Đến tham dự buổi tọa đàm có đông đảo bà con nhân dân, cùng các đại diện từ Đảng ủy, UBND, HĐND của hai xã, các ban ngành như Ban Tế nam tế nữ, Hội Người cao tuổi, MTTQ, nhóm Đình làng So và Ban Quản lý di tích đình So.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã cùng với chính quyền và nhân dân tham gia thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến giá trị của di tích đình So, một di sản văn hóa quan trọng. Các chuyên gia đã tiến hành đánh giá lại giá trị lịch sử, văn hóa, cũng như kiến trúc của quần thể di tích quốc gia đặc biệt này.
Ngoài ra, các diễn giả cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị di tích trong bối cảnh hiện nay. Một trong những giải pháp quan trọng được thảo luận là phát triển du lịch địa phương, tạo ra các giáo phường, tổ chức lễ hội truyền thống xứng tầm với giá trị và tầm vóc của di tích đình So.
Nhân sự kiện giàu ý nghĩa nêu trên, Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị của di tích Quốc gia đặc biệt đình làng So gắn với phát triển làng nghề, nông nghiệp sinh thái và du lịch tại địa phương hai xã Cộng Hoà và Tân Hoà (Quốc Oai - Hà Nội) như sau:
Một là, Khôi phục và bảo tồn di tích: Đầu tư cho công tác bảo tồn tôn tạo, bảo trì đình So để đảm bảo an toàn và giữ gìn nguyên trạng di tích, đồng thời tạo thuận lợi cho khách thăm quan. Cùng với đó, quan tâm tới công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu có liên quan. Tập hợp và nghiên cứu các tài liệu lịch sử, văn hóa liên quan để làm phong phú thêm kiến thức về đình So, từ đó truyền đạt đến cộng đồng và du khách.
Hai là, Phát triển làng nghề gắn với khai thác những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó, có những giá trị gắn với di tích đình làng So. Khuyến khích người dân địa phương tham gia sản xuất các sản phẩm truyền thống gắn liền với di tích như miến dong, các loại bánh, chè kho và ẩm thực đặc trưng dâng Thánh để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó, cần phối hợp với nhiều cơ quan hữu quan tổ chức các hội thảo, lớp học truyền nghề giúp bà con làng So nâng cao tay nghề, quảng bá sản phẩm đến rộng rãi hơn.
Ba là, Khuyến khích người dân triển khai các mô hình, phương pháp sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường. Thúc đẩy các mô hình nông nghiệp hữu cơ, sử dụng nguyên liệu tự nhiên, bảo vệ nguồn nước và không khí, qua đó tạo thêm sức hấp dẫn cho du lịch sinh thái. Đồng thời tổ chức tour tham quan nông nghiệp trải nghiệp tại địa phương. Du khách có thể trải nghiệm quy trình sản xuất nông nghiệp, từ trồng trọt đến thu hoạch, đồng thời tổ chức các buổi giới thiệu về các loại sản phẩm nông sản của địa phương.
Bốn là, Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở xây dựng các tour du lịch kết hợp giữa tham quan di tích đình So, làng nghề và nông nghiệp sinh thái, mang đến trải nghiệm đa dạng cho du khách. Sử dụng các kênh truyền thông hiện đại để quảng bá hình ảnh và giá trị của đình So, làng nghề và sản phẩm nông nghiệp sinh thái, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Năm là, Tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống trên cơ sở khôi phục và tổ chức lễ hội truyền thống. Tổ chức thường niên các lễ hội gắn với đình So nhằm thu hút du khách, tôn vinh giá trị văn hóa và tâm linh của địa phương. Xây dựng các hoạt động văn hóa cộng đồng để tạo điều kiện cho bà con tham gia biểu diễn các nghệ thuật truyền thống, từ đó góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa dân gian.
Sáu là, Khuyến khích người dân tham gia vào việc quản lý, bảo tồn và phát triển di tích, tạo sự gắn kết giữa cộng đồng địa phương và du khách. Tổ chức các khóa đào tạo cho người dân về tầm quan trọng của di sản văn hóa và cách bảo tồn hiệu quả, từ đó tạo ra ý thức trách nhiệm trong cộng đồng.
Thông qua những giải pháp này, di tích Quốc gia đặc biệt đình làng So không chỉ được bảo tồn và phát triển mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương thông qua phát triển làng nghề, nông nghiệp sinh thái và du lịch bền vững./.