Kiên định những giá trị bền vững, xây dựng các thương hiệu du lịch quốc tế mang bản sắc Việt Nam*

27/03/2022 12:40

Tối ngày 26/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu quan trọng tại lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại buổi lễ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu quan trọng tại lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kiên định những giá trị bền vững, xây dựng các thương hiệu du lịch quốc tế mang bản sắc Việt Nam* - Ảnh 1.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng!

Thưa quý vị đại biểu, khách quý, đồng bào, đồng chí và bạn bè, du khách quốc tế!

Trong không khí hào hùng, phấn khởi, kỳ vọng và tin tưởng với việc hoạt động du lịch được mở lại, chúng ta vui mừng tổ chức Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh". Sự kiện rất ý nghĩa hôm nay được tổ chức tại Quảng Nam - vùng đất "địa linh nhân kiệt", nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi thân ái gửi tới quý vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể đồng chí, đồng bào, bạn bè, du khách quốc tế lời chào thân ái, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa quý vị đại biểu, khách quý, đồng bào, đồng chí và bạn bè, du khách quốc tế!

Kiên định những giá trị bền vững, xây dựng các thương hiệu du lịch quốc tế mang bản sắc Việt Nam* - Ảnh 2.

Du lịch không chỉ là một ngành kinh tế quan trọng mà còn thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hoà bình. Việt Nam có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch vô cùng to lớn với thiên nhiên tươi đẹp, truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, phong phú, đa dạng, con người hiền hoà, thân thiện, cởi mở, mến khách, chính trị ổn định, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của đất nước, du lịch Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước - công nghiệp không khói. Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới, được cộng đồng quốc tế công nhận với nhiều giải thưởng hàng đầu thế giới.

Trong hơn 2 năm qua, dù gặp muôn vàn khó khăn do dịch bệnh, ngành Du lịch và Nhân dân vẫn không ngừng nỗ lực thích ứng bằng những cách làm sáng tạo như đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh, ứng dụng du lịch thực tế ảo… Tuy nhiên, du lịch và hàng không thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng nằm trong số những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đại dịch cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu nguồn nhân lực, sửa chữa, nâng cấp, làm mới các cơ sở đón khách, tăng thêm sức hấp dẫn và hiệu quả hơn trong tình hình mới.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn chồng chất của ngành du lịch, của doanh nghiệp, người lao động và người dân có công ăn việc làm gắn với hoạt động du lịch trong hơn 2 năm qua. Đồng thời, đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn viên và người lao động trong ngành du lịch; xác định biện pháp căn cơ nhất là đưa ra các giải pháp quyết liệt để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, sớm khôi phục các hoạt động du lịch, mở cửa lại du lịch. Kiểm soát được dịch bệnh là yếu tố tiên quyết để mở cửa lại, phục hồi và thúc đẩy  mạnh mẽ phát triển du lịch trong tình hình mới.

Trên cơ sở kết quả phòng chống dịch, tham khảo ý kiến chuyên gia và sau khi được các cấp có thẩm quyền thảo luận, thống nhất, Việt Nam chính thức mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022 với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Qua đó đánh dấu sự khởi sắc trở lại của ngành du lịch nước nhà, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, du lịch của người dân, du khách trong nước và quốc tế.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi chân thành cảm ơn và mong muốn các tổ chức, cá nhân và bạn bè quốc tế tiếp tục dành cho Việt Nam những tình cảm tốt đẹp và sự hợp tác, giúp đỡ quý báu trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước nói chung và trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 nói riêng cũng như trong thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, điều kiện mới, hoàn cảnh mới, cơ hội mới cần có tư duy và cách làm mới để "biến nguy thành "cơ"". Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, hoạt động du lịch cần được tổ chức an toàn, khoa học, phù hợp với sự phối hợp thống nhất, đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các địa phương và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và du khách.

Thưa quý vị đại biểu, khách quý, đồng bào, đồng chí và bạn bè, du khách quốc tế!

Kiên định những giá trị bền vững, xây dựng các thương hiệu du lịch quốc tế mang bản sắc Việt Nam* - Ảnh 3.

Việt Nam kiên trì, kiên quyết thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, thực chất vì mục tiêu giữ gìn môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam xác định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó dựa vào nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định và xác định nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.

