Vai trò của tập huấn FBS trong dự án các Trung tâm Đổi mới sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam tại đồng bằng sông Cửu Long

Mặc dù Dự án GIC triển khai mới được một thời gian ngắn nhưng đã góp phần vào việc thúc đẩy, triển khai hỗ trợ có hiệu quả các chính sách về phát triển nông nghiệp bền vững tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và qua đó cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho người dân. Trong đó, vai trò đặc biệt quan trọng của tập huấn FBS trong dự án các Trung tâm Đổi mới sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam tại đồng bằng sông Cửu Long. Để rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn.

PV: Ông đánh giá thế nào về sự phù hợp và các đóng góp của dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh Việt Nam vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại 6 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long?

Ông Lê Đức Thịnh: Dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam (GIC) sẽ góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững tại các huyện được chọn thuộc 6 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long qua việc thúc đẩy xây dựng, phát hiện và áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Đồng thời, dự án GIC Việt Nam sẽ góp phần đạt được các mục tiêu của Sáng kiến toàn cầu liên quan đến gia tăng thu nhập và việc làm, thúc đẩy kinh doanh và thích ứng với các rủi ro khí hậu đã được dự báo, chấm dứt đói nghèo và suy dinh dưỡng.

le-duc-thinh-16138802416481217514959-1672240294.jpg
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn

Dự án cũng sẽ sử dụng phương pháp tiếp cận nhiều cấp để tư vấn, nâng cao năng lực cho các đối tác thuộc khu vực nhà nước như các cơ quan hoạch định chính sách, các đơn vị cung cấp dịch vụ công, tổ chức quần chúng, tư nhân v.v. trong công tác phát hiện, thúc đẩy, nhân rộng và quản lý các ĐMST nhằm phát triển chuỗi giá trị lúa gạo và xoài bền vững tại ĐBSCL và khởi xướng các biện pháp liên kết vùng. Dự án đặc biệt quan tâm tới hoạt động trao đổi các kinh nghiệm và thực hành ĐMST hay nhất giữa các nước trong chương trình hợp tác Nam – Nam và Nam – Bắc, qua đó chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường năng lực chuyên môn và các kỹ năng quản lý cần thiết để lồng ghép các giải pháp ĐMST vào phát triển các chuỗi giá trị toàn diện và bền vững, lan toả kinh nghiệm ra khỏi biên giới của Việt Nam đến các Dự án Trung tâm ĐMST ở các nước khác (đặc biệt các nước Châu Phi có tham gia chương trình này). Dự án cũng giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong nhóm Lúa gạo trong khuôn khổ Sáng kiến toàn cầu, bao gồm các dự án tại các quốc gia: Mozambique, Nigeria, Ghana, Burkina Faso, Benin và Mali. Các quốc gia này sẽ được hưởng lợi từ những thành quả mà Việt Nam đạt được trong việc thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở Việt Nam. Ở chiều ngược lại, các đối tác quốc gia của dự án (các cơ quan hoạch định chính sách, các Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, v.v.) cũng được hưởng lợi từ việc tham gia vào các hoạt động trao đổi quốc tế trong các chương trình hợp tác Nam – Nam và Nam – Bắc.

db-song-cuu-long-1672207180.jpg

Dự án (GIC) sẽ góp phần phát triển nông thôn bền vững tại các huyện được chọn thuộc 6 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Bên cạnh việc nâng cao năng lực của các cơ quan khuyến nông, Dự án sẽ vận dụng nhiều hoạt động như các hội thảo, hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia, các diễn đàn ĐMST, các cổng thông tin internet và phương pháp thông tin, truyền thông sáng tạo khác để truyền thông về hoạt động và kết quả của dự án. Dự án tại Việt Nam giải quyết các vấn đề theo chuỗi giá trị từ người sản xuất đến người tiêu dùng nên công tác truyền thông sẽ bao gồm cả các lĩnh vực chất lượng sản phẩm và xét nghiệm dư lượng hóa chất.

