Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 48 (Hết

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

)Kỳ 48 (Hết).

XV.

Ngày 20 tháng 5 năm 1875, Thống đốc Nam Kỳ Victor Auguste Ohier ngồi trong căn phòng sang trọng của dinh Thống đốc ở Gia Định đọc báo cáo về tình hình Nam Kỳ. Ông ta hơi mỏi mệt, ngồi đọc và nhâm nhi ly rượu vang. Chợt có người của Phòng tình báo bước vào:

-Dạ trình Thống đốc, có tin buồn.

-Tin buồn gì?

-Ngài Lãnh binh Huỳnh Công Tấn, người cộng tác đắc lực với chúng ta trong việc đánh dẹp Trương Công Định, Võ Duy Dương, Bùi Duy Nhứt đã bị chết trong chiếc ge bầu trên đường từ Gò Công đi Sài Gòn ạ.

-Vì sao chết?

-Dạ bị một nhát dao đâm chí mạng vào cổ, trên ngực còn cài mảnh giấy này ạ.

Auguste Ohier cầm mảnh giấy. Mảnh giấy viết: “Thay mặt Trương Công Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực, Bùi Duy Nhứt[1] và nhân dân Nam Kỳ tuyến án tử hình tên bán nước hại dân Huỳnh Công Tấn, phạm tội ác trời không dung đất không tha”.

Auguste Ohier cầm mảnh giấy và suy nghĩ: “Huỳnh Công Tấn sinh năm 1837, năm nay y mới hơn 37 tuổi, chết như vậy là trẻ. Nhưng cũng là kết cục của một tên Đại Việt gian bán nước. Người Nam Kỳ không giết y thì mới là lạ".

Lại có người của Phòng tổng hợp vào báo:       -Dạ, trình Thống đốc, đây là bản báo cáo tình hình dẹp loạn do Nguyễn Hưu Huân khởi xướng ạ.

-Xin cảm ơn, có gì mới thông báo ngay.

-Dạ, Thống đốc.

Auguste Oher cầm báo cáo đọc. Báo cáo viết: “Nguyễn Hữu Huân người làng Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường[2]. Năm 1852 thi hương đỗ đầu nên gọi là Thủ Khoa Huân, làm Giáo thụ phủ Kiến An.

Năm 1859 Nguyễn Hữu Huân khởi nghĩa chống Pháp, chức Phó Quản đạo, tháng 6 năm 1861 đem quân về với Trương Công Định, chỉ huy chiến đấu ở Bình Cách (Tân An). Tháng 6 năm 1863 bị Pháp tấn công, Nguyễn Hữu Huân rút từ Thuộc Nhiêu về An Giang, phối hợp đánh Pháp với Võ Duy Dương, sau đó về hoạt động ở vùng Thất Sơn, năm 1862 bị bắt. Ngày 22 tháng 6 năm 1864 ông bị tù khổ sai và bị đày đi Cayenne, một thuộc địa của Pháp ở nam Mỹ. Ngày 4 tháng 2 năm 1869 Nguyễn Hữu Huân được đưa trở lại Nam Kỳ. Năm 1872 Nguyễn Hữu Huân cùng Âu Dương Lân khởi nghĩa đánh Pháp lần hai. Cuối năm 1874 Nguyễn Hữu Huân đánh Pháp ở Chợ Gạo, tháng 3 năm 1875 bị bắt. Sau khi chiêu dụ đầu hàng không được, Pháp đã xử chém ông 12 giờ ngày 15-4 năm Ất Hợi (19-5-1875). Nguyễn Hữu Huân còn là nhà thơ của Nam Kỳ lục tỉnh".

Victor Auguste Ohier đọc xong báo cáo, y cảm thấy bàng hoàng. Trong cuộc đời chinh chiến xâm lược, y chưa thấy có một đất nước nào, kể từ khi Pháp đặt chân vào năm 1859 cho đến nay đã 16 năm không biết bao nhiêu cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ liên tục đánh Pháp. Chỉ trừ một vài tên bán nước, còn tất cả các thủ lĩnh và hàng vạn nghĩa quân không màng vinh hoa phú quý mà Pháp dụ dỗ hứa hẹn, kiên quyết đánh Pháp dù biết là khó khăn, dù biết là thất bại, họ vẫn một lòng vì nước vì dân, vì Đại Nghĩa cứu nước, dù bị triều đình bỏ rơi, dù bị triều đình phản bội. Những anh hùng hào kiệt của Nam Kỳ đúng là phú quý không mua chuộc được, uy vũ không khuất phục được.

Auguste Ohier nhâm nhi ly rượu và suy nghĩ tiếp : “Với một dân tộc bất khuất như vậy, anh hùng như vậy, kiên quyết chiến đấu để bảo vệ độc lập dân tộc như vậy, thắng lợi của Pháp hiện tại nhờ vũ khí hiện đại, nhờ sự đồng lõa của triều đình hèn nhát cũng chỉ là tạm thời. Pháp chỉ là khách trọ không mời mà đến tạm thời. Người Nam Kỳ sẽ đuổi họ đi bất kỳ khi nào. Họ mới là chủ nhân thật sự của đất nước này”.

Nam Kỳ lục tỉnh vẫn chìm trong khói lửa, đau thương nhưng bất khuất anh hùng.

Hà Nội 22-1-2024                                                                       

CVL

----------------

[1] . Thủ Lĩnh Chống Pháp ở Cần Giuộc cũng bị Huỳnh Công Tấn bắt.

[2] .Nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.