Lạng Sơn: Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu

Để khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương trong tỉnh, những năm qua, Lạng Sơn tập trung quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu hàng hóa địa phương năm 2022 vẫn đạt hơn 142 triệu USD, tăng 9,23% so với cùng kỳ.

Nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu

Sau gần 40 năm gắn bó với nghề chưng cất tinh dầu hồi, cuối năm 2019, gia đình ông Nông Văn Tú, ở thôn Nà Hấy, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan đã mạnh dạn đầu tư một tỷ đồng vào hệ thống chưng cất tinh dầu hồi bằng nồi hơi áp suất chạy bằng điện, đủ tiêu chuẩn để xuất bán sang các nước châu Âu.

Ông chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chưng cất tinh dầu hồi theo kiểu truyền thống bằng lò, đốt củi nên khá vất vả, tốn công sức mà chất lượng không bảo đảm.

Theo ông Tú, hệ thống chưng cất tinh dầu hoa hồi mới đầu tư có công suất lớn, tạo tinh dầu hồi sạch và có chất lượng cao hơn rất nhiều so với chưng cất kiểu truyền thống. Hằng năm, xưởng của ông thu mua hàng trăm tấn hoa hồi nguyên liệu của người dân trong vùng để chưng cất tinh dầu.

d0904xd-5070-1681008777.jpg

Quả bưởi Diễn trồng ở xã Nhật Tiến, Hữu Lũng (Lạng Sơn) đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ.

Những năm trước, trung bình một tháng ông Tú có thể chưng cất ra được hơn 2,5 tấn tinh dầu hoa hồi. Tinh dầu hồi được sử dụng để sản xuất dược phẩm, phụ gia thực phẩm, dùng làm hương liệu. Thị trường tiêu thụ tinh dầu hồi chủ yếu là các nước: Trung Quốc, Mỹ, Bỉ, Hà Lan, Thái Lan, Ấn Độ…

Tuy nhiên, thời gian qua do dịch Covid-19 nên việc vận chuyển, xuất khẩu gặp khó khăn. Hiện nay, nhiều khách hàng đang trở lại để ký các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tinh dầu hồi đạt chứng nhận OCOP 4 sao của địa phương.

Nhận thấy tiềm năng phát triển cây thạch đen, từ năm 2017, ông Hà Đức Quý ở xã Kim Đồng (huyện Tràng Định) đã thành lập Công ty TNHH sản xuất và đầu tư xuất, nhập khẩu Đức Quý. Xưởng sản xuất, chế biến và thu mua cây thạch đen đặt ngay trên địa bàn xã.

Ông Quý cho biết: Cuối năm 2019, công ty hoàn thiện lắp đặt hệ thống máy móc hiện đại với trị giá 30 tỷ đồng trên diện tích nhà xưởng 5.000m2. Từ khi đi vào hoạt động, trung bình mỗi ngày, công ty thu mua 2 tấn thạch đen của các hộ dân để chế biến.

Đến nay, công ty thu mua hơn 700 tấn thạch, sản xuất gần 800 tấn bột thạch xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc…

Từ đầu năm 2020 đến nay, nhu cầu mua bột thạch của các nước ngày càng cao, công ty trang bị thêm nồi nấu, hoạt động liên tục 24/24 giờ, năng suất thu mua cây thạch tăng lên, đạt 4 tấn/ngày, tạo ra các sản phẩm gồm: bột thạch đen (đã được công nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao), thạch trắng, cao linh quy,… Nhờ hoạt động hiệu quả, doanh thu của công ty đạt 200 triệu đồng/tháng.

Mở rộng diện tích, gắn kết với chuỗi liên kết sản xuất

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tràng Định, Vũ Đức Thiện cho biết: Từ năm 2021, Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết về “Xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị cây thạch đen giai đoạn 2021-2030”.

Huyện đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: từ nay đến năm 2025 phát triển diện tích cây thạch đen từ 2.500ha đến 4.000ha; 100% các hộ gia đình trồng thạch đen thực hiện áp dụng quy trình kỹ thuật, khoa học công nghệ để trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; xây dựng mã vùng trồng thạch đen; xây dựng chuỗi sản xuất thạch đen theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Để có nguồn hàng ổn định xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây thạch đen. Năm nay, các địa phương trong tỉnh đã trồng hơn 3.368ha tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022, sản lượng ước đạt 17.300 tấn.

Hiện đã có 140 vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số, với diện tích hơn 660ha; 13/13 cơ sở đóng gói được Trung Quốc phê duyệt, đáp ứng yêu cầu Nghị định thư, góp phần mở rộng, đẩy nhanh hoạt động xuất khẩu thạch đen chính ngạch sang thị trường nước bạn.

Cùng với cây thạch đen, vùng trồng ớt xuất khẩu được tỉnh quan tâm chỉ đạo, xây dựng vùng trồng tại các huyện Chi Lăng, Lộc Bình, Cao Lộc, Hữu Lũng. Vụ ớt năm nay, người dân trồng tổng diện tích 1.458ha, ước sản lượng đạt 13.107 tấn, hiện nay có 37 vùng trồng đã được cấp mã số với diện tích 221,85ha xuất khẩu sang thị trường Malaysia và Trung Quốc.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng Lương Thành Chung cho biết: Từ năm 2018 đến nay, huyện tập trung phát triển cây ớt, xây dựng các vùng chuyên canh cây ớt theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung tại các xã Mai Sao, Nhân Lý, thị trấn Đồng Mỏ… trở thành huyện có diện tích ớt lớn nhất tỉnh. Toàn huyện hiện có 570ha ớt, trong đó, có 100ha được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lý Việt Hưng khẳng định: Các mô hình phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở một số địa phương bước đầu hình thành, góp phần thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất, tập quán, trách nhiệm, năng lực của người sản xuất, góp phần phục vụ xuất khẩu.

Lạng Sơn sẽ xây dựng vùng nguyên liệu, cây ăn quả, nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGAP, GlobalGAP) và truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.