Hội quán đất Sen Hồng - 7 năm kiến tạo và sẻ chia

anh-chup-man-hinh-2023-11-17-luc-155838-1700211549.png
anh-chup-man-hinh-2023-11-17-luc-155855-1700211549.png

"Nông dân xứ mình cần cù một nắng hai sương, thông minh cũng đâu kém cỏi người ta, mà sao lại không khá giả bằng nông dân xứ người?”. Lời cảm thán, trăn trở của lão nông miệt vườn đất nhãn An Nhơn, sau này trở thành Chủ nhiệm của Hội quán Nông dân đầu tiên, mở ra hàng loạt câu hỏi: “Phải chăng nông dân xứ mình thừa tính cần cù, thừa trí thông minh, chỉ thiếu tinh thần hợp tác trong cuộc sống hàng ngày và trong sản xuất? Phải chăng đất đai thì manh mún mà cách nghĩ, cách làm nông cũng phân mảnh thì làm sao giàu có cho được? Phải chăng cân phân “cơm nhà” và “tù và hàng tổng” đôi khi làm khó cho những người tâm huyết việc xóm, việc làng?”. Và mô hình Hội quán Đất Sen Hồng ra đời, đưa cộng đồng dân cư nông thôn đến gần với nhau, cùng nhau tìm kiếm câu trả lời.

Thấm thoắt 7 năm, từ cột mốc tháng 7 năm 2016 - ngày Hội quán đầu tiên đi vào hoạt động, mang tên gọi Canh Tân, hàm ý về sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm của người nông dân. “Hội quán là gì? Vì sao cần một thiết chế mới mang tên Hội quán? Bà con nông dân có sẵn lòng tham gia không? Cơ chế, chính sách hỗ trợ như thế nào?”. Chặng đường đã qua, đong đầy cảm xúc, vừa đi vừa mở lối, vừa làm vừa củng cố lý luận, vừa gợi mở vừa thuyết phục, vừa hình thành cái mới vừa điều chỉnh cái cũ. Những điều mới mẻ có bao giờ hoàn toàn là “xuôi chèo mát mái”, nhưng ngoài kia, gió đang thổi, bà con phấn khích tham gia vào không gian cộng đồng để được “nói cho nhau nghe và nghe nhau nói”, sẵn lòng đón nhận những đổi thay.

Triết lý của Hội quán là “Lấy con người làm trung tâm trong sự phát triển”. Phương châm “Dân biết, dân làm, dân thụ hưởng” thẩm thấu dần trên từng bước đi không ít gập ghềnh. Điều đó tuy không mới, nhưng Đất Sen Hồng có cách làm khác hơn, tạo ra không gian người dân được tôn trọng, được đóng góp bình đẳng. Cơ chế hoạt động của Hội quán dựa trên tinh thần “tự nguyện, tự quản, tự quyết định” và sự đồng thuận của các thành viên.

 

 

“Tự chèo lấy thuyền anh, dô ta! Đừng ngồi không khoanh tay, dô ta! Chớ khóc than chớ chau đôi mày, dô ta! Mà hãy tự chèo lấy thuyền anh, dô ta”. Thật xúc động khi lắng nghe Chủ nhiệm Minh Tâm Hội quán ngân nga câu hát, trong chương trình “Tết nghĩa là hy vọng” của Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng đến mọi miền đất nước.

Từ tâm lý trông chờ, ỷ lại, bà con nông dân tự tin phát huy vai trò chủ thể, làm chủ vận mệnh của mình, mạnh dạn thay đổi cách nghĩ “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm”. Tinh thần hợp tác, liên kết bắt đầu bén rễ bền chặt vào “mạch nguồn” nông thôn. Người thân thiết với người, nhà gắn kết với nhà, xóm trên khăng khít với xóm dưới, làng này gắn kết với làng kia. Người nông dân đóng góp chủ động trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Cư dân nông thôn trở thành trung tâm trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Thành viên Hội quán tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, trong đó có “Ngày thứ bảy Đại đoàn kết” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

 

 

Một lãnh đạo cơ sở, người luôn gắn bó với các Hội quán tâm sự: “Khi được hoà mình sinh hoạt với bà con Hội quán, cảm thấy nhẹ nhàng hơn, năng động hơn, không bị gò bó trong phòng làm việc cách biệt”.

