Nhà báo Đỗ Quảng: Người viết điếu văn cho chính mình

Nói đến Đỗ Quảng, trong giới báo chí có lẽ nhiều người biết bởi ông là tác giả hàng trăm bài phóng sự, điều tra khá nổi tiếng đăng trên Báo Nhân dân và các báo khác gây xôn xao dư luận vào những thập niên cuối của thế kỷ trước. Ông luôn có mặt ở những nơi mà người ta vẫn quen gọi là "mũi nhọn của cuộc sống" và viết về những vấn đề nóng, được xã hội quan tâm.

Viết văn, làm thơ được người đọc nhớ đã là khó. Những bài báo mà khiến họ không quên còn khó hơn. Rất nhiều thiên phóng sự của Đỗ Quảng cho đến hôm nay, đã qua đi hàng mấy chục năm nhưng nhiều bạn đọc vẫn còn nhớ. Đó là bài viết về nhóm gián điệp phản động, chống phá Nhà nước ta đứng đầu là Hoàng Cơ Minh. Đó là những bài có tên: "Thật giả sừng tê giác", "Đi chợ chó", "Nghề viết điếu văn thuê", "Thầu cưới", "Nhọc nhằn xe ôm", "Đêm bóng mờ", "Khát con", "Rủ nhau đi chơi chứng khoán", "Buổi sáng nhảy đầm", "Hiền sĩ trong nhà"…

z4212718797419-448a88e80bb310589ea3c1238e9fd791-1679814016.jpg

Nhà báo Đỗ Quảng (người đứng ngoài cùng bên phải) cùng một số đồng nghiệp

Chỉ đọc cái "tít", người ta đủ thấy Đỗ Quảng đã để tâm đến rất nhiều chuyện đời thường của xã hội mà hàm chứa rất nhiều ý nghĩa nhân văn. Ngòi bút của ông luôn sắc sảo, góc cạnh, khoét đến tận cùng nội dung khiến người đọc luôn bị ám ảnh lớn. Ông viết về đủ mọi chuyện từ lớn lao mang ý nghĩa chính trị, xã hội ở tầm vĩ mô đến những chuyện lặt vặt như ở dưới đáy xã hội (tắm ôm, quán bar, xe ôm…)

Nhà báo Đỗ Quảng: Người viết điếu văn cho chính mình -0

Nhà báo Đỗ Quảng

Đỗ Quảng không thoái thác mà còn thấy hào hứng khi tìm đến những vấn đề "nóng" nhưng luôn bị cho là "nhạy cảm", viết ra rất dễ phải "cất kho", không được sử dụng hoặc nếu có thì cũng cắt, cúp những ý tâm đắc nhất. Có lẽ suốt đời làm báo của mình, không bao giờ ông có thể quên số phận thiên phóng sự của mình có tên "Âm mưu của kẻ thù và số phận những người trốn bỏ Tổ quốc".

Một "sê ri" 10 bài liền viết về cuộc di tản của những người nhẹ dạ cả tin, kỳ vọng đi tìm vùng đất hứa ngoài Tổ quốc. Mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để kỳ công thâm nhập, tìm hiểu sự việc này xảy ra vào những năm cuối thập niên 70, đầu 80 của thế kỷ trước ở nước ta, cuối cùng ông đã hoàn thành được thiên phóng sự.

Báo Nhân Dân - là báo nhà, nơi tác giả làm việc do e ngại nhiều điều đã không đăng. Đỗ Quảng phải gửi sang Báo Độc Lập - cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ khi ấy. Tại đây có vị Tổng biên tập là nhà thơ Ngô Quân Miện đọc liền mạch thiên phóng sự 10 bài rất thích thú nhưng cũng vẫn e ngại dùng. Tuy nhiên, vì thấy rất tiếc nếu không đăng, để thiên phóng sự không đến được với bạn đọc. Vị quyết định đưa ra trao đổi tập thể Ban Biên tập. Ai cũng thấy tiếc nếu phóng sự bị bỏ. Và cuối cùng, Tổng biên tập đã ký cho đăng, không một chút run tay.

Sau đó, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng cho đọc liền 10 buổi trong chương trình Đọc truyện đêm khuya. Không ngờ thiên phóng sự đạt hiệu quả nằm ngoài sự chờ đợi của tác giả và tờ báo: Đoạt giải Nhất báo chí của Hội Nhà báo tổ chức năm đó (1983). Đỗ Quảng được Bộ Công an trao tặng Huy chương "Vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc".

Tác giả còn được Bộ trưởng Bộ Công an tặng thưởng riêng là chiếc máy ảnh quý và chiếc đồng hồ RADO. Đáng nói là buổi lễ trao giải thưởng báo chí lần đó lại được diễn ra tại địa điểm hội trường Báo Nhân dân - nơi tác giả Đỗ Quảng công tác và cũng là nơi đã từ chối không đăng thiên phóng sự nổi tiếng được giải thưởng lớn nhất này.

Một trong những phẩm chất hàng đầu của một nhà báo chân chính đích thực là có dũng khí và trung thực, không bẻ cong ngòi bút bởi bất cứ một mục đích nào. Tôi cảm phục Đỗ Quảng khi biết rõ ông đã từng viết nhiều bài phanh phui nhiều vụ tiêu cực, tham ô, tham nhũng của nhiều quan chức cỡ "bự", luôn bị đe dọa tính mạng.

Đặc biệt ấn tượng là bài bênh vực một nạn nhân bị oan trong một vụ án ngang trái mà kẻ hầu tòa là viên trung tá hải quân của quân lực Việt Nam Cộng hòa có tên Nguyễn Thanh Lân (chồng cũ của minh tinh màn bạc nổi tiếng Thẩm Thúy Hằng, còn có biệt danh "Người đẹp Bình Dương"). Còn người xét xử ngồi ghế Thẩm phán là những quan tòa có thế lực rất mạnh. Cuối cùng, bằng sự phân tích vô tư, sắc sảo, Đỗ Quảng đã góp phần làm đảo ngược lại "thế cờ": Bị can được trắng án, bồi thường, kẻ xét xử bị truy tố và đi tù vì tội nhận hối lộ.

Sau vụ này, nạn nhân Nguyễn Thanh Lân từ Mỹ về Sài Gòn đã lặn lội ra Hà Nội, tìm đến Báo Nhân dân để cảm ơn tờ báo đã có một nhà báo trung trực, viết bài góp phần trả lại công lý cho người bị hại. Sự việc đã nâng thêm uy tín của Báo Nhân dân và cá nhân Đỗ Quảng đối với dư luận trong và ngoài nước. Tiếc rằng thực tế cho thấy chưa có nhiều những cây bút báo chí có dũng khí, bản lĩnh như Đỗ Quảng sẵn sàng bảo vệ kẻ yếu thế. Thường thì dễ ngược lại vì như vậy người viết sẽ an toàn, thậm chí còn có nhiều lợi lộc hơn.

Nhà báo Đỗ Quảng: Người viết điếu văn cho chính mình -0

Bìa tập sách “Nước mắt nụ cười” của nhà báo Đỗ Quảng.

Trở lại cái "tít" của bài báo - chuyện Đỗ Quảng viết điếu văn cho mình. Số là cách đây mấy năm, nhà báo bị ung thư dạ dày, phải nằm bệnh viện điều trị dài ngày. Tiên liệu lúc đầu rất xấu. Khả năng sống chỉ vài phần trăm. Trong cuộc đời mình, từng đã quá nhiều lần dự các đám tang, nghe nhiều điếu văn, ông thấy tất cả đều giống nhau dành cho mọi đối tượng thuộc đủ mọi thành phần, tầng lớp xã hội. Bài nào cũng sau phần "trích ngang lý lịch" là tụng ca, khen ngợi, làm đẹp lòng người đã khuất và những người liên quan còn ở lại mặc dù sự thật chưa xứng được như vậy. Đỗ Quảng không muốn mình rơi vào tình trạng như thế nên đã quyết định tự viết điếu văn cho mình vì biết mình không còn sống được bao lâu, thời gian trên cõi tạm chỉ còn tính bằng ngày. Ông ngỏ lời nhờ một nhà báo trẻ thân thiết với ông sẽ đọc trong đám tang sau khi mình nhắm mắt.

Trong tập sách "Đỗ Quảng nước mắt, nụ cười" in các phóng sự trong đời làm báo của ông xuất bản năm 2020 có bài điếu văn này. Ông không nói gì về công trạng, thành tích của mình mà chỉ bày tỏ lòng biết ơn cuộc đời, ơn tờ Báo Nhân dân, nơi mình công tác suốt 40 năm đã tạo điều kiện cho mình sống, làm việc để thành một nhà báo. Ông bày tỏ nỗi nhớ, tình cảm sâu nặng với nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã đồng hành, chia sẻ với mình trên bước đường sự nghiệp và trong cuộc sống. Đúng là khác hẳn mọi điếu văn ta vẫn thường thấy tại các đám tang, không có phần kể lể lý lịch, thành tích công tác và những lời tụng ca. Bản điếu văn của ông toát ra một âm hưởng lạc quan, dào dạt tình người, tình đời thật nhân văn, bình dị mà ấm áp, sâu sắc như con người, tính cách của ông vậy.

Nhưng cái "số" của ông gặp may. Trời yêu, thương, muốn ông tiếp tục ở thêm nơi cõi tạm, chưa muốn ông về chốn vĩnh hằng vì vẫn cần cho đời do còn tâm huyết, vẫn nguyên vẹn nghị lực, ý chí và nhất là có một kho kinh nghiệm nghề nghiệp phong phú có ích cho các thế hệ nhà báo lớp con, cháu kế tiếp. Đỗ Quảng qua cơn hiểm nghèo. Thật phúc đức, ông rơi được vào vài phần trăm còn lại của sự sống sau ca phẫu thuật kéo dài hàng chục giờ để hôm nay trở lại bình thường. Ông vẫn đang được nhiều tổ chức kinh tế ở trong và ngoài nước mời làm Giám đốc truyền thông. Đã ngoài 80 tuổi, tuy tạng người gầy yếu, hom hem nhưng vẫn viết lách bình thường, lên xuống cầu thang bộ ở tầng 5 mỗi ngày, trí não còn minh tiệp. Vẫn có thể thù tạc, bù khú với bè bạn cả buổi không biết mệt, vẫn tranh cãi quyết liệt, nảy lửa khi cần thiết.

Tôi nghe danh Đỗ Quảng từ lâu nhưng chỉ mới tiếp xúc và giao du gần đây khi chúng tôi cùng lui tới cộng tác với Thời báo Văn học nghệ thuật (cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội VHNTVN). Tôi viết lách thường xuyên, còn ông được mời làm cố vấn đặc biệt. Bên trong cái vẻ bên ngoài có phần hơi bụi bậm, ngang tàng, bất cần, coi mọi thứ chẳng là "cái đinh" gì mà chỉ là phù du là cả một tâm hồn phong phú, giàu nhân ái với tính cách ngay thẳng, bộc trực, trung hậu.

Bài điếu văn ông viết sẵn cho mình, đã nhờ và có người đã nhận đọc trong khoảnh khắc mọi người tiễn ông về Trời. Mong rằng còn lâu, rất lâu nữa, người bạn ông nhờ mới phải giúp ông cái việc chẳng mong muốn này.