Lâm Đồng: Tốc độ tăng trưởng GRDP thấp nhất khu vực Tây Nguyên

Trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Lâm Đồng tăng 2,97%, xếp thứ 58 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và xếp thứ 5 ở khu vực Tây Nguyên.

t3b-20240714172958-1721029107.jpg

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh Báo Lâm Đồng

Sáng ngày 27/6, Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh Lâm Đồng 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá chậm so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Lâm Đồng đang xếp thứ 58 cả nước và thứ 5 vùng Tây Nguyên.

Theo đánh giá của Quyền Cục trưởng Cục Thống kê Lâm Đồng Nguyễn Công Thạnh, đây là mức tăng trưởng thấp nhất của Lâm Đồng trong nhiều năm qua. Từ chỗ luôn đứng vị trí số 1 khu vực Tây Nguyên về chỉ số GRDP, 6 tháng đầu năm 2024, Lâm Đồng tụt xuống vị trí thứ 5 trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2024 của Lâm Đồng cũng tăng chậm (tăng 3,9%) so cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng trưởng của toàn tỉnh, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,13%, khu vực dịch vụ tăng 5,05%, thuế sản phẩm trừ nợ cấp sản phẩm tăng 3,8%, khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 2% so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, Lâm Đồng có 735 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 3.925 tỷ đồng, tăng 2,7% về số lượng doanh nghiệp và tăng 1,3% về vốn đăng ký. Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm 2024, Lâm Đồng còn có 230 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động của Lâm Đồng là 537 doanh nghiệp, tăng 19,5% và 110 doanh nghiệp giải thể, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2023.

Theo ông Nguyễn Công Thạnh, tình hình kinh tế - xã hội của Lâm Đồng 6 tháng đầu năm 2024 gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm do nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan. Nguyên nhân khách quan: ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng gây khó khăn lớn đối với sản xuất nông nghiệp, cũng như hoạt động của các nhà máy thủy điện, cùng một số nguyên nhân chủ quan như: tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm, các chính sách về khai khoáng bị thắt chặt (một số ngành có tốc độ giảm so cùng kỳ 2023: khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, xây dựng...). Cũng theo ông Nguyễn Công Thạnh, 6 tháng đầu năm 2024, Lâm Đồng chỉ thu hút được 1 dự án đầu tư chế biến nông sản, với vốn đăng ký 35 tỷ đồng.

Những năm trước đây, Lâm Đồng luôn đứng đầu các tỉnh Tây Nguyên và trong top đầu cả nước về chỉ số GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn). Vậy nhưng 6 tháng đầu năm 2024, địa phương này lại đứng cuối trong 5 tỉnh Tây Nguyên và đứng thứ 58/63 tỉnh, thành cả nước.

Không chỉ vậy, chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của Lâm Đồng năm 2022 đứng thứ 17, đến năm 2023 đã tụt xuống 56/63 tỉnh-thành.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, trong gần 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh không có dự án đầu tư cấp mới, nghĩa là không có 1 nhà đầu tư nào tìm đến tỉnh Lâm Đồng.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2024, Lâm Đồng vẫn có những điểm sáng tăng trưởng, ví dụ tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 41.895 tỷ đồng, tăng 22,22% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 29.149 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023 và doanh thu dịch vụ ăn uống - lưu trú ước đạt trên 7.588 tỷ đồng, tăng 16,09%. Tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ đạt hơn 3.415 tỷ đồng, tăng gần 14% so cùng kỳ năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 của Lâm Đồng ước đạt 478,9 triệu USD, tăng 11,05% so cùng kỳ năm 2023 và đạt 48,62% kế hoạch năm 2024.

Theo Quyền Cục trưởng Cục Thống kê Lâm Đồng Nguyễn Công Thạnh, để vực dậy nền kinh tế, Lâm Đồng cần thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2024. Lâm Đồng cần tiếp tục chỉ đạo cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, thông minh. Đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển bền vững thị trường, nhất là các sản phẩm chủ lực, có thương hiệu.

Lâm Đồng cũng cần chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân...

Song song với đó, cần thực hiện các giải pháp để kích cầu du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao. Các sản phẩm này cần dựa trên lợi thế nổi trội về tài nguyên tự nhiên và văn hóa của địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng.