Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng, Dự án xây dựng đường bộ Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (giai đoạn 1) hiện đang ở giai đoạn chuẩn bị các bước để được phê duyệt đầu tư.
Trước đó, HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư tại Nghị quyết số 151/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 và Nghị quyết số 277/NQ-HĐND ngày 19/4/2024 với tổng chiều dài khoảng 73,64 km, tổng mức đầu tư khoảng 19.521 tỷ đồng.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện xong các thủ tục giao nhà đầu tư đề xuất dự án lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các quy định của pháp luật khác có liên quan; đồng thời, phân công trách nhiệm đối với các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và nhà đầu tư đề xuất dự án trong quá trình lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.
Đến nay, về hồ sơ đánh giá tác động môi trường đã hoàn thành công tác tham vấn cộng đồng cho dự thảo Báo cáo tác động môi trường, đang lấy ý kiến của các sở, ngành và cơ quan liên quan của tỉnh trước khi trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.
HĐND tỉnh cũng đã thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác và hiện đang chuẩn bị các thủ tục để triển khai các bước tiếp theo.
Về hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi, nhà đầu tư đề xuất dự án đã trình hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi (Tờ trình số 22/2024/TTr-FUTA ngày 24/6/2024 của Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang - FUTA GROUP). Hiện nay, công tác thẩm tra đang được thực hiện; Hội đồng thẩm định cơ sở đang tham gia thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đối với dự án này.
Công việc trong giai đoạn chuẩn bị dự án và công tác chuẩn bị cho việc khởi công xây dựng dự án đang được UBND tỉnh Lâm Đồng đồng thời triển khai song song; nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công tác tiếp theo để phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2027.
So với dự án đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, đoạn Bảo Lộc - Liên Khương nhìn chung thuận lợi hơn, tuy nhiên thì dự án cũng đang gặp một số khó khăn và đang được tháo gỡ. Cụ thể, theo báo cáo của đơn vị đề xuất đầu tư, dự án có tổng mức đầu tư lớn, trong khi đó phần vốn nhà nước tham gia dự án còn thấp; dự án không được áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu nên gây khó khăn trong việc huy động vốn cho dự án. Vì vậy, nhà đầu tư đề xuất dự án cũng khó khăn trong việc hoàn thiện phương án tài chính và đã kiến nghị nhiều giải pháp tài chính, từ đó dẫn đến ảnh hưởng, làm chậm tiến độ trong việc hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã báo cáo, kiến nghị Chính phủ về phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai dự án. Và tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đơn vị đề xuất một số phương án tài chính như tăng thêm tỷ lệ vốn nhà nước và được vay vốn ưu đãi để triển khai dự án.
Dự án cũng có sự chồng lấn của quy hoạch ngành cấp quốc gia đã được phê duyệt (Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; Quy hoạch dự trữ khoáng sản Quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng,…). Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết sớm vì diện tích dự án trùng với quy hoạch này cũng không lớn và cũng đã yêu cầu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị đề xuất các bộ, ngành Trung ương giải quyết để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Trong buổi làm việc mới đây tại Lâm Đồng, để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã nhận định, so với đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, đoạn Bảo Lộc - Liên Khương có một số thuận lợi hơn, bởi thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh quyết định. Tuyến này, nhà đầu tư cũng có thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư, trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư và tỉnh Lâm Đồng rà soát lại tuyến sao cho hợp lý, chính xác nhất để sớm triển khai dự án. Bởi cả tuyến cao tốc (Dầy Giây - Liên Khương) này phải triển khai đồng bộ, nếu dừng 1 chỗ nào đó có nghĩa là cả tuyến sẽ bị ngưng trệ, vì không thể kết nối thông tuyến toàn vùng được, làm giảm hiệu quả của việc đầu tư.
Phó Thủ tướng và một số bộ, ngành cũng đánh giá, đoạn cao tốc này có nhiều triển vọng và hiệu quả mang lại cho người dân và nhà đầu tư rất cao. Trước những vướng mắc về nguồn vốn vay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét, có thể liên doanh đồng tài trợ vốn để sớm khởi công xây dựng hai dự án cao tốc này. Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu, điều chỉnh các quy định chưa phù hợp để “giải phóng” vốn vay, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia dự án, sớm có thể triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ và đồng bộ với đoạn Tân Phú - Bảo Lộc.
Dự án Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương được đánh giá có nhiều tiềm năng và sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên. Nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang - FUTA GROUP cũng cho biết, vẫn kiên định và mong muốn được tham gia đầu tư dự án này.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và sự quyết tâm của tỉnh Lâm Đồng cũng như nhà đầu tưu, kỳ vọng rằng Dự án Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương sẽ sớm được triển khai và hoàn thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng.