Trong bối kinh tế toàn cầu suy giảm, sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị; Sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ cùng với sự chỉ đạo tập trung của các cấp, các ngành; Sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; tình hình kinh tế-xã hội nước ta năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra, đạt mức tăng 5,05% GDP, tiếp tục là điểm sáng của kinh tế khu vực và thế giới. Bài viết đề cập tới hiện trạng KT-XH năm 2023 và triển vọng trong năm 2024.
Kinh tế xã hội Việt Nam năm 2023, những điểm sáng qua số liệu thống kê
Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng các ngành, các cấp đều đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu sản xuất-kinh doanh. Tình hình kinh tế-xã hội cả nước vẫn duy trì xu hướng tích cực; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều kết quả quan trọng trên mọi lĩnh vực đều đạt mục tiêu đề ra và tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và thế giới. Từ báo cáo tinh hình kinh tế xã hội Tổng cục Thống kê Việt Nam cuối tháng12/2023 có thể nhận thấy những điểm sáng nổi bật trong ổn định kinh tế vĩ mô và những vấn đầ xã hội.
Về ổn định kinh tế vĩ mô
(1) Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 ước tính cao hơn năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng của những năm 2020, 2021 và bình quân trong cả giai đoạn 2011-2023.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi; nền kinh tế nước ta vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 ước tính tăng 5,05% cao hơn tăng trưởng của các năm 2020, 2021 và bình quân giai đoạn 2011-2023 với tốc độ quý sau cao hơn quý trước (Quý I tăng 3,41%; quý II tăng 4,25%; quý III tăng 5,47% và quý IV tăng 6,72%). Tính chung cả năm, GDP tăng cao hơn so với năm trước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, khu vực dịch vụ tăng 6,82%. Tăng trưởng ngành dịch vụ thị trường đạt mức khá: Bán buôn, bán lẻ tăng 8,82%; vận tải kho bãi tăng 9,18%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,24%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,24%.Tốc độ tăng GDP và giá trị gia tăng(VA) của các khu vực năm 2023 được thể hiện trong hình 1.
Về sử dụng GDP quý IV/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,86%; tích lũy tài sản tăng 6,21%; xuất khẩu hàng so hóa và dịch vụ tăng 8,68%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,76%. Trong tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; và khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38%.
Về sử dụng GDP năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,52% so với năm 2022, đóng góp 41,04% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 4,09%, đóng góp 26,64%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 2,54%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,33%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp tới 32,32% vào tăng trưởng.
Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Năng suất lao động toàn nền kinh tế ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động), tăng 274 USD so với năm 2022. Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng đạt 27%, cao hơn 0,6% so với năm trước.
(2) Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá. Do ứng dụng mô hình công nghệ cao thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, việc ứng dụng mô hình công nghệ mới trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp năm 2023 tăng 3,88% so với năm trước, đóng góp 0,34 % vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,74% đóng góp 0,02 % và ngành thủy sản tăng 3,71%, đóng góp 0,1 % vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Diện tích lúa cả năm ước đạt 7,12 triệu ha, tăng 10,1 nghìn ha so với năm trước, năng suất lúa ước đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn. Sản lượng thu hoạch của một số cây lâu năm tăng so với năm trước.
Do điều kiện thời tiết thuận lợi, thị trường tiêu thụ ổn định. Hạt điều tăng 4,4%; cà phê tăng 1%; chè búp tăng 1,7%; sầu riêng tăng 37,3%; xoài và nhãn cùng tăng 5,2%. Xuất khẩu gạo năm 2023 đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 17,4% về lượng và 39,4% về giá trị so với năm 2022; xuất khẩu rau quả đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng 65,9%.
Sản lượng một số loại thịt hơi xuất chuồng năm 2023 tăng so với năm trước. Trong đó, Thịt bò tăng 2,5%; thịt lợn tăng 7,2%; thịt gia cầm tăng 6%. Sản lượng trứng gia cầm tăng 5,2%; sản lượng sữa tươi tăng 3,6%.
Số cây lâm nghiệp trồng phân tán năm 2023 ước đạt 116,3 triệu cây, tăng 5,2% so với năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 20,8 triệu m3, tăng 2,8%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý IV/2023 tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá tra tăng 3,6%; tôm thẻ chân trắng tăng 9,1%. Tính chung cả năm 2023, sản lượng nuôi trồng thủy sản đã tăng cao.
Phân tích quá trình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 cho thấy, đã tăng trưởng tích cực. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý cùng với thời tiết thuận lợi khiến sản xuất được mùa ở hầu hết các địa phương. Nông sản lúa gạo và rau quả xuất khẩu được giá; sản lượng cây lâu năm chủ yếu tăng so với năm trước; dịch bệnh gia súc, gia cầm được kiểm soát; thủy sản phát triển khá, tập trung và chuyển đổi theo hướng bền vững, khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi, áp dụng rộng rãi nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên xuất khẩu còn khó khăn do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Hoạt động lâm nghiệp không thuận lợi, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ giảm so với năm trước.
(3) Sản xuất công nghiệp trong năm 2023 diễn biến tích cực, đặc biệt là vào những tháng cuối năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý IV/2023 tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với các quý trong năm. Trong đó, sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 25,3%; sản xuất kim loại tăng 24,2%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 19,8%; dệt và sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu cùng tăng 17,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 11,9% . Mức tăng Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của nột số ngành công nghiệp trọng điểm Q4/2023 được thể hiện trong hình 2.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, giá trị tăng thêm của ngành năm 2023 vẫn tăng 3,02%, đóng góp 1,0% vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, đóng góp 0,93 %. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,18%, đóng góp 0,03 %. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,79%, đóng góp 0,14%.. Ngành xây dựng tăng 7,06%, đóng góp 0,51%.Riêng ngành khai khoáng giảm 3,17%, làm giảm 0,1 % mức đóng góp.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cả năm tăng1,8% so với 2022. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/12/2023 tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân cả năm khoảng 87,5% cao hơn năm 2022.
(4) Thực trạng sản xuất kinh doanh doanh nghiệp
Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 217,7 nghìn tăng 4,5% so với 2022; nhưng lại có tới 172,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5%.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2023 cho thấy: Có 69,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và ổn định so với quý trước nhưng có tới 30,4% gặp khó khăn.
Cả nước có 159,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.521,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.052,6 nghìn, tăng 7,2% về số doanh nghiệp, giảm 4,4% về vốn đăng ký và tăng 7,3% về số lao động so với năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 đạt 9,6 tỷ đồng, giảm 10,8% so với năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2023 là 3.557,9 nghìn tỷ đồng, giảm 25,3% so với năm trước, vốn đăng ký tăng thêm của hơn 46 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động tăng vốn là 2.036,6 nghìn tỷ đồng, giảm 35,8%. Có 58,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2,4% so với năm 2022.
Trong năm 2023, cả nước có khoảng 20 trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo địa phương và các trung tâm thuộc các cơ quan, đoàn thể Trung ương; hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp. Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), chỉ số GII của Việt Nam năm 2023 xếp hạng thứ 46/132 quốc gia, nền, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Trên cổng dịch vụ công quốc gia, tính đến hạ tuần tháng12 năm 2023, số thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ trực tuyến là 4.549; 2.604 dịch vụ công cho công dân và 2.414 dịch vụ công cho doanh nghiệp; số hồ sơ đồng bộ xử lý lên cổng Dịch vụ công quốc gia là 273,9 triệu hồ sơ; số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua cổng Dịch vụ công quốc gia là 33 triệu hồ sơ.
(5) Về hoạt động thương mại dịch vụ
Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động và duy trì mức tăng cao so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2023 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12 đạt 565,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước nếu loại trừ yếu tố giá đã tăng 7,1%. Tông mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2019-2023 được thể hiện trong hình 3.
Vận tải hành khách quý IV/2023 đạt 1.272,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 64,8 tỷ lượt khách.km, tăng 17,9%. Tính chung cả năm, vận tải hành khách đạt 4.679,3 triệu lượt vận chuyển, tăng 12,3% so với năm trước.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12/2023 đạt 1,4 triệu lượt người, tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 93,9% so với cùng kỳ năm trước; số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 352,1 nghìn lượt, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm, khách quốc tế đến nước ta đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế dự kiến của năm 2023; số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 5 triệu lượt , gấp 2 lần năm trước.
TÍnh chung cả năm, vận tải hàng hóa ước đạt 2.344,3 triệu tấn, tăng 15,4% so với năm trước và luân chuyển 489,7 tỷ tấn.km, tăng 10,8%. Vận tải hàng hóa quý IV/2023 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển tăng 7,9%. Riêng doanh thu hoạt động viễn thông quý IV/2023 đạt 84,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước Tính chung cả năm doanh thu viễn thông đạt 338,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm trước
(6) Đối với hoạt động ngân hàng, bảo hiểm và thị trường chứng khoán
Tổng phương tiện thanh toán tăng 10,03% so với cuối năm 2022; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 10,85%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 11,09%. Tổng doanh thu bảo hiểm quý IV/2023 giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước; do doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm chỉ đạt 227,1 nghìn tỷ đồng, giảm 8,33% so với năm trước. Tính đến giữa tháng12/2023 giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu mới đạt 17.624 tỷ đồng/phiên, giảm 12,6% so với bình quân cả năm 2022;giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 6.114 tỷ đồng/phiên, giảm 20,4%; khối lượng giao dịch sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 giảm 13% so với bình quân cả năm 2022; sản phẩm chứng quyền có bảo đảm giảm 0,6% nhưng giá trị giao dịch lại đạt 28,67 tỷ đồng/phiên, tăng 35,2%.
(7) Đầu tư phát triển
Số vốn FDI đăng ký giai đoạn 2019-2023 được thể hiện trong hình 4
Vốn đầu tư toàn xã hội quý IV/2023 đạt 1.164,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả năm, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng,2% so Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư cả đạt gần 36,6 tỷ USD tăng 3,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
(8) Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính xuất siêu 28 tỷ USD. Trong đó, xuất siêu Điện thoại các loại và linh kiện 44,37 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 11,24 tỷ USD; thủy sản 6,4 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 5,42 tỷ USD; rau quả 3,62 tỷ USD; dây điện và cáp điện 775 triệu USD; hạt điều 451 triệu USD.
Thương mại và du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của những khu vực này. Giá trị tăng thêm của dịch vụ năm 2023 là 6,8%, cao hơn mức tăng 2,01% và 1,75% của năm 202 và 2021. Một số ngành dịch vụ thị trường đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như Bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%, đóng góp 0,86%; ngành vận tải, kho bãi tăng 9,18%, đóng góp 0,55 %; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,24%, đóng góp 0,37%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,24%, đóng góp 0,31%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2023 ước đạt 32,91 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ớc đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trướcvới cơ cấu hàng xuất khẩu thuộc nhóm hàng chế biến đạt 313,73 tỷ USD, chiếm 88,3%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12/2023 ước đạt 30,63 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 327,5 tỷ USD, giảm 8,9% so với năm trước với cơ cấu, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 307,32 tỷ USD, chiếm 93,8%.
Phân tích tình hình xuất nhập khẩu, giới nghiên cứu nhận thấy, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96,8 tỷ USD và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 12 xuất siêu khoảng 2,28 tỷ USD. Tính chung cả năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 28 tỷ USD, cao hơn năm năm 2022 là 12,1 tỷ USD.
Trong quý IV/2023, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt 5,4 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 8,1 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,4% so với quý trước. Tính chung cả năm, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt 9,59 tỷ USD, tăng 44,9% so với năm 2022. Trong đó, dịch vụ du lịch chiếm 46,7% tổng kim ngạch, cao, gấp 2,9 lần năm trước; dịch vụ vận tải chiếm 28,1%, giảm 1,8%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ cả năm 2023 ước đạt 29,06 tỷ USD .Trong đó, dịch vụ vận tải chiếm 43,3%, giảm 0,4%; dịch vụ du lịch chiếm 26,9%), tăng 17,3%.
(9) Chỉ số giá tiêu dung (CPI), giá vàng và đô la Mỹ giữ tương đối ổn định
CPI tháng 12/2023 tăng 0,12% so với tháng trước, bình quân quý IV/2023 tăng 3,54% so với quý IV/2022. Tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25% đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Giá vàng tháng 12/2023 tăng 3,98% so với tháng trước; tăng 13,13% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2023 tăng 4,16%.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2023 giảm 0,56% so với tháng trước; tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2023 tăng 1,86%.
(10) Thu, chi ngân sách Nhà nước được cải thiện
Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023 đạt 1.717,8 nghìn tỷ đồng, bằng 106% dự toán năm và giảm 5,4% so với năm trước. Tổng chi ngân sách tháng 12/2023 ước đạt gần 229 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2023 khoảng 1.731,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán năm và tăng 10,9% so với năm trước.
Về tình hình xã hội
1, Dân số trung bình năm 2023 của cả nước 100,3 triệu người, tăng 834,8 nghìn người, tăng 0,84% so với năm 2022. Chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm mạnh và cơ bản duy trì mức thay thế từ năm 2005 đến nay. Tỷ lệ tử vong ở mức thấp, tuổi thọ trung bình tăng do những thành tựu y học và việc chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện.
2, Tình hình lao động, việc làm quý IV/2023 có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước vào Q IV/2023 ước tính là 52,5 triệu người, tăng 113,5 nghìn so với quý trước, tăng 401,9 nghìn so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,4 triệu người, tăng 666,5 nghìn so với năm trước.
Lao động có việc làm quý IV/2023 là 51,5 triệu người, tăng 130,4 nghìn người so với quý trước và tăng 414,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm lao động có việc làm là 51,3 triệu người, tăng 683 nghìn người ,tăng 1,35% so với cùng kỳ năm trước.
3, Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2023 là 2,26%, giảm 0,04% so với quý trước và 0,06 % so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả năm 2,28%, giảm 0,06 % so với năm trước; trong đó, khu vực thành thị là 2,73%; khu vực nông thôn là 2,00%.
Tỷ lệ thiếu việc làm quý IV/2023 là 1,98%, giảm 0,08%so với quý trước và không đổi so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2023, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 2,01%, giảm 0,20 % so với năm trước.
4, Thu nhập bình quân của lao động quý IV/2023 là 7,3 triệu đồng/tháng, tăng 180 nghìn đồng so với quý III/2023 và tăng 444 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung năm 2023, thu nhập bình quân của lao động là 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459 nghìn đồng so với năm trước.
5. Đời sống của hộ dân đã được cải thiện; Công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 19/12/2023, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là hơn 12,3 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, đến ngày 22/12/2023 Chính phủ cấp xuất 21,6 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 1,4 triệu nhân khẩu. Trong đó: Hỗ trợ 16,9 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 1,1 triệu nhân khẩu trong dịp Tết Quý Mão; 4,6 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 309,8 nghìn nhân khẩu thiếu đói kỳ giáp hạt.
Năm 2023, các hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước đã tạo được hiệu ứng, lan tỏa, kết nối tình đoàn kết, giữa nhân dân cả nước và truyền bá hình ảnh về những phẩm chất tốt đẹp của hệ giá trị văn hóa, gia đình về con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Hoạt động thể dục, thể thao quần chúng trong năm qua tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và thể thao thành tích cao đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trên địa bàn cả nước năm 2023 đã xảy ra 14.059 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 9.904 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 4.155 vụ va chạm. Bình quân 1 ngày trên địa bàn cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, làm 20 người chết, 16 người bị thương và 13 người bị thương nhẹ.
Trong năm 2023, thiên tai làm 158 người chết và mất tích; 130 người bị thương; 108,1 nghìn ha lúa và 43,4 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 98,3 nghìn con gia súc và gia cầm bị chết; 30,4 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong năm 2023 ước tính gần 5.101,5 tỷ đồng, giảm 64,3% so với năm trước.
Khái quát lại, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, không thuận lợi, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,05%, mặc dù không đạt mục tiêu đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2023 của Chính phủ nhưng đây là kết quả tích cực và thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Các chỉ tiêu thống kê cho thấy, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và gia tăng xuất khẩu. Đầu tư công được đẩy mạnh về số vốn thực hiện, tốc độ tăng tỷ lệ giải ngân ở mức cao, an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, hiệu quả.
Vấn đề rút ra từ thực trang kinh tế xã hội năm 2023
Từ cuối năm 2022, khi tăng trưởng của Việt Nam đang ở mức trên 8%, đã có những cảnh báo thận trọng về diễn biến khó lường trong năm 2023. Đó là, một số điểm yếu căn bản trong nền kinh tế, như giải ngân đầu tư công, nguồn cung năng lượng, khả năng nội địa hóa hàng xuất khẩu và những “cơn gió ngược” về xung đột chính trị, lạm phát và lãi suất tăng cao, tâm lý tiêu dùng bất ổn định, đã khiến kinh tế Việt Nam giảm đà tăng trưởng một cách đáng kể, có những lúc xuống mức thấp nhất trong những năm gần đây.
Với những nỗ lực không ngừng của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân nhằm khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, sản xuất-kinh doanh, tiêu dùng, Việt Nam đã có một năm vượt khó xuất sắc,song nhiều thách thức lớn vẫn còn tồn tại và cần sớm được giải quyết khi bước sang năm 2024. So sánh chung cả năm, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều thể hiện một năm đầy nỗ lực duy trì vượt khó.
Giá trị tăng thêm của hai ngành chủ lực của nền kinh tế là dịch vụ và công nghiệp -xây dựng đều ở mức không cao trong năm 2023. Riêng ngành công nghiệp, tính chung cả năm giá trị tăng thêm chỉ tăng 3,02%, là mức tăng thấp nhất cả trong cả giai đoạn 2011-2023. Trong khi, ngành du lịch không duy trì được đà tăng trưởng. Ngành công nghiệp chỉ giữ ở mức cận dưới so với xu thế dài hạn. Tính chung cả năm, giá trị tăng thêm ở mức 6,82%, chỉ cao hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 là 2020 và 2021 trung bình của giai đoạn từ 2011 tới nay.
Trong bối cảnh này, chỉ số Quản trị mua hang thể hiện tầm nhìn của các nhà quản lý doanh nghiệp về tình hình kinh doanh,lại rơi xuống dưới ngưỡng mở rộng (dưới 50 điểm) của 9 tháng trong năm. Ba tháng gần đây (tháng 9, 10 và 11), chỉ số này giảm là 49,7; 49,6; và 47,3 .
Các chỉ số thống kê liên quan đến doanh nghiệp ở các ngành nghề cũng cho thấy khoảng 30-40% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh đang khó khăn và dự kiến tiếp tục khó khăn hơn. Theo đó, khoảng 30% số doanh nghiệp có đơn hàng và đơn hàng xuất khẩu giảm sẽ cắt giảm khối lượng sản xuất trong quý I/2024.
Từ góc nhìn tổng cầu cũng có những nhận định tương tự. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%, một mức tăng trưởng đáng ghi nhận trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng trên thế giới được đánh giá ảm đạm. Nhưng xuất-nhập khẩu hàng hóa năm 2023 có nhiều dấu hiệu đáng lo hơn. Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh so cùng kỳ năm trước. Diễn biến của xuất-nhập khẩu hàng hóa theo diễn biến của nền kinh tế khi thể hiện sự cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 4,4% so với năm trước; còn kim ngạch nhập khẩu giảm 8,9%. do nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường đối tác không phục hồi được như kỳ vọng.
Mặc dù hoạt động xuất và nhập khẩu hàng hóa đều giảm, nhưng do nhập khẩu giảm mạnh hơn nên nền kinh tế vẫn có xuất siêu 28 tỷ USD, là mức cao kỷ lục trong lịch sử. Mức xuất siêu này đóng góp khoảng 1,63 điểm trong 5,05 % tăng trưởng GDP của năm 2023. Như vậy là, khoảng 1/3 của tăng trưởng GDP năm 2023 đến từ việc sụt giảm hoạt động thương mại quốc tế. Đây là một tín hiệu đáng quan ngại cho năm 2024.
Từ phía tổng cầu, hoạt động đầu tư đưa đến nhiều kỳ vọng tích cực. Tính chung cả năm 2023, vốn đầu tư thực hiện tăng 6,2% so với năm 2022; trong đó vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 21,2%. Đây là sự nỗ lực lớn của Chính phủ và doanh nghiệp, đặc biệt là về những tháng cuối năm với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.
Thách thức kinh tế trong năm 2024
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức cần được quan tâm đó là;
Thứ nhất, thuế tối thiểu toàn cầu ở mức 15% sẽ được áp dụng từ 1/1/2024 ở hầu hết các nước, bao gồm tất cả các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Theo nguyên tắc áp dụng, thuế tối thiểu không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các quốc gia đều đã luật hóa thuế này trên cơ sở thu ít nhất 15% lợi nhuận đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có hoạt động kinh doanh sản xuất trên địa bàn. Nếu doanh nghiệp, tập đoàn nộp không đủ 15% lợi nhuận tại một quốc gia, thì sẽ phải nộp bổ sung tại một quốc gia khác.
Đánh giá tác động sơ bộ cho thấy, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt đối là việc thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, giữ chân các dự án hiện có và duy trì các doanh nghiệp vệ tinh thuộc chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư vì thuế này sẽ vô hiệu hóa những ưu đãi về thuế hiện đang áp dụng tại Việt Nam. Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có ảnh hưởng mạnh đến vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Tác động và lợi thế của thuế tối thiểu là tất cả các nước đang cạnh tranh cùng Việt Nam trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan….. Cho đến nay, chưa một quốc gia nào công bố chính thức thay đổi chính sách ưu đãi đầu tư để đối phó với tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Song cần phải nghiên cứu để có những chính sách vào thời điểm phù hợp để duy trì và nâng cao tính cạnh tranh trong thu hút FDI.
Song hành cùng thuế tối thiểu là thuế môi trường được áp dụng ở nhiều nước đối tác thương mại. Theo đó, các mặt hàng hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu sự đánh giá về cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất và chịu thêm thuế nếu không bảo đảm yêu cầu đặt ra. Bốn mặt hàng chính của Việt Nam chịu tác động là sắt thép, nhôm, xi-măng và phân bón cần theo một cơ chê được chia thành nhiều giai đoạn, tiến tới việc bắt buộc mua chứng chỉ phát thải CBAM và mở rộng ngành hàng bắt đầu từ sau năm 2026.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, cũng như các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế để xây dựng thị trường tín chỉ carbon, xây dựng hệ thống đánh giá, kiểm đếm, chứng chỉ và đào tạo nguồn nhân lực để nhanh chóng thích nghi với tình hình mới. Tuy nhiên, tốc độ thực hiện phải được đẩy nhanh hơn nếu không muốn bị tụt hậu so với các đối tác và đối thủ cạnh tranh, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước phát triển khác.
Thứ ba là nguồn cung năng lượng. Tại kỳ họp thứ 27 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường đã nêu rõ 3/6 chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đang biến động theo chiều hướng bất lợi, đặc biệt là nguồn cung trong nước không đủ , phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn.
