Nông dân Ðắk Nông trải lòng về nghề trồng cà phê

Đầu vụ cà phê 2022 – 2023, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ cà phê. Diễn đàn đã thu hút nhiều ý kiến của nông dân, doanh nghiệp, nhà chuyên môn về các vấn đề sản xuất, tiêu thụ cà phê hiện nay.

Toàn tỉnh Ðắk Nông hiện có 135.752 ha cà phê, năng suất trung bình đạt 2,73 tấn/ha/vụ. Phần lớn sản lượng cà phê của tỉnh được bán ở dạng thô thông qua các thương lái, nên giá trị còn thấp.

Người trồng cà phê có thu nhập bình quân chỉ từ 35 – 50 triệu đồng/ha/năm. Đây là mức thu nhập rất thấp so với nhiều loại cây trồng khác của tỉnh. Bên cạnh đó, người trồng cà phê phải "gánh" rất nhiều chi phí đầu tư, công chăm sóc, thu hoạch.

Cà phê là cây chủ lực của tỉnh Đắk Nông, được trồng hầu hết các địa phương. Đây cũng là cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.

Tại Diễn đàn, ông Trần Hữu Trung, thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho biết, gia đình ông có 2 ha cà phê đang cho thu hoạch. Lâu nay, ông sản xuất cà phê theo hướng chất lượng cao, bán với giá từ 50.000 – 65.000 đồng/kg.

Dù đã thay đổi quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm được đánh giá tốt, nhưng việc tiêu thụ cà phê của ông vẫn khá khó khăn. "Tôi mong muốn sớm có liên kết giữa doanh nghiệp và người dân để có đầu ra ổn định, yên tâm sản xuất. Tôi cũng mong được hỗ trợ để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất cà phê", ông Trung chia sẻ.

Tương tự, ông Lê Thái Giám, ở thôn 5, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) cho rằng, chi phí sản xuất cà phê hiện nay quá nhiều, nên lợi nhuận mang lại cho người sản xuất không cao.

Hiện nay, có tình trạng người dân hái cà phê xanh rồi bán đầu vụ để được giá cao hơn so với hái chín và bán vào cuối vụ. Nghịch lý này khiến thị trường cà phê bị xáo trộn, chất lượng sản phẩm ít nhiều bị ảnh hưởng. Cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý vấn đề này.

1b-1667878841.jpg

Nâng cao chất lượng cà phê phải bắt đầu từ người trồng

Không chỉ trải lòng các nội dung trên, tại diễn dàn, nhiều bà con còn phản ánh, họ đang phải mua giống cà phê trôi nổi, kém chất lượng. Việc thu hoạch, bảo quản, sơ chế cà phê còn sơ sài, khiến chất lượng sản phẩm đạt thấp.

Ông Trương Công Toàn, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Toàn Hằng (Đắk R'lấp) cho biết, mỗi năm doanh nghiệp thu mua và bán ra trên 20.000 tấn cà phê. Doanh nghiệp chỉ thu mua cà phê đạt chất lượng cao, cà phê đặc sản.

Do đó, yêu cầu người dân phải sản xuất, thu hoạch, bảo quản cà phê tốt, bảo đảm chất lượng thì mới tạo được đầu ra tốt. Muốn làm được điều này, ngành chức năng cũng phải tích cực hỗ trợ người dân.

Đại diện Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên phân tích, nếu hái cà phê xanh, người dân có thể mất khoảng 18% - 20% sản lượng. Vì nhân cà phê khi hái xanh bị rỗng; nhân đầu vụ và nhân cuối vụ sẽ khác nhau về trọng lượng.

Thu hái cà phê xanh thì chất lượng cũng thấp do hạt đen, hạt nâu, hạt sâu nhiều. Do đó, bà con cần cân nhắc kỹ về điều này. Ngành chức năng cần tuyên truyền, vận động, có giải pháp để người dân thu hái cà phê đạt tiêu chuẩn.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, qua Diễn đàn, bà con nông dân đã tiếp cận được với kênh bán hàng, phương thức bán hàng hiệu quả, ổn định lâu dài.

Bà con cũng phần nào nắm được quy trình để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, nhất là khâu tổ chức sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến sau thu hoạch.

Trong đó, vấn đề hái cà phê xanh, phơi sấy không bảo đảm quy chuẩn... đã được các chuyên gia, ngành chức năng phân tích khá kỹ lưỡng để bà con nông dân nắm.

Diễn đàn tạo điều kiện để người dân chủ động trao đổi những "điểm nghẽn", vướng mắc đang gặp phải trong sản xuất cà phê để các chuyên gia, doanh nghiệp ngành chức năng giải đáp, hỗ trợ.

Có thể nói, thông qua Diễn đàn, nhiều bà con nông dân đã giải tỏa được phần nào các khó khăn về sản xuất, tiêu thụ cà phê hiện nay. Trong đó, bà con đã hình dung được quy trình sản xuất cà phê mới sao cho bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường...