Thủ tướng: Phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh

Chiều 8/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách để lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 68).
Chú thích ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Hội đồng Tư vấn chính sách về phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: TTXVN

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng của các đại biểu; yêu cầu Tổ biên tập tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện thêm một bước dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù Phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 68.

Nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh của đất nước trong trong kỷ nguyên mới và với tinh thần “Nhà nước kiến tạo; con người là nền tảng; doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; thể chế, cơ chế chính sách là động lực” để phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội phải có cơ chế, chính sách thể chế hóa Nghị quyết 68 để phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững; kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phải có cơ chế, chính sách để giải quyết các vấn đề có tính cấp bách, cần thiết nhất mà người dân doanh nghiệp quan tâm để tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc đang kìm hãm kinh tế tư nhân, khơi thông, tạo đòn bẩy, điểm tựa cho kinh tế tư nhân phát triển.

Đồng thời tạo xu thế, tạo phong trào thi đua sôi nổi phát triển kinh tế tư nhân; người người, nhà nhà thi đua làm giàu chính đáng; có cơ chế chính sách đủ mạnh để các hộ kinh doanh cá thể phát triển thành các doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ phát triển thành doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp lớn thành tập đoàn đa quốc gia, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…

Chú thích ảnh Các đại biểu tham dự cuộc họp về phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát kỹ, bổ sung, sửa đổi chính sách để thúc đẩy tự do kinh doanh, các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, tiếp cận bình đẳng về vốn, đất đai, tài sản công; đào tạo nguồn nhân lực xuất phát từ nhu cầu thị trường, yêu cầu phát triển của doanh nghiệp thông qua các cơ chế đặt hàng giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

Lưu ý Nghị quyết phải bám sát nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, chỉ đạo; Nhà nước quản lý; Chính phủ điều hành; nhân dân làm chủ, dưới sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế, thể chế thể hiện sự công nhận, xác định rõ tài sản vô hình của doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.

Các sai phạm liên quan đến kinh tế, dân sự thì phải xử lý bằng pháp luật kinh tế, dân sự. Những biện pháp hình sự là biện pháp cuối cùng; bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; khuyến khích quỹ đầu tư tư nhân; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo các thủ tục đăng ký, giải thể doanh nghiệp đơn giản nhất, nhanh nhất, chi phí rẻ nhất, đặc biệt là xóa bỏ cơ chế xin - cho; làm rõ hơn các chính sách về thuế, phi thuế quan; hình thành hệ thống thu thuế điện tử, khởi tạo từ máy tính tiền...

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Tổ soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, gửi lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, sau đó hoàn thiện trình Quốc hội trước ngày 12/5 để Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 18/5/2025.

Tại cuộc làm việc, các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách và lãnh đạo các bộ, ngành, Chính phủ tập trung thảo luận, đề xuất các cơ chế, chính sách về: hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất; tiếp cận nguồn vốn; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ kinh tế tư nhân ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; chính sách về thuế, phí, lệ phí; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công tác thanh tra, kiểm tra; không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.

Các đại biểu cũng đề xuất cơ chế đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia; mô hình hợp tác công tư; khung pháp lý ưu đãi cho hoạt động nghiên cứu phát triển, quỹ đầu tư mạo hiểm; cơ chế thế chấp bằng tài sản vô hình; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tiên phong vươn ra thế giới; vấn đề về phá sản; tránh hành vi hạn chế cạnh tranh, độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại, sở hữu trí tuệ; cơ chế kết nối doanh nghiệp, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp tư nhân…