Chương trình định hướng xoay trục chiến lược phát triển nông nghiệp ĐBSCL sang thủy sản - trái cây - lúa gạo gắn với các tiểu vùng sinh thái, phát triển ĐBSCL thành vùng cung cấp quan trọng các mặt hàng chủ lực này cho thị trường thế giới; tăng tỷ trọng GTSX ngành thủy sản trong cơ cấu GTSX NLTS; tăng tỷ trọng GTSX trái cây, giảm tỷ trọng ngành lúa gạo trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, phát triển các ngành hàng khác theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP để đa dạng hóa hệ thống sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, kết hợp phát triển vùng ĐBSCL thành vùng du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái đặc thù; tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo đột phá để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho nông sản cũng như tăng khả năng thích ứng với BĐKH; tập trung giải quyết ba khâu yếu kém nhất trong nông nghiệp ở ĐBSCL là giống, thức ăn và chế biến; khuyến khích phát triển năng lượng sạch phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của vùng bao gồm năng lượng mặt trời, điện gió ở các vùng ven biển Bạc Liêu, Trà Vinh.

Có thể nói, Dự án GIC triển khai dù mới được một thời gian ngắn nhưng  đã góp phần vào việc thúc đẩy, triển khai hỗ trợ có hiệu quả các chính sách về phát triển nông nghiệp bền vững tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và qua đó cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho người dân.

db-soogn-cuu-long-1672207180.jpg

Dự án GIC dự kiến phối hợp chặt chẽ với các Chương trình, dự án trong khuôn khổ hợp tác song phương Đức - Việt

PV: Vậy dự án GIC sẽ phối hợp với các Chương trình, dự án khác trong khu vực như thế nào để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả?

Ông Lê Đức Thịnh: Đây là một trong những nhiệm vụ quan tâm hàng đầu của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Theo đó, dự án GIC dự kiến phối hợp chặt chẽ với các Chương trình, dự án trong khuôn khổ hợp tác song phương Đức - Việt, cũng như hợp tác với các đối tác phát triển song phương, đa phương khác, các chương trình, dự án của Chính phủ Việt Nam nhằm gia tăng tính cộng hưởng lẫn nhau đồng thời tránh trùng lắp.

Cụ thể, Dự án GIC tại Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với dự án hỗ trợ kỹ thuật song phương MCRP nhằm đảm bảo tính xuyên suốt cho vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực bằng sông Cửu Long, thông qua việc kết nối thông qua hoạt động về hệ thống sản xuất lúa và nuôi trồng thuỷ sản kết hợp tại các vùng ven biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng (bảo vệ vùng ven biển, rừng ngập mặn, giảm tác động của lũ lụt). Hay, Dự án GIC cũng sẽ tham khảo dự án hỗ trợ kỹ thuật song phương về năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng (PN 2015.2051.9) hợp tác với Bộ Công thương về vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả trong chuỗi giá trị. Cũng như sẽ phối hợp với nhiều dự án về vấn đề đa dạng sinh học khác được tài trợ bởi Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân liên bang Đức (BMU). Tương tự, Dự án GIC cũng sẽ có sự phối hợp và kết nối chặt chẽ với các dự án, chương trình khác có liên quan.

PV: Vậy dự án GIC đưa ra các giải pháp phát triển chuỗi giá trị của gạo và trái cây ở đồng bằng ĐBSCL ra sao?

Ông Lê Đức Thịnh: Mục tiêu của Dự án GIC thúc đẩy việc giới thiệu và nhân rộng các mô hình/giải pháp ĐMST thông qua nhiều sản phẩm nông nghiệp khác nhau nhằm góp phần phát triển nông thôn bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Vì vậy, Dự án GIC sẽ giúp ĐBSCL đối mặt với các vấn đề trên và thực hiện các định hướng phát triển mà Chính phủ xây dựng thông qua các giải pháp phát triển chuỗi giá trị của gạo và trái cây là hai ngành thế mạnh của  ĐBSCL như:

Xây dựng cơ chế thúc đẩy tìm kiếm, thử nghiệm và nhân rộng các giải pháp sáng tạo nhằm hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp lấy tài nguyên thiên nhiên làm trọng tâm, góp phần giảm qui mô diện tích trồng lúa theo định hướng tái cơ cấu ngành gạo, giảm diện tích trồng lúa 3 vụ xuống còn 2 hay 1 vụ đồng thời đa dạng hóa chuyển sang sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như rau củ quả hay nuôi trồng thủy sản phù hợp với thế mạnh của từng địa phương; 

Giới thiệu thử nghiệm và phổ biến nhân rộng thực hành các giải pháp sáng tạo trong đổi mới phương pháp canh tác ứng dụng công nghệ cao (như công nghệ thông tin, viễn thám, thiết bị bay không người lái, v.v.), thực hành áp dụng các tiêu chuẩn canh tác bền vững (SRP, VietGAP,...) qua đó giảm sử dụng nguyên liệu (nước, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); tăng cường năng lực công nghệ chế biến và sử dụng các sản phẩm phụ. Qua đó, giúp sử dụng tài nguyên thiên nhiên đặc biệt tài nguyên đất và nước một cách bền vững, giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của người dân trong khu vực, nâng cao chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm đáp, ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời giảm giá thành sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, thu nhập của nông dân được nâng cao.

ttxvn-xoai-dong-thap-1672240178.jpg

Dự án GIC đưa ra các giải pháp phát triển chuỗi giá trị của gạo và trái cây

Đổi mới sáng tạo trong tổ chức quản lý sản xuất theo hướng phát triển chuỗi, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành hoạt động của từng khâu trong chuỗi giá trị (ví dụ như mô hình block chain), gắn kết hiệu quả các tác nhân trong chuỗi, bao gồm liên kết ngang giữa các nông dân để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung và liên kết dọc bao gồm liên kết giữa nông dân với các đơn vị tổ chức doanh nghiệp cung ứng vật tư, công nghệ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy các phương thức kinh doanh nông sản (như các sàn giao dịch điện tử) qua đó tăng cơ hội tiếp cận thị trường và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị sản phẩm cho các tác nhân trong chuỗi giá trị. Đổi mới sáng tạo trong cải tiến, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ trong các lĩnh vực hỗ trợ cho sự vận hành và phát triển của các chuỗi giá trị (ưu tiên cho chuỗi gạo và rau củ quả). 

Ngoài ra thông qua các ứng dụng công nghệ, dự án tạo ra các môi trường mới (thông qua trang web, các diễn đàn điện tử, các ứng dụng di động, v.v.), giúp các tác nhân trong chuỗi giá trị có khả năng tương tác nhanh chóng, trực tiếp với các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị cung cấp dịch vụ công.

Tại ĐBSCL chuyển dịch cơ cấu và đổi mới tổ chức sản xuất còn chậm, các chuỗi giá trị hoàn chỉnh chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản chưa tạo được đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của vùng ĐBSCL. Năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và ứng phó với thiên tai chưa được cải thiện nhiều khi các mô hình thích ứng còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Các hệ lụy về môi trường ngày càng rõ, làm tăng tính dễ bị tổn thương. Vấn đề phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu là nhu cầu tất yếu và là việc làm cấp bách. Để phát triển bền vững và thích ứng với BĐKH, cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, tìm kiếm các mô hình công nghệ mới, công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp tại khu vực này.

PV: Xin ông có thể khái quát một số kết quả nổi bật từ Dự án GIC mang lại tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long?

Ông Lê Đức Thịnh: Mặc dù Dự án GIC triển khai mới được một thời gian ngắn nhưng  đã góp phần vào việc thúc đẩy, triển khai hỗ trợ có hiệu quả các chính sách về phát triển nông nghiệp bền vững tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và qua đó cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho người dân. 

Một số kết quả nổi bật có thể thấy, Dự án đã xác định các đổi mới trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài cho quy mô hộ gia đình: Dự án đã làm việc với các chuyên gia địa phương, đối tác kỹ thuật và phỏng vấn nông dân để xác định các đổi mới hiện có và sẵn sàng nhân rộng trên lúa và xoài. Đối với ngành lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long, có một số đổi mới để giảm thiểu tác động đến khí hậu đã được xác định như Quy trình Canh tác Lúa gạo Bền vững (SRP), phương pháp canh tác ướt & khô thay thế (AWD), Quản lý Mức Tồn dư Hóa chất Tối đa (MRL), phương pháp gieo hạt bằng máy bay không người lái, giống lúa đặc sản, Mô hình tôm - lúa thông minh với khí hậu (SRM), mô hình cánh đồng lúa lớn, thu hoạch và tái chế rơm rạ; Đối với chuỗi giá trị xoài, việc quản lý vườn cây ăn quả (GAP) và Quản lý Mức Tồn dư Hóa chất Tối đa (MRL) được xác định để thúc đẩy ở cấp hộ gia đình hoặc trang trại.

Những đổi mới trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài ở cấp độ DN và HTX: Dự án đã triển khai tìm hiểu, nghiên cứu và thảo luận với các chuyên gia và xác định các đổi mới: quản lý kinh doanh cho hợp tác xã lúa gạo, trường nông dân kinh doanh (FBS), Sản xuất biosilica từ trấu, sản phẩm phân hủy sinh học từ rơm rạ, sử dụng năng lượng tái tạo, và canh tác theo hợp đồng được xác định là nhưng đổi mới có tiềm năng để thử nghiệm và nhân rộng tại HTX lúa và các DN vừa và nhỏ. Đối với ngành xoài, trường kinh doanh xoài, giảm thất thoát sau thu hoạch, nâng cao chất lượng xoài được xác định và thúc đẩy ở cấp hợp tác xã và DN.