Sự gắn kết nhiều bên cộng hưởng thành “nguồn vốn xã hội”. Trong lý thuyết phát triển, “cộng đồng” luôn là thành tố và chủ thể quan trọng. Cộng đồng không chỉ là tập hợp nhiều người, mà là nền tảng của tư duy phát triển xã hội. Hội quán chính là thiết chế cộng đồng như vậy. Thiết chế “Cộng đồng đồng quản lý”, tinh thần “Phát triển địa phương dựa vào nội lực cộng đồng” dần được hình thành và lan tỏa sâu rộng.

 

 

Những bước đi đầu tiên khó tránh khỏi những thắc mắc, nghi ngại, nhưng rồi mỗi ngành hàng, mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương đều ra đời mô hình Hội quán. Từ những Hội quán đầu tiên, bà con háo hức tìm đến tham quan học hỏi cách làm, để đến hôm nay đã có 145 Hội quán lần lượt đi vào hoạt động, như làn gió tươi mát, mang đến sự đổi thay tích cực trong mỗi người, mỗi nếp nhà, mỗi xóm làng, và cho hình ảnh Đồng Tháp - Đất Sen Hồng.

Những hộ sản xuất, kinh doanh nông sản có thế mạnh: lúa, xoài, sen, cam quýt, hoa kiểng, tôm cá, khô mắm, lươn, củ khoai, củ kiệu… đều tham gia vào Hội quán. Hay Hội quán “Cùng nhau làm du lịch” giúp bừng lên sắc màu tươi mới cho “làng hoa trăm tuổi”. Bên cạnh những Hội quán nông dân còn có Hội quán doanh nhân, Hội quán văn nghệ sĩ… Thật thú vị khi mô hình Hội quán của Đồng Tháp đã lan toả ra nhiều địa phương khác, dù với tên gọi khác nhau, nhưng cùng một triết lý là khơi gợi và phát huy sức mạnh cộng đồng.

 

 

Từ Hội quán, “hùn hạp” được nói vui với nhau là muốn “hùn”, phải “hạp”. Từ Hội quán, nhiều Hợp tác xã Nông nghiệp được thành lập, chuyển từ hợp tác trong cuộc sống, việc xóm việc làng, đến hợp tác trong sản xuất kinh doanh. Từ Hội quán, đã hình thành một số mô hình nông nghiệp, nông thôn thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp du lịch… Từ Hội quán, đã có những làng thông minh, chú trọng tri thức hoá nông dân, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp, nông dân tử tế, trách nhiệm với cộng đồng, với người tiêu dùng. Đó chính là những yếu tố bền vững để chuyển đổi tư duy làm nông mới.

 

 

Những “thủ lĩnh nông dân” được bà con tin yêu, tín nhiệm, trở thành cầu nối giữa người dân và cấp uỷ, chính quyền, ngành chuyên môn, giữa bà con nông dân với doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học. Những “thủ lĩnh nông dân”được tập huấn về kỹ năng tập hợp, gắn kết những người cùng hoài bão, chung ước mơ. Những “thủ lĩnh nông dân” tận tâm với chuyện xóm làng, với nghề nông. Những “thủ lĩnh nông dân” không phân biệt tuổi tác, giới tính, tôn giáo, địa vị xã hội, không chế độ, thù lao, vẫn dấn thân chỉ vì niềm tin có thể dẫn dắt các thành viên tiến về phía trước. Xúc động thay câu chuyện về một Chủ nhiệm Hội quán trước khi qua đời còn dặn dò người thân tiếp tục để ngôi nhà của mình là “ngôi nhà chung” cho Hội quán sinh hoạt đều đặn như trước đây.

Hội quán có cơ ngơi gì hoành tráng lắm đâu! Một mái hiên nhà cũng vừa vặn cho không gian sinh hoạt. Một ngôi đình làng cũng trở thành điểm đến thân thuộc cho cộng đồng. Nhiều Chủ nhiệm Hội quán còn tự xây dựng nơi sinh hoạt cho các thành viên. Quan trọng là thông qua các buổi sinh hoạt, tình làng nghĩa xóm được khơi dậy, mọi người tìm đến nhau, chia sẻ nhau những bài học cuộc sống, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Quan trọng là thông qua các buổi sinh hoạt, tri thức, kỹ năng của bà con được nâng dần lên. Quan trọng là thông qua các buổi sinh hoạt, cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức xã hội được gần dân hơn, lắng nghe và thấu hiểu người dân hơn.

 

 

Nhìn lại chặng đường đã qua, để tự tin hướng về tương lai phía trước. Sau không ít nghi ngại, xen lẫn băn khoăn về chất lượng sinh hoạt của nơi này nơi kia, giờ đây Hội quán đã trở thành niềm tự hào của quê hương Đồng Tháp. Cuộc sống luôn vận động luôn không ngừng nghỉ. Cái mới ra đời còn chưa kịp hoàn thiện đã có cái mới hơn xuất hiện. Những gì chưa tốt hãy cùng nhau làm cho tốt hơn. Những điều tốt hơn rồi, thì tiếp tục làm tốt hơn nữa.

