Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long: Dự án GIC và những kết quả nổi bật

Dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh - GIC không chỉ mang lại lợi ích như giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nhận được sự đón nhận tích cực từ các nhóm hưởng lợi.

Tính đến tháng 3/2024, dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh - GIC đã triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo với sự tham gia của 20.966 nông dân cùng 281 Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSMEs) thuộc hai chuỗi giá trị lúa gạo và xoài tại 6 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những đổi mới sáng tạo này không chỉ mang lại lợi ích như giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nhận được sự đón nhận tích cực từ các nhóm hưởng lợi.

Một số kết quả nổi bật

Để đánh giá hiệu quả của Dự án, vào tháng 8/2023, một nhóm tư vấn độc lập đã thực hiện đánh giá cuối kỳ thông qua khảo sát 508 hộ gia đình và 52 MSMEs trong hai chuỗi giá trị lúa gạo và xoài. Đồng thời, thông tin về chất lượng sản phẩm (đo lường lượng nước và phát thải khí nhà kính) cũng được thu thập từ 644 hộ hưởng lợi.

img-7677-1733933958.jpeg

Lớp tập huấn quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn tại Sóc Trăng. 

Kết quả đánh giá cho thấy, 70,22% nông dân và 32,28% MSMEs đã áp dụng các đổi mới sáng tạo vào thực hành canh tác và kinh doanh. Việc áp dụng này giúp người trồng xoài tăng thu nhập thêm 19,7%, giảm 25% lượng phân bón hóa học. Trong khi đó, nông dân trồng lúa giảm được 8,6% lượng phân bón hóa học và tiết kiệm 28% nước tưới, đồng thời cải thiện đáng kể hiệu quả sản xuất.

Một trong những sáng kiến nổi bật của Dự án là Lớp học kinh doanh cho nông dân (Farmer Business School – FBS). Phương pháp này, do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phát triển, không chỉ giúp nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang tiếp cận như một doanh nhân mà còn cung cấp các kỹ năng kinh doanh thiết thực.

Theo đánh giá năm 2023, có tới 89% nông dân áp dụng các kiến thức từ FBS vào thực hành kinh doanh, giúp cải thiện khả năng quản lý tài chính và tăng thu nhập. Phương pháp này đã tạo ra nền tảng vững chắc để nông dân nắm bắt cơ hội thị trường, áp dụng công nghệ cải tiến và đầu tư hiệu quả hơn.

img-7690-1733969632.jpeg

Máy sản xuất phân từ rơm rạ sau thu hoạch. 

Nhằm nhân rộng tác động của FBS, trong năm 2023, Cục Kinh tế Hợp tác và phát triển nông thôn (DCRD) đã phối hợp với Dự án tổ chức hội thảo giới thiệu FBS đến 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, sáng kiến này đã được trình bày tại hội nghị định hướng tương lai đào tạo nghề nghiệp trong ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy ngân sách Nhà nước đầu tư vào các khóa đào tạo FBS. Đặc biệt, ngày 15/11/2023, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 4880/QĐ-BNN-KTHT, phê duyệt Chương trình đào tạo nghề “Kinh doanh nông nghiệp” cho lao động nông thôn.

Ngoài FBS, Dự án còn triển khai các giải pháp đổi mới sáng tạo khác như tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững SRP, quản lý rơm rạ, cắt tỉa cành, và cải thiện dinh dưỡng đất trong canh tác xoài. Những giải pháp này nhận được sự phản hồi tích cực từ nông dân và các doanh nghiệp tham gia.

Trong năm 2024, Dự án dự kiến tiếp tục củng cố các phương pháp nâng cao năng lực, hỗ trợ thể chế hóa các sáng kiến đổi mới và đẩy mạnh truyền thông về những kết quả đã đạt được. Mục tiêu là nhân rộng các tác động tích cực, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường

Đánh giá về hiệu quả của dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh, bà Sonja Esche, Trưởng nhóm nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đánh giá, Dự án đã đạt được những kết quả rất ấn tượng và hơn cả những gì chúng tôi mong đợi. Tất cả các bên liên quan đều có thể tự hào về điều này.

Một trong những yếu tố thành công của dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh là sự tham gia của các bên liên quan, hợp tác với nhau và cùng chung tay triển khai dự án. Nếu không có yếu tố này, chúng ta sẽ không thể có những kết quả như bây giờ. Từ trung ương cho đến địa phương, mọi người đều rất nỗ lực để đạt được những kết quả này.

img-7691-1733969749.jpeg

Nông dân thực hành tính toán trong một lớp đào tạo FBS trong chương trình đào tạo của Dự án GIC. 

Bà Sonja Esche nhấn mạnh hai khía cạnh hai khía cạnh thành công của Dự án. Thứ nhất, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh đã dành rất nhiều nỗ lực để áp dụng cách tiếp cận toàn diện đối với các đổi mới sáng tạo ở cấp độ sản xuất. Điều này bao gồm việc xây dựng và điều chỉnh tài liệu đào tạo, sau đó triển khai phương pháp tập huấn phù hợp. Chẳng hạn, dự án đã tập huấn cho hơn 500 giảng viên nguồn (TOT), từ đó họ đi tập huấn cho nông dân (TOF), giúp hơn 22.000 nông dân tiếp cận các loại công nghệ và thực hành khác nhau. Bà Sonja Esche đánh giá việc dự án GIC có thể tiếp cận và lan tỏa tới nhiều người như vậy thực sự rất đáng chú ý và là một thành tựu nổi bật. Thứ hai, mối liên kết không chỉ tập trung ở cấp độ sản xuất mà còn chú trọng đến khía cạnh kinh doanh và tư duy kinh doanh cho cả nông dân lẫn hợp tác xã. Đây cũng là yếu tố góp phần vào thành công của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh. Trong khía cạnh kinh doanh này, có một phương pháp mà tôi nghĩ không thể không đề cập đến, đó là Lớp học Kinh doanh cho Nông dân (Farmer Business School). Phương pháp này thực sự tập trung vào việc nâng cao tư duy kinh doanh cho nông dân.

Còn theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Dự án Đổi mới Sáng tạo Xanh (GIC) không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận các giải pháp đổi mới cho người nông dân, mà còn thúc đẩy phát triển bền vững toàn ngành nông nghiệp khu vực. Dự án mang lại nhiều lợi ích lâu dài, từ cải thiện đời sống, tăng cường năng lực cạnh tranh đến đảm bảo an ninh lương thực. Các tác động của Dự án được thể hiện qua nhiều khía cạnh nổi bật.

- Bình đẳng giới:Dự án GIC tạo điều kiện bình đẳng cho nam và nữ trong việc tiếp cận các dịch vụ khuyến nông và đào tạo. Đặc biệt, Dự án tập trung vào việc tạo việc làm cho phụ nữ trong chuỗi giá trị xoài và lúa gạo, giúp bù đắp thu nhập bị mất do cơ giới hóa. Ngoài ra, các hỗ trợ hướng tới nâng cao vai trò của phụ nữ trong quản lý nông nghiệp và các hợp tác xã, khuyến khích sự tham gia tích cực của họ vào các diễn đàn, nhóm làm việc và mạng lưới đổi mới sáng tạo xanh.

- Tạo việc làm cho thanh niên: Dự án thúc đẩy chế biến sản phẩm phi tập trung, tạo cơ hội việc làm và giảm xu hướng di cư ra đô thị. Thanh niên sẽ được trang bị kỹ năng quản lý doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp theo định hướng thị trường. Những thay đổi này góp phần phát triển lực lượng lao động trẻ với năng lực đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa nông nghiệp.

- Phát triển cùng tham gia và quản trị tốt: Dự án khuyến khích sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi giá trị lúa gạo, đồng thời thúc đẩy thực hành quản trị minh bạch. Nhóm dân tộc thiểu số Khmer được hỗ trợ tích cực, giúp họ tham gia vào các hoạt động kinh tế, cải thiện sinh kế và hòa nhập cộng đồng.

- Bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên: GIC hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững bằng cách giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp và nước trong canh tác lúa gạo và xoài. Các tiêu chuẩn như SRP được áp dụng nhằm giảm tác động xấu đến đất, nước và môi trường, đồng thời cải thiện chất lượng sản phẩm.

- Phát triển thương mại: Dự án hỗ trợ nâng cao chất lượng lúa gạo, trái cây và rau củ để tăng giá trị xuất khẩu, đặc biệt là vào thị trường châu Âu. Thông qua minh bạch hóa tiêu chuẩn sản xuất và cung cấp thông tin thị trường, các nhà sản xuất nhỏ và doanh nghiệp chế biến được tăng cường khả năng thương lượng và mở rộng cơ hội thương mại.

- Thích ứng với biến đổi khí hậu: Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chịu nhiều ảnh hưởng phức tạp từ biến đổi khí hậu. Dự án tập trung vào thích ứng, như thay đổi phương pháp canh tác, áp dụng kỹ thuật tưới tiêu tiết kiệm và đa dạng hóa thu nhập. Những biện pháp này không chỉ tăng cường khả năng thích ứng mà còn giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

- Giảm nghèo và phát triển nông thôn:Dự án hỗ trợ các hộ sản xuất nhỏ, đặc biệt là người Khmer, tiếp cận công nghệ hiện đại để duy trì sản xuất  nông nghiệp và cải thiện thu nhập. Các dịch vụ bổ sung giúp nhóm người lớn tuổi và phụ nữ ở nông thôn tham gia sản xuất hiệu quả hơn, góp phần xây dựng sinh kế bền vững.

- Đảm bảo an ninh lương thực: Thông qua áp dụng các giải pháp đổi mới và mở rộng hợp tác với các tổ chức khuyến nông, Dự án góp phần đáp ứng nhu cầu lương thực toàn cầu và thúc đẩy phát triển nông thôn tại Đồng bằng sông Cửu Long.

- Tác động xã hội tích cực: GIC tập trung hỗ trợ các nhóm dân cư có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người Khmer, giúp họ tiếp cận dịch vụ đào tạo, khuyến nông và nâng cao điều kiện sống. Dự án cũng đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đồng thời đào tạo nông dân sử dụng hóa chất nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe và môi trường.

Với những tác động đa chiều, Dự án GIC không chỉ nâng cao đời sống nông dân mà còn góp phần thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và thích ứng hiệu quả với những thách thức của thời đại.

TRANG TIN VỚI SỰ PHỐI HỢP VỚI CỤC KINH TẾ HỢP TÁC VÀ PTNT