Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 2

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 2.

Ông Phổ gật gù hỏi tiếp:

-Qua sách luận ngữ, con đánh giá Khổng Tử thế nào?

-Thưa cha, đọc sách này người ta thấu hiểu được phẩm chất và tư cách của Khổng Tử, nhất là về giáo dục. Ông thấu hiểu tâm lý của từng học trò, khéo đem lời giảng thích hợp với từng trình độ, từng hoàn cảnh của mỗi người, có khi cùng câu hỏi mà trả lời cho mỗi người một cách.

  Ông Phan Văn Phổ phấn khởi cười:

-Con khá lắm, mới 3 tuổi đã thuộc hết Tam tự kinh, 7 tuổi hiểu hết Luận ngữ. Con hãy mở rộng đọc nhiều tứ thư và ngũ kinh đi.

-Dạ, con vâng lời cha.

  Những năm trong thời gian đó, Pháp đang xâm lược Việt Nam nên những trận đánh giữa Pháp và quan quân triều đình không ngày nào là không bay tin về Nghệ An, toàn là những tin buồn vì những tin tức toàn là tin bại trận của quan quân triều đình Nguyễn. Trong những năm đó Phan Bội Châu liên tục hỏi cha:

-Cha ơi người Pháp nghe nói họ ở xa xôi lắm, sao lạ sang đánh chiếm nước ta làm gì?

  Ông Phổ đáp:

-Ừ đúng, Pháp ở tận châu Âu xa xôi lắm nhưng chúng đi khắp thế giới không khó khăn lắm vì chúng có tàu chạy bằng máy trên biển. Chúng đánh chiếm nước ta để bắt ta làm nô lệ, vơ vét bóc lột để chúng sung sướng giàu sang.

 - Cha kể quá trình Pháp đánh chiếm nước ta đi cha.

-Khởi đầu cho sự xâm lăng nước ta là năm 1858, quân Pháp do Phó Đô đốc Genouilly chỉ huy 14 tàu chiến và 3.000 binh lính nhằm đánh chiếm Đà Nẵng ngày 1-9-1859. Nếu chiếm được Đà Nẵng chúng sẽ vượt qua đèo Hải vân đánh thẳng vào kinh đô Huế, vì Đà Nẵng chỉ cách Huế 200 dặm, buộc triều đình ký hiệp ước đầu hàng kết thúc chiến tranh nhanh chóng. Quân xâm lược bao giờ cũng sợ một cuộc chiến tranh lâu dài. Nhưng tại Đà Nẵng chúng đã bị Tổng thống quân vụ Nguyễn Trị Phương đánh bại vì tiến sâu vào đất liền, đại bác trên tàu chiến ở tận ngoài biển, không thể yểm trợ được, thiếu lương thực, bị quân ta tiêu hao.

  Thất bại ở Đà Nẵng buộc Genouilly phải đem 2.000 quân, 8 tàu chiến vào đánh thành Gia Định (Sài Gòn) vì ở đây có nhiều sông ngòi, tàu chiến Pháp và đại bác phát huy thế mạnh, hơn nữa vùng đó lại có nhiều lương thực. Ngày 17-2-1859, Pháp đánh thành Gia Định. Thành Gia Định thất thủ, Tổng Đốc Gia Định Võ Duy Ninh tự sát chết. Ngày 24-2-1861, tướng Pháp Leonard Charner từ Gia Định tấn công Đại Đồn Chí Hòa. Đại đồn được Tổng thống quân vụ Nguyễn Tri Phương dày công xây dựng trong ba năm mà quân Pháp tấn công chỉ 2 ngày thì sụp đổ. Từ đó triều đình Tự Đức khiếp sợ, chủ trương hòa hoãn với Pháp để thương lượng, để chuộc lại những vùng đất, những thành trì đã mất. Chính Tự Đức và triều đình cũng không hiểu quân Pháp đánh nước ta để làm gì và vì sao lại đánh. Chỉ cho rằng do Triều đình cấm buốn bán, cấm truyền bá đạo Thiên Chúa là lý do Pháp đánh Việt Nam. Thì cứ thương lượng để thỏa mãn hai điều đó thì chắc chúng bãi binh và trả lại đất. Thi hành chiến lược hòa, không đánh để thương lượng là một chủ trương tai hại. Nó làm cho quan quân tê liệt ý chí và án binh bất động dù quân lực hàng vạn, trong khi đó ở Gia Định, Pháp lúc nhiều nhất chỉ có 4.000 tên. Triều đình lại quay lại phá hoại những cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam, lại run sợ trước đại bác và vũ khí tối tân của Pháp. Trong sự khiếp sợ đó, Triều đình cử Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp tới Gia Định thương lượng và ký hàng ước với Pháp năm 1862. Theo hiệp định bán nước đầu tiên đó, Nhà Nguyễn chịu dâng ba tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho Pháp. Phía Pháp phải trả lại tỉnh Vĩnh Long cho nhà Nguyễn và sẽ không xâm lược ba tỉnh miền Tây. Năm 1867 Pháp bội ước tấn công Vĩnh Long. Phan Thanh Giản mở cửa thành đầu hàng, dâng thành cho giặc. Ông còn viết thư khuyên Tổng đốc các tỉnh An Giang và Hà Tiên đầu hàng để không tốn máu của binh sĩ và nhân dân. Vậy là Pháp không tốn một viên đạn, chỉ 5 ngày từ 20 đến 24 tháng 6 năm 1867 đã lấy được 3 tỉnh Miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Phan Thanh Giản sau đó đã uống thuốc độc tự tử nhưng không trốn tránh được sự phán xét của lịch sử.

  Nhân dân Nam bộ căm thù quân xâm lược, oán trách triều đình bỏ rơi dân chúng và bán nước, họ đã nổi dậy theo các anh hùng đánh Pháp quyết liệt. Như cuộc kháng chiến của Trương Công Định, của Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Trương Quyền (con Trương Công Định), Phan Tôn, Phan Liêm (con của Phan Thanh Giản). Nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó do sự phản bội của Triều đình, các cuộc kháng chiến đều thất bại. Các anh hùng liệt sĩ đều hy sinh anh dũng trước họng súng của quân xâm lược tàn bạo. Pháp chiếm được 6 tỉnh Nam bộ, thiết lập bộ máy cai trị vơ vét đàn áp, làm bàn đạp đánh chiếm toàn bộ Việt Nam và Đông Dương.

  Để đánh chiếm miền Bắc, năm 1873, một đạo quân Pháp chỉ 180, thêm 2.000 người của Dupuis, có 2 tàu chiến và 4 đại bác do tướng Francis Garnier chỉ huy tấn công thành Hà Nội. Thành Hà Nội do Nguyễn Trị phương tổ chức kháng cự anh dũng nhưng đại bác Pháp trên tàu ở sông Hồng bắn vào thành dữ dội. Thành vỡ, sau đó quân pháp xung phong chiếm thành, chúng được trang bị súng trường hiện đại bắn nhanh, quân ta chỉ có súng hỏa mai, đại bác trên thành bắn không được, có bắn được thì đạn rơi xuống cũng không nổ, không gây sát thương nhiều, chỉ có rơi đúng tên nào thì tên đó bị thương như bị hòn đá đập vào. Thành Hà Nội thất thủ. Nguyễn Tri Phương bị thương và bị bắt, ông nhịn ăn mà chết. Con trai ông là Phò mã Nguyễn Tri Lâm cũng hy sinh trong trận đánh này. Quân Pháp thừa cơ đánh chiếm các tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Phủ Lý, Ninh Bình. Pháp đi đến đâu, quan quân bỏ thành chạy hoặc đầu hàng. Tướng giặc Garier  đem quân ra Cầu Giấy đánh quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc. Garnier lọt vào ổ mai phục và bị quân Cờ Đen giết chết. Cái chết của Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Kỳ làm quân Pháp vô cùng hoang mang định rút chạy về miền Nam, đang khi đó Triều đình Nguyễn lại ra ký hàng ước, mở nhiều cửa biển miền Bắc cho tàu Pháp vào, cho Pháp đóng quân nhiều nơi, kể cả gần thành Hà Nội. Quân Pháp trả lại Thành Hà Nội cho nhà Nguyễn.

Năm 1882 Pháp đem 500 quân  và tàu chiến do tướng Henri Riviere chỉ huy đánh thành Hà Nội lần 2. Thành Hà Nội thất thủ, Tổng Đốc Hoàng Diệu treo cổ tự vẫn. Trước khi tự vẫn Hoàng Diệu đã vào tẩm cung viết thư cho Tự Đức nói rõ nguyên nhân thành Hà Nội mất là do Tự Đức sợ mất lòng quân Pháp đã khước từ tất cả những đề nghị của Hoàng Diệu cho thêm đại bác, tăng thêm quân và các biện pháp tăng cường phòng thủ.

  Từ Hà Nội, tướng giặc Henri Riviere lại tự đem quân đánh ra phía Tây Hà Nội, đến Cầu Giấy lại bị quân Cờ Đen mai phục và Riviere bị giết chết. Sau đó chiến tranh Bắc Kỳ lan rộng. Quân Pháp phải chống nhau với quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, với  quân của Triều đình do Hoàng Tá Viêm chỉ huy và với quân Thanh đã xâm nhập Bắc Kỳ.

  Năm 1883 quân Pháp thấy phải đánh vào Huế buộc triều đình ký hàng ước để nhanh chóng chiếm Bắc Kỳ, nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Ngày 16 tháng 8 năm 1883, Đô đốc Amedee Courbetn chỉ huy quân Pháp tấn công vào cửa biển Thuận An. Lúc này Tự Đức đã từ trần. Triều đình Huế đành phải đầu hàng, ký hiệp ước do tên Hác măng viết sẵn, dâng toàn bộ Việt Nam cho Pháp. Năm 1884, Pháp lại buộc triều đình ký thêm một Hiệp ước viết sẵn, gọi là hiệp ước Pa tơ nốt, nội dung như hiệp ước Hác măng, chỉ điều chỉnh khu vực hành chính, Pháp chia nước ta thành 3 kỳ, Bắc Kỳ từ toàn bộ Miền Bắc đến Ninh Bình, Trung Kỳ gồm toàn bộ Thanh Hóa đến Bình Thuận, Nam Kỳ từ Đồng Nai đến cực Nam là mũi Cà Mau.

(Còn nữa)

CVL