Dẫu biết “Có thực mới vực được đạo”, nhưng đừng quanh quẩn với mối lo trước mắt, mà quên chuẩn bị cho tầm nhìn tương lai. Lợi nhuận, lợi ích hữu hình không phải mục tiêu duy nhất, mà hơn hết là những giá trị cộng hưởng, sâu sắc, vững bền cho cộng đồng, cho xã hội. Do đó, cần gửi gắm vào Hội quán những mục tiêu đường dài, những giá trị mới hơn, với nội dung sinh hoạt phong phú hơn, sát thực hơn, có chiều sâu hơn. Hành trình tri thức hoá còn dài và nhiều việc phải làm. Cần sự bền bỉ và vững tin, dù cho có lúc khó tránh khỏi mệt mỏi, xung đột lẫn nhau.

Kinh tế tri thức, nông nghiệp thông minh có thể là mục tiêu, định hướng đưa vào nội dung sinh hoạt của các Hội quán. Nông nghiệp chất lượng cao, tuần hoàn, phát thải thấp cần trở thành chủ đề thảo luận trong Hội quán, vì đó là xu thế định hình tương lai nền nông nghiệp. Số hoá ruộng đồng, vườn tược, ao cá là công cụ quản lý thông minh giúp người nông dân tăng thêm giá trị sản xuất. Thương mại điện tử là phương thức kết nối trực tiếp, nhanh chóng trong tiêu thụ sản phẩm. Những tác động của biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới cần được các chuyên gia, nhà khoa học cụ thể hóa thành những giáo trình dễ hiểu, dễ thực hiện. Hình thức chuyển tải tri thức, kỹ năng cũng cần được cập nhật bằng những ngôn ngữ đời thường, hình ảnh gần gũi với người nông dân, người dân nông thôn.

Tầm nhìn mới không đóng khung trong từng Hội quán mà phải kết nối, hợp lực giữa các Hội quán với nhau. Hội quán cần kết nối không gian nông thôn với không gian đô thị. Hội quán không dừng lại ở các chuyên đề sản xuất nông nghiệp mà chuyển dần sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Kinh tế có nhiều nấc thang giá trị, hiểu rõ và tiếp tận từng nấc thang sẽ giúp người nông dân vững vàng hơn. Hội quán cần tiếp cận những mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị, du lịch, kết hợp tư duy kinh tế với tư duy văn hoá, xã hội. Hội quán cần kiên trì tiến tới thiết chế xã hội học tập, học tập suốt đời, xây dựng xuyên suốt tinh thần cộng đồng bền vững.

Mô hình Hội quán đã thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các viện trường, các tổ chức quốc tế. Đây là tiền đề để Hội quán và các thành viên bước ra không gian rộng lớn hơn, tự tin tiếp cận, trải nghiệm những điều mới mẻ. Đây cũng là cơ hội để Đồng Tháp chào đón các dự án tư vấn kỹ thuật giúp nâng cao năng lực cho cư dân nông thôn trước xu thế thay đổi nhanh chóng, không ngừng của thế giới. Đây cũng là gợi mở để Đất Sen Hồng tạo dựng thương hiệu dựa trên triết lý “Tư duy toàn cầu - Hành động địa phương”, mở rộng không gian quản trị xã hội, với sự tham gia tích cực, năng động của cộng đồng, kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài.

Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay. Hoà mình vào những buổi sinh hoạt cùng các thành viên trong đồng phục gắn với tên gọi, ngành hàng, đặc trưng nhận diện của từng Hội quán, càng thêm trân quý tinh thần đoàn kết, đồng lòng, sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi: “Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa thì đi cùng nhau”.

145 Hội quán, 145 tên gọi, hàng ngàn thành viên từ khắp các xã, phường, thị trấn, đều tề tựu dưới ngôi nhà chung “Đồng Tháp – Đất Sen Hồng”. Trân quý gọi tên từng Hội quán quê mình, sẽ thấy đa số các thành viên đều chọn chữ “Tân”, chữ “Tâm” làm tên gọi thiết thân cho Hội quán của mình. Phải chăng là vì Khát vọng người Đồng Tháp, Khát vọng Đất Sen Hồng luôn hướng về điều mới, hướng về nhau, bằng tất cả tấm lòng!