Đà Nẵng: Hiệu quả từ nghị quyết về xây dựng nông thôn mới

25/05/2023 09:05

Huyện Hòa Vang tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong đó, việc thực hiện Nghị quyết số 72/2021/NQ-HĐND ngày 17-2-2021 của HĐND thành phố quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao trên địa bàn huyện Hòa Vang giai đoạn 2022-2025 với nhiều kết quả nổi bật. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng, trên cơ sở Nghị quyết số 72/2021/NQ-HĐND, UBND huyện tập trung chỉ đạo UBND các xã, các ngành liên quan xây dựng kế hoạch và lập danh mục nhu cầu đầu tư thực hiện theo tinh thần nghị quyết trong giai đoạn 2022-2025.

Hằng năm, huyện chỉ đạo các địa phương rà soát, đề xuất danh mục nhu cầu đầu tư xây dựng NTM; bổ sung vào danh mục đầu tư trung hạn của huyện; lập danh mục đề xuất thành phố bố trí kinh phí hằng năm. Hằng năm, UBND huyện được thành phố phân bổ kinh phí đầu tư xây dựng NTM với tổng kinh phí (2022-2023) gần 250 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư xây dựng cơ bản hơn 241 tỷ đồng và vốn sự nghiệp phát triển hơn 8,2 tỷ đồng.

“Nghị quyết số 72/2021/NQ-HĐND làm cơ sở cho địa phương chủ động sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất phát sinh trên địa bàn để đầu tư xây dựng NTM các năm 2022, 2023. UBND huyện đã phân bổ 100% kinh phí cho các danh mục công trình đầu tư trong năm”, ông Dũng cho biết.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được địa phương chú trọng tập trung xây dựng. Huyện đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông liên thôn, giao thông kiệt kẻm và giao thông nội đồng. Đầu tư bê-tông hóa hàng chục tuyến kênh mương nội đồng, phối hợp đơn vị liên quan của thành phố thực hiện đầu tư kè sạt lở ven sông. 100% hộ dân trên địa bàn huyện sử dụng điện. Huyện chú trọng đầu tư nâng cấp, sữa chữa 17 công trình trường học các cấp; xây dựng 5 nhà văn hóa thôn và hỗ trợ trang thiết bị âm thanh cho 102 nhà văn hóa thôn trên địa bàn. Hoàn thiện đầu tư xây dựng chợ Lệ Trạch và chợ Hòa Nhơn. Ngoài ra, huyện xử lý nạo vét hệ thống thoát nước khu vực thôn Túy Loan Tây 2, hỗ trợ xây dựng điểm chứa rác văn minh, hợp vệ sinh tại các xã…

Đối với phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, huyện thu đổi cơ cấu giống lúa trung ngắn ngày có chất lượng với 410 tấn giống lúa; khôi phục, chuyển đổi 22,05ha diện tích bỏ hoang, đất ảnh hưởng của dự án… Đến nay, huyện triển khai hỗ trợ 76 hộ thực hiện phát triển kinh tế vườn mẫu tại các xã; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; hỗ trợ 3 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Hòa Phong, Hòa Phước, Hòa Khương, mỗi xã được hỗ trợ 100 triệu đồng.

Thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố về xây dựng NTM, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòa Phước Võ Trần Minh Long xác định, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của xã từ khi mới triển khai thực hiện NTM đến nay là lấy xây dựng cơ sở hạ tầng làm khâu đột phá, mũi nhọn để thúc đẩy các nhóm tiêu chí khác phát triển. Từ đó, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống văn hóa văn minh, đi đôi với gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn xã được đầu tư khá hoàn thiện. Đường giao thông nông thôn chiều rộng từ 3,5m đến 5m. Xã chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các mô hình: hoa lan rừng, lan cắt cành, rau thủy canh... Tiểu thủ công nghiệp duy trì và phát triển, góp phần vào nâng cao đời sống vật chất của người dân, mức thu nhập bình quân đầu người xã năm 2021 đạt 62 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Thúc Dũng, việc ban hành quy định cơ chế chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 72/2021/NQ-HĐND đã tạo điều kiện thuận lợi cho huyện thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; đồng thời tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất trên địa bàn, nâng cao mức thu nhập của người dân. Thời gian tới, huyện chú trọng đẩy mạnh triển khai, tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện các Bộ tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu của Trung ương và thành phố; các nội dung Nghị quyết số 72/2021/NQ-HĐND đến các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức chính trị cấp cơ sở được nắm bắt, thực hiện, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Trên cơ sở triển khai thực hiện nghị quyết, UBND huyện chủ động cân đối nguồn thu tiền sử dụng đất được phân cấp cho huyện thu và hưởng toàn bộ khoản thu để phân bổ đầu tư các công trình NTM bảo đảm giữ vững và nâng cao các tiêu chí.

Minh Trí
Bạn đang đọc bài viết "Đà Nẵng: Hiệu quả từ nghị quyết về xây dựng nông thôn mới" tại chuyên mục Kinh tế Nông nghiệp. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309