Mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình "Không còn nạn đói" đến năm 2025

Chương trình “Không còn nạn đói” là sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc đưa ra. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á cảm kết thực hiện và quyết tâm thực hiện những mục tiêu đến năm 2025. Để rõ hơn về nội dung này, Tạp chí Khoa học Pháp triển Nông thôn Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

PV: Xin ông có thể giới thiệu qua về Chương trình "Không còn nạn đói"?

Ông Lê Đức Thịnh: Chương trình “Không còn nạn đói” là sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc đưa ra nhằm “(i) 100% dân cư có đủ lương thực quanh năm; (ii) không còn trẻ em dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng, (iii) toàn Bộ các hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững, (iv) 100% nông hộ nhỏ tăng năng suất và thu nhập đặc biệt là phụ nữ và (v) không còn tổn thất, lãng phí lương thực, thực phẩm”. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á cam kết thực hiện mục tiêu này và đã cụ thể hóa bằng việc phân công nhiệm vụ cho các Bộ ngành tại Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 12/6/2018 Ban hành chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025 và Quyết định số 397/QĐ-TTg ngày 21/9/2018 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạoQuốc gia.tại Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.

Có thể nói đây là một trong những nhiệm vụ thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ. Mặc dù đạt được nhiều thành tích ấn tượng về giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực thời gian qua, việc thực hiện mục tiêu của “Không còn nạn đói” vẫn là thách thức lớn khi tình trạng suy dinh dưỡng của người dân đặc biệt là trẻ em ở vùng khó khăn vẫn còn ở mức cao so với đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới và còn có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng, miền. 

doi111-1670970274.png
Mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam

Giai đoạn 2018-2021, Chương trình được thực hiện chủ yếu trên cơ sở lồng ghép với các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) đang thực hiện như: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chiến lược dinh dưỡng quốc gia. Bước đầu Chương trình đã đạt được những kết quả nhất định trong nâng cao nhận thức, xây dựng mô hình nông nghiệp dinh dưỡng. Tuy nhiên quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao trình độ nhận thức cho lực lượng tham gia và người dân, việc huy động các nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ đã đề ra.  Trong giai đoạn tới, các Chương trình được lồng ghép bước sang giai đoạn mới đồng thời Việt Nam cũng cam kết với quốc tế nhiều định hướng quan trọng như Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững hay gần đây nhất là Công ước của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26). Vì vậy, giai đoạn từ nay đến 2025, Chương trình sẽ xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp để tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra trên cơ sở khắc phục những trở ngại về triển khai mở rộng và huy động nguồn kinh phí đảm bảo để thực hiện các nội dung của Chương trình.

PV: Vậy mục tiêu của Chương trình là gì thưa ông?

Ông Lê Đức Thịnh: Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025 thực hiện mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam; đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG2) do Chính phủ Việt Nam cam kết với Tổ chức Liên hợp quốc.

Cụ thể đến năm 2025: (1) Cơ bản các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng quanh năm: Giảm tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào bình quân đầu người dưới 1.800 Kcal dưới 5%; Tăng mức tiêu thụ rau, củ, quả trung bình đầu người lên 400 g/ngày. (2) Giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới hai tuổi, với các chỉ tiêu như sau: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 2 tuổi toàn quốc xuống dưới 20% (riêng vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên xuống dưới 25%); Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm ở trẻ em dưới 2 tuổi xuống dưới 5%; Giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (<2.500 gam) xuống dưới 8%. (3) Phát triển hệ thống lương thực thực phẩm bền vững: 100% hộ tham gia chương trình được tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết sản xuất; (4) Phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ tăng năng suất và thu nhập: Các hộ tham gia chương trình có tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và tăng thu nhập 10%; (5) Phấn đấu không còn thất thoát hoặc lãng phí lương thực, thực phẩm.

doi000-1670970410.jpg
Chương trình được lồng ghép vào các chương trình mục tiêu Quốc gia, cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động các nguồn lực trong nước và Quốc tế đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, không để ai bỏ lại phía sau

PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về các nhiệm của của Chương trình "Không còn nạn đói"?

Ông Lê Đức Thịnh: Chương trình có 5 nhiệm vụ chính và được thiết kế thành 2 giai đoạn (2018 – 2021 và 2022 – 2025) nhằm tích hợp, gắn kết hài hòa giữa các nội dung để các Bộ, ngành lồng ghép và triển khai mới gồm 68 nội dung, trong đó: 52 nội dung thực hiện lồng ghép;16 nội dung được xây dựng mới: Bộ Nông nghiệp và PTNT: 05 nhiệm vụ,  Bộ Y tế: 07 nhiệm vụ,  Bộ Công thương: 01 nhiệm vụ, Bộ Thông tin truyền thông: 02 nhiệm vụ, Bộ Kế hoạch và đầu tư: 01 nhiệm vụ.

Cụ thể, nhiệm vụ 1: Cơ bản các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng hợp lý quanh năm, với các nội dung sau: Xác định nhu cầu về dinh dưỡng hợp lý cho các độ tuổi của người dân trong hộ gia đình. Thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp dinh dưỡng theo kế hoạch phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng đảm bảo dinh dưỡng cho người dân. Đảm bảo ổn định lương thực, thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Nhiệm vụ 2: Suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới hai tuổi không còn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng hoặc ở mức thấp, với các nội dung sau: Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em kể từ khi còn là bào thai đến khi tròn 2 tuổi (chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời); Cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em; Đảm bảo dinh dưỡng cho các đối tượng ưu tiên; Hoàn thiện chính sách xã hội cần thiết nhằm hỗ trợ cho bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ được tiếp cận các dịch vụ dinh dưỡng; Giám sát dinh dưỡng.

Nhiệm vụ 3: Phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững, với các nội dung sau: Phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm; Phát triển hệ thống sản xuất lương thực, thực phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; Phát triển hệ thống cung ứng và tiêu dùng lương thực, thực phẩm bền vững; Phát triển kinh tế tập thể và kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.

Nhiệm vụ 4: Phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ tăng năng suất và thu nhập, với nội dung sau: Tăng thu nhập cho người sản xuất nhỏ để tăng phúc lợi nông thôn và giảm nghèo bền vững; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và khuyến nông.

Nhiệm vụ 5: Phấn đấu không còn thất thoát hoặc lãng phí lương thực, thực phẩm, với các nội dung sau: Hoàn thiện cơ chế, chính sách giúp cho công tác quản lý, áp dụng khoa học công nghệ nhằm giảm tổn thất và lãng phí lương thực, thực phẩm; Khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ, phương thức quản lý nhằm giảm tổn thất trong quá trình thu hoạch, bảo quản, chế biến; Đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân sử dụng hợp lý, tiết kiệm chống lãng phí lương thực, thực phẩm; Tăng cường năng lực chế biến, kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường trong sản xuất lương thực, thực phẩm.

ldt1-1670970568.jpg
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. 

PV: Về nguồn lực thực hiện Chương trình "Khôn còn nạn đói" được biết chủ yếu là huy động từ các nguồn của các Chương trình mục tiêu Quốc gia, vậy ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?

Ông Lê Đức Thịnh: Đúng vậy nguồn lực thực hiện Chương trình "Khôn còn nạn đói" được lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu Quốc gia như: Dân tộc và miền núi; Giảm nghèo và phát triển bền vững; Nông thôn mới. Cụ thể, kinh phí thực hiện chương trình được lấy từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo; các chương trình mục tiêu, dự án; nguồn vốn sự nghiệp hàng năm và nguồn hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế, cụ thể như sau: Khái toán kinh phí thực hiện chương trình: Tổng kinh phí là 545.110 triệu đồng, trong đó: Giai đoạn 2018 - 2020: 33.950 triệu đồng, bao gồm:  Nguồn vốn lồng ghép: 14.800 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo; Nguồn vốn huy động: 7.200 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế; Nguồn ngân sách nhà nước (vốn sự nghiệp): 11.950 triệu đồng.

Giai đoạn 2021 - 2025: 511.160 triệu đồng, bao gồm: Nguồn vốn lồng ghép: 299.200 triệu đồng từ nguồn của các chương trình, dự án trong giai đoạn 2021 - 2025; Nguồn vốn huy động: 54.500 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế. Nguồn ngân sách nhà nước (vốn sự nghiệp): 157.460 triệu đồng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!