Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 12

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.   

Kỳ 12.

Tô Long và Mã Giang Lân đem 2 vạn quân tiến về phía Tam Đảo. Khi đến chân Tam Đảo quan sát thấy địa thế vô cùng hiểm trở, Mã Giang Lân nói:

-Chúng ta phải đề phòng có mai phục.

Mã Giang Lân vừa dứt lời thì một phát tên lửa bắn lên trời, lập tức những trận mưa tên từ hai bên rừng cây lao tới. Quân Hán hàng trăm tên gục xuống máu phun đỏ đất. Tô Long và Mã Giang Lân đi ở hậu quân nên quay ngựa tháo chạy, miệng hét:

-Có mai phục, rút.

Quân Hán hoảng loạn quay đầu chạy, bỏ lại 1 vạn xác chết ở Tam Đảo, con đường dẫn vào Động Thiên Sớ. Từ đó, Tô Định kiếp sợ, không dám đưa quân vào càn quét cướp bóc Động Thiên Sớ do Đại Vương Hồ Đề cai quản.

Đầu năm 40 khi Hồ Đề đang trong Tổng hành dinh thì có lính vào báo:

-Dạ, bẩm chủ tướng, có sứ giả của nữ chúa Trưng Trắc xin vào gặp.

-Cho vào.

-Dạ.

Một nữ tướng xinh đẹp, mặt hoa da phấn, hông mang gươm bước vào chắp tay hành lễ:

-Mạt tướng là Thiên Nhân xin chào Thiên Sớ Đại Vương, xin chuyển bức thư của nữ chúa Trưng Trắc cho Đại Vương.

Phó tướng chuyển thư cho Hồ Đề. Hồ Đề bóc thư đọc. Thư viết: “Kính gửi Thiên Sớ Đại Vương Hồ Đề, ta nghe tài nghệ của Đại Vương như sấm bên tai. Nay ta khởi binh đánh Tô Định ở Mê Linh trả thù nhà nợ nước. Xin Thiên sớ Đại Vương về đứng dưới cờ đại nghĩa để cùng mưu việc lớn. Nếu Thiên Sớ Đại Vương đồng ý ta phong ngài làm phó soái đứng đầu số nữ tướng, phong Hồ Hác là Điều Vát Tướng quân. Mong được đón tiếp. Trưng Trắc kính thư”.

Đọc xong thư, Hồ Đề nói với Thiên Nhân:

-Ta đồng ý về dưới cờ của nữ chúa Trưng Trắc. Người đâu.

-Dạ, Đại Vương.

-Đem cơm rượu lên đây ta cùng uống với nữ tướng Thiên Nhân.

-Dạ.

-Cho cả ngựa của tướng quân ăn no uống nước, rõ chưa?

-Dạ.

Sớm hôm sau, trước nghĩa binh, Hồ Đề nói:

-Hỡi các huynh đệ, nay nữ chúa Trưng Trắc khởi binh đánh Tô Định ở Mê Linh đã mời ta về dưới cờ đại nghĩa cùng mưu việc lớn. Nay ta giao quyền Thiên Sớ Đại Vương cho Hồ Hác cùng 1.000 quân ở lại trông coi Thiên Sớ, còn toàn quân tiến về Mê Linh cùng nữ chúa giết Tô Định.

Toàn quân hô vang:

-Xin tuân lệnh chủ tướng.

Và ngay sáng hôm đó Hồ Đề đi đầu dẫn 2.000 nghĩa quân vượt Tam Đảo tiến về Mê Linh. Quân đi rung chuyển rừng núi, cờ bay phấp phới, cát bụi tung trời. Quân Thiên Sớ bước sang một thời kỳ chiến đấu mới.

*

*       *

Đêm ở Đàm Luận, Lũng Ngòi Bạch Hạc xóm Đoài thật là yên tĩnh. Bóng tối bao trùm không gian như màn nhung đen vô tận. bầu trời một màu đen điểm những ngôi sao xa xôi lấp lánh. Cây lá cũng một màu đen đung đưa theo gió ru. Sông Cái[1] luôn nhuộm màu hồng bấy giờ cũng màu đen đưa nước về xuôi, vài con thuyền ngủ yên tĩnh lặng trong gần bờ với vài ngọn đèn leo lét. Từ trong làng vang lên những tiếng chó sủa trong đêm trường khuya vắng nghe ghê rợn của một thời mất nước loạn ly, nhà tan cửa nát.

Những ngọn đèn le lói soi sáng chung quanh doanh trại, những người lính cầm gươm giáo đi tuần đêm đề phòng giặc Tô Định tấn công. Trong căn phòng có ngọn đèn mờ tỏ, chủ tướng Lê Ngọc Trinh vẫn thao thức cùng cuốn sách binh pháp đặt trên bàn. Ngoài doanh trại trống đã điểm canh ba.

Đến giờ đi ngủ nhưng Lê Ngọc Trinh nằm mà không ngủ được, nàng nhớ lại khi gia đình còn đoàn viên, nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ chị gái là Lê Ngọc Thanh cũng xinh đẹp như nàng. Lê Ngọc Trinh đã từng nghe mẹ kể về sự ra đời của hai chị em. Cha nàng là ông Lê Hoàn và mẹ là bà Nguyễn Thị Tần, quê ở xóm Lũng Ngòi, huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đái. Theo lời kể của mẹ, hai ông bà hiền từ nhân đức, hay giúp đỡ cư dân trong vùng. Cha nàng là thầy thuốc nổi tiếng, được dân trong vùng gọi là ông lang Lũng Ngòi. Trong một lần đi hái thuốc ở đầm Sen Đàm Luận, bà nói với ông:

-Trời đã xế chiều, thiếp mệt rồi ngồi nghỉ chút.

Hai ông bà ngồi nghỉ bên đầm Sen. Xa xa núi Tam Đảo xanh thắm mờ hơi sương. Ánh nắng chiều chiếu xuống hồ Sen lấp lánh, bát ngát màu lá sen xanh. Trên mặt hồ nhô lên muôn nghìn búp sen màu hồng thơm nức. Bỗng nhiên bà Tần thấy trên hồ xuất hiện một con thuyền nhỏ, trên thuyền có hai tiên nữ ẩn hiện màu xanh tha thướt, lưng ong thắt đáy với chiếc khăn dài màu đỏ, dáng điệu vô cùng mềm dẻo, uyển chuyển. Một cô chèo thuyền, một cô hái hoa sen. bà Tần nói như mơ:

-Ông ơi, ông có thấy gì không?

Ông Lê Hoàn đáp:

-Có hai tiên nữ đang chèo thuyền hái hoa sen trên đầm. Bà có thấy không?

-Thiếp có thấy. Ước gì hai tiên nữ đó là con gái của chúng mình…

Sau lời nói của bà, chiếc thuyền con và hai tiên nữ biến mất, chỉ còn hai con chim phượng rực rỡ bay lại đỗ trên hai vai bà. Hai ông bà như sự tỉnh cơn mê, hai con chim phượng cũng không còn đậu trên vai bà nữa. Ông Lê Hoàn uể oải đứng dậy nói:

-Thật là một giấc mơ đẹp. Chiều tối rồi về thôi phu nhân đưa tay ta đỡ dậy.

Bà Tần nói:

-Ừ về thôi, thiếp cảm thấy người nôn nao lạ lùng.

Sau đó bà Tần có thai, sau 9 tháng 10 ngày sinh đôi ra hai cô con gái. Hai chị em lớn lên ngày càng xinh đẹp như hai tiên nữ mà mẹ đã thấy trên thuyền ở hồ sen Đàm Luận. Cô chị Lê Ngọc Thanh còn giỏi thêu thùa may vá, còn em là Lê Ngọc Trinh giỏi võ nghệ, có tài bắn cung, cưỡi ngựa, múa gươm, giỏi đánh cờ và làm thơ phú.

Một hôm Ngọc trinh đi chơi với bạn, khi về thấy cha và mẹ đang ngồi khóc lóc thảm thiết, đồ đạc trong nhà bị đập phá tan hoang. Ngọc Trinh hỏi mẹ:

-Có chuyện gì đấy ạ? Chị Ngọc Thanh đâu?

Mẹ khóc và đáp trong nước mắt:

-Con ơi, sắc đẹp của hai con đã đến tai thằng Tô Định. Sáng hôm nay quân lính của nó đã về đây bắt hai con về Luy Lâu làm thiếp. Bố mẹ không đồng ý, chúng đập phá nhà cửa và bắt chị Ngọc Thanh đi rồi. Hu!Hu! Hu!...

Lê Ngọc Trinh tức giận nói:

-Tiếc con không ở nhà dùng kiếm này băm nát chúng ra.

Từ đó nàng và bố mẹ đêm ngày lo lắng thương nhớ chị Ngọc Thanh. Bố mẹ sinh ra ốm đau gầy yếu. Đang khi đó một tin buồn khác từ Luy Lâu bay về: Chị Ngọc Thanh không để chúng làm nhục đã tự vẫn chết rồi. Cả nhà khóc lóc đau buồn mãi không thôi. Bố mẹ từ đó nằm liệt giường và hai tháng sau cả hai ông bà cùng ra đi. Từ gia đình 4 người đang êm ấm giờ chỉ còn lại nàng Lê Ngọc Trinh. Đề phòng thằng Tô Định lại về bắt, ông cậu là Nguyễn Tú đã đem nàng về làng lân cận nuôi. Trong lòng cô gái trẻ Ngọc Trinh đã nung nấu một mối thù không đội trời chung với giặc Tô Định.

Đêm đã về khuya, hồi ức đau thương đã đưa Ngọc Trinh vào một giấc ngủ chập chờn. Nàng mơ thấy được gặp cha, mẹ, chị Ngọc Thanh thương yêu.

Sớm hôm sau, sau bữa ăn sáng, Lê Ngọc Trinh đang ngồi trong Tổng hành dinh trù tính kế hoạch đánh quân Tô Định, chợt có lính do thám về báo:

-Dạ bẩm chủ tướng.

-Có việc gì nói ngay.

-Chiều nay có đoàn thuyền lương của quân Hán đi qua sông Thao, gần Đàm Luận để về Luy Lâu.

-Tốt, chuẩn bị ngựa cho ta tới bờ sông Thao quan sát trận địa.

-Dạ.

Lê Ngọc Trinh cùng các phó tướng tháp tùng dừng trên bờ tả sông Thao quan sát. Dòng sông Thao nhận được nước của ngã ba sông Lô, sông Đà, sông Thao. Dòng sông mênh mông tuôn nước về xuôi dào dạt. Lê Ngọc Trinh và các phó tướng đi về phía đông thì thấy có một đoạn của sông hẹp hơn, hai bên bờ có nhiều cây rậm rạp, lại có nhiều nhánh sông nhỏ. Lê Ngọc Trinh nói:

-Ta chọn đoạn sông này để chôn xác quân giặc.

Nàng trở về hành dinh cho nổi ba hồi trống ngũ liên triệu tập nghĩa binh. Khi 2.000 nghĩa binh đã đông đủ, Lê Ngọc Trinh nói:

-Hỡi các chiến binh, thời cơ trả thù nhà nợ nước đã tới. Tối nay có một đoàn thuyền lương của giặc do Lưu Ứng Khâm chỉ huy từ thượng nguồn sông Thao đi qua đây, ta phải dìm chúng xuống lòng sông, bắt chúng đền tội.

Toàn quân hô vang:

-Xin tuân lệnh chủ tướng.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] .Sông Hồng ngày nay.