Khóa tập huấn dân ca cho giảng viên Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội do TS.NSND Thanh Ngoan hướng dẫn diễn ra từ ngày 18 đến ngày 28.4. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các giảng viên, học viên, và những người yêu nghệ thuật truyền thống.
Phát biểu tại chương trình, đại tá Vũ Hồ Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cho biết, các ca sĩ tham gia lớp tập huấn là các giảng viên, giọng ca nổi tiếng, nhiều người được đào tạo tại Nga, Trung Quốc, nhưng hát dân ca rất ngọt. Chương trình biểu diễn báo cáo đầy ắp văn hóa dân gian, nghệ thuật truyền thống. Các tiết mục biểu diễn nghệ thuật phần nào cho thấy nỗ lực của thầy và trò.
“Tham gia lớp tập huấn là giảng viên, NSƯT có dịp khám phá những khả năng khác của bản thân, vận dụng lý luận vào thực tiễn và từ thực tiễn chuyển thành lý luận, truyền đạt cho thế hệ sau. Kết quả lớp tập huấn đã đáp ứng nhiệm vụ giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hành biểu diễn, thực hiện trách nhiệm trước Quân đội và nhân dân về bảo tồn nghệ thuật truyền thống, văn hóa dân gian của Việt Nam”, đại tá Vũ Hồ Tùng cho biết.
Tại chương trình, các nghệ sĩ, giảng viên lớp tập huấn đã biểu diễn các làn điệu chèo cổ Đào Liễu, hát xẩm chênh bông, hát văn và ứng dụng nghệ thuật truyền thống vào các ca khúc dân ca, âm hưởng dân ca ngày nay. TS.NSND Thanh Ngoan đã chia sẻ một số kinh nghiệm của mình về các kỹ thuật hát dân ca, dân gian và cách áp dụng chúng vào biểu diễn thanh nhạc. Ngoài ra, các giảng viên tham gia tập huấn cũng đã được trang bị kiến thức về lịch sử và văn hoá dân tộc Việt Nam, từ đó giúp họ hiểu rõ hơn về giá trị của các bài hát dân ca và cách biểu diễn chúng.
TS. NSND Thanh Ngoan cho biết, tập huấn hát dân ca và ứng dụng vào thực hành biểu diễn Khoa Thanh nhạc không chỉ giúp các giảng viên của Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội có thêm những kiến thức mới về âm nhạc dân gian mà còn có kỹ năng biểu diễn cần thiết của âm nhạc dân gian Việt Nam để hoàn thiện hơn trong trình diễn các tác phẩm nghệ thuật của mình, đồng thời nhân rộng vốn kiến thức tới đối tượng học viên nhà trường trong quá trình giảng dạy. Các giảng viên đã học được cách trình diễn các bài hát dân ca một cách đầy chuyên nghiệp và truyền cảm, đồng thời cũng đã nắm được những kỹ thuật âm nhạc cần thiết để tạo ra những tác phẩm âm nhạc dân tộc độc đáo.
Từ những kinh nghiệm đã được học, các giảng viên sẽ hoàn thiện hơn trong nghiên cứu, ứng dụng âm nhạc dân gian, kết hợp sáng tạo giữa hát dân ca và các dòng nhạc mới tạo nên một sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại song vẫn giữ được nét đặc trưng vốn có, giúp cho nghệ thuật Việt Nam ngày càng được phát triển và đa dạng hơn. Điều này cũng có thể giúp cho việc bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc Việt Nam.
Thiếu tá Đỗ Thị Phương Mai, Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc cho biết, khóa tập huấn diễn ra trong 10 ngày dưới sự hướng dẫn của TS.NSND Thanh Ngoan và sự hỗ trợ của giảng viên Khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi, các giảng viên trong Khoa hết sức phấn khởi, như được đón một làn gió mới. Đặc biệt là giảng viên tổ bộ môn Hát dân gian đã được nghe giới thiệu, tiếp thu được các kinh nghiệm, thực hành các phương pháp, kỹ thuật, của các chất liệu âm nhạc truyền thống như: chèo, xẩm, hát văn… Đồng thời, các nghệ sĩ – giảng viên ứng dụng cách hát từ các làn điệu cổ vào các tác phẩm, ca khúc mới để tạo ra một phong cách hát phù hợp. Đây là điều hết sức có ý nghĩa đối với công tác giáo dục, đào tạo thực hành biểu diễn của Khoa Thanh nhạc, nhất là trong bối cảnh âm nhạc đương đại đang ngày càng chiếm ưu thế hiện nay.
"Chủ trương định hướng của BGH nhà trường, đồng chí Hiệu trưởng trong việc nâng cao vai trò của âm nhạc truyền thống trong đào tạo nghệ thuật nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị dân tộc Từ đó khoa thanh nhạc đã đề xuất cách làm phù hợp với định hướng của Nhà trường. Ngoài việc tập huấn để tiếp thu học hỏi trao đổi kiến thức. Đây cũng là cơ hội để các giáo viên trong khoa có điều kiện để đưa vào trong quá trình giảng dạy kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống vào các ca khúc mang âm hưởng dân ca sao cho phù hợp và hiệu quả, từ đó lan toả, gìn giữ và phát huy nghệ thuật âm nhạc truyền thống dân tộc thông qua các làn điệu như chèo cổ, hát văn, xẩm, cách hát nguyên bản, đặc sắc và phân biệt được cách nhả âm, nhả chữ, ngữ âm, ngữ điệu của từng thể loại âm nhạc, vùng miền đến với công chúng khán giả, với chiến sĩ, bộ đội và với các thế hệ học viên nghệ thuật để tiếp tục truyền lại những đam mê và giá trị tinh tuý của văn hóa dân tộc theo định hướng hội nhập có hoà mà không tan. Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội là ngôi trường tiên phong trong việc đào tạo theo định hướng và bắt kịp vơi nhu cầu ngày càng phát triển của thị trường âm nhạc việt, đưa văn hoá việt đến với bạn bè quốc tế. Khoa thanh nhạc luôn không ngừng phát huy tinh thần đó, các giảng viên trong khoa luôn tìm hiểu và học hỏi cộng với kinh nghiệm và đam mê của mình với phương châm dạy những gì xã hội cần, chứ không chỉ dạy những gì mình có. Khoa thanh nhạc là chia thành ba dòng nhạc: Thính phòng, dân gian và nhạc nhẹ nhằm định hướng cho các em ngay từ ban đầu nhằm phát huy tối đa sở trường, mà không mất nhiều thời gian để tìm hiểu. Vì thế, việc đào tạo mang lại hiệu quả và chất lượng cao, cũng như kết quả các cuộc thi đã nói lên điều đó", Thiếu tá Đỗ Thị Phương Mai, Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc cho biết thêm.
Lãnh đạo nhà trường lưu niệm cùng các thầy cô và đại biểu tại buổi bế mạc
Theo đại tá Vũ Hồ Tùng, qua thời gian tập huấn các giảng viên có cơ hội trình bày các tác phẩm tương ứng với chuyên môn trong quá trình làm việc với chuyên gia, từ đó chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, đưa âm nhạc truyền thống các vùng miền đặc trưng vào đời sống âm nhạc chung, tiếp tục phát huy và lan tỏa âm nhạc truyền thống, đặc biệt trong môi trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp.
Dưới đây là một số hình ảnh tại chương trình báo cáo và bế mạc tập huấn hát dân ca: