Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 43

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 43.

Nửa đêm 16-6-1868, toàn bộ Kiên Giang và Rạch Giá chìm trong bóng tối mênh mông. Tất cả chìm trong giấc ngủ say không còn biết gì nữa vào canh ba. Đồn Kiên Giang do Trung úy Sautene chỉ huy chìm trong tối. Những tên lính gác cổng trước ôm súng ngồi tựa lưng vào tường mà ngủ. Đội tuần tra cũng mệt và không thể cưỡng lại được cũng tìm chỗ lăn ra ngủ. Trong khi đó nghĩa quân do Nguyễn Trung Trực chỉ huy dùng thuyền ghe đã cập bến đổ bộ lên bờ, chỉ nghe có tiếng sóng vỗ ầm ào trong không gian. Đội quân từ Hòn Chông do Lâm Quang Kỳ chỉ huy cũng đã tới. Hai bên tập trung lại lặng lẽ âm thầm đi trong bóng tối tiến về đồn Rạch Giá. Theo sự phân công, toán quân của Trịnh Văn Tư bò lại gần đồn giết lính gác. Hai tên lính ngủ say bị hai nhát dao xuyên vào ngực, chỉ hụ hụ hai tiềng rồi tắt thở, toán quân này trèo tường vào trong. Trong khi đó quân của Nguyễn Trung Trực chuẩn bị xông vào khi cửa đồn mở. Nguyễn Trung Trực nói nhỏ:

-Phía sau tường có tiếng ngáy, có lẽ là đội tuần tra ngủ quên. Nguyễn Văn Búp dẫn quân lại xem.

-Dạ, chủ tướng.

Một lát Nguyễn Văn Búp quay về nói nhỏ:

-Dạ, bẩm chủ tướng, năm tên tuần tra ngủ quên đã bị đâm chết.

Vừa khi đó cánh cửa đồn mở toang, toàn quân im lặng xông vào các phòng ngủ nổ súng. Quân Pháp đứa bị chết khi đang mơ giấc mơ đẹp được trở về quê hương gặp cha mẹ vợ con, từ bỏ được cuộc chinh phục phi nghĩa cướp bóc xứ người. Cho đến khi chết họ cũng không hiểu được vì sao họ phải ra đi viễn chinh ở một đất nước xa lạ không hề gây chiến tranh với Pháp. Khắp đồn máu phun thây chết. Kẻ bị giết đầu tiên là Trung úy  hải quân được gọi là Chánh Phè có bộ râu vàng hoe. Trung úy đồn trưởng Sauterne chống trả kịch liệt. Hắn vớ được khẩu súng ngắn đặt ở đầu giường bắn lia lịa nhưng ngực bị một viên đạn chọc thủng, máu phun đỏ phòng, gục xuống đền tội. Trong 30 phút khoảng 30 lính ngủ say bị hạ sát. Khoảng 12 lính chạy ra ngoài đồn, vướng vào vòng bao vây phía ngoài của nghĩa quân nên bị bắn đổ gục. Viên chủ sở thu thuế dùng súng ngắn bắn trả một hồi hết đạn thì bị bắn gục xuống do đạn của nghĩa quân. Mấy tên phiên dịch và viên chức người Việt làm việc cho Pháp cũng bị giết. Cả đồn chỉ một tên Duplessic chạy thoát do trốn vào bụi dừa nước.

Tin đồn Rách Giá, một đồn quan trọng kiên cố ở miền Tây bị tấn công, toàn bộ lính trong đồn khoảng 67 tên, kẻ cả Trưởng đồn, cả Chủ tỉnh cùng 5 sĩ quan bị hạ sát. Nghĩa quân thu 100 súng các loại và nhiều đạn dược. Lần đầu tiên nghĩa quân đánh vào đầu não của tỉnh đã làm chấn động Nam Kỳ, chấn động nước Pháp, quân Pháp vô cùng khiếp đảm. Một nhà thơ đương thời đã ca ngợi chiến công của Nguyễn Trung Trực:

Lửa hồng Nhật Tảo rung thiên địa

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.

Ngày 18-6-1866, Bộ chỉ huy Pháp ở Vĩnh Long mới nhận được tin báo. Bộ chỉ huy Pháp thực sự bàng hoàng. Đại tá chỉ huy ra lệnh:

-Alô, Tôi Thiếu tá Aleonad Ausart chỉ huy quân sự Vĩnh Long đây. Tôi ra lệnh cho ngài Trung úy dẫn một phân đội lính mã tà (lính Philipin) cùng với Thiếu úy hải quân Richard, Tổng đốc Phương, Tổng đốc Lộc đem quân đến Rạch Giá Kiên Giang tiêu diệt Nguyễn Trung Trực. Nguyễn Trung Trực đêm qua đã hạ đồn Rạch Giá, giết chết 67 lính, 5 sĩ quan, kể cả Trung úy đồn trưởng Sauterne và Chủ tỉnh Kiên Giang.

-Rõ, tuân lệnh thiếu tá.

Trung úy Taradel gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Ngươi đi báo cho Trung úy hải quân Richaret, báo cho Tổng đốc Lộc, Tổng đốc Phương lập tức hành quân đến Rạch giá ngay hôm nay dẹp loạn Nguyễn Trung Trực. Nguyễn Trung Trực đêm qua đã đánh hạ đồn Rạch Giá, giết chết 67 lính, kể đồn trưởng và chủ tỉnh.

-Rõ, thưa Trung úy.

Nguyễn Trung Trực đang ngồi trong hành dinh ở đồn Rạch Giá thì có lính do thám về báo:

-Dạ, bẩm chủ tướng, quân Pháp và quân triều đình do Thiếu tá hải quân A. Leonart Ausar cùng Tổng Đốc Phương, Tổng đốc Trần Bá Lộc đang tiến về Rạch Giá.

-Họ tiến theo đường nào?

-Dạ bẩm chủ tướng, họ tiến theo kênh Thái Hà dù Trần Văn Thành và người dân núi Sập đã xây dựng hai cản ở Ba Cần, Trà Kền, vượt qua hai cản này họ đã tiến tới Sóc Suông, Tân Hội, Tân Hiệp Kiên Giang ạ.

Nguyễn Trung Trực ra lệnh:

-Toàn quân tiến về Tân Hội diệt địch.

-Tuân lệnh chủ tướng.

2.000 nghĩa quân đã làm chủ Rạch Giá 6 ngày (16-6-1868-21-6-1868), nay tiến ra Sóc Suông Tân Hiệp, vừa đến nơi chưa kịp mai phục thì quân Pháp và quân Việt đã lao tới. Hai bên bắt đầu nổ súng. Quân Pháp và quân triều đình đông như kiến cỏ, hỏa lực mạnh, đại bác do ngựa kéo nhằm vào nghĩa quân mà nổ. Súng nổ vang trời chớp lòe như sấm sét. Nghĩa quân bị thiệt hại nặng nề. Nguyễn Trung Trực ra lệnh rút quân về Hòn Chông, Kiên Lương, Kiên Giang. Trận Tân Hiệp một số nghĩa quân hy sinh, một số bị bắt. Trong số bị bắt có Phó tướng Lâm Quang Kỳ và các tướng Trịnh Văn Tư, Hồng Văn Ngàn, Ngô Văn Búp, Nguyễn Văn Niên. Ông Kỳ bị Pháp chém ngày 30-6-1868, các ông Tư, ông Búp bị Pháp chém chết ngày 1-7-1868. Ông Nguyễn Văn Niên bị đày ra Côn Đảo, còn ông Hồng Văn Ngàn thì không rõ tung tích. Khi tiếp quản lại Kiên Giang và đồn Rạch Giá, Thiếu tá hải quân A. Leonard ra lệnh:

-Do thám đâu.

-Dạ ngài Thiếu tá.

-Quân của Nguyễn Trung Trực hiện chạy về đâu?

-Dạ, chạy về Hòn Chông, Kiên Lương, Kiên Giang ạ.

-Ra lệnh cho quân Pháp và quân Việt nhanh chóng tấn công về Hòn Chông.

-Dạ, tuân lệnh Thiếu tá.

Hàng nghìn quân Pháp, quân Việt do Thiếu tá Aleonard dẫn đầu tiến về Hòn Chông, Kiên Lương. Tham gia đoàn quân có cả Tổng Đốc Phương, Tổng đốc Trần Bá Lộc. Đi theo bộ binh có hai dàn pháo, mỗi dàn hai khẩu do ngựa kéo. Trong tổng hành dinh ở Kiên Lương, Nguyễn Trung Trực đang ngồi uống nước thì có  lính do thám về báo:

-Dạ, bẩm chủ tướng, hàng nghìn quân Pháp và quân Việt đang kéo về Hòn Chông đánh chúng ta.

(Còn nữa)

CVL