Thờ cúng tổ tiên chính là toàn bộ các hình thức lễ nghi, cúng bái nhằm thể hiện tấm lòng thành kính, đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành và gây dựng nên cuộc sống cho con cháu - những người thuộc thế hệ đầu tiên của một dòng họ, với ông bà, cha mẹ đã qua đời.
Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có nguồn gốc từ nền kinh tế nông nghiệp trong xã hội phụ quyền xưa. Khi Nho giáo du nhập vào Việt Nam, chữ hiếu được đề cao, đã làm cho tục thờ cúng tổ tiên có một nền tảng triết lý sâu sắc. Gia đình, gia tộc, và vấn đề “dương danh hiển gia” được đề cao.
Đến thế kỷ XV, Nho giáo chiếm địa vị ưu thế trong xã hội, nhà Lê đã thể chế hóa việc thờ cúng tổ tiên. Bộ luật Hồng Đức quy định rõ, việc con cháu phải thờ cúng tổ tiên 5 đời (tự mình là con, tính ngược lên 4 đời là: Cha, mẹ, ông bà, cụ, kỵ); ruộng hương hỏa, ruộng đèn nhang, cơ sở kinh tế để duy trì thờ cúng tổ tiên dù con cháu nghèo cũng không được cầm bán… Đến thời Nguyễn, nghi lễ thờ cúng tổ tiên được ghi rõ trong sách “Thọ mai gia lễ.”
Không nhất thiết phải là mâm cao cỗ đầy, chỉ cần một nén hương (nhang) lên bàn thờ tổ tiên trong ngày lễ, Tết, hay ngày giỗ, con cháu trong gia đình cũng thể hiện được tấm lòng thành kính, hướng về cội nguồn, tưởng nhớ những người thân đã khuất.
Từ lâu, thờ cúng tổ tiên ông bà đã trở thành một phong tục, là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người; đồng thời là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Dân Việt trọng lễ nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ và có hiếu với ông bà tổ tiên, với nguồn gốc của mình.
Trước tiên bàn thờ là nơi tưởng nhớ, nó như một thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Hai cây đèn tượng trưng cho Mặt Trời, Mặt Trăng, hương là tinh tú. Từ những đặc tính cơ bản này, người Việt đã hội dần vào bàn thờ nhiều hình tượng phụ mang tính thiêng liêng khác. Khi phát hiện ra lửa, người ta nhận thấy chỉ có khói bay lên và dần dần khói lửa đã đi vào hội lễ, từ đó nảy sinh nến và hương trong việc tín ngưỡng.
Trên bàn thờ tổ tiên, ở chính giữa đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ); ở hai góc ngoài bao giờ cũng có hai cây đèn (hoặc nến) tượng trưng cho Mặt Trời ở bên trái và Mặt Trăng ở bên phải. Khi cần giao tiếp với tổ tiên (có lúc thỉnh cầu, có khi sám hối...) người ta thường đốt nến (đèn dầu) và thắp hương. Mọi nguyện cầu theo các vòng khói hương chuyển đến ông bà tổ tiên.
Đặc trưng của văn hóa nông nghiệp cũng được thể hiện ở trên bàn thờ tổ tiên của người Việt. Thông thường, ở ngay sau bát hương thường có một cái đỉnh ba chân, nắp đỉnh được vẽ hình con lân với ý nghĩa sức mạnh bề trên kiểm soát tinh thần con cháu khi đứng trước bàn thờ.
Bàn thờ tổ tiên luôn cần được thanh tịnh. Vì thế, đồ tế lễ chỉ có thể là hương, hoa, trà, quả... Những ngày giỗ, Tết, con cháu muốn dâng cúng cỗ mặn phải đặt ở một chiếc bàn phụ phía trước và thấp hơn bàn thờ chính.
Trong mỗi gia đình, bàn thờ cúng tổ tiên được đặt ở vị trí trang trọng nhất và trở thành nơi con cháu “trò chuyện” trong những ngày tuần, ngày giỗ, ngày Tết, hoặc khi có việc trọng đại... Có thể nói, mọi biến cố trong gia đình đều được gia chủ báo cáo với gia tiên. Việc hiện nay hầu hết các cặp cô dâu chú rể mới đều làm lễ vu quy hay nghinh hôn trước bàn thờ gia tiên cũng là một điểm rất độc đáo của văn hóa Việt Nam.
