Nông nghiệp đô thị - Khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam

1. Giới thiệu

Kể từ khi lịch sử ghi nhận có sự tồn tại của Thành phố thì đồng thời cũng có khái niệm nông nghiệp đô thị và ven đô (NNĐT). Tuy nhiên, “Vườn treo Babilon” cách đây khoảng 2500 năm, nằm ở Hillah, Babil, cách thủ đô Baghdad, Iraq khoảng 85 km về phía Nam có lẽ là mô hình NNĐT lâu đời nhất trên thế giới. Hiện nay, vai trò của NNĐT ngày càng tăng thêm cùng với việc mở rộng quy mô các thành phố, đặc biệt tại các nước đang phát triển và kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên, phải từ 1990, khái niệm NNĐT mới được sử dụng rộng rãi trên các diễn đàn quốc tế.

Hiện nay có rất nhiều định nghĩa về NNĐT, song định nghĩa đơn giản và dễ hiểu nhất có lẽ là của FAO (2016): Nông nghiệp đô thị là trồng trọt và chăn nuôi trong và xung quanh thành phố để cung cấp thực phẩm tươi sống, tạo việc làm, tái chế chất thải và tăng cường khả năng phục hồi của thành phố trước biến đổi khí hậu[1]. Tuy nhiên, các hoạt động trong NNĐT tại Việt Nam có thể rộng hơn, bao gồm: i) Sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (Bao gồm cả động vật, chim, cá cảnh); ii) Sản xuất hàng hóa không phải lương thực, thực phẩm (bao gồm hoa chậu, hoa cắt cành, hoa thảm), cây cảnh, cây xanh đô thị; iii) chế biến và thương mại các nông sản và phi nông sản; iv) xử lý chất thải làm phân bón; v) Xử lý và tái sử dụng nước thải; và vi) Các hoạt động khai thác khoảng trống trong công viên, khu đất quy hoạch chưa sử dụng hoặc quy hoạch treo, mặt ao, hồ nước, mặt sông thậm chí ban công, mái nhà đều có thể coi là các hoạt động của NNĐT.

nndt-1722399507.jpg

Phát triển nông nghiệp đô thị Việt Nam

Như vậy, nói đến NNĐT có thể dùng chung cho cả nông nghiệp trong nội đô (urban) và vùng ven đô (peri-urban), song cũng có thể tách riêng Nông nghiệp nội đô và Nông nghiệp ven đô. Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng khải niệm NNĐT theo nghĩa rộng, bao gồm cả nông nghiệp nội đô và ven đô.

Cũng cần nói thêm, khái niệm “nông nghiệp” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng (tương tự như cụm từ “Nông nghiệp” trong Bộ Nông nghiệp và PTNT), bao gồm cả sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp); bảo quản, chế biến và thương mại nông sản; xử lý ô nhiễm môi trường do sinh hoạt, sản xuất, chế biến nông sản gây ra và cuối cùng là tạo thêm công ăn việc làm.

Với tầm quan trọng của NNĐT, từ những năm 1990 của thế kỷ trước, FAO đã đưa ra nhiều sáng kiến để thúc đẩy phát triển NNĐT trên phạm vi toàn cầu như Chương trình Lương thực, thực phẩm cho các thành phố (Food for Cities); Chương trình phát triển thành phố xanh hơn (Growing Greener Cities program), hay Chương trình nghị sự cho lương thực-thực phẩm đô thị (Framework for the Urban Food Agenda) cũng như sáng kiến Thành phố xanh (Green Cities Initiative). Tại Việt Nam, tuy chưa có các đề án hay chương trình cụ thể cấp quốc gia về NNĐT, nhưng các tỉnh, thành phố đều bắt đầu có các chính sách cho phát triển nông nghiệp đô thị (có thể dưới các tên khác nhau như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh...). Gần đây, 2 thành phố lớn còn ban hành đề án phát triển NNĐT (Quyết định số 5568/QĐ-UBND ngày 01/11/2023 của UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt “Đề cương Đề án nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội” và Quyết định số 6002/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt “Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

2. Vai trò và tầm quan trọng của NNĐT

Tuy nông nghiệp không đóng góp tỉ trọng lớn trong GDP của các đô thị (dưới 5% tại các đô thị lớn), song luôn giữ vai trò rất quan trọng, không chỉ ở cung cấp lương thực thực phẩm, bảo vệ môi trường…mà còn đảm bảo tính ổn định về an sinh xã hội, đặc biệt khi có biến động về chiến tranh, khủng khoảng kinh tế, dịch bệnh.

Hiện nay, cư dân đô thị tăng nhanh theo mức độ đô thị hóa, do đó nhu cầu về lương thực thực phẩm của các thành phố cũng tăng lên. Theo dự báo của LHQ, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ đạt 9,1 tỷ người, cao hơn 34% so với hiện nay và khoảng 70% sẽ là người thành thị (so với 49% hiện nay). Còn tại Việt Nam, dân số sẽ đạt 100 triệu người trong năm 2024. Cơ cấu cư dân thành thị cũng tăng rất nhanh. Nếu năm 1990, tỉ lệ dân số thành thị là 19,51% thì con số này đã tăng lên 36,76% (2020), tức là gần gấp 2 lần trong 30 năm. Dự báo tỉ lệ này sẽ vượt 50% sau năm 2030. Như vậy, việc cung ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho cư dân đô thị (chưa kể du lịch và khách vãng lai) sẽ là áp lực lớn.

Phát triển NNĐT còn giúp tạo công ăn việc làm ổn định cho cư dân của chính đo thị đó. Theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 05 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về phân loại đô thị thì ngay đô thị đặc biệt như Hà Nội vẫn còn khoảng 30% lao động nông nghiệp nói chung, và 10% trong nội đô.

Ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ, một lý do khác cho sự cần thiết phát triển NNĐT chính là vấn đê vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu ở Nông thôn từng có (và có thể vẫn còn) tình trạng “Rau 2 luống, lợn 2 chuồng” thì NNĐT chính là giải pháp phòng tránh tốt nhất ngộ độc thực phẩm vốn đang tăng nhanh[2]

Như vậy, việc tăng cường phát triển NNĐT sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề cho xã hội. Có thể kể đến vai trò chính của NNĐT như sau:

i) Cung cấp bổ sung lương thực, thực phẩm, giảm áp lực cung ứng từ nông thôn và nhập khẩu, nhất là trong thời gian đứt gãy chuỗi cung ứng do chiến tranh, dịch bệnh.

ii) Tạo ra chuỗi cung ứng ngắn, nông sản được tiêu thụ trực tiếp do vậy giảm chi phí cho bảo quản, chế biến, giảm thất thoát và lãng phí nông sản.

iii) Giảm ô nhiễm môi trường do giảm lượng khí thải từ phương tiện vận chuyển, giảm năng lượng do bảo quản chế biến, giảm ô nhiễm bao bì đóng gói mà hiện tại chủ yếu sử dụng vật liệu nhựa.

iv) Tăng cơ hội tuần hoàn hữu cơ, dinh dưỡng, nước thông qua tái sử dụng chất thải, nước thải sinh hoạt, phụ phẩm sản xuất, qua đó giảm chi phí sản xuất và dần tiến tới mô hình sản xuất không chất thải.

v) Tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, kể cả cho người lớn tuổi, trẻ em

vi) Tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch; không gian văn hóa, kể cả hạn chế ô nhiễm khu dân cư, khu công nghiệp, hoạt động chăn nuôi, nghĩa trang…

vii) Bảo tồn các nguồn tài nguyên di truyền bản địa, đặc hữu… tạo tiền đề cho phát triển du lịch (du lịch sinh thái, nông nghiệp), hỗ trợ quảng bá sản phẩm OCOP

viii) Giảm stress sau một ngày/tuần lao động mệt nhọc.

