Kiến tạo nông thôn mới bằng nhiều hình thức
- Ông có thể đánh giá ngắn gọn về kết quả của Hà Nội trong việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn?
- Có thể nói, đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó khẳng định nông dân giữ vai trò chủ thể, xây dựng nông thôn mới là căn bản, phát triển nông nghiệp là then chốt. Thực hiện Nghị quyết, Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia, đạt nhiều kết quả nổi bật.
Trong nông nghiệp, Hà Nội đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất gắn với xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, thành phố có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 141 mô hình chuỗi liên kết trong nông nghiệp...
Trong xây dựng nông thôn mới, thành phố đã có 13/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới, 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó huyện Đan Phượng đã hoàn thành 100% xã nông thôn mới nâng cao và có 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Sau 13 năm triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, Hà Nội đã huy động được hơn 196.175 tỷ đồng đầu tư cho nông thôn. Đây là nguồn lực rất lớn để kiến thiết hạ tầng, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội cho cả khu vực. Cái được lớn hơn nữa là bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Từ trông chờ vào đầu tư của Nhà nước, người dân đã chủ động tham gia bằng nhiều hình thức như: Phát triển kinh tế trang trại, hiến đất, góp kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương, giữ gìn và làm đẹp môi trường...
- Vậy, bài học kinh nghiệm Hà Nội rút ra trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ là gì, thưa ông?
- Tôi cho rằng, quan trọng nhất vẫn là làm tốt công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp đó là cụ thể hóa Nghị quyết bằng chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn. Quá trình triển khai, Hà Nội cũng đã lựa chọn được khâu đột phá để thực hiện. Ví dụ, việc dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Trong xây dựng nông thôn mới, thành phố ưu tiên đầu tư các dự án phục vụ sản xuất như thủy lợi, giao thông, trường học, nhà văn hóa... Lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng nông thôn mới.
Phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị
- Bên cạnh những thuận lợi làm nên thành công, nhiều khó khăn, thách thức vẫn ở phía trước. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Trước hết có thể khẳng định, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít, tăng trưởng nông nghiệp còn thấp. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện chưa đồng đều. Thu nhập và đời sống của nông dân còn thấp, chênh lệch giữa thành thị và nông thôn ngày càng cao, nhất là ở các xã thuần nông, xã dân tộc miền núi… Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, hạn chế trên, thành phố sẽ tiếp tục có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
- Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên vùng nông thôn cũng mang những đặc thù riêng. Theo ông, Hà Nội cần làm gì để phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp; giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”?
- Vì mang đặc thù riêng nên việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ của Hà Nội cũng có cách tiếp cận riêng. Trước bối cảnh đô thị hóa nông thôn đang diễn ra mạnh mẽ, Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2025 có thêm 5 huyện trở thành quận. Do đó, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở các địa phương ven đô đều được thành phố chỉ đạo tích hợp với xây dựng các tiêu chí trở thành quận; xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa...
Trong sản xuất nông nghiệp, Hà Nội khai thác lợi thế thị trường với gần 10 triệu dân và những lợi thế khác về tri thức, khoa học, công nghệ…, qua đó đẩy mạnh phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch…
- Có thể thấy, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vậy theo ông, Hà Nội sẽ làm gì để nâng cao trình độ, năng lực của lực lượng này hướng đến phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn?
- Đối với Thủ đô Hà Nội, quá trình công nghiệp hóa, phát triển đô thị mạnh mẽ tất yếu dẫn đến việc giảm một phần khá lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Do đó, thành phố sẽ tiếp tục có sự chuyển dịch mạnh mẽ lực lượng lao động trẻ, có trình độ từ khu vực sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; sản xuất nông nghiệp sẽ phải chuyển đổi theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo chuỗi... để nâng cao giá trị gia tăng.
Hà Nội sẽ tập trung thực hiện quy hoạch và phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, dịch vụ nông thôn; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên các dự án công nghệ cao, các dự án sử dụng nhiều lao động để tạo nhiều việc làm mới cho lao động nông thôn. Đồng thời, thành phố sẽ đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất ở các làng nghề, các hợp tác xã dịch vụ; phát triển kinh tế làng nghề…, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại thành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Từ những chủ trương, giải pháp căn bản trên, Hà Nội phấn đấu đến 2025, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 2,5 đến 3%/năm, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 70%; đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP trở lên. Trong xây dựng nông thôn mới, 5 huyện trở thành quận và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm, nông thôn cơ bản không còn hộ nghèo…
- Trân trọng cảm ơn ông!