Mới đây, cơ quan chức năng phát hiện ông Nguyễn Xuân Thanh (SN 1965), trú tại thôn Quảng Trung, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp), khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng không có giấy phép.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng thống kê được khoảng 50m3 đá bazan, cùng các phương tiện khai thác đá trái phép được ông Thanh tập kết tại hiện trường. Với các vi phạm này, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính ông Thanh 405 triệu đồng.
Tương tự, tháng 8/2021, cơ quan chức năng đã phát hiện ông Huỳnh Văn Nguyên, trú tại thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp), khai thác đá làm vật liệu xây dựng khi chưa được cấp phép. Căn cứ vào tang vật, hành vi vi phạm, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính đối với ông Nguyên hơn 600 triệu đồng.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trong thời gian qua. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian qua, công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp.
Các cấp chính quyền đã nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực khoáng sản. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã chú trọng thực hiện các nghĩa vụ tài chính và các quy định khác...
Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra tại một số khu vực trên địa bàn, gây tác động xấu đến môi trường, thất thu ngân sách. Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản có nhiều vi phạm về giấy phép hoạt động, bảo vệ môi trường, nộp thuế...
Tình trạng lợi dụng giấy phép để khai thác khoáng sản sai quy định cũng diễn ra nhiều. Đặc biệt, tình trạng lợi dụng giấy phép khai thác đá xây dựng để khai thác đá cây trở nên rất phổ biến, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác, việc kê khai thuế tài nguyên cũng chưa hiệu quả. Công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn chậm.
Việc quy hoạch khoáng sản chưa được đánh giá, dự báo sát với nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; chưa cập nhật được các yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ các di sản Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông…
Từ thực tế đó, tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu quản lý hiệu quả lĩnh vực khoáng sản trong giai đoạn tới. Theo đó, đến năm 2025, tỉnh tăng thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản từ 5% - 10%.
Các huyện thực hiện có hiệu quả việc truy quét, ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động chính thức.
Các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
Mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đã ký văn bản chỉ đạo tập trung quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở TN-MT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của cá tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an cấp huyện, cấp xã chủ động công tác nắm tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về quản lý, khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản.
Trên địa bàn tỉnh không để hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn ra phức tạp, không để xảy ra các điểm nóng về hoạt động khai thác trái phép khoáng sản, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.