Hà Giang: Phát triển du lịch sinh thái, khám phá Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh

Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) nổi tiếng có cảnh quan thiên nhiên độc đáo cùng hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Đây là những tiềm năng để nơi đây phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.

Tài nguyên sinh thái tự nhiên và nhân văn

baoton-1745808017.jpg
Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh nằm trong phạm vi 11 xã của 3 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang

Ông Cao Đại Quang, Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh cho biết, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh nằm trong phạm vi 11 xã của 3 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang. Tổng diện tích tự nhiên trên 15.000 ha; trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trên 6.410 ha, phân khu phục hồi sinh thái trên 8.350 ha, phân khu hành chính dịch vụ 240 ha. Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh được kiến tạo bởi dãy Tây Côn Lĩnh tạo cho cảnh quan, thiên nhiên mang vẻ đẹp hùng vĩ, điều kiện khí hậu mát mẻ, được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vô vàn cảnh quan kỳ thú với nhiều hệ thống suối, thác rất đẹp và nguyên sơ, có rất nhiều tiềm năng du lịch.

Nơi đây có hệ sinh thái phong phú với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có ý nghĩa quan trọng về mặt sinh học và bảo tồn; trong đó có 216 loài động vật hoang dã cùng hàng nghìn loài động vật không xương sống, côn trùng, nhuyễn thể và 7 ngành thực vật, gần 200 họ thực vật bậc cao và trên 1.150 loài thực vật.

khu-bao-ton-1745808184.jpg
Nơi đây có hệ sinh thái phong phú với nhiều loài động, thực vật quý hiếm

Ngoài địa hình hiểm trở và đa dạng sinh học, Tây Côn Lĩnh gắn liền với hình ảnh bản làng trù phú giữa thiên nhiên hoang sơ cùng với cộng đồng người Dao, người Mông, người Tày, Cờ Lao sinh sống.

Theo thống kê, toàn vùng có 22 dân tộc anh em trong đó dân tộc Tày chiếm tỷ lệ cao nhất hơn 36 % sau đó là dân tộc Kinh, Dao, Mông. Ngoài ra, còn có một số dân tộc rất ít người như: Phù Lá, Sán Dìu, Lô Lô, Ngái... Cộng đồng dân cư các dân tộc thiểu số khác ở đây vẫn giữ gìn tốt bản sắc văn hoá của dân tộc mình, thể hiện trong trang phục, lối sống, các hoạt động sản xuất, dệt vải, thêu thùa và làm đồ thủ công mỹ nghệ.

Chính những bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, phương thức canh tác nông nghiệp, trồng cấy đã tạo nên nét văn hóa riêng biệt, tạo nên những sản phẩm văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc người Mông, Dao, Tày, Cờ Lao,... đã góp phần làm đa dạng sản phẩm của du lịch cung cấp cho chương trình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí của các địa phương.

Ngoài ra, việc coi rừng, đất rừng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên là sở hữu chung của cộng đồng làng và đất đai canh tác thuộc sở hữu của các gia đình đã in sâu vào tiềm thức của đồng bào, nằm trong hương ước của làng và trở thành một yếu tố văn hoá mưu sinh, văn hoá ứng xử dân tộc được truyền từ đời này qua đời khác.

Với tài nguyên thiên nhiên và văn hoá của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh, đây là tiềm năng lớn trong du lịch sinh thái, nhân văn.

hoa-do-quyen-1745808116.jpg
Hoa đỗ quyền khoe sắc tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh

Bảo vệ rừng gắn với Phát triển du lịch sinh thái

haiche-1745808017.jpg
Người dân tộc Dao sinh sống trên dãy Tây Côn Lĩnh có nhiều nét văn hoá đặc sắc

Theo ông Cao Đại Quang, được sự quan tâm của các sở, ban ngành cấp tỉnh Hà Giang cùng với sự hỗ trợ của địa phương, công tác quản lý bảo vệ rừng của Ban quản lý Rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong khu bảo tồn không có điểm nóng về phá rừng, khai thác, lấn chiếm đất rừng. Diện tích rừng tự nhiên cơ bản được giữ vững, vốn rừng được bảo tồn. Độ che phủ của rừng được tăng nhanh đã và đang góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ nguồn gen, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân, gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

Trong bối cảnh các chính sách, định hướng phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang, du lịch sinh thái là một trong những loại hình và sản phẩm du lịch quan trọng. Điều này cho thấy việc phát triển du lịch sinh thái ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh là phù hợp với xu thế và các chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, hiện tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn lĩnh chưa có bất kỳ loại hình và sản phẩm du lịch nào hoạt động, ngoài điều kiện cần có là tiềm năng cho phát triển du lịch thì cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch là một trong những tiêu trí quan trọng cho sự lựa chọn của du khách. Tuy nhiên, nếu có chỉ là hình thức tự phát, manh mún và còn rất hạn chế. Đây là một khó khăn đáng kể trong việc tổ chức các loại hình du lịch.

tayconlinh-1745808017.jpg
Nhiều đoàn khách du lịch tham gia khám phá, check in đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Để bảo tồn và phát huy bền vững các hệ sinh thái rừng, cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh, UBND tỉnh Hà Giang đã có Quyết định số 1723/QĐ-UBND phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh, giai đoạn 2024 – 2030. Trong đó, hướng tới mục tiêu tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên khu vực rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh; thu hút, kêu gọi đầu tư để thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, các giá trị cảnh quan tự nhiên; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân và giảm nghèo bền vững tại vùng đệm và vùng lõi thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh.

Đề án đã xác định 10 điểm và 4 tuyến du lịch có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh. Cụ thể, các điểm du lịch gồm: Rừng Trúc Hoa, Tống Quán Sủ, Thung lũng Hoa Đào, Mào Phìn, Túng Sán, Vườn thực vật, Đỉnh Tây Côn Lĩnh, Lùng Vài, suối Cự Sâu, Đán Khao; 4 tuyến du lịch gồm: Tuyến từ thôn Mào Phìn, xã Phương Tiến (Vị Xuyên) - Đỉnh Tây Côn Lĩnh – thôn Chúng Phùng, xã Túng Sán (Hoàng Su Phì); tuyến từ thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ (Vị Xuyên) – Đỉnh Tây Côn Lĩnh – thôn Chúng Phùng, xã Túng Sán (Hoàng Su Phì); tuyến từ thôn Lùng Vài, xã Phương Độ đi rừng chè cổ thụ, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang); tuyến từ thôn Đán Khao, xã Cao Bồ đi Đỉnh Thượng Sơn, xã Thượng Sơn (Vị Xuyên).

nguoidao-1745808017.jpg
Mái nhà sàn phủ rêu xanh của người Dao tại thôn Xà Phìn, xã Phương Thiện, huyện Vị Xuyên mang nét độc đáo có một không hai.

Các điểm du lịch tiêu biểu như: Điểm du lịch sinh thái Thung lũng Hoa Đào (xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên), Điểm du lịch sinh thái Mào Phìn (xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên), Điểm du lịch sinh thái Túng Sán (xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì), Điểm du lịch sinh thái đỉnh Tây Côn Lĩnh…

Tất các tuyến, điểm du lịch được vận hành và hoạt động hiệu quả về môi trường, kinh tế và xã hội, góp phần tích cực vào các nỗ lực bảo tồn, nâng cao nhận thức và thu nhập cho Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh và cộng đồng địa phương.

Dự kiến tổng mức vốn đầu tư theo phân kỳ của Đề án chủ yếu từ hình thức cho thuê môi trường rừng, hợp tác liên kết phát triển du lịch sinh thái từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khoảng trên 900 tỷ đồng.

luachin-1745808017.jpg
Lúa chín vàng tại các thửa ruộng bậc thang trên dãy Tây Côn Lĩnh

Phương thức tổ chức du lịch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh chủ yếu hai hình thức chính là hợp tác liên kết và cho thuê môi trường rừng. Thứ nhất, Ban quản lý rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh chủ động hợp tác, liên kết với các tổ chức, cá nhân thực hiện điểm, tuyến du lịch theo đề án. Thứ hai, Ban quản lý rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh sẽ thực hiện cho thuê môi trường rừng cho từng nhà đầu tư quan tâm một hoặc nhiều vị trí để thuê môi trường rừng phát triển dịch vụ du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật. Các loại hình, sản phẩm sẽ được ưu tiên thực hiện như: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch khám phá tự nhiên, du lịch mạo hiểm; Loại hình du lịch giáo dục, trải nghiệm chuyên đề…

“Việc lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư được xem xét đến nhiều yếu tố đảm bảo tính hiệu quả trong thực hiện đầu tư phát triển du lịch sinh thái vừa đạt hiệu quả kinh tế, đảm bảo gìn giữ các yếu tố về môi trường, văn hoá xã hội, cân bằng lợi ích giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường”, ông Cao Đại Quang, Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh khẳng định.