Mô hình kinh doanh phân bón và các sản phẩm phân hủy sinh học từ rơm rạ: IRRI tham gia vào Dự án thông qua hợp đồng dịch vụ để thiết lập các thử nghiệm và tổng kết kinh nghiệm khác nhau về mô hình kinh doanh rơm rạ. Mô hình kinh doanh thử nghiệm thu hoạch rơm rạ để sản xuất phân bón và giỏ phân hủy sinh học cho cây giống. Phân tích lợi ích chi phí đã được phát triển cho các thành phần phân bón khác nhau và các sản phẩm phân hủy sinh học. Hiện nay đã thu thập được dữ liệu để phân tích, và báo cáo thủ nghiệm sẽ được hoàn thiện sớm trong năm 2022.

Nghiên cứu khả thi các đổi mới được lựa chọn: Dự án đã sử dụng một số cách tiếp cận để đánh giá tính khả thi của các đổi mới tiềm năng trong lĩnh vực lúa gạo và xoài. (i) Cách tiếp cận đầu tiên là thực hiện các nghiên cứu phân tích chuỗi giá trị gạo và xoài toàn diện để thu thập thông tin và tham khảo ý kiến ​​của tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị để xác định và phân tích tính khả thi của các đổi mới tiềm năng. Từ phân tích chuỗi giá trị lúa gạo, một số đổi mới khả thi được đề xuất như GAP, 1M5R, nông dân trồng lúa và khởi nghiệp, canh tác theo hợp đồng, kinh tế dựa vào lúa, mô hình kinh doanh phụ phẩm, giống lúa chất lượng cao. Từ phân tích chuỗi giá trị xoài, một số sáng kiến ​​khả thi được đề xuất ở cấp nông trại như lựa chọn đầu vào, ghép cành, tỉa cành, tưới tiêu, ra hoa, bao trái và thu hoạch; ở cấp hợp tác và MSME như thu mua xoài, phân loại, phân loại, đóng gói, kiểm tra chất lượng, dán nhãn, xây dựng thương hiệu và tiếp thị; (ii) Cách tiếp cận thứ hai là tiến hành các nghiên cứu thử nghiệm, ví dụ với IRRI về thu hoạch rơm rạ và phát triển sản phẩm phân hủy sinh học. Phương pháp thử nghiệm này cũng được thúc đẩy với các công ty tư nhân và hợp tác xã thông qua chương trình iDPP, cũng như ở cấp trang trại; (iii) Cách tiếp cận thứ ba là củng cố các đổi mới tiềm năng hiện có thông qua quá trình tham vấn với các chuyên gia kỹ thuật địa phương, ngành công nghiệp và nông dân. Những đổi mới đó đã được chứng minh là phù hợp với bối cảnh địa phương và sẽ thúc đẩy thị trường.

Bên cạnh đó, Dự án đã góp phần tăng cường năng lực các tác nhân để thực hiện ĐMST; Thúc đẩy áp dụng ĐMST cho các mô hình kinh doanh nông nghiệp bền vững; Tư vấn chính sách và truyền thông để nhân rộng áp dụng ĐMST...

PV: Vâng như ông vừa chia sẻ ở trên, vai trò của tập huấn FBS trong dự án các Trung tâm Đổi mới sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam tại đồng bằng sông Cửu Long. Vậy ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?

Ông Lê Đức Thịnh:  Một trong những hoạt động quan trọng thuộc hợp phần về tăng cương năng lực các tác nhân để thực hiện đổi mới sáng tạo được triển khai là đổi mới sáng tạo trong mô hình lớp học hướng dẫn nông dân kinh doanh (FBS). Văn phòng Dự án Các Trung tâm đổi mới Sáng tạo Xanh (gọi tắt là Văn phòng Dự án GIC) đang tiến hành sử dụng tài liệu tập huấn FBS của Dự án Vùng để tổ chức tập huấn tại các tỉnh trên địa bàn Dự án. Mô hình lớp học hướng dẫn nông dân kinh doanh FBS là một nội dung đổi mới sáng tạo trong phương pháp, nội dung tập huấn được Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao, đáp ứng đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc chuyển đổi tư duy sản xuất, giúp hình thành các “nông dân chuyên nghiệp”. Nông dân chuyên nghiệp không chỉ giỏi về kỹ thuật canh tác, quy trình mà cần phải là một người kinh doanh thực thụ, tính toán được chi phí, hiệu quả để ra quyết định sản xuất, sản xuất theo nhu cầu thị trường…

thinh123-1672373886.jpg
Cục trưởng Cục KTHT và PTNT phát biểu khai mạc lới học kinh doanh cho nông dân xã Tây Phú, Thoại Sơn, An Giang ngày 18/10/2022

Từ xưa đến nay, chúng ta biết là kỹ thuật canh tác được bà con nông dân phát triển rất tốt, những lớp khuyến nông, khóa đào tạo trước đây chuyên về kỹ thuật đã được các Bộ ngành triển khai rất tốt, tuy nhiên trong bối cảnh mới về sx nông nghiệp, chúng ta đang chuyển đổi một nền nông nghiệp từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phải kinh doanh tốt, quản trị được chất lượng, hạ được giá thành rồi xây dựng được chuỗi giá trị để cạnh tranh trên thị trường thì việc trang bị kiến thức kinh doanh cho nông dân và lớp tập huấn kinh doanh cho nông dân nhằm mục tiêu phát triền nền nông nghiệp bền vững hơn, bà con nông dân tăng được thu nhập và ổn định hơn.

Để có 1 lớp tập huấn như thế này phía Bộ NN và Dự án GIC có sự chuẩn bị rất kỹ, bài giảng phải đơn giản, cụ thể, dễ hiểu, tránh tình trạng rơi vào giảng lý thuyết, khó tiếp thu. Các giảng viên phải xuất phát từ thực tiễn, nên phải có đội ngũ khá chuyên nghiệp, Dự án cũng có những lớp tập huấn cho các tiểu giáo viên ở 6 tỉnh với mục tiêu 10.000 hộ nông dân ở 6 tỉnh ĐBSCL được học kiến thức về kinh doanh nông nghiệp như thế này.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, thì Dự án đã giới thiệu các đổi mới sáng tạo giúp cải thiện các hệ thống canh tác lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần giảm lượng khí nhà kính phát thải từ canh tác lúa. Có thể kể tới các đổi mới sáng tạo như: hệ thống canh tác lúa-tôm, quản lý nước ngập khô xen kẽ và thực hiện tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững SRP. Bên cạnh đó, các nông dân và hợp tác xã được tập huấn nâng cao khả năng kinh doanh. Dự án sử dụng phương pháp đào tạo chính là các Lớp học Kinh doanh cho nông dân để hỗ trợ nông dân hiểu rõ hơn về kinh doanh nông nghiệp và xác định chiến lược đúng đắn để cải thiện thu nhập. GIC cũng tập huấn và tư vấn cho các hợp tác xã, hỗ trợ họ cải thiện các dịch vụ nông nghiệp và liên kết với thị trường.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2022 hiện các địa phương thuộc dự án GIC đã tập huấn lớp học kinh doanh cho 7990 nông dân; dự kiến năm 2023 sẽ tiếp tục tập huấn cho 5.037 nông dân. Các lớp học kinh doanh cho nông dân được nông dân đón nhận tham gia nhiệt tình, hào hứng nhiều tình đã có kế hoạch nhân rộng tập huấn cho các nông dân trong tỉnh ngoài vùng dự án.

Với vai trò là tổ chức dẫn dắt kinh tế hộ nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX đã và đang trở thành địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp tìm đến liên kết. Vì thế, việc tuyên truyền, tập huấn và thúc đẩy các HTX tham gia cũng như bà con nông dân ứng dụng các đổi mới sáng tạo trong canh tác và sản xuất lúa gạo, đặc biệt là áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật và phương pháp canh tác Thực hành nông nghiệp tốt ( GAP) và 1 phải 5 giảm sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, đồng đều và giá trị cao hơn.

1P5G là tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa và khắc phục được những hạn chế của phương pháp "3 giảm, 3 tăng". Trong đó: 1 phải là Sử dụng giống xác nhận, 5 giảm là: giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc BVTV, giảm nước và giảm tổn thất sau thu hoạch.

Tại 6 tỉnh mà Dự án GIC triển khai, phương pháp canh tác lúa 1P5G là một trong những nội dung trọng tâm được Sở NN&PTNT các địa phương tuyên truyền và tập huấn cho nông dân áp dụng và được đánh giá sẽ mang lại nhiều ý nghĩa góp phần quan trọng cho phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL.