PV: Đồng chí có thể cho biết mục đích, ý nghĩa của việc đăng cai tổ chức Hội nghị ISV20 tại Đắk Nông?
Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh: Hội nghị ISV20 diễn ra tại Đắk Nông có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với tỉnh, với Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông mà còn là hoạt động đối ngoại của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Hội nghị góp phần giới thiệu, quảng bá đến bạn bè quốc tế về hệ thống hang động núi lửa có giá trị khoa học mang tầm quốc tế của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Đây còn là dịp để các nhà khoa học có những nghiên cứu sâu hơn, bao quát hơn về các giá trị di sản nói chung và di sản địa chất nói riêng. Hội nghị ISV20 còn là nơi chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị của hệ thống hang động núi lửa, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Việc tổ chức Hội nghị còn thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc bảo tồn, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên của tỉnh và là tiền đề quan trọng để Đắk Nông chuẩn bị cho việc tái thẩm định danh hiệu CVĐCTC UNESCO Đắk Nông vào năm 2023.
Hội nghị ISV20 là cơ hội thuận lợi để Đắk Nông quảng bá hình ảnh, nâng vị thế của mình trên trường quốc tế thông qua hoạt động đối ngoại của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Hội nghị tạo cơ sở để chúng tôi phát huy những giá trị của hang động núi lửa trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn gìn giữ di sản, phát triển du lịch. Bên cạnh hội thảo về hang động núi lửa, chúng tôi còn có nhiều hoạt động bên lề, có liên quan đến những ưu thế về công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, du lịch của Đắk Nông để giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế.
Việc đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa là cơ hội để tỉnh giới thiệu, quảng bá hiệu quả hình ảnh Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đến bạn bè quốc tế. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về hang động núi lửa, góp phần bảo tồn và khai thác có hiệu quả các di sản có giá trị quốc tế của địa phương.
PV: Hội nghị ISV20 gồm những hoạt động chính gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh: Ngoài Lễ khai mạc Hội nghị, các Hội thảo khoa học chuyên đề của Hiệp hội Hang động Quốc tế và Ủy ban Hang động núi lửa, Hội nghị ISV20 còn diễn ra các hoạt động bên lề như: Triển lãm ảnh với chủ đề “Kỳ quan núi lửa và hang động núi lửa”; Lễ ký kết hợp tác giữa các CVĐCTC UNESCO Đắk Nông với CVĐCTC UNESCO Mudeungsan (Hàn Quốc); Họp trực tuyến nhóm các CVĐCTC UNESCO có hang động núi lửa; Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Tiểu ban chuyên môn về CVĐCTC Việt Nam; Gặp gỡ đối tác của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông; Tham quan một số điểm đến của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông và khảo sát thực địa tại hệ thống hang động núi lửa Krông Nô.
Ngoài ra, các đại biểu, khách tham quan tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, ẩm thực trong thời gian diễn ra hội nghị. Các hoạt động được Ban Tổ chức Hội nghị chuẩn bị kỹ lưỡng, theo đúng kế hoạch và nội dung mà Hiệp hội hang động quốc tế và Ủy ban hang động núi lửa đề ra.
Chương trình hoạt động tổng thể, chương trình khai mạc Hội nghị ISV20, các nội dung hoạt động của Mạng lưới CVĐC, các gian hàng trưng bày triển lãm các sản phẩm OCOP… đến nay đã hoàn thành sẵn sàng tổ chức, phục vụ hội nghị.
Vẻ đẹp tại cửa hang C7 trong cụm hang động núi lửa Chư Bluk thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông |
PV: Thưa đồng chí, Đắk Nông kỳ vọng gì sau khi đăng cai Hội nghị ISV20?
Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh: Ngoài mục đích, ý nghĩa như đã nói ở trên, việc đăng cai Hội nghị ISV20 địa phương kỳ vọng sẽ đánh dấu cột mốc mới cho sự phát triển của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung trong việc quảng bá hình ảnh, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn, phát huy hệ thống hang động núi lửa. Đi đôi với đó, đẩy mạnh cơ hội thu hút đầu tư và phát triển du lịch, tăng cường hợp tác quốc tế và trao đổi kinh nghiệm về bảo tồn và khai thác bền vững các giá trị của hang động núi lửa giữa Đắk Nông với Hiệp hội Hang động quốc tế, Ủy ban hang động núi lửa, các công viên địa chất, tổ chức khoa học trong và ngoài nước.
Chúng tôi cũng kỳ vọng, sau hội nghị lần này sẽ có những sự thay đổi căn bản, làm bước đệm vững chắc để phát triển CVĐCTC UNESCO Đắk Nông thực sự trở thành mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững ở địa phương thông qua khai thác du lịch, trước mắt là kích cầu lại các hoạt động du lịch, dịch vụ của tỉnh sau thời gian gián đoạn kéo dài vì đại dịch Covid-19.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!