Lễ Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022 là một trong những sự kiện quan trọng, đánh dấu cho hoạt động mở cửa du lịch trở lại của chúng ta và là sự kiện trọng tâm của Chương trình Năm Du lịch Quốc gia 2022. Cùng với Lễ Khai mạc hôm nay, chúng ta kỳ vọng chuỗi các sự kiện du lịch xuyên suốt cả năm sẽ là đòn bẩy quan trọng và cơ hội cho ngành Du lịch tăng tốc, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước tươi đẹp và con người Việt Nam hiền hòa, mến khách đến với bạn bè quốc tế.

Năm nay, tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2022 với chủ đề "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh". Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022 rất có ý nghĩa khi được tổ chức tại đảo Ký ức Hội An, Quảng Nam.

Quảng Nam - vùng đất hội tụ và giao thoa nhiều giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử đến từ các nền văn minh, văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Chăm Pa, Sa Huỳnh…; quê hương của các danh nhân như Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…; vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng. Quảng Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là "du lịch xanh""du lịch di sản" với sức hấp dẫn to lớn từ Di sản văn hóa thế giới (Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn), Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (nghệ thuật Bài chòi); Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Cùng với đó là hệ thống các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, hệ động thực vật phong phú… và những nét đặc trưng riêng biệt về ẩm thực vô cùng đặc sắc của Quảng Nam.

Chính vì vậy, qua 19 kỳ tổ chức, Quảng Nam đã hai lần được chọn làm nơi đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia (2006 và 2022). Để từ đó, du lịch Quảng Nam cất cánh, trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch miền Trung và cả nước; là điểm đến yêu thích đối với du khách trong nước và nước ngoài.

Thưa quý vị đại biểu, khách quý, đồng bào, đồng chí và bạn bè, du khách quốc tế!

Đại dịch đã thay đổi cấu trúc xã hội và thói quen của người dân nhưng cũng tạo ra xu hướng mới trong du lịch. Bên cạnh đó, khi du lịch thế giới phục hồi, chúng ta phải đối mặt với thách thức cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và các điểm đến trên toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn du lịch hàng đầu, điểm đến trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách quốc tế và trong nước của chúng ta. Muốn vậy, chúng ta cần kiên định với những giá trị bền vững mà nhiều năm qua đất nước Việt Nam, du lịch Việt Nam đã tạo dựng và xác lập trong lòng du khách quốc tế. Đó là thông điệp hòa bình, hợp tác, phát triển,"Việt Nam - đất nước an toàn", hình ảnh "Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn", một điểm đến với "vẻ đẹp bất tận".

Nhân Lễ Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia hôm nay, tôi đề nghị các bộ, ngành, tỉnh Quảng Nam và các địa phương cả nước cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, khắc phục hạn chế, yếu kém, chủ động phối hợp thực hiện một số nội dung quan trọng sau:

Một là, tiếp tục nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa của dân tộc ta. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát triển giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc - một nhiệm vụ rất quan trọng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo và nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Chúng ta cần xây dựng những thương hiệu du lịch lớn mang tầm quốc tế với bản sắc dân tộc Việt Nam, gắn với mảnh đất thiêng liêng mà anh dũng, gắn với bản sắc văn hóa đặc sắc và con người Việt Nam anh hùng nhưng thân thiện, đôn hậu, nhân văn và vị tha.

Hai là, tập trung xây dựng môi trường du lịch "xanh" đúng như chủ đề Năm du lịch quốc gia 2022. Đó là môi trường du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách; là sự cam kết của tất cả các bên liên quan, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường và hệ sinh thái.

Tôi đề nghị các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân cùng chung tay, tạo dựng môi trường xanh cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch bằng những hành động thật thiết thực, xuất phát từ những hành vi nhỏ nhất nhưng có trách nhiệm lớn nhất với cộng đồng và xã hội:

- Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch cần quán triệt nghiêm chỉnh, tuân thủ các quy định, hướng dẫn về đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19. Chủ động tuyển dụng, bồi dưỡng, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu mới của du khách trong bối cảnh hậu COVID-19.

Tăng cường thu hút đầu tư và đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch của chúng ta. Đây là xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch xanh, thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước. Tích cực chung tay xây dựng môi trường du lịch xanh, hướng tới sự bền vững về cả kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường sống.

- Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách, cảnh quan môi trường, vệ sinh dịch tễ; đảm bảo việc ứng xử văn hóa, văn minh tại các khu, điểm du lịch. Đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức trong cộng đồng, để mỗi người dân là một "đại sứ du lịch".

Ba là, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thếđẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các vùng miền, tạo thành chuỗi các điểm đến và phát huy sức mạnh sáng tạo của mỗi người dân trong vùng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch và kinh tế nói chung. Xây dựng cơ chế, chính sách mang tính đột phá, đưa du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái - nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương... để hình thành các sản phẩm du lịch phong phú, độc đáo và đa dạng.

Bốn là, cần chủ động, linh hoạt và đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với việc thích ứng an toàn, linh hoạt, đảm bảo an toàn, khoa học, phù hợp với Chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước ta. Bối cảnh mới, cần cơ cấu lại thị trường khách du lịch để tập trung quảng bá, xúc tiến các thị trường tiềm năng và làm mới các sản phẩm du lịch để phục vụ xu hướng của thế giới sau COVID-19.

Năm là, thực hiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển bền vững. Tăng cường thu hút đầu tư; khai thác hợp lý các tiềm năng, giữ gìn môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh, an toàn cho du lịch. Đồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa, văn minh du lịch, khuyến khích mỗi người dân và mỗi khách du lịch có trách nhiệm cùng chung tay xây dựng hệ sinh thái du lịch xanh, văn minh, thân thiện và bền vững. Phấn đấu để có thêm nhiều hơn nữa du khách đến du lịch, trải nghiệm, kinh doanh và làm ăn lâu dài ở Việt Nam; những người khách đã đi qua muốn quay trở lại nhiều hơn và nhanh hơn.

 
Kiên định những giá trị bền vững, xây dựng các thương hiệu du lịch quốc tế mang bản sắc Việt Nam* - Ảnh 4.

Sáu là, các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, tạo điều kiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động du lịch, thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, hợp tác công tư trong  hoạt động và phát triển ngành du lịch, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân trên chính mảnh đất, quê hương mình, góp phần giảm nghèo, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước và quê hương mình. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động du lịch, doanh nghiệp và ngành du lịch nói chung. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam ra thế giới bằng nhiều kênh và hình thức khác nhau. Đặc biệt giới thiệu những địa danh nổi tiếng, những nét đặc trưng riêng có của thiên nhiên, văn hóa, con người Việt Nam, trong đó chú trọng giới thiệu văn hóa phi vật thể. Đồng thời, chúng ta cần mở rộng dịch vụ, thu hút đầu tư phát triển du lịch, nâng cao tính cạnh tranh để Việt Nam trở thành điểm đến, điểm quay trở lại hấp dẫn và liên tục. 

Thưa quý vị đại biểu, khách quý, đồng bào, đồng chí và bạn bè, du khách quốc tế!

Chính phủ Việt Nam đã xác định chủ đề của năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển". Cùng với chủ đề chung này, những "từ khóa" chủ đạo của du lịch Việt Nam trong năm 2022 và giai đoạn sắp tới sẽ là: Hòa bình, hợp tác, phát triển, xanh hóa, an toàn, thân thiện, số hóa, kết nối.

Nhân đây, tôi biểu dương Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Nam cùng các địa phương trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để triển khai các hoạt động, chương trình phát động du lịch trên phạm vi cả nước.

Chúc Quảng Nam, vùng đất "Ngũ phụng tề phi", "Chưa mưa đà thấm" với "Rượu Hồng đào chưa nhấm đà say" và những con người "Ơn trượng, nghĩa dày", phát triển nhanh nhưng bền vững, luôn là điểm đến du lịch hấp dẫn, ấn tượng của cả nước chúng ta.  

Một lần nữa, xin chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng cùng toàn thể quý vị, khách quý và đồng bào, đồng chí, bạn bè, du khách quốc tế sức khỏe, an lành, hạnh phúc và thành công.

TH