1. Bối cảnh
Việc bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm gắn với tên địa danh (khu vực địa lý sản xuất sản phẩm) hiện nay đang được quan tâm đặc biệt nhằm nâng tầm phát triển và sản xuất sản phẩm với tính chuyên nghiệp và hiệu quả sản xuất cao hơn. Điều này đã được minh chứng cụ thể thông qua các Chương trình phát triển tài sản trí tuệ do Chính phủ ban hành và thực hiện trong gần 20 năm vừa qua. Hiện tại, có ba hình thức bảo hộ nhãn hiệu gắn với tên địa danh cho phép cộng đồng người sản xuất, kinh doanh sử dụng đó là: chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể. Trong các hình thức đó, chỉ dẫn địa lý là hình thức bảo hộ cao nhất, phù hợp với các sản phẩm đặc sản truyền thống, hiệu lực của văn bằng bảo hộ là không thời hạn.
Mác mật (tên gọi khác là mắc mật) là cây trồng bản địa của tỉnh Lạng Sơn. Nhờ có hàm lượng tinh dầu cao, mùi thơm nên lá, quả và hạt mác mật được người dân sử dụng như gia vị trong tẩm, ướp, chế biến các món ăn. Ngoài ra, trong lá mác mật có hàm lượng sắt, protein, can xi, mangan; quả mác mật có vị hơi chua ngọt, giàu vitamin C, có thể ăn tươi, sấy khô và bảo quản để sử dụng quanh năm; Hạt mác mật phơi khô, xay thành bột thuận tiện trong sử dụng. Chính nhờ hương vị đặc trưng của mác mật, nhiều món ẩm thực của Lạng Sơn được du khách trong và ngoài nước biết đến như: Vịt quay mác mật, lợn quay mác mật, khau nhục... Trong đông y, lá mác mật có tác dụng lợi mật, bảo vệ gan, kích thích tiêu hóa. Tinh dầu mác mật là nguyên liệu để làm thuốc. Vì vậy, để bảo vệ, quản lý và khai thác được danh tiếng, chất lượng đặc trưng của sản phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ủy quyền đứng chủ đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý mác mật Lạng Sơn.
2. Điều kiện để sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Điều kiện để một sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đó là phải có danh tiếng và chất lượng đặc thù được tạo nên bởi các yếu tố tự nhiên hoặc con người của khu vực địa lý vùng sản xuất. Theo Điều 79 và Điều 80, Luật Sở hữu trí tuệ: Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó. Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp. Các điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý là những yếu tố tự nhiên, yếu tố về con người quyết định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó. Yếu tố tự nhiên bao gồm yếu tố về khí hậu, thuỷ văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác. Yếu tố về con người bao gồm kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương.
Như vậy, để đáp ứng điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm mác mật Lạng Sơn cần được chứng minh có danh tiếng và chất lượng đặc thù đồng thời chỉ ra các yếu tố địa lý riêng của tỉnh Lạng Sơn tạo nên chất lượng đặc thù cho sản phẩm mác mật.
3. Xác định danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mác mật Lạng Sơn và các yếu tố địa lý có ảnh hưởng
Tỉnh Lạng Sơn có tổng diện tích cây mác mật lớn nhất cả nước, đạt 350ha (năm 2020). Sản lượng quả mác mật thu hoạch hàng năm trên 5.000 tấn. Mác mật Lạng Sơn có danh tiếng vì là đối tượng được nghiên cứu, giới thiệu, quảng bá thông qua nhiều nhiều tài liệu, công cụ khác nhau:
q Trong cuốn Địa chí Lạng Sơn giới thiệu: (1) Lạng Sơn nổi tiếng với món thịt lợn quay với hương vị lá mác mật. Mác mật là cây thuộc họ hồng bì, quả mác mật có vị chua ngọt (trang 520); (2) Vịt quay là món đặc sản của tỉnh Lạng Sơn với cách chế biến: Nhồi vào bụng vịt gia vị, gừng, tương “tàu choang” và lá mác mật rồi khâu lại (trang 520); (3) Cây ăn quả của Lạng Sơn có các loại trám đen, trám trắng, khế, dâu da, mác mật, na, quýt,... (trang 771).
q Tác giả Lý Viết Trường (Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) giới thiệu: Các món gia vị thường dùng trong bữa ăn của người Nùng Phàn Slình (Cao Lộc, Lạng Sơn) gồm: Mác mật, ớt, thảo quả, húng lìu, hành, xả, gừng, nghệ, tỏi, khinh khà, pù hà, pác hom tay, pác vày...
q Nghiên cứu đặc điểm sinh thái, sinh vật học cây mác mật của Đỗ Kim Đồng: Mác mật là loài cây khá thông dụng đối với người dân vùng núi, đặc biệt là các tỉnh vùng núi đá vôi phía Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh,...
q Tạp chí Heritage số 210 của Vietnam Airlines giới thiệu: The aroma of “mac mat” fruit (Clausena indica) is a fresh and pervasive scent wafts down from the forests and mountains in Lang Sơn province.
q Quyết định số 100/KLVN-TOP/2021 của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2020 – 2021): Vịt quay lá mác mật của tỉnh Lạng Sơn trong top 100 món ăn đặc sản Việt Nam theo bộ tiêu chí top món ăn, đặc sản Việt Nam.
q Sản phẩm mác mật Lạng Sơn được giới thiệu và phân phối trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng và các phương tiện truyền thông trực tuyến: Shopee, lazada, tokies, facebook, youtube, tiktok; hoặc trên các trang điện tử về du lịch Việt Nam, ẩm thực Việt Nam...
Ngoài ra, danh tiếng của sản phẩm còn được khẳng định thông qua sự hiểu biết của người tiêu dùng mác mật Lạng Sơn. Kết quả điều tra 200 người tiêu dùng mác mật Lạng Sơn cho thấy, mùi thơm đặc trưng là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự khác biệt giữa mác mật Lạng Sơn với sản phẩm cùng loại khác. Ngoài ra, đối với quả mác mật tươi, các yếu tố như quả to, màu vàng sáng cũng là đặc điểm khác biệt để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm có xuất xứ từ tỉnh Lạng Sơn. Đối với sản phẩm quả mác mật khô, yếu tố quan trọng để nhận diện là màu nâu cánh dán, đẹp, khô, bảo quản được lâu, không bị chảy nước. Đối với sản phẩm lá mác mật tươi, thì yếu tố mùi thơm đặc trưng vẫn là yếu tố được người tiêu dùng đánh giá cao nhất, 46,31% số người cho biết sản phẩm lá mác mật tươi tại Lạng Sơn có mùi thơm đặc trưng hơn các sản phẩm lá mác mật tươi tại các vùng khác. Một đặc trưng khác của lá cây mác mật tại Lạng Sơn so với lá cây mác mật tại các vùng khác đó là lá bánh tẻ nhỏ.
Để xác định các đặc tính chất lượng đặc thù, chúng tôi tiến hành lấy và phân tích mẫu các sản phẩm mác mật (quả tươi, quả khô, lá tươi và lá khô) tại Lạng Sơn, Cao Bằng và Bắc Kạn. So sánh kết quả phân tích một số chỉ tiêu chất lượng lý hóa của mẫu mác mật của tỉnh Lạng Sơn với Cao Bằng và Bắc Kạn cho thấy:
q Quả mác mật tươi Lạng Sơn có tỷ lệ protein trung bình cao hơn từ 23,26%, tỷ lệ myristicin trung bình trong tinh dầu cao hơn từ 14,61%.
q Quả mác mật khô Lạng Sơn có tỷ lệ myristicin trong tinh dầu trung bình cao hơn từ 14,39%.
q Lá mác mật tươi Lạng Sơn có tỷ lệ protein cao hơn từ 25,04%, tỷ lệ myristicin trong tinh dầu trung bình cao hơn từ 12,41%.
q Lá mác mật khô Lạng Sơn có tỷ lệ myristicin trong tinh dầu trung bình cao hơn từ 22,03%.
Từ kết quả đánh giá đặc tính chất lượng trên đây, kết luận chung về tính chất, chất lượng đặc thù của mác mật Lạng Sơn đó là hàm lượng protein trong quả tươi, lá tươi và hàm lượng myristicin trong tinh dầu (hợp chất tạo nên mùi thơm) trong các sản phẩm quả và lá ở cả dạng tươi và khô.
4. Yếu tố địa lý tạo nên chất lượng đặc thù cho sản phẩm mác mật Lạng Sơn
Hiện nay, tại Việt Nam, chưa có kết quả nghiên cứu trực tiếp chỉ ra yếu tố địa lý có ảnh hưởng đến tỷ lệ protein và tỷ lệ myristicin trong tinh dầu quả và lá mác mật. Thực tế là mỗi đặc điểm chất lượng của thực vật thường chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố môi trường khác nhau. Tham khảo một số kết quả nghiên cứu có liên quan của các tác giả trong nước và quốc tế cho thấy:
- Trong bài kali và vai trò của kali trong canh tác nông nghiệp của tác giả Lê Minh Giang đã tổng hợp: Kali đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoạt hóa enzim và thúc đẩy sự quang hợp. Do vậy, kali có vai trò quan trọng trong tổng hợp đường, tinh bột và protein làm cho năng suất cây trồng cao hơn và chất lượng tốt hơn.
- Nghiên cứu hiệu quả của việc bón phân kali đối với các chỉ số hình thái và nông sinh lý của lúa mì của tác giả Amina Messaoudi và cộng sự đã chỉ ra: Khả năng cung cấp kali của đất phụ thuộc vào hàm lượng kali tổng số và đặc điểm giải phóng của các dạng khác nhau, chịu ảnh hưởng của các đặc tính lý hóa của đất. Nó có nhiều chức năng ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của thực vật, bao gồm cải thiện chất lượng thực vật, quá trình quang hợp, điều hòa thẩm thấu, hoạt động của enzyme, kích thích và vận chuyển đồng hóa, tổng hợp protein.
- Nghiên cứu về thành phần hóa học tinh dầu loài hồng bì dại và mác mật ở miền Bắc Việt Nam của tác giả Trần Huy Thái và cộng sự đã rút ra kết luận: Các thành phần chính của tinh dầu từ lá loài mác mật là α-terpinolen, myristicin, δ-3-caren. Có sự thay đổi về hàm lượng và thành phần hóa học tinh dầu của mỗi loài ở các vùng sinh thái khác nhau.
- Myristicin có thể được tìm thấy trong tinh dầu nhục đậu khấu, hạt tiêu đen, hồi, cà rốt, rau mùi tây, cần tây, thì là... Nghiên cứu về tinh dầu nhục đậu khấu của Kaliyaperumal Ashokkumar và cộng sự cho thấy: Các thành phần hóa học chính của tinh dầu nhục đậu khấu là sabinene, eugenol, myristicin, caryophyllene, β-myrcene và α-pinene. Hàm lượng cao hơn của các thành phần này trong tinh dầu có thể là do sự thay đổi về loại đất, vị trí trồng, mùa vụ trồng...
- Kết quả nghiên cứu tác động của các yếu tố môi trường đến tinh dầu Oliveria Decumbens ở Iran của tác giả Seyyed Mohammad Hosein Ale Omrani Nejad và cộng sự cho thấy: Độ cao địa hình và lượng mưa có ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp tinh dầu, ở độ cao thấp hơn và lượng mưa nhỏ hơn thì cây tích lũy nhiều tinh dầu hơn.
- Nghiên cứu ảnh hưởng của điều kiện địa lý đến thành phần tinh dầu quả Kundmannia anatolica của Arif Şanli và cộng sự đã rút ra kết luận: Độ cao là yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến sự tổng hợp các thành phần tinh dầu.
Qua các tài liệu tham khảo trên cho thấy: (1) Kali trong đất có ảnh hưởng đến kết quả tổng hợp protein của thực vật; (2) Các yếu tố địa lý (độ cao địa hình, lượng mưa và đất) có ảnh hưởng đến việc tổng hợp các hợp chất trong tinh dầu thực vật.
So sánh kết quả phân tích một số yếu tố địa lý và mẫu đất trồng mác mật tại Lạng Sơn, Cao Bằng và Bắc Kạn cho thấy:
- Trong giai đoạn từ năm 1961 – 2020, trung bình lượng mưa các tháng 1 và 2 của tỉnh Lạng Sơn là 36,55 mm và 34,17 mm, cao hơn nhiều so với lượng mưa của tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn, ngược lại các tháng 5, 6, 7 và 8, lượng mưa trung bình của Lạng Sơn (từ 156,81 mm đến 232,45 mm), thấp hơn rõ rệt so với lượng mưa trung bình của tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn. Sự khác nhau về lượng mưa trung bình tháng ở Lạng Sơn so với 2 tỉnh còn lại có ảnh hưởng tích cực đến quá trình sinh trưởng và tổng hợp dinh dưỡng của quả và lá mác mật. Lượng mưa nhiều hơn trong tháng 1 và 2 sẽ hỗ trợ quá trình nảy mầm của chồi, cành non, lá non và nụ hoa (mác mật nở hoa trong tháng 3 và 4). Lượng mưa thấp hơn trong các tháng 5, 6, 7 và 8 trùng với giai đoạn quả mác mật tích lũy dinh dưỡng cao nhất, chín và được thu hoạch. Do có lượng mưa thấp hơn nên quá trình tổng hợp các chất trong tinh dầu quả và lá mác mật Lạng Sợn diễn ra thuận lợi hơn. Myriticin là một trong ba thành phần chính của tinh dầu mác mật nên cũng được tổng hợp nhiều hơn trong quả và lá mác mật Lạng Sơn.
