Nông nghiệp có cơ hội phát triển bền vững từ ứng dụng công nghệ 5.0

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ 5.0 sẽ gợi mở tầm nhìn về một nền nông nghiệp hiệu quả, năng suất cao, trong đó sự hợp tác của con người với khoa học - công nghệ được đề cao. Hàng chục triệu nông dân sẽ được tiếp cận, đào tạo kỹ năng để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, tạo đà cho sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà.

nong-nghiep-thong-minh-xu-the-ta-1721728248012-1721812290.jpg

Nông nghiệp có cơ hội phát triển bền vững từ ứng dụng công nghệ 5.0. Ảnh Internet

Tại "Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 23.7, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao. 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ GDP của ngành đạt 3,38% cao nhất trong 5 năm gần đây; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 29,2 tỷ USD tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong bối cảnh nhiều cơ hội nhưng cũng đầy cam go do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nông nghiệp Việt Nam không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên; do đó cần thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Việc tiếp cận phát triển nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hóa đang là một trong những xu hướng tất yếu - đang được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.

Đồng thời, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, yêu cầu đặt ra là tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước trong khi nông nghiệp Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức. Hiện năng suất đến ngưỡng, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, tiêu, cá tra… đều đạt năng suất kỷ lục thế giới, trong khi nguồn lực tự nhiên suy giảm; đất canh tác khó có thể mở rộng hơn hoặc phải chuyển đổi thành đất đô thị hoặc suy thoái dần; thiếu nước. Bên cạnh đó, thách thức từ những quy định mới của các nước về an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật về môi trường, tiêu biểu nhất quy định mới về chống phá rừng ở châu Âu... Nếu giữ hệ thống và áp dụng khoa học công nghệ như hiện tại thì sẽ là nỗi lo cho ngành nông nghiệp.

Trước 3 chữ "biến" của ngành nông nghiệp là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng, theo ông Tuấn, phương châm chính và cách tiếp cận của ngành nông nghiệp đưa ra là tạo ra giá trị nhiều hơn từ việc sử dụng ít đầu vào hơn, ít tài nguyên thiên nhiên hơn, ít sức lao động hơn và tạo ra giá trị cao hơn. Muốn làm được điều đó, chỉ có cách tận dụng thành tựu của khoa học - công nghệ, trong đó nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra nền kinh tế có giá trị cao hơn, xanh hơn, sạch hơn.

Nhằm thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao Đặng Kim Sơn đề xuất, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực. Áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, nhanh chóng đổi mới cơ chế và hoàn thiện hệ thống tổ chức của các viện nghiên cứu và trường đại học, thực sự gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo, tạo động lực để cán bộ khoa học tập trung vào sáng tạo, quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của sản phẩm khoa học...

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan có liên quan sẽ tham mưu đổi mới chính sách có tính tới sự phối hợp bộ, ngành về chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng tạo sức bật trong tập trung ruộng đất, quỹ đất vừa đủ cho doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành phụ trợ…; chính sách tín dụng; chính sách thuế minh bạch rõ ràng; chính sách nghiên cứu khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực…