Ka La TơnGu thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh, tổng diện tích rừng giao cho cộng đồng thôn Ka La TơnGu, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh quản lý (theo Quyết định số 2473/QĐ-UBND ngày 29/8/2021 của UBND huyện Di Linh) là 500 ha. Đặc biệt, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai ở đây đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với công tác bảo vệ rừng.
t6b-tuan-tra-bao-ve-thon-co-gj-dong-20231021103818-1698030928.jpg
Cộng đồng thôn Ka La TơnGu cùng cán bộ kiểm lâm chung tay bảo vệ rừng. Ảnh: Nguyễn Nghĩa, Báo Lâm Đồng

Trên diện tích rừng được giao, cộng đồng thôn Ka La TơnGu thời gian qua đã tổ chức các hộ trong cộng đồng thôn, phân chia thành các tổ, nhóm hộ luân phiên tuần tra quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng (QLBVR - PCCCR). Đồng thời, kiểm lâm phụ trách địa bàn thường xuyên hướng dẫn, phối hợp cùng cộng đồng tham gia kiểm tra rừng, phối hợp họp tuyên truyền, đôn đốc nhắc nhở các thành viên trong cộng đồng tích cực tuần tra bảo vệ rừng. Theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm huyện, từ khi được giao rừng đến nay, tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản ở địa bàn được ngăn chặn kịp thời, đến hiện tại, chưa có vụ vi phạm pháp luật nổi cộm nào được phát hiện.

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng trên diện tích rừng giao cho cộng đồng thôn Ka La TơnGu, Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh đã phối hợp cùng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng hướng dẫn cộng đồng xây dựng hồ sơ thiết kế chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP, ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ năm 2012 đến nay, cộng đồng thôn đã được nhận tiền giao khoán chi trả dịch vụ môi trường rừng và điều này trở thành nguồn động viên to lớn đối với cộng đồng thôn.

Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện đánh giá về hoạt động bảo vệ rừng của thôn Ka La TơnGu, bà con cộng đồng thôn Ka La TơnGu là người dân tộc thiểu số sống gần rừng và có tinh thần bảo vệ rừng khá tốt. Hàng tháng, cộng đồng thôn đều xây dựng lịch tuần tra, kiểm tra rừng và triển khai thực hiện nghiêm túc. Từ năm 2012, bà con lại được hưởng lợi thêm từ chính sách tiền chi trả dịch vụ rừng nên càng gắn bó hơn, trách nhiệm hơn với công tác bảo vệ rừng, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái của rừng cũng càng ngày càng tốt hơn. Bà con gắn bó và trách nhiệm với phần việc nhận và được giao, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ rừng, trồng rừng, tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng. 

Ông K Brẹo, thôn Ka La TơnGu chia sẻ, ông cảm thấy rất vui khi được tham gia vào hoạt động bảo vệ rừng vì ông nghĩ rằng, bảo vệ rừng là để giữ gìn môi trường sống cho bà con ở xã Bảo Thuận. Đồng thời, việc tham gia vào hoạt động bảo vệ rừng cũng giúp gia đình ông có thêm thu nhập để chi tiêu cho sinh hoạt hàng tháng. Chính vì vậy mà ông và bà con luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao.

Số tiền nhận được từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng tuy không lớn, nhưng với bà con cộng đồng thôn Ka La TơnGu đó là nguồn kinh phí giúp họ có chi phí hỗ trợ sinh hoạt hằng ngày và đi lại trong quá trình thực hiện công tác quản lý BVR - PCCCR.

Hơn nữa, bà con thêm gắn bó và tích cực tham gia ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra. Ngoài được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng thôn Ka La TơnGu còn được hưởng nguồn nước phục vụ tưới tiêu, phát triển sản xuất, tăng năng suất cây trồng. Mô hình quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng ở thôn Ka La TơnGu đang phát huy hiệu quả và phần nào chứng minh được chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng.