Vĩnh Phúc:  “Nghề buôn” ở Thổ Tang “thức suốt đêm không ngủ”

Chúng tôi đến thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) vào ngày nghỉ cuối tuần chứng kiến cảnh sôi động trung chuyển hàng hoá, trong đó nhiều loại trái cây từ khắp vùng miền tập trung về đây và từ đây lại toả về các thị trường tiêu thụ trong nước phục vụ cúng Rằm tháng Bảy là lễ Vu Lan báo hiếu Giáp Thìn.

 

Do đó, người và xe ô tô vận tải ở trung tâm thị tấn Thổ Tang nằm trên tỉnh lộ 304, cách Quốc lộ 2 hơn 2 km, tấp nập từ 7 giờ tối hôm trước cho đến 9 giờ sáng hôm sau, những người làm nghề buôn nơi đây quen với “thức suốt đêm không ngủ”. Kinh tế đêm ở Thổ Tang đã hình thành, phát triển từ lâu.

Đúng như một số tờ báo, tạp chí đánh giá Thổ Tang là nơi trung chuyển hàng hóa vào loại bậc nhất miền Bắc, cũng như cả nước. Thổ Tang đã sớm hình thành hệ thống kinh doanh khép kín, từ khâu thu mua, sơ chế hàng hóa, đến xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới. Bất cứ mặt hàng nông, thổ sản nào của Việt Nam cũng có mặt ở đây. Thủ tục giao thương, lưu thông dù khó đến mấy, nhưng hễ “vào tay” người dân Thổ Tang cũng trở nên dễ dàng. Với hệ thống đại lý thu gom dày đặc, Thổ Tang đã kết nối mạng lưới thương trường khắp trong Nam, ngoài Bắc và vượt qua biên giới, người dân Thổ Tang luôn tìm cách kinh doanh để trở thành “thương hiệu” nức tiếng gần xa.

dt1abvt1b-1723941384.jpg
dt1-vt1-1723941131.jpg

dt23vt2-1723941202.jpg

Từng đoàn xe nối đuôi nhau đổ về thị trấn Thổ Tang đế "ăn hàng", kịp cung ứng hàng hóa ra thị trường. Ảnh: Chu Kiều - Thế Hùng - Trà Hương

Theo lịch sử, Thổ Tang là một trong những điểm cư trú làm ăn sinh sống của các cư dân người Việt cổ, cách ngày nay khoảng trên dưới 3.500 năm, được minh chứng ở rất gần Di tích khảo cổ học Đồng Đậu (Yên Lạc - chỉ cách Thổ Tang chục Km) là tiếp nối thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên (Lâm Thao – Phú Thọ)  đến văn hóa Đông Sơn là quá trình mở đầu giai đoạn Hùng Vương dựng nước từ huyền thoại đến chính sử để hình thành nên Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt - Nhà nước Văn Lang thời đại Hùng Vương.

Lãnh đạo thị trấn Thổ Tang và huyện Vĩnh Tường dẫn nguồn tư liệu lịch sử của địa phương cho biết làng Thổ Tang xưa (từ năm 2007 trở thành thị trấn) được hình thành từ vùng đất cổ xưa bên bờ sông Phan là phụ lưu bờ tả sông Hồng, từ thời Hai Bà Trưng (năm 40 sau công nguyên thuộc thế kỷ thứ nhất) dân làng Thổ Tang đã biết trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa giao lưu khắp trong vùng, tức là biết buôn bán trao đổi hàng hoá cách nay gần 2000 năm. Trải qua bao thăng trầm lịch sử “nghề buôn” của các thế hệ người dân Thổ Tang tiếp tục trao truyền, phát huy gây dựng được nét “văn hóa kinh doanh” độc đáo mà không phải làng buôn truyền thống nào cũng có. Nét văn hoá kinh doanh đó đã góp phần tư duy năng động, sáng tạo, nhạy bén kinh doanh của người dân Thổ Tang trong việc tìm kiếm, đáp ứng cầu và cung của thị trường để cung ứng các loại hàng hoá, làm giàu, xây dựng thị trấn ngày càng trù phú, sầm uất.

dt3vt3-1723941993.jpg

Người lao động tự do có thêm công việc, thu nhập. Ảnh:  Chu Kiều - Thế Hùng - Trà Hương.

 

dt3avt3-1723942035.jpg

Người lao động tự do có thêm công việc, thu nhập. Ảnh:  Chu Kiều - Thế Hùng - Trà Hương.

Thổ Tang là thị trấn nằm ở vùng giữa của huyện Vĩnh Tường có diện tích 5,27 km2; với 18.501 nhân khẩu sinh sống ở 5.049 hộ dân trên địa bàn 6 Tổ dân phố. Thổ Tang còn được biết đến là quê hương của Nhà yêu nước Nguyễn Thái Học. Ông là một trong số những người sáng lập Việt Nam Quốc dân đảng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930.

Thổ Tang được ví là “làng tiểu thương” với nghề buôn truyền thống lâu đời, hiện nay tỷ lệ lao động phi nông nghiệp: là 90%; thị trấn có khoảng 2000 hộ kinh doanh cá thể, hơn 250 doanh nghiệp, hợp tác xã vừa và nhỏ đang hoạt động với đa dạng các loại hình sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Các hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động đã góp phần tạo thành chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa không chỉ trong tỉnh Vĩnh Phúc mà trải rộng khắp cả nước và xuất khẩu, giải quyết bài toán cung cầu, điều tiết thị trường, góp một phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thị trấn nói riêng và đóng góp không nhỏ cho huyện và tỉnh nói chung. Cơ cấu kinh tế của thị trấn chuyển dịch tích cực. Ngành thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của thị trấn hiện sấp sỉ 80%, ngành công nghiệp- xây dựng 15%; tỷ trọng ngành nông nghiệp, thủy sản giảm còn khoảng 5%. Trong số những doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lớn như Công ty Hoàng Đạt có ngày nhập trên 200 tấn gạo và cũng có ngày xuất bán còn hơn thế nữa. Các Công ty thu mua sơ chế xuất khẩu chè Thành Đạt, Sơn Trà, Phương Nam cũng có doanh thu cao... Hiện có 1000/2000 hộ kinh doanh ở Thổ Tang có lãi ròng hàng năm từ 500 triệu đồng trở lên. Số còn lại cỡ 1000 hộ kinh doanh lãi ròng từ 100 đến dưới 500 triệu đồng/năm. Do vậy, Thổ Tang còn có tên gọi “Thị trấn  tỷ phú”.

Tuy cả thị trấn làm nghề buôn bán, nhưng nhiều hộ ở Thổ Tang đều không bỏ bê sản xuất nông nghiệp với diện tích trên 200 ha cấy lúa, trồng màu và nuôi trồng thuỷ sản. Từ lâu, Thổ Tang hình thành “chợ lao động” là những lao động nông thôn ở các xã xung quanh sáng sớm tập trung tại một địa điểm ở thị trấn được những hộ kinh doanh buôn bán vẫn có ruộng ở đây thuê cày cấy, thu hoạch tuỳ theo công việc được trả công từ 200.000 đến 300.000đ/ngày. Chợ lao động này hiện nay ở Thổ Tang vẫn còn nhưng lượng người lao động làm thuê giảm đi nhiều, chỉ còn bình quân khoảng 100 người/ngày. Còn những hộ kinh doanh buôn bán lớn có đội quân bốc vác chuyên nghiệp riêng.

Trả lời câu hỏi về sai phạm của Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty bất động sản Thăng Long thuộc Tập đoàn Phúc Sơn dẫn đến nhiều người dân bị ảnh hưởng do họ đầu tư vào bất động sản của 2 doanh nghiệp này nên nguồn vốn kinh doanh bị đọng thì được lãnh đạo thị trấn Thổ Tang cho biết: Người dân thị trấn Thổ Tang ước đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để mua căn hộ của Trung tâm thương mại và nhà ở và chợ đầu mối nông sản là những công trình thuộc đất liền kề các xã lân cận của Tập đoàn Phúc Sơn kể cả ở Nha Trang (Khánh Hoà). Cơn “sóng thần” này có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân thị trấn Thổ Tang nhiều tháng nay. Nhưng do tiềm lực kinh tế của người dân nơi đây cho đến nay không đến nỗi suy kiệt và chưa có hộ kinh doanh nào tuyên bố phá sản. Tuy nhiên cũng có một số hộ trót đầu tư lớn vào Tập đoàn Phúc Sơn mà vay vốn của ngân hàng nếu cứ kéo dài mãi sẽ khó chịu nổi. Trong khi những căn hộ mua của Tập đoàn Phúc Sơn đều chưa có sổ đỏ mà vụ án liên quan đến Tập đoàn này chưa biết đến bao giờ mới giải quyết đứt điểm. Đề nghị với lãnh đạo huyện, tỉnh báo cáo với cấp trên có thẩm quyền ở Trung ương sớm giải quyết vướng mắc nói trên, góp phần tháo gỡ khó khăn cho những nạn nhân ở Thổ Tang liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn.

UBND huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã công bố đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Thổ Tang đến năm 2030, tỉ lệ 1/5000. Quy hoạch định hướng phát triển Thổ Tang thành trung tâm hành chính; trung tâm phát triển kinh tế, dịch vụ thương mại và nhà ở trong phạm vi đô thị loại IV huyện Vĩnh Tường.

Theo quy hoạch, Thổ Tang đang và sẽ đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, xây dựng bến xe, hệ thống cấp thoát nước, hạ tầng kỹ thuật điện, xử lý các chất thải và đồng bộ các biện pháp về môi trường… Quy hoạch chung thị trấn Thổ Tang là cơ sở để địa phương hoàn thiện các đồ án quy hoạch chi tiết; đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như cải tạo, mở rộng các tuyến đường giao thông của thị trấn… phát triển các dự án đô thị, khu nhà ở. Đồng thời thu hút đầu tư các dự án thương mại dịch vụ, triển khai các dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng thị trấn Thổ Tang xứng tầm Trung tâm thương mại toàn khu vực phía bắc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn Thổ Tang lần thứ 27 (nhiệm kỳ 2020 – 2025) đề ra.

V.X.B - N.T.D