Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 10

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 10.

  Đêm đã khuya, Nguyễn Quýnh và Phan Bội Châu đã cạn không biết bao nhiêu ấm trà để nói và nghe kể về Tiểu La Nguyễn Thành. Sông Hương bị bóng đêm bao phủ nhạt nhòa như chìm trong cơn mê. Chỉ những ngọn đèn trên các con thuyền trôi xuôi ngược như những vì sao xa xăm. Gió xuân từ sông thổi vào se lạnh. Nguyễn Quýnh nói:

-Khuya rồi, kính mời thầy đi ngủ mai còn đi Quảng Nam.

  Sớm hôm sau, sau khi ăn sáng, Phan Bội Châu và Nguyễn Quýnh đi xe ngựa vào Quảng Nam. Mùa xuân thời tiết đẹp, dọc đường từng tốp người đi du xuân, làm đường đi thêm màu sắc. Những tà áo đen quần trắng của đàn ông, những tà áo tím quần trắng trên những thân hình mềm mại của đàn bà, của các thiếu nữ xứ Huế lượt là tung bay theo gió, những chiếc nón bài thơ che những mái tóc dài ngang vai như vẫy gọi. Xe ngựa lên đèo Hải Vân “Hùng sơn quan ải”, Phan Bội Châu vào Huế nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên ông qua đèo Hải Vân. Phan Bội Châu ngỡ ngàng trước cảnh thần tiên của Hùng Sơn Quan ải. Xe ngựa theo con đường ngoằn ngoèo, quanh co, lên dốc xuống dốc, giơ tay có thể chạm mây trời. Dưới những chân đèo quanh co là biển cả mênh mông, sóng vỗ vào những sườn núi đá tung bọt trắng xóa. Biển xanh biếc mênh mông nối liền với chân trời bát ngát.

  Hết đèo Hải Vân, xe đến trấn trị Đà Nẵng, nơi thực dân Pháp nổ phát đại bác đầu tiên bắt đầu chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1858. Qua Đà Nẵng Phan Bội Châu và Nguyễn Quýnh đi vào đất Quảng Nam rồi về phủ Thăng Bình, hỏi thăm vào Nam Thịnh Sơn Trang của Tiểu La Nguyễn Thành. Khi bước vào Sơn trang, Phan Bội Châu choáng ngợp với cơ ngơi của Nguyễn Thành, do bố là ông Nguyễn Trường để lại. Ông Nguyễn Trường là Bố chánh Bình Định, Kinh Lược sứ An Khê, hàm Tham tri. Ông Trường có hai con trai, người con đầu là Viên Triêm, con bà chánh thất nhưng qua đời khi còn nhỏ, thành ra toàn bộ cơ nghiệp này do Tiểu La Nguyễn Thành sở hữu. Khu đất mênh mông xây nhà cửa san sát, đúng nghĩa là nhà cao cửa rộng, nhà xây toàn bằng gạch, quét vôi trắng, mái lợp ngói vẩy cá màu xanh. Sơn trang thì rộng mênh mông, phủ đầy cây cao bóng lá xanh rờn.

  Gần trưa hôm đó, Tiểu La Nguyễn Thành đang ngồi uống trà thì có gia nhân vào báo:

-Dạ bẩm chủ nhân, ngài có khách ở Huế vào ạ.

-Mấy người?

-Dạ, hai người ạ.

-Mời vào.

-Dạ.

  Nguyễn Thành đội khăn thếp đen, mặc áo dài đen, quần trắng đi giầy ra ngoài sân:

-Xin chào hai tiên sinh.

Phan Bội Châu và Nguyễn Quýnh đáp:

-Xin chào tiên sinh Tiểu La.

  Tiên sinh Nguyễn Quýnh thì đã quen, còn đây là...?

-Xin giới thiệu đây Giải nguyên Phan Bội Châu, quê ở Nam Đàn Nghệ An, thầy của tôi nay vào thăm tiên sinh Tiểu La.

-Xin chào tiên sinh Phan Bội Châu, nghe danh tiên sinh từ lâu, nay mới được gặp.

  Phan Bội Châu cúi mình đáp lễ:

-Xin chào Tiểu La tiên sinh, tôi cũng nghe danh tiếng của tiên sinh từ lâu, nay hân hạnh mới được gặp.

  Rồi Tiểu La dẫn khách vào nhà. Ngôi nhà đứng giữa các ngôi nhà khác ba gian lợp ngói, tường quét vôi trắng xóa. Những cây cột lim to hai người ôm. Các xà ngang dọc cũng bằng gỗ lim chạm hoa văn tinh xảo. Sát tường gian giữa là bàn thờ lớn gỗ gụ, trên bàn đặt nhiều lư hương bài vị sơn son thếp vàng óng ánh. Trước những bài vị đặt những bát hương to bằng sứ, ngoài bát vẽ rồng xanh uốn lượn. Các bát hương đã đầy tàn nhang. Bàn thờ còn đặt những bộ lư hương bằng đồng vàng chóe có cắm hương dự trữ. Hai cây cột lim trước bàn treo hai câu đối dài sơn đen có viết hai câu bằng chữ Hán màu vàng. Trước bàn thờ thấp hơn đặt một chiếc bàn gỗ gụ màu nâu thẫm, hai bên đặt hai chiếc tràng kỷ cùng mầu thẫm với bàn, khắc hoa văn cây lá khảm ngọc trai sáng bóng. Đúng là dinh cơ của nhà quan Bố Chánh-Kinh lược sứ.