Tài nguyên năng lượng sơ cấp của Việt Nam ngày càng cạn kiệt; thủy điện cơ bản đã khai thác hết, sản lượng dầu khí ở một số mỏ lớn suy giảm nhanh. Chiến tranh ở những nước cung ứng năng lượng và các rủi ro đối đầu quân sự kéo dài cũng đặt áp lực lớn lên nguồn năng lượng nhập khẩu của Việt Nam. Vào giữa năm 2023, thiếu điện cho sản xuất-kinh doanh và cả sinh hoạt là điểm nổi bật. Không chỉ người dân, doanh nghiệp trong nước mà các doanh nghiệp FDI cũng đã nhiều lần kiến nghị chính thức tới các cấp có thẩm quyền. Đây là một trong những yếu tố lớn khiến việc sản xuất kinh doanh, cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của Việt Nam, đã không phát triển tích cực trong năm 2023. Điều này có thể lập lại trong năm 2024?
Tại COP 26 và COP28, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, quyết liệt về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ naỳ, cũng như tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Đây là một cam kết phù hợp với xu thế thời đại, xác định chiến lược phát triển dài hạn hợp lý của Việt Nam. Tuy nhiên, con đường cụ thể những cam kết còn nhiều chông gai với những thách thức lớn, bao gồm cả hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh, công nghệ chưa bắt kịp yêu cầu và thói quen sản xuất, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
Để giải quyết hết những thách thức này trong năm 2024 là điều không dễ; do vậy cần có những chiến lược, chính sách, kế hoạch cụ thể ngay từ bây giờ để vừa đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của nền kinh tế, vừa từng bước chuyển đổi thành công sang nguồn năng lượng sạch và bền vững. Những chiến lược, chính sách, kế hoạch cụ thể để đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của nền kinh tế, từng bước chuyển đổi thành công sang nguồn năng lượng sạch, bền vững là rất cần thiết.
Nền kinh tế Việt Nam phải chịu nhiều biến động trong năm 2024 khi Quỹ dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu giảm lãi suất cơ bản để kích cầu kinh tế nội địa. Khi FED tăng lãi suất liên tục và duy trì ở mức cao để đối phó với lạm phát, sự linh hoạt, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ sẽ tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất ổn định và giảm thấp.
Theo nhiều dự báo, nền kinh tế và thị trường tài chính được duy trì ổn định và tiếp tục phát triển trong năm 2023, khi các chỉ số lạm phát luôn nằm trong tầm kiểm soát. Bước vào năm 2024, khi FED giảm lãi suất, nhiều khả năng mặt bằng lãi suất thế giới giảm theo, nhu cầu tiêu dùng, du lịch, đầu tư trên thế giới sẽ được kích thích gia tăng. Khi đó, diễn biến giá cả trở nên khó lường, tiền trong hệ thống ngân hàng nhiều khả năng chảy vào nền kinh tế một cách ồ ạt, hoạt động sản xuất kinh doanh được mở rộng nhanh chóng và tiêu dùng, du lịch trở nên sôi động hơn.
Mặc dù năm 2023 ghi nhận sự nỗ lực vượt bậc thực hiện vốn đầu tư công của Chính phủ và các cấp chính quyền, nhưng ở khía cạnh khác luật định, quy định trong lĩnh vực này được coi là rào cản chính trong việc giải ngân nguồn ngân sách Nhà nước nhưng vẫn chưa có những thay đổi căn bản. Duy trì được mức tăng trưởng như năm 2023 trong năm 2024, đặc biệt là việc thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm như sây bay, cầu, đường sẽ là những thách thức lớn.
Triển vọng của năm 2024
Theo các chuyên gia, với những thách thức do xung đột địa chính trị và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nguy cơ lạm phát tại các thị trường chủ chốt của Việt Nam vẫn tiềm ẩn, thị trường trong nước còn yếu, đầu tư khu vực tư nhân chưa phục hồi. Tuy nhiên, những điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2023 và những động lực cho tăng trưởng hiện tại sẽ tạo đà tăng trưởng cho năm 2024 và các năm tiếp theo.
Từ tầm nhìn doanh nghiệp, 11 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 322,5 tỷ USD, chỉ giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu gần 26 tỷ USD. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 11 tháng ước đạt 88 tỷ USD. Do đó, ưu tiên sản xuất những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cho thị trường này nên là hướng đi mà các doanh nghiệp, cần quan tâm trong thời gian tới. Việc Fed tạm ngừng tăng lãi suất, chính sách của Fed ổn định sẽ giúp cho nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi, đồng thời cũng sẽ tác động tích cực đến các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Thêm vào đó, năm 2024 cũng là năm bầu cử, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ chi tiêu mạnh hơn, do đó, triển vọng xuất khẩu vào thị trường này của Việt Nam sẽ rất tích cực. Và các doanh nghiệp cần có kế hoạch tăng cường sản xuất, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu khi kinh tế Hoa Kỳ và các thị trường khác phục hồi. Với thị trường trong nước, bên cạnh việc ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách kích cầu và chính sách tiền tệ trong năm 2024 là vấn đề cần được quan tâm. Giảm VAT nên áp dụng đến cuối năm 2024.
Tăng trưởng kinh tế năm 2024, thế giới có thể giảm nhẹ nhưng ở Việt Nam, giới nghiên cứu và các tổ chức kinh tế thế giới dự kiến có thể phục hồi ở mức 6% đến 6,5%. Để đảm bảo mức tăng trưởng này, những cơ chế, chính sách về tài khóa từ năm 2023 cần được tiếp tục vận dụng. Các chính sách tiền tệ, như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cũng cần kéo dài thực hiện cho đến hết năm.
Với các doanh nghiệp, phải đẩy mạnh cơ cấu lại, đa dạng hóa nguồn vốn, nâng cao tính thích ứng, và nhất là nhanh chóng chuyển đổi theo hướng xanh hóa và số hóa. Với các doanh nghiệp bất động sản, phải chấp nhận bán tài sản để cơ cấu lại nợ. Giá bất động sản tại Việt Nam tương đối cao so với mặt bằng thu nhập, cần giảm xuống cho phù hợp với khả năng chi trả của người dân, chỉ như vậy mới phát triển bền vững.
Thay lời Kết luận
Năm 2023 là một năm nỗ lực vượt khó của nền kinh tế, với thành công đáng kể thể hiện trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, các thách thức đa chiều còn là bài toán phức tạp cần được giải quyết cho năm 2024 và giai đoạn sau này. Tính đến nay, các tổ chức trong nước và quốc tế vẫn thể hiện niền lạc quan về sự phát triển kinh tế-xã hội và đánh giá cao khả năng tăng trưởng. Để hiện thực hóa được những lạc quan, bảo đảm đáp ứng kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp và xã hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành và các cấp chính quyền địa phương cần phải duy trì được tinh thần quyết tâm như những tháng cuối năm 2023 và bắt tay hành động ngay từ những ngày đầu của năm 2024. Theo đó, hành lang pháp lý về chuyển đổi năng lượng, thu hút đầu tư, môi trường kinh doanh, thực hiện đầu tư công,… cần chuyển biến rõ rệt. Các chính sách điều hành về tài khóa, tiền tệ cần được tiếp tục phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt và chủ động. Những tác nhân của thị trường tài chính, vốn, đất đai, lao động, khoa học-công nghệ cần được khuyến khích phát triển và chủ động hơn trong việc tham gia quản trị, xây dựng và phát triển các thị trường, bảo đảm nền kinh tế vận hành theo đúng định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Năm 2024 là năm nhiều thách thức, nhưng cũng có nhiều cơ hội cho sự bứt phá và chuyển đổi nền kinh tế theo hướng linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, hội nhập và bền vững ./.