Kỳ 47.
XIV.
Tháng 11 năm 1867, mùa đông nên nắng ở miền Tây không gay gắt, nắng chảy xuống Bến Tre loang lổ mặt đất như sao rơi. Gọi là Bến Tre nhưng bạt ngàn là dừa như rừng, rừng dừa che những mái nhà lợp lá dừa nước khắp ấp thôn. Dừa rủ bóng xuống những con kinh, con rạch xanh rờn. Gió thổi làm lá dừa đung đưa chạm nhau tạo thành những bản nhạc lá dừa rì rào muôn thuở.
Tại làng Bảo Thanh, huyện Ba Tri, dừa phủ bóng xuống một khu rộng thênh thang, giữa khu là một khu nhà ngói xây gạch, cửa sơn cột đỏ nom rất sang trọng. Đó là phủ của Khâm sai đại thần chính vụ Phan Thanh Giản. Sau khi cùng Lâm Duy Hiệp làm Chánh phó sứ, đàm phán và ký hiệp định năm Nhâm Tuất 5-6-1862 với Pháp, đã cắt ba tỉnh miền Đông cho Pháp là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, bồi thường chiến phí nặng nề, cho Pháp tự do thông thương và tự do truyền đạo Thiên Chúa trên đất Đại Nam. Phía Pháp phải trả lại tỉnh Vĩnh Long cho triều đình và không được đánh chiếm ba tỉnh miền Tây. Nhưng Thống đốc Perre Paul De Lagardiere đã tấn công chiếm Vĩnh Long ngày 20-6-1867 không tốn một viên đạn vì Phan Thanh Giản khi đó là Tổng Đốc đã mở cửa thành để đàm phán. Quân Pháp đã trở mặt bắt Phan Thanh Giản và chiếm thành trì. Tiếp đó các thành An Giang, Hà Tiên cũng mở cửa thành đầu hàng vào ngày 24-6-1867. Chỉ 4 ngày Pháp lấy trọn ba tỉnh miền Tây. Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp thành tội đồ bán nước lớn nhất của lịch sử khi đó. Phan Thanh Giản đã nhịn ăn 17 ngày và cuối cùng uống thuốc độc tự vẫn.
Trong phủ đường sang trọng của Đại thần triều Nguyễn, hai con trai của Phan Thanh Giản là Phan Tôn và Phan Liêm đang ngồi uống nước và nhớ lại cuộc đời làm quan trong thời kỳ loạn ly của cha. Cho đến bây giờ Phan Liêm vẫn chưa giải mã được vì sao ba mình lại hành động như vậy, nhất là việc mơ hồ khi ký Hòa ước năm Nhâm Tuất 1862 với Pháp, khi đó những nghĩa quân của Nam Kỳ đã và đang dồn quân Pháp vào thế bị tiêu diệt hoàn toàn.
Ông Phan Thanh Giản và Phu nhân Trần Thị Hoạch sinh được ba trai một gái. Phan Hương là cậu Hai, Phan Liêm là cậu Ba sinh ngày 29 tháng 8 năm Quý Tỵ (12-10-1833), Phan Tôn là cậu Tư. Uống xong ly nước, Phan Liêm nói với Phan Tôn:
-Em Tư này.
-Dạ, có gì anh Ba?
-Từ năm 1859 đến nay phong trào đánh Pháp lan khắp Nam Kỳ liên tục, không bao giờ dứt. Các tên tuổi làm cho quân Pháp khiếp sợ là Bùi Quang Diệu (Đốc Là), Trần Xuân Hòa, lớn nhất là khởi nghĩa Trương Công Định, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực, Trương Quyền, con trai của Trương Công Định, Hồ Huân Nghiệp, Phan Văn Đạt, Phan Văn Trị. Đến như nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu hiện đang chạy về ở Ba Tri trước đó cũng tham gia khởi nghĩa Trương Công Định, bàn mưu kế cho chủ soái và đánh Pháp bằng văn thơ yêu nước. Hay là anh và em cũng kêu gọi nhân dân khởi nghĩa đánh Pháp tại quê nhà đi.
Phan Tôn nói:
-Anh không nhớ lời của ba dặn trước khi chết à? Cha có dặn “Các con về làm ruộng làm vườn mà kiếm sống, tuyệt nhiên không được làm quan cho Pháp”.
Phan Liêm thở dài uống ly nước và nói:
-Anh nhớ chứ. Nhưng ba có dặn không được khởi binh đánh Pháp đâu. Vả lại khởi binh chống Pháp, ta sẽ rửa hận cho ba, rửa sạch được cái tiếng bán nước của ba và của nhà ta. Bây giờ ra đường, anh không thể chịu đựng được cái nhìn khinh bỉ của mọi người đối với con của kẻ đã bán nước cho giặc.
Phan Tôn nói:
-Chỉ tại ngài Trương Công Định viết câu đó lên cờ mới thành ra to chuyện như vậy.
Phan Liêm nói:
-Em muốn nói câu : “Phan- Lâm mãi quốc, Triều đình khí dân chứ gì”. Câu đó không phải của ông Trương Công Định mà đã xuất hiện trong dân Nam Kỳ từ sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862 rồi. Trương Công Định chỉ là người viết nó trên cờ thôi.
Suy nghĩ một hồi lâu, mãi sau Phan Tôn mới nói:
-Anh Ba nói đúng, chỉ có khởi nghĩa chống Pháp thì mới cứu vãn được phần nào danh dự của gia đình, của anh em và cả của ba nữa.
-Để anh và em đi hỏi ba nha.
Nói rồi Phan Liêm kéo Phan Tôn vào nhà thờ tổ tiên họ Phan Thanh và cũng là nơi thờ bài vị Phan Thanh Giản. Trong nhà thờ đặt bài vị tổ tiên họ Phan sơn son thếp vàng óng ánh. Những bát hương lớn phủ đầy tàn hương đã đốt. Những bát hương sứ màu trắng, ngoài vẽ hình rồng màu vàng uốn lượn. hai cột gỗ lim to hai bên sơn son treo hai câu đối nền đen viết chữ Nho màu vàng lấp lánh. Bàn ngoài thấp hơn đặt ảnh Phan Thanh Giản trong bộ triều phục đại thần với khuôn mặt già nua, râu dài. Ảnh chụp khi Phan Thanh Giản là Chánh sứ cầm đầu phái bộ Việt Nam[1] sang Pháp năm 1863 xin Chính phủ Pháp trả ba tỉnh miền Đông nhưng không được. Trước ảnh là một bát hương màu sứ trắng. Phan Liêm đốt hương cắm đủ vào các bát hương trên bàn thờ, cầm hai đồng tiền đồng bảo:
-Quỳ xuống vái ba và Tổ tiên để anh xin việc khởi binh nha.
Phan Tôn và Phan Liêm quỳ xuống chiếc chiếu hoa trước bàn thờ và chắp tay khấn vái. Sau đó Phan Liêm cầm hai đồng tiền gieo vào chiếc đĩa sứ trắng xin quẻ âm dương. Hai đồng tiền trong chiếc đĩa xoay tít và khi dừng một đồng sấp, một đồng ngửa. Phan Liêm và Phan Tôn reo lên:
-Ba đã đồng ý cho anh em ta khởi binh đánh Pháp rồi.
Hai anh em lại vái lạy tổ tiên và Phan Thanh Giản.
Ngày hôm sau Phan Liêm và Phan Tôn cho dựng ở sân đình của làng ngọn cờ vàng trên viết chữ đỏ: “Chiêu hiền hào kiệt đánh Pháp, đuổi xâm lăng”. Ít lâu sau số người trai tráng đến đầu quân được 300 người. Phan Liêm nói:
-Có 300 nghĩa quân, nếu chúng ta không hành động, để lâu việc sẽ bại lộ. Chi cho bằng ta tấn công quân Pháp trước để lấy vũ khí tự trang bị cho mình.
Phan Tôn hỏi:
-Anh định tấn công vào đâu?
-Ta tấn công vào đồn Hương Điềm, có vũ khí thì đánh rộng ra.
-Phải lắm.
3 giờ sáng ngày 9 rạng ngày 10 tháng 11 năm 1867, 300 nghĩa quân do Phan Liêm, Phan Tôn chỉ huy bí mật hành quân về chợ Hương Điềm là nơi có đồn quân Pháp. 150 nghĩa quân do Phan Liêm chỉ huy tấn công mặt trước, 150 nghĩa quân do Phan Tôn chỉ huy từ phía sau trèo tường đột nhập vào trong mở cửa đồn phía trước để quân Phan Liêm tràn vào. Nghĩa quân đã giết chết 10 tên lính tuần tra đang tựa vào tường ngồi mà ngủ, giết chết hai lính gác cũng trong tư thế ngủ ngồi. Cổng chính được mở. Hai toán quân lùng sục vào từng phòng dùng gươm đao giết chết lính Pháp còn đang ngon giấc. Bị đánh bất ngờ lính Pháp trong đồn hầu hết bị giết. Tên chủ tỉnh Bến Tre Sampo bị thương nặng gục xuống. Nghĩa quân thu được nhiều súng đạn đủ trang bị cho mình và thu những tài liệu quan trọng và còn thu được một khẩu đại bác. Phan Liêm nói:
-Quân Pháp sẽ đến phản công, phải làm bè cản trên sông Hàm Luông, nhanh lên.
-Tuân lệnh chủ tướng.
-Anh Bảy và anh Cương, hai anh tập bắn đại bác đi.
-Tuân lệnh chủ tướng.
Trong dinh Thống đốc Nam Kỳ ở Gia Định, Thông đốc Marie Gustave Hector Ohier đang ngồi đọc báo cáo về chiến sự đảo Phú Quốc thì có lính vào báo:
-Dạ, bẩm Thống đốc, ở Ba Tri - Bến Tre, anh em Phan Liêm và Phan Tôn là hai con của Phan Thanh Giản dấy binh đánh Pháp, thế lực lan khắp Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc. Đêm 9 rạng ngày 10-11-1867 đã tấn công đồn Hương Điềm, giết nhiều lính Pháp, chủ tỉnh Pie Sampo bị trọng thương, ta mất nhiều súng đạn, trong đó có một đại bác và nhiều tài liệu quan trọng. Xin Thống đốc điều quân cứu viện.
Thống đốc Ohier ra lệnh:
-Cho điều 3 pháo thuyền và 6 đại bác, 1.000 quân do Trung tá Vial chỉ huy đến dập tắt khởi nghĩa ngay.
-Dạ, tuân lệnh Thống đốc.
Sâu đó Vial chỉ huy mặt trận báo cáo trận đánh với nghĩa quân của Phan Liêm, Phan Tôn về cho Thống đốc: “ Không bút mực nào tả lại cảnh thương tang, nào là nhà tan cửa nát sau trận đánh, thây người và cả vật dụng la liệt trên bùn lầy của bãi chiến trường. Đêm ngày 15, nghĩa quân thúc trống và reo hò tấn công quân Pháp hết đợt này đến đợt khác ở Ba Tri và các pháo thuyền dọc sông Hàm Luông. Buổi đầu tuy có thắng lợi nhưng cuối cùng sức yếu, thế cô, vũ khí thô sơ nên nghĩa quân rút khỏi trận tuyến”.
Thống đốc Ohier còn nhận được báo cáo của Tôn Thọ Tường và Tổng đốc Đỗ Hữu Phương là những người bạn của Phan Thanh Giản, bố của Phan Liêm và Phan Tôn: “Phan Liêm, Phan Tôn đã rút về Gò Công, chúng tôi tới dụ hàng nhưng hai công tử đã từ chối”.
Ở Gò Công, khi biết lực lượng không còn, các cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ đã bị Pháp dập tắt. Cuộc khởi nghĩa lớn của Nguyễn Trung Trực cũng rút ra đảo Phú Quốc. Nghĩ tới đó, Phan Liêm nói với ít nghĩa quân còn lại:
-Tất cả các cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ ở Nam Kỳ đã bị Pháp dập tắt. Chúng ta bây giờ quân ít, súng đạn không có, thế cô lập. Cho nên tôi cho phép các huynh đệ về quê. Đa tạ các huynh đệ đã vì đại nghĩa.
Mọi người nói:
-Vậy hai thủ lĩnh bảo trọng, hẹn ngày tái ngộ, xin cáo biệt.
-Đa tạ, đa tạ các huynh đệ, bảo trọng, hẹn ngày gặp lại.
Sau đó Phan Liêm và Phan Tôn dùng ghe bầu vượt biển ra Huế, đầu quân cho Nguyễn Tri Phương ra trấn giữ thành Hà Nội. Trong trận quân Pháp tấn công thành Hà Nội năm 1873, Phan Liêm, Phan Tôn cùng Nguyễn Tri Phương và các tướng lĩnh chiến đấu bảo vệ thành. Thành Hà Nội thất thủ, Nguyễn Tri Phương bị thương, bị bắt, ông nhịn ăn mà chết. Phò Mã Nguyễn Tri Lâm, con trai Nguyễn Tri Phương hy sinh, Phan Liêm, Phan Tôn bị Pháp bắt. Sau này trong cuộc trao trả tù binh, Pháp trả lại hai anh em cho triều đình Huế. Từ đó Phan Tôn, Pham Liêm làm quan cho triều đình nhà Nguyễn.
(Còn nữa)
CVL
[1] .Phái bộ gồm: Chánh sứ Phan Thanh Giản, Phó sứ Phạm Phú Thứ, Bồi sứ Ngụy Khắc Đản.