Ngược dòng lịch sử
Sau khi nhà Lý thiên đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) đến Đại La (Hà Nội) đổi tên thành Thăng Long, được phép vua, các bậc tiền nhân, thợ thủ công từ các làng Vĩnh Ninh Tràng, Bồ Xuyên, Bạch Bát (Thanh Hóa- Ninh Bình ngày nay) đến Bạch Thổ Phường (tên gọi xã Bát Tràng ngày nay) mở lò, lập làng, sản xuất gốm, gạch cho Nhà nước. Sản phẩm của nghề gốm truyền thống được tạo ra bởi các bí quyết sản xuất và đòi hỏi kỹ năng, kỹ xảo cao, được truyền từ đời này sang đời khác.
Thực tế cho thấy, những sản phẩm gốm không chỉ là những vật phẩm kinh tế hay vật phẩm phục vụ cho sinh hoạt đời sống thường ngày của dân cư, nó còn là những sản phẩm mỹ nghệ, biểu hiện cho sự phát triển kinh tế, trình độ dân trí, đặc điểm văn hóa của dân tộc. Sản phẩm của làng gốm Bát Tràng là sự kết giao giữa phương pháp thủ công tinh xảo với sự sáng tạo nghệ thuật. Các sản phẩm đó mang tính chất cá biệt, có sắc thái riêng, đặc trưng riêng của làng nghề và phản ánh được quan niệm thẩm mỹ, bản sắc văn hóa của người dân.
Trong lịch sử, những loại gốm quý và độc đáo của nước ta, nổi tiếng cả trong và ngoài nước như gốm men ngọc (thời Lý, Trần), gốm hoa nâu hay gốm men nâu (cuối thời Trần - đầu thời Lê), gốm men rạn (thời Lê - Trịnh) và gốm hoa lam (cuối thời Lê - thời Nguyễn) đều đã được sản xuất ở Bát Tràng. Từ cuối thời Trần đến thời Lê và đầu thời Nguyễn, một khối lượng lớn đồ gốm các loại của Bát Tràng đã được xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Nhật Bản, Malaixia, Thái Lan và một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp. Ngày nay gốm Bát Tràng đã có bước phát triển và được đánh giá cao trên thị trường quốc tế.
Như vậy, xã Bát Tràng có nghề sản xuất gốm sứ truyền thống, có lịch sử hình thành và phát triển gắn với 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với 2 làng truyền thống với tên gọi là làng Giang Cao và làng Bát Tràng.
Gốm Bát Tràng rất phong phú đa dạng, tuy cùng một chất liệu là đất nung. Gốm Bát Tràng có nhiều kiểu dáng chủng loại và kích thước, phân loại theo chức năng: Đồ thờ cúng có phù hương, chân đèn, nậm rượu, chóe.... Đồ gia dụng có ẩm, chén, bát, đĩa, vò, lọ, chậu..... Đồ gốm trang trí mĩ nghệ và gồm xây dựng.
Gốm Bát Tràng được làm thủ công, với các bài men truyền thống tạo nên các màu lam, nâu, rạn, xanh ngọc đặc trưng, trang trí các họa tiết hoa, lá, chim muông, sơn thủy hữu tình, bằng màu xanh Côban, phù hợp với từng loại sản phẩm, làm nên sắc màu riêng của dòng gốm Bát Tràng.
Từ xa xưa Gốm cổ Bát Tràng đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong cung vua, phủ chúa và cuộc sống thường ngày của tầng lớp bình dân. Cùng với tiêu dùng nội địa, gốm Bát Tràng đã trở thành hàng hóa xuất khẩu theo các tầu buôn ra nước ngoài. Chính sử nhà Lê, thế kỉ XV, còn chép việc gốm Bát Tràng và vải thâm làng Huê Cầu (Văn Giang, Hưng Yên) còn được chọn làm đồ tiến cống thời phong kiến.
Bát Tràng không chỉ nổi tiếng với nghề gốm, mà còn là làng học, làng khoa bảng thời Nho học, sử làng còn ghi chép tên tuổi và hành trang 364 vị tiên nho, tiên hiền, trong đó có một trạng nguyên và 8 tiến sỹ.
