Khánh Hòa: Tiềm năng phát triển mô hình nông nghiệp gắn với du lịch

Với nhiều loại địa hình, văn hóa đa dạng và giàu bản sắc, sản vật phong phú…, Khánh Hòa hội tụ các yếu tố để phát triển loại hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, có nhiều mô hình nông nghiệp gắn với du lịch mang lại hiệu quả cao, vừa tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho người làm nông nghiệp.

Sáng 23-8, tại TP. Nha Trang, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức tọa đàm phát triển chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái.

xoai-khach-1-1724402902540725958698-1724726632.jpg

Mô hình làm xoài Cam Lâm gắn với du lịch. Ảnh: Công Tâm

Theo đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển cơ sở, phát huy tiềm năng, lợi thế về nông thôn, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái đặc trưng của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Ngành Nông nghiệp của tỉnh đã định hình được nhiều cây trồng, vật nuôi chủ lực, trở thành đặc sản như: Xoài, bưởi, sầu riêng, tôm hùm…, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, phát triển theo hướng sạch và an toàn, phục vụ nhu cầu xã hội và phát triển du lịch. Cùng với đó, các vùng quê nông thôn trên địa bàn tỉnh có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, làng quê trù phú, vườn trái cây trĩu quả; có những làng nghề truyền thống như: Làm gốm, dệt chiếu cói, chế tác đá mỹ nghệ, đúc đồng…

Ông Lê Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn được xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo đang được tỉnh triển khai. Theo đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển cơ sở, phát huy tiềm năng, lợi thế về nông thôn, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái đặc trưng của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Bước đầu đã có nhiều trang trại trồng cây ăn quả, chăn nuôi… trên địa bàn tỉnh khai thác phục vụ du lịch. Tỉnh cũng đã công nhận xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) và làng nghề xoi trầm hương xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) là điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng…”.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Nhìn chung, các mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn mới hình thành, thiếu sự gắn kết với các đơn vị lữ hành chuyên nghiệp nên chưa đem lại hiệu quả cao. Có một thực tế, các hộ dân làm du lịch trên nền tảng nông nghiệp chủ yếu là tự phát, quy mô nhỏ, phát triển từ những dịch vụ đơn giản là tham quan trang trại, cải tạo nhà vườn thành nơi nghỉ ngơi của khách, song vẫn chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn; hoạt động của các làng nghề bị đứt gãy sản xuất, thiếu nguyên liệu, thiếu đầu ra cho sản phẩm, lao động trẻ không tâm huyết với nghề… Một số điểm du lịch xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng nên gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp là một việc khó khăn, đòi hỏi tầm nhìn dài hạn; khách du lịch đến với nông nghiệp, nông thôn vẫn còn khiêm tốn…

Theo ông Nguyễn Minh Lệnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hiện nay, hình thức du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đang phát triển với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, khai thác các giá trị tổng hợp dựa trên thành quả của ngành Nông nghiệp. Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng khoa học công nghệ, lồng ghép, gắn kết với du lịch nhằm góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững. Đơn cử như tại Khánh Hòa, trung tâm triển khai mô hình nuôi dê sinh sản tạo vùng nguyên liệu gắn với du lịch sinh thái ở 2 huyện Khánh Vĩnh và Cam Lâm đang cho thấy hiệu quả.

Ngoài ra, ông Lê Văn Hoan cho biết thêm, để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, trong thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh rà soát, đánh giá hoạt động du lịch tại nông thôn, xác định cụ thể các khu du lịch gắn với nông nghiệp, gắn với sản phẩm nông thôn đặc trưng; xây dựng các mô hình điểm; tập trung quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giới thiệu các điểm đến, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương trong tỉnh; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch ở khu vực nông thôn, ưu tiên đầu tư, nâng cấp hạ tầng các điểm du lịch trong nông nghiệp, khu vực nông thôn gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại các địa phương. Cùng với đó, tăng cường các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý du lịch, kỹ năng phục vụ du lịch, cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú cho cộng đồng dân cư ở các địa phương…