Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe đơn vị chủ trì giới thiệu về bối cảnh; mục tiêu; nội dung; các sản phẩm chính của dự án, ...
Vịt bầu Minh Hương còn gọi là vịt suối, là một giống vịt bầu bản địa có từ lâu đời ở xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Giống vịt bầu được nuôi thả tự nhiên từ nguồn nước suối của cánh rừng đặc dụng Cham Chu và ăn nguồn thức ăn tự nhiên của sông suối nên thịt thơm ngon đặc trưng, được người tiêu dùng ở nhiều địa phương ưa chuộng. Trong những năm gần đây vịt bầu Minh Hương tại Hàm Yên tăng dần về số lượng đàn từ năm 2022 khoảng 80.000 con, đến nay đạt 115.900 con, sản lượng trên 200 tấn vịt thương phẩm. Vịt nuôi tập trung tại 7 xã Yên Thuận, Phù Lưu, Minh Hương, Bình Xa, Tân Thành, Nhân Mục, Bằng Cốc, ... Trong đó xã Minh Hương chiếm trên 50% sản lượng. Vịt bầu Minh Hương có chất lượng tốt được đề cử Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam do tổ chức kỷ lục Việt Nam bình chọn năm 2016. Tiếp sau đó ngày 02/12/2015 Vịt bầu Minh Hương được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể theo Quyết định số 76136/QĐ-SHTT. Nhờ có chất lượng tốt, có tính đặc thù riêng nên ngày 18/09/2019 vịt bầu Minh Hương được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận là giống vật nuôi mới theo Quyết định số 3616/QĐ-BNN-CN.
Để nâng tầm giá trị của sản phẩm vịt bầu Minh Hương thành tài sản quốc gia (Luật SHTT, Điều 88, Khoản 1 Quyền sở hữu CDĐL thuộc nhà nước) Ngày 22/8/2024 UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 1004/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tuyên Quang, phê duyệt Dự án: Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Minh Hương” cho sản phẩm Vịt bầu của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang”. Ngày 29/08/2024 Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang ký hợp đồng số 09/2024/HĐ-KHCN-DA với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông thực hiện dự án trên.
Mục tiêu của dự án: Đăng ký bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý “Minh Hương” cho sản phẩm Vịt bầu của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang và thiết lập được mô hình quản lý, phát triển sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng, giúp bảo vệ danh tiếng của sản phẩm, khai thác và phát triển thị trường tiêu thụ để tăng giá bán, tạo thêm giá trị gia tăng và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các mục tiêu cụ thể: 1) Chỉ dẫn địa lý “Minh Hương” cho sản phẩm Vịt bầu của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ.. 2) Hệ thống văn bản và các công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý “Minh Hương” cho sản phẩm Vịt bầu của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang được ban hành và vận hành vào thực tiễn. 3) Hệ thống nhận diện và công cụ quảng bá, truyền thông cho sản phẩm Vịt bầu mang CDDL “Minh Hương” được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. 4) Thiết lập được mô hình chăn nuôi, quản lý sản phẩm sau bảo hộ CDĐL “Minh Hương” cho sản phẩm Vịt bầu của huyện Hàm Yên theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng. 5) Năng lực của người hưởng lợi từ chỉ dẫn địa lý “Minh Hương” cho sản phẩm Vịt bầu được cải thiện và nâng cao.
Nội dung của dự án: 1) Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý “Minh Hương” cho sản phẩm Vịt bầu. 2) Hoàn thiện bộ hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý “Minh Hương” cho sản phẩm Vịt bầu. 3) Xây dựng hệ thống các văn bản, công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm Vịt bầu Minh Hương. 4) Xây dựng hệ thống nhận diện và các công cụ quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm Vịt bầu mang chỉ dẫn địa lý “Minh Hương”. 5) Hỗ trợ thí điểm xây dựng mô hình chăn nuôi Vịt bầu sinh sản và Vịt bầu thương phẩm theo hướng an toàn sinh học liên kết theo chuỗi giá trị. 6) Thiết lập mô hình quản lý và phát triển sản phẩm Vịt bầu mang chỉ dẫn địa lý “Minh Hương” theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm. 7) Tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ thể về CDĐL, quản lý nguồn gốc và chất lượng sản phẩm được bảo hộ CDĐL theo chuỗi giá trị.
Sản phẩm của dự án: 1) Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Minh Hương” cho sản phẩm Vịt bầu của huyện Hàm Yên. 2) Hệ thống các văn bản và công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý “Minh Hương” cho sản phẩm Vịt bầu được ban hành và áp dụng vào thực tế. 3) Hệ thống nhận diện và các công cụ quảng bá, truyền thông cho sản phẩm Vịt bầu mang chỉ dẫn địa lý “Minh Hương” được thiết lập và đưa vào sử dụng hiệu quả. 4) Mô hình sản xuất con giống và nuôi thương phẩm Vịt bầu Minh Hương, (quy mô 400 con Vịt bố mẹ; 2.500 con Vịt thương phẩm). Sản phẩm từ vịt bố, mẹ tối thiểu là 5.000 con Vịt giống; vịt thương phẩm, khối lượng đạt khoảng 1,8-2,0 kg/con, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. 5) Mô hình quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Minh Hương” cho sản phẩm Vịt bầu của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang được vận hành. 6) Tập huấn nâng cao năng lực về chỉ dẫn địa lý, quản lý nguồn gốc và chất lượng sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị cho 150 lượt người.
Cũng thông qua hội nghị, ngoài việc cung cấp thông tin vắn tắt về dự án cho các đại biểu, đơn vị chủ trì còn xác định và thống nhất các tiêu chí cảm quan vịt bầu Minh Hương như: Trạng thái, cấu trúc, màu sắc, mùi và vị làm một phần cơ sở lập hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý “Minh Hương” cho sản phẩm vịt bầu của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới.
Nguồn: CASRAD