Trước hết chúng tôi phải thầm cảm ơn nhà mạng fb đã kết nối và sẻ chia trên các nền tảng công nghệ cao, để đến hôm nay có những câu chuyện vui buồn, có những thời điểm mà nhiều người trong chúng tôi không nghĩ rằng mình được gặp nhau và sống lại kỉ niệm một thời trai trẻ đã qua, nơi biên giới Trà Lĩnh tỉnh Cao Bằng.
Những ngày này khắp các ngả đường đất nước nơi nào cũng cờ hoa rực rỡ chào mừng ngày tết độc lập của dân tộc. Sáng ngày 1/9/2024, sau khi rời quốc lộ 1 hướng Bình Dương vào quốc lộ 13 và khi đã đi qua địa phận Bình Dương, tôi nhập làn vào quốc lộ 14, từ đây vùng cao nguyên đất đỏ như đang rộn ràng đón bước chân tôi. Những địa danh như Bình Phước, Đồng Xoài, Bù Đăng... tạm lùi lại phía sau, chiếc Honda PCX125 làm bạn đồng hành cùng tôi lướt ngon lành qua những cung đường trải nhựa, sạch và êm, lên xuống chập trùng bên những cánh rừng cao su, cà phê, điều, tiêu, sầu riêng vv... bạt ngàn nhấp nhô xa tít tắp. Một không khí trong lành mát rượi, quá đỗi bình yên và thơ mộng. Sau khi đã di chuyển một quãng đường khá xa ,tôi đã tới địa phận Bù Đăng. Đang nằm nghỉ tại quán giải khát ven đường, nằm đung đưa chiếc vòng thì tiếng chuông reo:
- Anh tới đâu rồi… em là Tạ, nghe Phi nói anh lên chơi. Phi cử em ra đón anh, giờ anh đang ở chỗ nào?
- Anh đang ở Bù Đăng...
- Vậy là còn 70km nữa, anh cứ chạy thẳng đến bến xe liên tỉnh là em có mặt đón anh...
Gia Nghĩa một thành phố trẻ trực thuộc tỉnh Đăk Nông nơi có các chiến hữu e852 đang sống và làm việc, vẫn còn nhiều bỡ ngỡ với tôi. Có thể đôi lần đi qua nhưng tôi chưa kịp tìm hiểu nhiều về vùng đất đỏ này. Một trung tâm văn hoá chính trị, kinh tế của địa phương sau khi tái lập tỉnh. Trên dải đất cao nguyên trù phú này, Đăk Nông vẫn còn nhiều nét hoang sơ bạt ngàn, miền đất đỏ cao nguyên nắng gió, mưa nguồn... Hơn 1h đồng hồ chạy xe tôi đã có mặt tại bến xe liên tỉnh Đăk Nông. Có vẻ vắng nhiều so với bến xe của một số địa phương. Đang mải suy nghĩ về những đồng đội của mình dẫu chưa một lần gặp mặt. Tôi nhìn tấm biển, từ đây về Sài Gòn là 250km.
*
- Anh Hiền phải không? Em Tạ đây. Sau cái bắt tay thật chặt, Tạ nói, mời anh vào nhà em, nhà em cách đây khoảng 3km thôi.
Một chất giọng lơ lớ của người dân tộc Tày phía Bắc nói tiếng Kinh vẫn không lẫn vào đâu được dẫu có ở nơi nào. Dáng người Tạ nhỏ chắc và có vẻ hơi thấp, nhưng nhanh nhẹn, kiểu cách và nụ cười thì chắc chỉ có cựu chiến binh mới sở hữu thế.
Nhà Tạ ở xã Đăk R’Moan thành phố Gia Nghĩa. Căn nhà kiểu khung sắt rộng rãi lợp tôn giản đơn nhưng chắc chắn. Hai người phụ nữ niềm nở chào tôi rất thân thiện, có vẻ như quen thân nhau lâu lắm rồi...
- Giới thiệu với anh đây là K’Lan vợ đầu của em người dân tộc K’ho quê ở Lâm Đồng, còn đây là Lương Huyền vợ sau của em người dân tộc Tày cùng quê...
- Ơ... thế Tạ ở cùng hai người vợ trong một căn nhà? Tôi hơi ngạc nhiên đôi chút.
- Vâng.
Câu trả lời rất nhẹ và vô tư kèm theo nụ cười hiền hậu của Tạ, Lâu rồi anh. Đây là anh Hiền trước ở biên giới Trà lĩnh, tỉnh Cao Bằng cùng đơn vị với anh, hiện đang ở thành phố Hồ Chí Minh, anh là thương binh. Tạ giới thiệu tôi cho hai người vợ nghe.
- Các cháu đâu rồi. Tôi hỏi.
- Dạ tụi em không có con chung. K’Lan nói, ba thân già chúng em dựa vào nhau thôi, cuộc sống quen rồi anh à. K’Lan cười, một nụ cười có vẻ như rất bằng lòng và mãn nguyện.
Tôi nghĩ đến Trần Xuân Tạ, người lính quân khí của D9 bộ binh trung đoàn 852 quân đoàn 26, quân khu 1, dân tộc Tày chính gốc. Sau khi thống nhất với Tạ, là khoảng 4h chiều sẽ qua nhà Phi và anh em gặp mặt, từ nhà Tạ sang Phi khoảng 20km thuộc xã Đăk’Ha. Huyện Đăk K’Rong, tỉnh Đăk Nông.
Ngoài Ngô Đinh Phi, còn có Nguyễn Văn Bảy lính đại đội 8 tiểu đoàn 8 bộ binh - Thâm Tủm) cùng quê xã Cát Nê huyện Đại từ, Nguyễn Văn Đông xã Phú Xuyên lính đại đội 6, tiểu đoàn 8 và Trần Xuân Tạ quê Chợ Rã nơi có hồ Ba Bể nổi tiếng của tỉnh Bắc Kạn. Mấy anh em đều nhập ngũ tháng 2/1986. Câu chuyện về lính như không bao giờ cạn, vui vẻ và chân tình...
Đến khoảng 20h30’ tôi và Tạ xin phép tạm chia tay Phi, hẹn trưa mai gặp nhau tại nhà vợ chồng Bảy (c8) có cả vợ chồng nguyên đại đội trưởng c14 cối 120li Đồng Văn Bờ, anh chị cũng vừa hẹn sẽ có mặt khi từ Chư sê xuống...
Trên đường trở về nhà Tạ, một cơn mưa ập tới, tuy không lớn lắm nhưng trời mù sương bốc lên từ mặt đường nhựa... mịt mùng.
- Chiều nay anh Hiền chưa ăn gì nhiều đâu, tiếng Tạ nói với hai người vợ đang ngồi đợi trong nhà. Như chỉ chờ có thế Lương Huyền nhanh nhẹn đứng dậy ngay, chiều em thịt con gà đen giờ cả nhà mình ăn cháo nhé, em nấu ngon lắm!
Lúc này tôi mới có dịp ngắm lại không gian nhà người đồng đội, đơn giản và có chút tuyềnh toàng, thậm chí không cần cửa nhưng cảm giác thật bình yên và ấm cúng. Được biết căn nhà này hoàn toàn do vợ chồng Tạ xây dựng.
Ăn xong bát cháo, uống miếng trà tôi xin phép đi nghỉ mai lại tiếp tục câu chuyện. Một giấc ngủ ngon lành đến với tôi. Gần sáng lại một cơn mưa bất chợt ập đến, tiếng mưa nghe rào rào, ràn rạt lên mái tôn làm tôi giật mình thức giấc... Bỗng nhiên tôi lại nhớ đến ca khúc “Chuyện lòng tôi kể tiếng mưa có vui bao giờ”... Mà tự nhiên tôi lại thấy lòng mình rộn rã, bồi hồi và cứ cảm nghĩ một bài ca về tình người nào đó đang cất lên như chào đón một buổi sáng trong lành. Khi tỉnh giấc tôi đã thấy người vợ đầu của Tạ là K’Lan đã đi tập thể dục về. Vợ hai của Tạ, Huyền đang đun nước pha trà và chuẩn bị bữa sáng. Tạ cũng từ dưới khu chăn nuôi heo gà lên, khoe với tôi: - Anh ơi! Bữa qua em không để ý con heo nái, sáng nay thấy nó đẻ 10 con đẹp lắm anh à. Huyền nghe chồng nói vậy, cười vui, anh Hiền đúng là quí nhân rồi. Lúc chiều qua anh Hiền vừa đến có một con bướm to đẹp cứ bay vòng vòng trong nhà, rồi khi dọn giường để anh nghỉ thì thấy có một con rắn không biết nó ở khi nào, em đuổi nó đi rồi. Tôi chỉ mỉm cười và chúc mừng gia đinh người đồng đội gặp may mắn.
Xôi nếp cẩm gạo nhà trồng, tự tay Huyền nấu theo kiểu dân tộc ngon tuyệt có mỡ phi, đậu phộng rang..
- Gia đình em hiện giờ nương rẫy nhiều không? Tôi hỏi chuyện Tạ.
- Dạ có hơn 2ha thôi. Tụi em cũng có làm hết việc đâu, trước em còn nuôi cả cá dưới đầm kia, nhưng không trông được, đành cho họ câu hết rồi thôi bỏ. Giờ em chủ yếu trồng cà phê, tiêu... và chăn nuôi. Gà nhà em có lúc gần cả ngàn con, heo lúc nào cũng tầm chục con mà là heo rừng hết. Cứ thả rông không chăm như ngoài mình đâu. Nái có 3 con, một năm mỗi con đẻ hai lứa khoảng 5 - 6 chục con heo con. Nói chung kinh tế của mấy anh em bọn em trên này giờ ổn lắm không vất vả như trước nữa. Riêng Bảy có gần chục ha rẫy, nhiều nhất trong số tụi em.
- Nãy anh coi cà phê nhà em quả sai trĩu cành, khi thu hoạch ước chừng được nhiều không?
- Như năm nay chắc khoảng trên dưới 2 tấn anh ạ, còn tiêu chắc khoảng 1 tấn trở lại...
Ngoài sân có khá nhiều máy móc phục vụ cho sản xuất. Như Tạ nói, có máy sát vỏ cà tươi, cà khô, máy hút nước thậm chí cả máy trộn bê tông. Tất cả đều do Tạ nghiên cứu và tự chế hết. Máy thái thức ăn gia súc rồi máy Hàn, máy khoan... Tôi chỉ thốt lên một câu, Tạ quá tài, thật không hổ danh lính quân khí e852 năm nào. Tôi nhìn lên nương rẫy rồi hỏi Tài, nương rẫy rộng như này có bao giờ em bị trộm hỏi thăm không? Tạ cười, ở đây họ hiền lắm không mất gì bao giờ đâu... Biết nhau hết mà. Em cũng tham gia làm chân thôn đội trưởng, nên lắm khi cũng bận rộn chút anh ạ.
-Tụi em có hay về quê chơi thăm gia đình không?
- Ít anh ơi, nếu đi thì nương rẫy không làm được còn chăn nuôi nữa. Việc thật quan trọng mới về quê.
Đã đến giờ phải lên nhà Bảy để gặp mặt, tôi hỏi ai phải trông nhà? Tại báo, đi hết không phải trông. Tiếng K’Lan nói vọng ra, em mà ở nhà là em khóc đấy... đi hết chứ.
Đến nhà Bảy, mọi người đã có mặt đầy đủ. Nửa tiếng sau vợ chồng anh Bờ cũng có mặt. Cuộc gặp mặt rất vui và ấm lòng những người đồng đội cũ. Thượng uý Bờ sau khi rời quân đội anh cũng vào Tây nguyên lập nghiệp. Cho đến nay, cuộc sống của gia đình anh rất ổn định và có phần khá giả... Một vài tấm hình làm kỉ niệm được ghi lại, bữa cơm thân mật được dọn mời vui hết nấc. Những ân tình được kể lại và khắc ghi nhiều hơn... Cái chạm ly vẫn đậm chất lính biên cương ngày nào. Những vui buồn thời đã qua, được tô nét đẹp hơn bao giờ hết bởi chính câu chuyện của mỗi người...
Sau cuộc vui, anh Bờ và vợ lại tiếp tục đi Bình Phước. Tôi nói, nếu điều kiện cho phép, từ nay trở đi thượng uý Bờ anh sẽ là cầu nối kết giao các cựu chiến binh e852 tại Tây Nguyên lại gần nhau hơn với phương châm. “Đoàn kết yêu thương và hỗ trợ giúp đỡ nhau trong đời thường”, hoàn toàn là tự nguyện. Anh Bờ rất vui vẻ nhận lời và mọi người có mặt nhất trí rất cao, sẽ ra mắt Hội vào thời điểm thích hợp. ”Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ!” Có lẽ câu nói này luôn đúng với các chiến hữu của tôi. Bởi phạm vi cách nhau khoảng một vài chục km, nếu ai cần là các bạn đều có mặt ngay, điều này rất đáng trân trọng.
Ngày hôm sau tức là đêm thứ ba tôi nghỉ tại nhà đồng đội Tạ, trưa đó một bữa tiệc linh đình con heo rừng 50kg đã được làm thịt để tiếp khách. Ngoài mấy anh em hôm qua, còn có thêm 2 ccb thời đánh Mĩ. CCB Việt sinh năm 1954 hiện là bí thư chi bộ, Thôn trưởng Tân Hiệp , Cụ CCB Nguyễn xuân Tư sinh năm 1938 chủ tịch người cao tuổi xã Đăk R’Moan và vài bà con lối xóm với gia đình Tạ, cũng tới chung vui. Có thêm ccb Tùng e852 trước ở (k11 tức chốt 800) quê Lục Ba, Đình ở quân đoàn bộ 26. Cuộc vui tưởng như không dứt. Câu chuyện kể về lính như kéo dài vô tận.
Kết thúc buổi liên hoan, những cái bắt tay thật chặt hẹn ngày tái ngộ. Đong đầy tình lưu luyến của những người một thời mặc áo lính, súng thép ấm bàn tay trấn ải nơi biên giới. Có lẽ miền cao nguyên đất đỏ Tây Nguyên đã níu bước chân họ, suốt dặm dài đất nước. Ở đâu mà gặp lính e852 là niềm tự hào có ở đó. Bởi họ sau khi trở về đời thường, kinh tế đất nước rất khó khăn, trước cảnh gia đình thiếu trước hụt sau, họ thoát ly một lần nữa (chấp nhận những gian khó...) đấy lại là lựa chọn chính xác hay và sáng suốt. Quân đội ta đã đào tạo ra những người lính chân chính đúng nghĩa. Những người mẹ đã sinh ra những người con hiếu nghĩa, một đời vì nước vì dân.
Cuối buổi chia tay Phi, Tạ, Bảy, Đông, Tùng... các anh đều muốn nhắn gửi qua tôi, nếu có dịp nào đó anh gặp các thủ trưởng cũ của Trung đoàn, hay trong Ban liên lạc e852, chỉ mong các Thủ trưởng quan tâm trao tặng cho mỗi người tụi em một tấm kỉ niệm chương của Trung đoàn làm kỷ vật để lưu giữ, cho con cháu sau này hiểu thêm về người cha, ông của họ đã sống và chiến đấu nơi biên cương Tổ quốc, và hiện tại đang sống nơi cao nguyên bạt ngàn nắng gió này.
Cảm ơn các chiến hữu và gia đình thật nhiều, đã cho tôi chất xúc tác., tạo cảm hứng để viết nên nét đẹp về tình người, tình đồng đội. Những dấu chân người lính Tây Nguyên.
SG, 21h00 ngày 8/9/2024
N.D.H
Trái tim người lính