Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột: Đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”, trên công trường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, các đơn vị liên quan đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công công trình.

anh2-1724918533.jpg

Đại công trường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao. Ảnh: Bảo Trung

Hướng đến mục tiêu vào cuối năm 2025 hoàn thành 68 km đầu tiên của Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Cụ thể, dự án đường bộ cao tốc có chiều dài 117,5km, gồm 3 dự án thành phần, được khởi công tháng 6 năm 2023, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2026. Đến nay, dự án thành phần 1 do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư giá trị xây lắp đạt 20%; Dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng giá trị khối lượng xây lắp đạt gần 7%; Dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư đạt hơn 15% giá trị.

Đồng thời, đại diện Cục Đường cao tốc Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, công tác quy hoạch, đầu tư mạng lưới cao tốc Tây Nguyên được chú trọng triển khai. Đến năm 2030, khu vực Tây Nguyên có 9 tuyến cao tốc đi qua với tổng chiều dài khoảng 1.900 km.

Để Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững, chìa khóa chính là đẩy mạnh liên kết vùng, lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm động lực, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành 68 km thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột vào cuối năm 2025, hoàn thành trước một năm so với kế hoạch đề ra và 49 km còn lại hoàn thành vào cuối năm 2026. Nếu hoàn thành mục tiêu này, đến cuối năm 2025, tổng chiều dài đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác ở khu vực Tây Nguyên lên gần 90 km.

Cụ thể, dự án được chia ra 3 dự án thành phần và do các tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư. Trong đó, dự án thành phần 3 (do tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư) hiện đã cơ bản hoàn thành gần 100% tiến độ giải phóng mặt bằng. Tổng giá trị khối lượng xây lắp là 698 tỉ đồng (đạt 16,8% kế hoạch). Công tác bố trí bãi thải, cung cấp mỏ vật liệu được bảo đảm theo tiến độ. Riêng đối với dự án thành phần 2 do Ban Quản lý dự án 6 - Bộ GTVT làm chủ đầu tư, tỉnh Đắk Lắk thực hiện công tác GPMB. Đến nay, địa phương đã hoàn thành được 307,54ha, đạt 96,8% khối lượng công việc (tương ứng với chiều dài 35km).

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị chia sẻ, “Hưởng ứng đợt thi đua cao điểm do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Đắk Lắk xin cam kết, tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong việc giám sát, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị thi công, tư vấn thực hiện hoàn thành dự án. Tôi tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ; sự hỗ trợ tích cực của các ban, bộ, ngành Trung ương; sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan và sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chắc chắn dự án thành phần 3 sẽ hoàn thành trong năm 2025 và toàn bộ dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 sẽ về đích đúng tiến độ kế hoạch đề ra”.

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh, chủ đầu tư và các nhà thầu đang tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.

thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-di-thi-sat-du-an-cao-toc-khanh-hoa-buon-ma-thuot-doan-qua-huyen-krong-pac-tinh-dak-lak-1724918423.jpg

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chuyến kiểm tra tình hình triển khai Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đoạn qua huyện Krông Pắc. Ảnh Báo VOV.

Nhân chuyến kiểm tra tình hình triển khai Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đoạn qua huyện Krông Pắc mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh tỉnh Đắk Lắk lần đầu tiên làm chủ dự án tuyến đường cao tốc nhưng đã nỗ lực rất lớn, đến nay tuyến đường đã lên hình hài rõ nét.

Tại công trường, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng lại đường găng tiến độ các dự án thành phần, nỗ lực vượt mọi khó khăn về thời tiết, tăng tốc thi công công trình. Đồng thời đề nghị huy động lực lượng quân đội, công an, nhân dân địa phương vào hỗ trợ công trình ở những phần việc có thể làm được với tinh thần đã ra quân là chiến thắng.

Ngoài ra, khuyến khích huy động thêm nhà thầu địa phương tham gia gói thầu để các doanh nghiệp ở Tây Nguyên có thêm kinh nghiệm, lớn mạnh, nhất là tại các đoạn tuyến có địa hình khó khăn, phức tạp. Cùng với đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án, tỉnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm chất lượng, tránh tiêu cực, đối với các đơn vị thi công phải gắn bó với nhân dân địa phương nơi dự án đi qua.