"Văn hoá nước và hàng hải thời cổ của Việt Nam": Một cuốn sách hay tiếp thêm niềm tự hào dân tộc

Nongthonvaphattrien - "Văn hoá nước và hàng hải thời cổ của Việt Nam" của nhà nghiên cứu Vũ Hữu San do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 2017 là cuốn sách viết về văn hóa nước, văn minh hàng hải của người Việt cổ với nhiều tư liệu rất đáng trân trọng!

Cuốn sách kết cấu gồm 12 chương dày 626 trang với nội dung chính về các chủ đề: Hàng Hải, thành phần căn bản của văn hoá dân tộc; Hàng hải truyền thống lâu đời của Việt Nam; Những cái nhìn mới mẻ về Đông Nam Á và Việt tộc; Những phát minh của dân Việt về ghe thuyền ảnh hưởng đến lịch sử thế giới; Khoảng trống văn học dân ta- Những thành tích hàng hải; Người Việt cổ và hàng hải; Ảnh hưởng Đông Sơn và văn hoá Việt qua các đại dương theo quan điểm hàng hải; Những thăng trầm trong hàng hải và sinh hoạt biển của Việt Nam; Người Việt và người Trung Hoa thời cổ trong giả thuyết dân Á Đông vượt Thái Bình Dương; Hải quân Việt Nam có từ khi nào; Hàng hải và rễ bản địa của dân tộc; Nước và Triết lý...

sach123-1626276620.jpg Một cuốn sách hay tiếp thêm niềm tự hào dân tộc - Ảnh: https://nongthonvaphattrien.vn/

Đáng chú ý để đưa ra những luận điểm trên tác giả đã sử dụng 289 hình ảnh minh hoạ và tham khảo hơn 300 chỉ mục tài liệu từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu uy tín.

Ngay trong phần lời tựa, tác giả Vũ Hữu San đã đề dẫn: Nhiều người trên giới nghĩ rằng Việt Nam nói riêng, hay Đông Dương nói chung là sản phẩm của sự giao tiếp giữa hai nền văn hoá lớn Trung Hoa và Ấn Độ. Tuy vậy hai nền văn hoá này chỉ mới xâm nhập nước ta chừng hơn 2000 năm trở lại đây. Nếu đem so sánh với tuổi của nền văn minh Nước từ Hoà Bình đến Đông Sơn khởi sự từ hai chục ngàn năm về trước thì văn minh của cả hai nơi Trung Hoa và Ấn Độ đều muộn hơn rất nhiều...".

Vậy đến Việt Nam du khách tìm đến sự khác biệt nào thực sự ấn tượng trong dòng chảy văn hoá, văn minh nhân loại...?

Lật mở từng trang sách "Văn hoá nước và hàng hải thời cổ của Việt Nam", tác giả Vũ Huy San đã đưa cho chúng ta những câu trả lời đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về một nền "văn minh Nước" xa xưa của người Việt cổ gắn với những sinh hoạt trên sông, trên biển, dưới lòng sông, cả trên mặt nước vô cùng độc đáo!

Đó là những phát minh liên quan đến công cụ dụng cụ, phương tiện đi lại như bè, thuyền độc mộc, mái chèo, cánh buồm, bánh lái, cây xiếm...góp phần làm nên sự tiến hoá của nhân loại. Bên cạnh đó, những màu sắc huy hoàng của văn hoá dân tộc Việt được khẳng định như: Thờ kính tổ tiên, bình đẳng nam nữ, hiếu kính người già, yêu thương trẻ nhỏ, giúp đỡ người yếu thế, nặng tình quê hương, nhân loại bốn bể một nhà, trọng nghĩa khinh tài, hoà đồng với thiên nhiên, hiền hòa nhưng can đảm, kỷ luật nhưng rất hiên ngang như người thủy thủ trước phong ba bão táp không sợ cả cái chết.

Đó là vẻ đẹp của một dân tộc thượng văn, không thể hiện nhiều qua vật chất (những công trình kiến trúc nguy nga) mà biểu hiện ở những giá trị tinh thần cao đẹp. Qua những bằng chứng khảo cổ và dấu vết văn hoá biểu hiện qua đời sống đương đại, tác giả Vũ Hữu San đã đưa ra một giả thiết có nhiều cơ sở để thuyết phục rằng, tổ tiên người Việt cổ của chúng ta sống dọc những bờ sông, ven biển đến lênh đênh trên mặt nước, bờ sông và cả đại dương mênh mông để chế ngự thiên nhiên mưu sinh và phát triển. Qua đó đã tạo dựng nền văn minh lúa nước, văn minh hằng hải và lan tỏa những giá trị đó tới nhiều nơi trên hành tinh này.

Như những cách chim di điểu cổ dài, chân dài, cánh dài bay trên trống đồng Đông Sơn bất tử hướng về cội nguồn, người Việt coi trọng Tổ tông, Nguồn cội là nơi linh thiêng bất diệt đời đời. Người Việt coi Nước cùng với Đất chính là Quốc gia bao hàm cả lãnh thổ và dân tộc. Khi chúng ta gọi Quốc gia Việt Nam là Nước Việt Nam, chúng ta nói đến văn minh văn hoá Việt Nam là chúng ta nhắc đến văn minh lúa nước, văn hoá Nước là vậy.

Lớp bụi thời gian phủ lên quá khứ vài chục năm đã khác, vài trăm năm càng khác hơn, vài ngàn năm đến cả vài chục ngàn năm còn khác hơn rất nhiều. Nhưng nỗ lực lôi ra ánh sáng và thu thập thật nhiều những tư liệu quý có liên quan để củng cố cho khát vọng tìm về cội nguồn xa xưa của tác giả Vũ Hữu San thật đáng trân trọng biết bao nhiêu.

Điều đó càng trở nên có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều nước cố tạo ra tranh chấp trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thiên liêng thuộc chủ quyền không thể chối cãi của dân tộc ta, non sông đất nước chúng ta.

Vì thế, cuốn sách "Văn minh nước và hàng hải thời cổ của Việt Nam" cùng với các nguồn sử liệu khác sẽ góp phần mở ra hướng nghiên cứu chuyên sâu với hướng tiếp cận mở để lý giải rõ ràng hơn, sòng phẳng hơn về cuội nguồn, đời sống, hành trình kiến tạo văn hóa và xây dựng văn minh dân tộc Việt cổ đại, mà dường như ở đó có một phần khuyết "50 người con xuống Biển" chưa được đề cập thực sự thấu đáo.

Đó là việc làm vô cùng cần thiết, vô cùng quan trọng đối với hành trình hướng về cội nguồn của chúng ta. Đúng như Chí sĩ Phan Bội Châu đã từng nhắn nhủ: "Phàm đã là một dân tộc sinh tồn trên hoàn vũ, đã có một cái lịch sử chính đáng, thì phải gìn giữ những sự vẻ vang trong lịch sử của dân tộc mình, nghĩa là gìn giữ lấy những đức tính hay tốt mấy nghìn năm ông cha để lại, khiến cho nước nào, dân tộc nào đối với mình cũng đen lòng kính trọng".