Kỳ 46.
Huỳnh Công Tấn, Tổng đốc Trần Bá Lộc, Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, Thiếu tá A. Leonard tái mặt không nói bỏ ra ngoài boong tàu. Về đến Sài Gòn, Pháp giam Nguyễn Trung Trực vào khám lớn Sài Gòn. Mấy ngày sau, Pi quéts, Đại úy Thanh tra bản quốc sự vụ ngồi đối thoại với Nguyễn Trung Trực. Piquets hỏi:
-Vì sao họ lại bắt được ngài.
Nguyễn Trung Trực đáp:
-Chúng tôi chiến đấu ở căn cứ rừng Ham Ninh, đảo Phú Quốc. Nghĩa quân hy sinh hết, tôi bị thương và ngất đi, nếu không họ không thể bắt tôi dễ dàng như vậy.
Piquets hỏi:
-Ngài có xin Đại Pháp một điều gì trong hoàn cảnh hiện nay không?
Nguyễn Trung Trực đáp:
-Số phận tôi đã đầy đủ. Tôi đã không thành công trong công việc cứu nước, đó là sự nghiệp đại nghĩa. Đã là đại nghĩa thì thành bại cũng phải làm. Tôi đề nghị ngài điều thứ nhất, nên kết liễu đời tôi càng sớm càng tốt, thứ hai cho tôi gặp má tôi vài phút.
-Hai điều ngài đề nghị tôi không làm được. Điều thứ nhất không thuộc thẩm quyền của tôi. Điều thứ hai, thân mẫu của ngài ngoài Phú Quốc khi nghe nhầm là ngài đã đầu hàng bà đã uất hận kêu lên: “Con ơi sao lại đầu hàng phản quốc" và bà đã uất hận trào máu mà chết. Chúng tôi đã đem thì hài bà về Hòn Chông, Kiên Lương, Kiên Giang nhờ bạn bè ngài mai táng cho bà rồi. Thật là một bà mẹ kiên cường yêu nước. Cá nhân tôi xin chia buồn với ngài”.
Nguyễn Trung Trực được thông báo má đã qua đời, ngồi lặng đi đau đớn, nước mắt trào ra. Vậy là những người thân thiết nhất của ông không còn ai. Hai người vợ và đứa con sơ sinh đều mất trong cuộc Pháp tấn công Phú Quốc. Một lát Nguyễn Trung Trực nói:
-Đa tạ ngài đã thông báo và chia buồn. Ngài có thể cho tôi xin một mảnh khăn trắng dài 1m không?
-Để ngài làm gì?
-Để tôi mang tang cho má tôi. Người Việt chúng tôi có phong tục để tang cho bề trên đã mất là buộc khăn trắng trên đầu khoảng 3 năm.
Piquets nói:
-Tôi sẽ đưa khăn trắng cho ngài.
-Xin đa tạ ngài.
Vài ngày sau, Thông đốc Nam Kỳ Marie Gustave Hector Ohier đến gặp Nguyễn Trung Trực để dụ hàng. H. Ohier ngồi đối diện với Nguyễn Trung Trực. Đó là một thanh niên mới 30 tuổi nhưng phong độ cương trực, trên đầu buộc khắn trắng để tang cho thân mẫu. H. Ohier nói:
-Tôi mới từ Pháp sang đây thay thế cho Thống đốc La Grandiere. Tôi nghe người ta mô tả ông là một ông già khoảng 60 tuổi, mái tóc hoa râm và có râu. Sao nay ông lại là một thanh niên khoảng 30 tuổi? Người Pháp đã bắt nhầm chăng?
-Nguyễn Trung Trực đáp:
-Người Pháp không bắt nhầm, tôi chính là Nguyễn Trung Trực. Trong hoạt động tôi thường cải trang để tránh lưới mật thám của các ông và để tiện cho giao tiếp.
H. Ohier nói:
-À ra vậy. Cho đến nay các cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ chống người Pháp đã bị chúng tôi dập tắt gần hết, ngài còn trẻ nên về với chúng tôi, phụng sự cho sự nghiệp khai hóa ở Nam Kỳ thì tốt.
Nguyễn Trung Trực đáp:
-Các ngài lấy tiếng là khai hóa, thực ra đang tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược tàn ác. Các ngài nhớ rằng chừng nào nhổ hết cỏ nước Nam thì mới mong diệt hết những người yêu nước chống xâm lược trên mảnh đất này. Thế hệ tôi không hoàn thành thì những thế hệ sau sẽ tiếp tục.
Dụ dỗ mua chuộc không được, ngày 27-10 năm 1868, Pháp đưa Nguyễn Trung Trực ra hành hình ở Rạch Giá. Nhân dân Nam Kỳ vô cùng đau xót. Nhân dân Tà Niên đã đem một chiếc chiếu mới do dân làng dệt, giữa chiếu có hoa văn chữ THỌ màu đỏ lớn cho Nguyễn Trung Trực đứng. Khi đó nhân dân mới ngỡ ngàng, người anh hùng của họ tóc còn xanh, mới 30 tuổi trẻ trung khí phách chứ không phải là ông già 60 tuổi như ông cải trang, tóc hoa râm quắc thước với bộ râu. Mọi người thấy vậy càng thương tiếc, ai cũng không cầm được nước mắt. Nguyễn Trung Trực hiên ngang trước pháp trường. Ông nói:
-Người Pháp hãy mở băng bịt mắt để ta nhìn tổ quốc thân yêu của ta lần cuối.
Tên quan tòa người Pháp nói:
-Đồng ý mở băng bịt mắt và cỡi trói cho Nguyễn Trung Trực.
Nguyễn Trung Trực nhìn dân dân và quê hương Kiên Giang thân yêu, ông dõng dạc đọc bài thơ:
-Theo việc binh nhung thuở trẻ trai
Phong trần hăng hái tuốt gươm mài
Anh hùng gặp phải hồi không đất
Thù hận chang chang chẳng đội trời.
Và nhắn lại:
-Đồng bào thân yêu hãy nhớ rằng bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì người Nam mới hết chống người Tây.
Tên quan tòa Pháp thét to:
-Hành Hình.
Khi ngọn đao to lớn của tên đao phủ vung lên, máu từ người Nguyễn Trung Trực phun lên trời một dòng đỏ rực, viết lên trời xanh trang sử anh hùng, rực rỡ của cuộc đời vì dân vì nước của ông, một cuộc đời bất tử thiên thu. Nhân dân Rạch Giá trên pháp trường rạp người xuống kêu khóc. Bầu trời bỗng nổi cơn sấm sét, chớp giật sáng lòa và mưa như trút nước. Trời cũng nổi giận trước bọn giặc dã man tàn bạo và đón người anh hùng lên cõi PHONG THẦN. Trời còn mưa to gió lớn, nhân dân vẫn kêu khóc, nước mắt hòa với nước mưa, chan hòa non nước miền Tây. Một tốp đàn ông trân trọng nhặt thi hài của Nguyễn Trung Trực đem vào trong gian đình gần đó thay quần áo mới, khâm liệm và đưa ông vào quan tài. Đám tang dài vài cây số, nhân dân không quản mưa gió, đưa vị anh hùng về nơi an nghỉ cuối cùng. Bọn lính Pháp, lính mã tà, mật thám cũng chỉ biết đi theo và nhìn. Súng ống và bạo lực không thể đe dọa, uy hiếp được nhân dân Kiên Giang kiên quyết tỏ tâm tình kính trọng thương yêu những người con đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân như Nguyễn Trung Trực. Ông Được mai táng trọng thể ở Long Kiên, Rạch Giá. Không bao lâu dân làng đã lập đền thờ cạnh mộ ông và hương lửa quanh năm. Ông sống bất tử trong lòng người dân Nam Bộ và người dân đất Việt.
(Còn nữa