Tên tuổi các vị được lưu danh trên bia đá tại Văn miếu quốc Tử Giám, văn miếu Bắc Ninh và kinh thành Huế. Dân làng thờ phụng các ngài cùng sự học tại Văn từ của làng.
Kể từ ngày nghề gốm Bát Tràng ra đời đến nay, nghề gốm phát triển bền vững liên tục, có lúc thăng, lúc trầm, nhưng không đứt đoạn, không thất truyền. Gốm Bát Tràng chưa bao giờ vắng, thiếu trong đời sống người Việt. Nghề gốm và sản phẩm của làng Bát Tràng ngày càng nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Bát Tràng trở thành điểm du lịch làng nghề
Trên địa bàn Bát Tràng hiện có gần 200 doanh nghiệp nhỏ (04 công ty cổ phần, 11 công ty TNHH, đặc biệt là 8 HTX là khu vực có vai trò, vị trí quan trọng trong việc giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển KT-XH địa phương) và gần 1000 hộ sản xuất kinh doanh gốm sứ. Địa phương có cụm sản xuất làng nghề tập trung với tổng diện tích là 17 ha. Hàng ngày có từ 3.000 đến 5.000 lao động nơi khác đến làm việc tại Bát Tràng.
Thu nhập chính của xã là từ sản xuất kinh doanh gốm sứ; giá trị sản xuất gốm sứ và thương mại hàng năm ước đạt trên 2000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 90 triệu/người/năm.
Năm 2009, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định công nhận làng nghề truyền thống Hà Nội cho 2 làng: làng nghề truyền thống gốm sứ Giang Cao, làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng. Năm 2019 xã được công nhận là điểm du lịch của Thủ đô Hà Nội. Hàng năm, Bát Tràng đón khoảng 5 vạn lượt khách đến thăm quan, mua sắm hàng gốm sứ, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế.
Năm 2010, khi tiến hành triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã Bát Tràng có 11/19 tiêu chí đạt; 05 tiêu chí cơ bản đạt; 03 tiêu chí chưa đạt. Đến hết năm 2014, xã bát Tràng đã có 19/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt; tháng 2/2015 được UNND Thành phố Hà Nội ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Năm 2020 Bát tràng là một trong 02 xã thuộc huyện Gia Lâm đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Năm 2023 xã Bát Tràng đã được thành phố công nhận xã đạt NTM Kiểu mẫu Thực hiện chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm xã Bát Tràng đã đăng ký lập hồ sơ đối với trên 50 sản phẩm và đều được đánh giá từ 4-5 sao. Hiện xã có 2 điểm giới thiệu trưng bầy và bán các sản phẩm OCOP sản phẩm làng nghề là nơi giới thiệu các sản phẩm OCOP các làng nghề đến với du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Bát Tràng.
Với đặc điểm lịch sử văn hóa và quá trình hình thành, phát triển các làng nghề. Bát Tràng có nhiều thuận lợi trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là phát triển du lịch. Năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định xây dựng Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Bát Tràng với mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gốm sứ gắn với du lịch. Năm 2019 xã Bát Tràng được công nhận là điểm du lịch của Thành phố.
Đề án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống gốm sứ kết hợp du lịch tại Bát Tràng có diện tích quy hoạch khoảng 120ha tại khu vực ngoài đê sông Hồng. Trong đó, UBND thành phố Hà Nội rất quan tâm và yêu cầu các Sở, ban ngành, đơn vị tư vấn, thiết kế lập Đề án bảo tồn các công trình di tích lịch sử, công trình có giá trị văn hóa, cơ sở sản xuất nghề truyền thống; Khu vực xây dựng Bảo tàng truyền thống gốm sứ Bát Tràng.
Đề án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch nhằm xây dựng thành điểm đến du lịch tiêu biểu của Thủ đô đạt tiêu chuẩn quốc tế; trên cơ sở phù hợp quy hoạch, bảo tồn, khai thác, phát huy tốt các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghề truyền thống của làng nghề; đảm bảo thân thiện với môi trường và hài hòa với cảnh quan khu vực. Việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng nói chung, Gốm Bát Tràng, Việt Nam nói riêng không chỉ tăng thêm sức mạnh cội nguồn, để mỗi người Việt Nam yêu quý, trân trọng, giữ gìn di sản, bản sắc văn hóa Việt Nam và còn làm tăng những giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô Hà Nội.
Xã Bát Tràng hiện có 2 nghệ nhân Nhân dân, 6 nghệ nhân ưu tú, 47 nghệ nhân Hà Nội, 5 nghệ nhân dân gian, trên 100 nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Các nghệ nhân thợ giỏi sinh hoạt theo 02 CLB làng nghề truyền thống, nhằm phát huy năng lực, sức sáng tạo, hỗ trợ nhau để tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề. Các mặt hàng gốm sứ rất đa dạng, phong phú: gốm sứ xây dựng, dân dụng, gốm sứ mỹ nghệ, ... được bán trong nước và xuất khẩu. Họ vừa đóng vai trò là người quản lý, chỉ đạo sản xuất, vừa là người trực tiếp làm ra sản phẩm. Giá trị của mỗi sản phẩm Gốm thủ công được khách hàng nhìn nhận chủ yếu dưới góc độ văn hóa, nghệ thuật. Các sản phẩm đó vừa có giá trị sử dụng, vừa có giá trị thẩm mỹ cao.
Từ Làng Gốm Bát Tràng cho thấy, tuy đều sử dụng kỹ thuật chung của nghề nhưng từng công đoạn kỹ thuật thì mỗi người, mỗi nhà một khác. Thực tế, Làng nghề nào cũng biết cách ứng dụng kỹ thuật chung ấy theo phương pháp riêng của mình. Riêng thủ pháp nghệ thuật thì còn đa dạng hơn nữa, nó tùy theo trình độ sáng tạo và kinh nghiệm của từng Nghệ Nhân để làm ra những sản phẩm độc đáo đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Khi đất nước bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tính kế thừa, tính liên tục, tính phát triển sẽ đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết với quy trình sản xuất Gốm ở Bát Tràng. Thực tế, trước khi có nền sản xuất cơ khí hóa và tự động hóa thì mọi sản phẩm được tạo ra bởi óc sáng tạo, bởi bàn tay của những thế hệ thợ thủ công với các loại công cụ lao động thô sơ. Có thể cho rằng, khi đó mọi giá trị vật chất và tinh thần đều được hội tụ ở các sản phẩm thủ công. Đến thời hiện đại, máy móc đã thay thế phần lớn sức lao động của con người song sản xuất thủ công cũng không mất đi, chúng tồn tại song song với công nghệ và sản phẩm hiện đại. Nghề thủ công với những sản phẩm tinh xảo và “bàn tay vàng” của các Nghệ Nhân, của những người thợ thủ công vẫn có chỗ đứng, có vai trò quan trọng trong xã hội.
Điều đó giải thích tại sao Làng gốm Bát Tràng không giống với những làng gốm khác, vì mỗi Nghệ Nhân có những nét độc đáo riêng cho dù ở làng nghề đó, những Nghệ Nhân cùng làm một nghề, cùng chế tác một loại sản phẩm. Kinh nghiệm trong sản xuất, đặc biệt trong kỹ thuật và thủ pháp nghệ thuật của mỗi gia đình, dòng họ, của mỗi làng nghề thường nằm trong tay những nghệ nhân, những thợ cả được truyền từ đời trước sang đời sau.
Gốm Bát Tràng ngày nay, chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ trong nước, là hàng xuất khẩu tới các châu Á, Âu, Mỹ, là những tác phẩm nghệ thuật được chọn làm quà tặng nguyên thủ quốc gia, các đoàn ngoại giao tham dự hội nghị quốc tế do Việt Nam đăng cai, chủ trì. Nhìn lại quá trình hình thành, phát triển và có được những kết qua như ngày hôm nay chúng ta càng thấy trân trọng những người thợ, người nghệ nhân những giá trị của làng nghề, những người đã khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo, tạo ra những tác phẩm gốm để lại cho các thế hệ mai sau và giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế về một Việt Nam với nhiều giá trị văn hóa mà văn hóa chính là nền tảng của mỗi quốc gia.
Q.Y