  Sau khi ba người an tọa, Tiểu La Nguyễn Thành gọi:

-Người đâu.

-Dạ chủ nhân.

-Đem trà nước.

-Dạ.

  Sau khi có trà nước, Tiểu La nói với ngươi gia nhân:

-Nấu ba suất cơm khách ngon, cả rượu đem lên đây.

-Dạ chủ nhân.

  Chủ khách gặp được người đồng tâm, đồng ý chí nên vui vẻ chuyện trò không ngừng cho đến hết bữa cơm. Cơm rượu xong Tiểu La nói:

-Xin mời hai tiên sinh đi nghỉ trưa kẻo đi đường xa mệt nhọc.

  Phan Bội Châu và Nguyễn Quýnh nói:

-Đa tạ tiên sinh.

  Chiều Tiểu La dậy sớm sai người pha trà, một lát ba người lại ngồi uống trà. Sau khi cạn một ly, Tiểu La nói:

-Sách thì hai tiên sinh không thiếu, tiên sinh Phan Bội Châu là Giải nguyên, là nhà giáo, tiên sinh Nguyễn Quýnh thì làm việc ở Quốc Tử giám. Nhưng trong tủ sách của hai người chắc là nhiều sách chữ Hán của Nho học, không biết có nhiều sách tân thư mang đầy những tư tưởng mới của Phương Tây, của Nhật Bản, của những nhà cải cách như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi của Trung Quốc không?

Phan Bội Châu và Nguyễn Quýnh nói:

-Đa tạ tiên sinh đã cho mở mang tầm mắt.

Hai người đứng lên theo Tiểu La vào phòng sách, trên các giá kê sát tường của một căn phòng rộng xếp đầy sách, giữa phòng kê những chiếc bàn ghế màu gụ để ngồi đọc. Ngoài sách chữ Hán, Phan Bội Châu đặc biệt chú ý những sách tân thư như “Thiên hạ đại trí luận “ của Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch, còn có các sách báo của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, báo Trung Quốc hồn, Tân Văn tùng báo, Dinh Hoàn chí lược, Trung Đông chiến kỷ, Pháp-Phổ chiến kỷ, các sách mới về nhân quyền, dân quyền, dân chủ của các nhà tư tưởng Âu-Tây dịch ra tiếng Hán như Dân ước luận, Vạn Pháp tình lý. Trong đó một số sánh tân thư trước đây Phan Bội Châu được Nguyễn Thượng Hiền cung cấp và đã đọc. Những cuốn mới mà lần đầu tiên Phan bội Châu được thấy là Doanh hoàn chí lược của Kế Từ Dư, Thiên hạ đại thế luận (Bàn về những thế lớn trong thiên hạ) của Nguyễn Tường Tộ, Tế cấp bát điều (Tám điều cần làm gấp), Khái lược về địa lý thế giới.

   Phạm Phú Thứ là người mở đầu cho tân thư mà Quảng Nam là quê hương đầu tiên. Nói đến tân thư ở Quảng Nam phải nói đến Phạm Phú Thứ, tiếp đó đến Tiểu La Nguyễn Thành, Nguyễn Thượng Hiền, Thân Trọng Huế, Đào Nguyên Phổ, Phan Chu Trinh. Trong giá sách của Tiểu La có nhiều những tân thư của Trung Quốc, có cả Thanh Nghị báo, Tân Dân tùng báo, các tác phẩm của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, bản dịch tiếng Pháp ra tiếng Trung tác phẩm Tinh ký của Môngtesquieu, còn nhiều sách về địa lý, lịch sử, khoa học dịch của Nhật Bản.

   Tân thư là sách mới dịch của Phương Tây, của Nhật Bản, nhưng cũng là những sách của các nhà tư tưởng cải lương Trung Quốc viết nên hay biên dịch từ sách vở Phương Tây hoặc dịch lại qua sách của người Nhật Bản như Âm băng thất, Tự do thư, Trung Quốc hồn. Nội dung tân thư thường là sách về khoa học kỹ thuật, khoa học quân sự, công nghiệp, trình bày về thiết chế xã hội, chính trị, kinh tế, tư tưởng học thuật. Tân thư khi đó phát hành ở Việt Nam  chủ yếu từ các thuyền buôn và hiệu buôn của người Hoa, giúp trí thức Việt Nam khi đó tiếp cận được thông tin thế giới bên ngoài, làm cơ sở cho việc hình thành các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào Duy tân. Tân thư giúp mang lại tư tưởng tiến bộ, dân chủ tư sản.

(Còn nữa)

CVL