3. Tồn tại trong phát triển NNĐT tại Việt Nam

i) Tồn tại lớn nhất và cũng là thách thức lớn nhất cho phát triển NNĐT ở Việt Nam chính là “chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai. Công tác quy hoạch thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp..; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện”.[3] Chính nguyên nhân này đã làm cho NNĐT cũng bị ảnh hưởng, thiếu quy hoạch và không ổn định.

ii) Tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Tỷ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020 và sẽ tăng lên tối thiểu 45% nào năm 2025 và đến năm 2030 đạt trên 50%. Theo xu thế này, số lượng và quy mô đô thị cũng tăng theo. Đến cuối năm 2020, nước ta đã có 862 đô thị các loại, trong đó có 79 thành phố trực thuộc tỉnh, 5 thành phố trực thuộc trung ương và 1 thành phố thuộc thành phố. Dự báo, đến năm 2025 sẽ có 950 - 1.000 đô thị và đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị[4]. Như vậy, biến động số lượng đô thị qua việc thị trấn nâng lên thành thị xã, thị xã lên thành thành phố, thậm chí Quận lên thành phố (Thủ Đức chẳng hạn) sẽ còn tiếp tục xảy ra làm cho NNĐT cũng bị ảnh hưởng theo.

iii) NNĐT của Việt Nam hiện đang phát triển mang tính tự phát. Đến nay chưa có một chủ trương, chính sách chính thức nào của Nhà nước liên quan đến NNĐT. Hai thành phố lớn nhất của cả nước thì TP Hồ Chính Minh mới phê duyệt “Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị vào ngày 29/12/2023 và có thể nói chưa thể đi vào cuộc sống. Riêng thành phố Hà Nội cũng mới chỉ phê duyệt “Đề cương Đề án nông nghiệp đô thị” mà chưa có đề án chính thức. Chính vì vậy, có thể nói chưa hề có quy hoạch, chiến lược, đề án hay chương trình nào cho phát triển NNĐT ở Việt Nam

iv) Hiện nay, kinh tế khu vực đô thị của Việt Nam đóng góp rất lớn vào cơ cấu GDP cả nước, năm 2020 tỉ lệ này chiếm khoảng 70 và dự kiến tăng lên 75% vào năm 2025 và  85% vào năm 2030[5]. Tuy nhiên, đóng góp của NNĐT trong GDP của các thành phố, mặc dù chưa có số liệu thông kê, song chắc chắn còn rất thấp.

v) Diện tích đất, mặt nước phù hợp cho phát triển Nông nghiệp nội đô rất hạn chế, thậm chí các ao hồ, công viên cây xanh cũng bị san lấp, thu hẹp. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực. Hệ thống xử lý chất thải và nước thải kém nên nước mặt gần như không thể sử dụng cho sản xuất NNĐT. Ngày càng xuất hiện nhiều các hồ, sông và kênh rạch “chết”.

vi) Tại vùng ven đô, thiếu sự gắn kết theo chuỗi sản xuất và cung ứng, thiếu cơ chế giám sát và xử lý vi phạm về chất lượng vật tư, nông sản và quy trình sản xuất. Sản xuất và tiêu thụ phần lớn mang tính tự phát và khả năng truy xuất nguồn gốc hạn chế làm cho mức độ tin cậy của người tiêu dùng vào sản phẩm chưa cao.

vii) Tại vùng ven đô, quá trình đô thị hóa nông thôn diễn ra khá phổ biến làm cho các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh cũng bị chia cắt, manh mún, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống thủy nông (tưới và tiêu) cũng mất dần công năng. Chưa kể, NNĐT cũng tác động xấu ngược trở lại đến hoạt động sản xuất vùng nông thôn do nông dân có xu hướng chuyển về các thành phố để tìm kiếm việc làm do có thu nhập cao hơn, làm gia tăng nhu cầu về lương thực, thực phẩm tại nội đô, đồng thời giảm nguồn lao động tại nông thôn.

viii) Do tính thiếu ổn định của quy hoạch nên khó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến nông sản vùng ven đô.

4. Khuyến nghị giải pháp phát triển NNĐT tại Việt Nam

4.1. Về quy hoạch.

 Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã chỉ rõ, công tác quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, chính vì vậy, không gian cho phát triển NNĐT cũng bị ảnh hưởng. Do vậy quy hoạch đô thị cần lồng ghép với phát triển NNĐT, có tính đến đặc thù của vùng nội đô và ven đô, đến sản phẩm đặc sản, đặc hữu, bản địa và yêu cầu của thị trường.

4.2. Về phát triển và ứng dụng KHCN:  

Với điều kiện quỹ đất hạn hẹp thì để phát triển NNĐT bền vững, việc ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn, kinh tế số trong chuỗi sản xuất là yếu tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tiết kiệm chi phí, đồng thời giảm chất thải, phát thải.

i) Tại khu vực nội đô: Do chủ yếu phát triển các mô hình sản xuất phi chính quy, tận dụng không gian hạn hẹp của hộ gia đình như xung quanh nhà, ban công, sân thượng…hay tại ban công của chung cư nên sản xuất chủ yếu mang tính tự cấp, tự túc. Các đối tượng sản xuất cũng chủ yếu là rau (kể cả rau gia vị), cây ăn quả tầm thấp (chanh, khế, ổi…), hoa, cây cảnh. Trước và trong nhà, tùy điều kiện mà nuôi chim cảnh, cá cảnh, thú cảnh…Ngoài đường, công viên, chủ yếu phát triển cây xanh, hoa. Do vậy, công nghệ cần mang tính đặc thù cao, yêu cầu phù hợp mọi không gian, diện tích. Công nghệ sản xuất cần gắn với xử lý chất thải, bao gồm cả chất thải, nước thải sinh hoạt.

ii) Tại khu vực ven đô: Do có không gian rộng lớn hơn, nên ưu tiên phát triển mô hình nông nghiệp chính quy như trang trại, gia trại, vùng sản xuất chuyên canh gắn với sơ chế, đóng gói, bảo quản và thương mại. Các mô hình phù hợp cho vùng ven đô là:

- Mô hình trồng trọt: Rau các loại (kể cả rau mầm, rau gia vị), nấm ăn và nấm dược liệu; hoa (hoa chậu, hoa thảm, hoa cắt cành), sen (lấy hoa, hạt, củ và ngó sen); cây thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, có thể phát triển hoa và cây trồng bản địa khác theo các trục giao thông lớn, nhất là đường từ sân bay về nội đô.

- Mô hình chăn nuôi (gia súc, gia cầm, sản xuất trứng, sữa) gắn với xứ lý chất thải và nước thải làm phân bón; nuôi trùn quế để xử lý chất thải, đồng thời làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi (nhất là gia cầm) và phân bón lá các loại

- Nuôi trồng thủy sản (cá các loại, lươn, ếch, ba ba, cua...);

- Lâm nghiệp (cây xanh phân tán và cây xanh hạn chế ô nhiễm khu công nghiệp, bãi rác, nghĩa trang...). Các loại cây này cần theo hướng đa tầng, ít rụng rá, rễ ăn sâu, trong một số trường hợp có thể là cây đa tác dụng (che bóng, chăn gió và có sản phẩm như sấu, me...)

- Cây con làm cảnh: Cây cảnh, chó cảnh, chim cảnh và cá cảnh

- Các mô hình kết hợp như VAC, trồng trọt-chăn nuôi và trồng trọt-chăn nuôi-nuôi trồng thủy sản (Aquaponic)

4.3. Về đầu tư:

i) Các địa phương nên tham khảo chính sách hỗ trợ phát triển NNĐT của Thành phố Hồ Chí Minh để có chính sách phù hợp cho địa phương mình. Hiện tại, thành phố  Hồ Chí Minh cho mỗi dự án vay tối đa 200 tỉ đồng, mức hỗ trợ lãi suát từ ngân sách có thể ở mức 60, 80 và 100% với thời gian hỗ trợ không quá 5 năm.[6]

ii) Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các trung tâm giống và vật tư nông nghiệp phù hợp cho mỗi kiểu mô hình NNĐT như cây giống, con giống, giá thể, phân bón, thuốc BVTV chuyên dùng, công cụ tưới tiết kiệm, vật tư bảo quản, bao gói... Các mô hình nhà màng, nhà lưới cũng cần nghiên cứu và thiết kế cho phù hợp đối tượng và quy mô sản xuất.

iii) Hỗ trợ phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong nội đô và chợ phiên tại vùng ven đô.

4.4. Bảo vệ môi trường

Do phát triển đô thị quá nóng, thiếu quy hoạch nên vấn đề môi trường luôn trong tình trạng quá tải. Do vậy, cần ưu tiên tập trung cho:

i) Xử lý chất thải và nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; chế biến theo hướng hạn chế pha loãng chất thải. Hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng quá tải của công nghệ biogas khi xử lý chất thải chăn nuôi lợn thịt.

ii) Áp dụng cơ chế bù trừ tín chỉ các bon, cơ chế môi trường theo nguyên tắc người/tổ chức phát sinh ra chất thải (kể cả rác, nước thải sinh hoạt) và khí thải (bao gồm cả khí nhà kính) phải trả tiền.

iii) Đẩy nhanh việc di dời có trật tự các cơ sở sản xuất chế biến, khu vực giết mổ gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội đô các đô thị lớn. Xem xét việc chấm dứt hung táng trong khu vực đô thị tiến tới di dời ra các khu nghĩa tảng tập trung xa đô thị

iv) Đánh thuế tài nguyên với những cửa hàng rửa xe ô tô, xe máy.

4.5. Thương mại điện tử:

- Thành phố HCM có chủ trương hình thành các Trung tâm dịch vụ theo hướng “Một điểm đến-đa chức năng” là rất phù hợp cho nông nghiệp vùng ven đô. Do vậy, tại vùng ngoại ô, cần tạo mối liên kết khép kín theo chuối, sản xuất-chế biến-tiêu thụ và có thể truy xuất nguồn gốc.

- Mô hình thương mại kết nối trực tiếp người sản xuất và khách hàng kiểu H2H (Home to home) là một hướng đi có lợi thế, tương tự kiểu mô hình “Cây xoài nhà tôi” tại Đồng Tháp

 4.6. Phát triển nông nghiệp đô thị-sinh thái kết hợp du lịch

Hiện nay, phát triển nông nghiệp nói chung và NNĐT nói riêng gắn với du lịch là xu thế toàn cầu, nhất là tại các quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa vật thể và phi vật thể với đa dạng sản phẩm địa phương OCOP như Việt Nam. Tại các điểm du lịch, ngoài việc giới thiệu về di tích, thắng cảnh, du khách còn có dịp thưởng thức cũng như mua sắm sản phẩm đặc sản. Ngoài ra, còn có các tour khá đặc biệt được du khách đánh giá cao là tạo điều kiện để họ trực tiếp tham gia quá trình sản xuất mà trước đây họ chưa từng biết đến. Điển hình  có thể kể đến mô hình du lịch nông nghiệp – trang trại Đồng Quê Ba Vì của TS Ngô Kiều Oanh. Đến đây, du khách sẽ được tham gia trực tiếp vào các hoạt động nông nghiệp mang đậm dấu ấn văn hoá đồng quê Việt Nam dựa vào thiên nhiên như: Cấy lúa, úp nơm bắt cá bằng những dụng cụ làm bằng tre, trồng và hái các loại rau rừng và rau thảo dược, xem cách làm mật ong, tự hái và sao chè; cho đà điểu, dê, cừu, thỏ, bò sữa ăn…

Thay cho lời kết

Đô thị hoá là xu thế tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, đầu tư cho phát triển NNĐT chính là đầu tư cho Bốn mục tiêu tốt hơn là: Sản xuất tốt hơn, Dinh dưỡng tốt hơn, Môi trường tốt hơn và Sức khỏe tốt hơn; hay nói cách khác là NNĐT mang lại đa lợi ích cho quốc gia, cho mỗi đô thị và cho mỗi cư dân của các đô thị đó./.

 

[1] Nguyên bản tiếng Anh: Urban agriculture as “the growing of plants and the raising of animals within and around cities” to provide fresh food, generate employment, recycle waste, and strengthen cities’ resilience to climate change. (Nguồn: Twelve organizations promoting urban agriculture around the world/ https://www.csmonitor.com/Business/The-Bite/2016/1218/Twelve-organizations-promoting-urban-agriculture-around-the-world)

[2] Năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 người chết, trong khi năm 2022 chỉ xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc và 18 người tử vong. (Nguồn: Báo Tuổi trẻ online ngày 03/1/2024)

[3] Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

[4] Nghị quyết số 06-NQ/TW ….

[5] Nghị quyết số 06-NQ/TW ….

[6] Quyết định số 6002/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt “Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”