Kỳ 33.
Trong một góc thành, nữ tướng Phùng Thị Chính đang giao chiến kịch liệt với tướng giặc Đề Hồ Điển. Tướng giặc núng thế bỏ chạy. Thốt nhiên, Phùng Thị Chính đau bụng. Các nữ binh giúp bà xuống ngựa. Thì ra nữ tướng vỡ ối sắp sinh con. Các nữ binh trải chiến bào, đứng quây lại thành vòng tròn, gươm tua tủa chĩa ra ngoài bảo vệ giúp cho bà sinh con. Giữa chiến trường hỗn loạn chết chóc, tiếng khóc chào đời của đứa trẻ vang lên. Có tiếng một nữ binh reo lên:
-A! Con trai, chủ tướng sinh con trai!!
Phùng Thị Chính dùng gươm lau sạch cắt rốn cho con, dùng dây vải buộc rốn lại, bọc áo chiến bào buộc con về trước bụng, lên ngựa lại tiếp tục tả xung hữu đột giết giặc. Cơn lốc chém giết mãi tới chiều tối mới kết thúc. 1 vạn quân Hán và các tướng Hoàng Sùng Chính, Mã Giang Long, Hoàng Đức Tổ, Lưu Đại Hải đều tử trận. Trưng Trắc ra lệnh tìm trong hàng vạn xác chết có tên Tô Định hay không, kẻ thù chính của hai họ Thi-Trưng và của bách tính dân Việt. Trong phòng Thái thú chỉ còn lại bộ râu cắt ra khỏi hàm, mũ mãng cân đai quần áo của Tô Định. Có lẽ hắn đã giả trang thành một tên lính và lẻn ra ngoài thành trốn về Trung Quốc trước khi thành Luy Lâu thất thủ.
Trưng Trắc ra lệnh cho quân Việt không được giết tù binh, không được phá hoại các công trình văn hóa Hán, Việt trong thành, cũng ra lệnh cho khắp các quận, huyện không được giết hại binh lính, quan lại và dân Hán. Luy Lâu thất thủ đánh dấu nền cai trị của nhà Hán từ Nam Trường Giang ở phía Bắc đến Hoành Sơn ở phía Nam sụp đổ. Từ Tổng hành dinh Luy Lâu, Trưng Trắc đã nhận được tin chiến thắng từ khắp các quận, huyện đưa về. Tại quận Giao Chỉ: Vùng Bạch Hạc, Nàng Nội đã làm chủ, nữ tướng Lê Ngọc Trinh đã làm chủ ở vùng sông Gâm, sông Chảy, sông Lô, tướng Hồ Đề đã thắng lợi ở Long Uyên (Thái Nguyên, Vĩnh Phúc), sau đó Hồ Đề đã kéo quân về trợ chiến ở Luy Lâu. Các nữ tướng như bà Chúa Bầu, Ả Huyền, Ả Tú đã phối hợp với các tướng người Tày làm chủ ở rừng núi Long Uyên (Thái Nguyên), Các tướng Đinh Bạch Nương, Đinh Tích Nương chiến thắng ở Câu Lậu . Vương Thị Tiên làm chủ ở Bình Bình, An Bình Lý làm chủ ở Tam Dương, huyện Mê Linh, Thánh Thiên làm chủ ở huyện Kê Từ, Vĩnh Huy làm chủ ở Đà Tổ, Tây Vu, Lê Thị Lan làm chủ ở Sơn Tây, Tây Vu, Hàn Quỳnh Nương lật đổ quân Hán ở Hà Nam, huyện Chu Diên, sau đó kéo quân về cùng công phá Luy Lâu, Vũ Thị Thục làm chủ ở An Định. Trần Quốc làm chủ Cổ Loa, Lê Chân làm chủ miền Đông Bắc Khúc Dương và cũng kéo quân về hợp sức đánh Luy Lâu
Ở quận Cửu Chân: Lê Thị Hoa, Đào Kỳ, Phương Dung đã lật đổ ách cai trị của Đông Hán và về Luy Lâu cùng đánh phá thành trì.
Ở quận Nhật Nam, các tướng Thị Quỳnh (nàng Quỳnh), Thị Quế (nàng Quế) làm chủ quận Nhật Nam và phía trong dãy Hoành Sơn (Quảng Bình). Ở Hợp Phố và Nam Trương Giang, Đàm Ngọc Nga làm chủ Khúc Giang, quận Hợp Phố (Quảng Đông), các tướng Đào Chiêu Hiển, Đào Đô Thống, Đào Tam Lang làm chủ ở Bồ Lăng (Ô Giang, Trùng Khánh), Trần Phương Châu làm chủ Khúc Giang. Sa Giang, người Hán theo Trưng Trắc làm chủ ở Trường Sa. Đô Thiên, người Hán theo Trưng Trắc làm chủ ở Trường Sa. Như vậy, chỉ sau hai tháng, dưới sự lãnh đạo của Trưng Trắc, Trưng Nhị và các tướng lĩnh, nhân dân Bách Việt đã vùng dậy lật đổ ách thống trị của nhà Đông Hán, làm chủ 65 thành trì từ Nam Trường Giang, Ngũ Lĩnh đến tận Hoành Sơn quận Nhật Nam.
IV
Sau chiến thắng Luy Lâu và đồng khởi thắng lợi ở bốn quận Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Trưng Trắc cắt quân và các tướng lĩnh trấn trị Luy Lâu, trấn trị canh giữ các vùng đất và bốn quận, nhất là các quận và các vùng đất Nam Trường Giang, giáp lãnh thổ Bắc Trường Giang của nhà Hán, đề phòng quân Hán phản công. Cắt đặt đâu vào đấy xong rồi Trưng Trắc nhanh chóng kéo quân về Mê Linh để giải quyết những công việc cấp bách mà đất nước vừa được giải phóng cần phải làm.
Một ngày đầu tháng 3 năm 40 cũng tại Đại sảnh đường Mê Linh, Trưng Trắc và các tướng lĩnh họp để luận bàn những công việc hệ trọng của đất nước vừa mới được giải phóng. Mở đầu,Trưng Trắc nói:
-Trong hai tháng vừa qua, nhờ sự cố gắng và tài trí của các tướng lĩnh, nhờ sự chiến đấu hy sinh anh dũng của các nghĩa binh, nhờ sự đồng lòng nổi dậy của nhân dân bách tính, chúng ta đã giải phóng được đất nước khỏi ách thống trị tàn bạo của giặc Hán từ Hợp Phố phía Bắc đến Nhật Nam ở phía Nam. Chúng ta đã độc lập và làm chủ nước nhà, kế tục được chí khí của các bậc tiên liệt Hùng Vương thuở trước. Nay chúng ta đang đứng trước những công việc to lớn để xây dựng và bảo vệ giang sơn gấm vóc. Xin các tướng lĩnh bàn bạc xem chúng ta cần phải làm gì.
Trong đại sảnh hầu hết là các nữ tướng mặt hoa da phấn, rất ít tướng nam nhi. Nhưng người đứng lên xin nói đầu tiên lại là một tướng đàn ông. Mọi người nhìn ra thì đó là tướng Hoàng Cống, quê ở huyện Câu Lậu, quận Giao Chỉ, văn võ song toàn, thường hay tâu lên Trưng Trắc những mưu lược nên được mọi người gọi là “quân sư”:
-Bẩm Chủ soái, nay chúng ta đã làm chủ được đất nước rộng lớn. Đã là quốc gia đất nước thì phải có vua, phải có kinh đô, phải có quốc hiệu, phải đặt chức vụ, tước hiệu quan chức cao thấp để thực thi sự cai trị, thực thi những công việc của nhà nước. Vậy nên xin chủ soái lên ngôi vua để bên ngoài thì độc lập sánh ngang Đông Hán, nói lên sự tự cường độc lập, bên trong thì lấy uy quyền pháp lệnh để ban bố những mệnh lệnh, chiếu chỉ, pháp luật để thiên hạ tuân theo, có trên, có dưới thì mới điều hành được đất nước.
Quân sư Quý Lan đứng dậy tiếp theo Hoàng Cống:
-Em hoàn toàn tán thành chính kiến của quân sư Hoàng Cống. Xin Chủ Soái lên ngôi thì mới có danh chính ngôn thuận để trị vì đất nước.
Cả đại sảnh gần 100 tướng soái đồng thanh:
-Mong Chủ Soái đăng quang để đáp lòng mong mỏi của trăm họ.
Tiếp đó tiếng hô vang đại sảnh;
-Kính mời Chủ Soái đăng quang.
Trưng Trắc nói;
-Cảm ơn chư vị tướng quân. Ta không có ý muốn làm vua, chỉ vì thù nhà nợ nước mà phải kêu gọi bách tính vùng lên. Nay đúng là có nước rồi thì phải có vua, một là nối lại nghiệp lớn của liệt Tổ liệt Tông là các vua Hùng, thứ hai là lấy danh phận mà cai quản đất nước, cùng bách tính xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, thứ ba là tổ chức rèn luyện sức mạnh đất nước chống ngoại xâm vẫn đang thường xuyên bị đe dọa.
Nghe Trưng Trắc đồng ý đăng quang, cả đại sảnh vang lên tiếng hò reo vui mừng của các tướng lĩnh.
Ngay hôm sau tại gần Tổng hành dinh Mê Linh, một cái nền đất vuông vức rộng rãi được đắp cao lên, ba mặt của đài cắm cờ màu vàng có chữ Hùng Lạc. Trên nền đặt bàn thờ lớn hình chữ nhật. Trên bàn đặt bài vị Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ và 18 vua Hùng, 21 lư hương, 21 ngọn đèn dầu. Phía sau bàn thờ là chiếc trống đồng to lớn được đặt trên bàn cao hơn tượng trưng cho trời đất, cho quyền uy thần thánh. Phía trước lễ đài là một bãi rộng, giữa bãi rộng là con đường rộng dẫn tới lễ đài, Hai bên đường là hai hàng cột thẳng tắp treo cờ vàng bay phấp phới. Quanh lễ đài, những người lính quân phục màu nâu, đầu đội mũ có gắn lông chim, tay cầm những ngọn giáo dài đứng nghiêm trang. Trên bãi rộng, quân đội quân phục nâu gướm giáo sáng lòa đứng nghiêm theo đội hình quân doanh của mình. Cờ đỏ, cờ vàng rợp trời đất. Chung quanh quân đội là nhân dân Mê Linh và các vùng lân cận, đàn ông đàn bà già trẻ, đủ loại trang phục đẹp đứng đông vô kể bạt ngàn về dự lễ đăng quang. Sáng tháng ba, khí trời mát mẻ, gió vẫn se lạnh nhưng đã có ánh nắng ửng hồng phía trời đông. Những lá cờ vàng tung bay phấp phới. Trên trời cao mây trắng nhởn nhơ. Những đàn chim tung cánh bay về phương Nam xa vời.
Trên nền cao, nữ tướng Hồng Nương xuất hiện mặt hoa da phấn, võ phục màu nâu, áo giáp đồng, mũ nhọn đồng, gươm lớn đeo bên hông ra cúi chào và hô to:
-Kính mời Chủ Soái lên làm lễ tế trời đất, thiên địa, thánh thần và liệt Tổ liệt Tông.
(Còn nữa)
CVL