháng 8 năm 2001, khi đến chúc mừng Đại tướng thượng thọ tròn 90 tuổi, người Anh cả ấy đã vui vẻ ký tặng ông cuốn Hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”. Đây là kỷ vật vô giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho người em- Thiếu tướng nay đã ở tuổi 80.

Do yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đầu năm 1949, Trường Lục quân trung học Trần Quốc Tuấn tách một số cán bộ sang công tác ở Cục Quân huấn, Nguyễn Đức Huy cũng ở trong số này.

Từ khi vào bộ đội ở Trường Lục quân trung học Trần Quốc Tuấn, hay đến công tác ở Cục Quân huấn, Nguyễn Đức Huy luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Hơn nữa, với bản tính chân chất trung thực của người xuất thân từ mái rạ, nên Huy càng được anh chị em trong đơn vị quý mến. Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng bộ Cục Quân huấn đã kết nạp Nguyễn Đức Huy vào Đảng. Như vậy là anh đã được vinh dự đứng trong đội ngũ vinh quang của Đảng chỉ sau hơn bảy tháng nhập ngũ. Đó là ngày 6 tháng 1 năm 1949.

Trước vinh dự lớn lao ấy, người chiến sĩ cách mạng như Nguyễn Đức Huy càng cần phải khẳng định vai trò trách nhiệm của mình, phải sống và chiến đấu, công tác thế nào để phụng sự hết mình cho lý tưởng của Đảng là giải phóng dân tộc, mang lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân, để không phụ lòng tin yêu và tình cảm của đồng chí đồng đội.

(Còn tiếp)

Nguồn: “Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy- Một đời binh nghiệp” của Nguyễn Thống Nhất- Nxb QĐND năm 2011 và “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy- Nxb Thông tin- Truyền thông, năm 2020.

HN, ngày 02/5/2025

TTNL