- Trung bình độ cao địa hình tỉnh Lạng Sơn thấp hơn so với độ cao địa hình tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn. Độ cao địa hình của tỉnh Lạng Sơn là 252m, trong khi đó độ cao trung bình so với mực nước biển của Cao Bằng là từ 300 - 1.500m, độ cao địa hình của Bắc Kạn là 550 - 600m so với mực nước biển. Độ cao địa hình thấp hơn rõ rệt nên sự tổng hợp các thành phần tinh dầu (bao gồm myristicin) trong quả và lá mác mật Lạng Sơn cũng có sự khác biệt so với tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn.
- Kết quả phân tích các mẫu đất trồng mác mật đã chỉ ra sự chênh lệch lớn về hàm lượng kali trong đất trồng mác mật của Lạng Sơn và Cao Bằng, Bắc Kạn. Hàm lượng K2O tổng số trong mẫu đất thu tại Lạng Sơn dao động từ 0,327% - 0,883%, trung bình là 0,597% cao hơn lần lượt 29,93% và 56,66% so với kết quả đó của Cao Bằng và Bắc Kạn. Đối chiếu với kết quả nghiên cứu về vai trò của Kali cho thấy, hàm lượng K2O tổng số trong đất cao hơn là yếu tố hỗ trợ quá trình tổng hợp protein trong quả và lá mác mật của Lạng Sơn.
- So sánh kết quả đo độ pH đất cho thấy, các mẫu đất trồng mác mật tại Lạng Sơn có độ pH từ 4,42 đến 8,24, trung bình là 6,864, cao hơn lần lượt 34,03% và 30,75% chỉ số đó của các mẫu đất trồng mác mật thu tại Cao Bằng và Bắc Kạn. Độ pH đất cao hơn chủ yếu là do đất được hình thành trên nền đá vôi. Đối chiếu với kết quả nghiên cứu của tác giả Đỗ Kim Đồng cho thấy, độ pH đất của Lạng Sơn thích hợp với cây mác mật hơn dẫn đến quá trình tổng hợp potein, myriticin trong quả và lá mác mật Lạng Sơn tốt hơn so với tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn.
5. Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý mác mật Lạng Sơn
Ngày 31/3/2023, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn đã nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý “Lạng Sơn” cho sản phẩm mác mật. Các thông tin chính của đơn gồm: (1) Số đơn: 6-2023-00004; (2) Tài liệu chính kèm theo đơn: Tờ khai đăng ký, Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý, Văn bản cho phép sử dụng địa danh, Bản mô tả chỉ dẫn địa lý.
Sau khi Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định hình thức, đơn đã được công bố chấp nhận hợp lệ ngày 25/12/2023. Ngày 28/6/2024, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 561/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00141 “Lạng Sơn” cho sản phẩm mác mật. Khu vực địa lý sản xuất sản phẩm mác mật Lạng Sơn gồm các khu vực sau đây thuộc tỉnh Lạng Sơn:
- Toàn bộ các xã, thị trấn trên địa bàn các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Cao Lộc, Văn Lãng và Văn Quan;
- Các xã thuộc huyện Tràng Định: Quốc Khánh, Đội Cấn, Chí Minh, Tri Phương, Tân Yên, Tân Tiến, Kim Đồng, Đề Thám, Hùng Sơn, Hùng Việt và Quốc Việt;
- Các xã, thị trấn thuộc huyện Chi Lăng: Vạn Linh, Y Tịch, Bằng Mạc, Bằng Hữu, Gia Lộc, Mai Sao, Thượng Cường, Hòa Bình, Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ và thị trấn Chi Lăng.