Trước đây, bàn thờ gia tiên được đặt ngay tại gian nhà chính. Nếu nhà có điều kiện thì đồ thờ được sơn son thếp vàng; có đủ thần chủ bốn đời để thờ, đó là cao, tằng, tổ, khảo. Thần chủ làm bằng gỗ táo, trên đó đề tên, họ, chức tước, ngày tháng sinh tử của tổ tiên. Nhà không có điều kiện thì cũng chỉ cần vài cây đèn nến là đủ. Trong việc thờ phụng tổ tiên, ngày giỗ hay còn gọi là kỵ nhật rất quan trọng. Đồ lễ dâng cúng gia tiên bao giờ cũng phải thanh khiết.
Đối với Việt Nam, quan hệ huyết thống khá phức tạp. Gia đình chỉ là một đơn vị độc lập tương đối bởi vì giữa các gia đình trên một phạm vi nào đó lại tồn tại một quan hệ ràng buộc mà người ta gọi là họ hàng, dòng tộc. Và theo "quy định" huyết thống ấy, nhiều gia đình sẽ họp thành một ngành, nhiều ngành họp thành một họ. Mỗi họ có một ông Tổ chung.
Vì vậy, ngoài ngày giỗ tổ tiên tại gia, người Việt còn có ngày giỗ họ. Trưởng tộc là người được hưởng hương hỏa của tổ tiên nên có trách nhiệm phải lo việc làm giỗ họ. Trong ngày giỗ họ, con cháu đều phải góp giỗ. Mỗi họ đều có một cuốn gia phả ghi chép họ tên, chức tước, ngày tháng sinh tử của tổ tông và người trong họ theo thứ tự để mọi người cùng dòng họ "vấn tổ tầm tông."
Con cháu trong một họ lập Từ đường để thờ vị Thủy tổ. Trên bàn thờ ấy có bài vị Thủy tổ dòng họ. Xưa kia bài vị thường được ghi bằng Hán tự, ngày nay có nhiều người dùng chữ Quốc ngữ để đề bài vị.
Hướng bàn thờ cũng được người Việt rất quan tâm. Thông thường hướng nhà theo đạo Phật thì hướng Nam là nơi của bát nhã, tức trí tuệ, hướng của sự sáng tạo, của sinh lực tràn trề, đầy dương khí.
Nhiều khi cũng đặt bàn thờ hướng Tây vì người ta nghĩ hướng này hợp với sự đối đãi của âm dương, nên yên ổn và phát triển, nghĩa là vị thần được an tọa.
Đã bao thế kỷ trôi qua, cung cách và quan niệm thờ phụng tổ tiên của người Việt Nam xét theo góc độ nào đó đã có nhiều thay đổi nhưng ý nghĩa lớn nhất, vẫn giữ nguyên. Người Việt Nam coi việc thờ phụng tổ tiên là một trong những nguyên tắc đạo đức làm người. Đó là hình thức thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành.
Tết là thời điểm quan trọng trong năm cho nên bàn thờ ngày Tết cũng trở nên đặc biệt. Việc trang hoàng bàn thờ tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh mỗi nhà nhưng dứt khoát nhà nào cũng phải bày mâm ngũ quả. Thông thường ngũ quả gồm 5 loại quả có 5 màu khác nhau như chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước: Phú (giàu có) - quý (sang trọng) - thọ (sống lâu) - khang (khỏe mạnh) - ninh (bình yên).
Cành đào được cắm trên bàn thờ có huyền lực trừ ma tà và mọi xấu xa, màu đỏ chứa một sinh khí lớn lao. Vì thế hoa đào thắm là lời cầu nguyện và lời chúc phúc đầu Xuân.
Cây mía được đặt ở bên bàn thờ với ngụ ý để các “cụ” chống gậy về vui với con cháu.
Bàn thờ tổ tiên là vẻ đẹp của văn hóa truyền thống. Nơi đây rực rỡ với mỗi độ xuân sang. Người Việt hiểu sâu sắc rằng có quá khứ mới có hiện tại và tương lai.
Còn thời điểm nào thiêng liêng hơn khi cả nhà thành kính đứng trước bàn thờ tổ tiên thắp những nén hương trầm ngào ngạt. Tình người nồng ấm, tình đời rộng mở. Và, một năm mới tràn đầy hy vọng bắt đầu.../.